Hội đàm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh qua biên giới
Ngày 13-2, tại khu vực mốc 188, Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, BĐBP Hà Giang tổ chức hội đàm với Phân trạm Kim Xưởng- Trạm kiểm soát Biên phòng xuất nhập cảnh Mã Quan, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về tình hình dịch Covid-19 và thảo luận tăng cường công tác quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh qua biên giới.
Đoàn đại biểu Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, BĐBP Hà Giang (Việt Nam) và Đoàn đại biểu Phân trạm Kim Xưởng thuộc Trạm kiểm soát Biên phòng xuất nhập cảnh Mã Quan (Trung Quốc) hội đàm tại thực địa khu vực mốc 188, trao đổi công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Kim Nhượng
Trong cuộc hội đàm tại thực địa, hai bên đã trao đổi, đánh giá chung tình hình công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh; tình hình, biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 ở khu vực hai đơn vị quản lý.
Trong cuộc hội đàm hai bên nêu rõ, trong năm 2019, hai đơn vị đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát người qua lại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước giao lưu, thăm thân, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.
Các vụ việc xảy ra liên quan đến biên giới, hai bên đều phối hợp điều tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật của mỗi nước và thỏa thuận của hai nước; đồng thời tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, tin cậy lẫn nhau cùng chung tay xây dựng biên giới Việt Nam- Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đặc biệt hai bên đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 lây lan qua biên giới, thường xuyên trao đổi tình hình dịch bệnh, để cùng chủ động trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn. Cùng với đó, luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không qua lại biên giới trong thời điểm có dịch, thực hiện các biện pháp phòng dịch ngay tại gia đình và nơi mình sinh sống. Tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biên giới nhằm ngăn chặn không để công dân hai bên biên giới qua lại trái phép tại các đường mòn, lối mở và chỉ giải quyết hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) và cửa khẩu Đô Long (Trung Quốc), nơi có trang thiết bị kiểm tra y tế, kiểm soát dịch bệnh.
Đoàn đại biểu hai bên phối hợp tổ chức tuần tra chung, kiểm tra khu vực mốc 188, thôn Hậu Cấu, xã Chí Cà, huyện Xín Mần. Ảnh: Kim Nhượng
Video đang HOT
Phân trạm Kim Xưởng, Trạm kiểm soát Biên phòng xuất nhập cảnh Mã Quan (Trung Quốc) tiến hành trao trả 11 công dân Việt Nam cho Đồn Biên phòng Xín Mần, BĐBP Hà Giang tại cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) vì có hành vi nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc. Ảnh: Kim Nhượng
Kết thúc hội đàm, hai bên thống nhất trong thời gian tới, tiếp tục duy trì mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ biên giới và kiểm soát xuất nhập cảnh; thực hiện nghiêm túc các hiệp định, hiệp nghị, các biên bản mà Chính phủ, Nhà nước cũng như cấp trên của hai bên đã ký kết.
Hai bên thường xuyên trao đổi kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn mình phụ trách, để cùng nhau nắm và chủ động phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân hai bên hiểu rõ về dịch Covid-19. Nghiêm cấm người dân qua lại hai bên biên giới tại các đường mòn, lối mở; khuyến cáo người dân hạn chế đi lại tại cửa khẩu. Trong trường hợp có việc thực sự cần thiết, phải làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) và Đô Long (Trung Quốc) và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh của mỗi bên.
Đối với những công dân của hai bên xuất nhập cảnh trái phép mà bị lực lượng chức năng bên kia bắt giữ thì hai bên phối hợp trao trả tại cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) và Đô Long (Trung Quốc).
Trong khuôn khổ buổi hội đàm, tại cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam), Phân trạm Kim Xưởng thuộc Trạm kiểm soát Biên phòng xuất nhập cảnh Mã Quan (Trung Quốc) đã tiến hành trao trả 11 công dân Việt Nam cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, BĐBP Hà Giang vì có hành vi nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc. Ngay sau khi tiếp nhận 11 công dân trên, Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp kiểm tra, giám sát, cách ly y tế theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Kim Nhượng
Theo Bienphong
"Chuyện cổ tích" nơi biên cương cực Bắc
Trên hành trình tham quan Cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), có dịp ghé thăm Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang, nhiều người sẽ bắt gặp cảnh các cháu nhỏ vui chơi, sinh hoạt như nhà ở nơi đây.
Hỏi ra được biết, đó là những "con nuôi đồn Biên phòng" đã được đơn vị đưa về nuôi dưỡng suốt 3 năm nay. Việc làm đầy tính nhân văn này đã có sức lan tỏa đến cộng đồng xã hội, làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi biên cương cực Bắc.
Thượng úy Ly Mí Dình dạy các con nuôi học bài hằng ngày. Ảnh: Thanh Thuận
Bỏ lại sau lưng những ồn ào của cuộc sống nơi đô thị, tôi quyết định "hành quân" lên Hà Giang với mong ước được trải nghiệm tiết trời Đông lạnh giá của cao nguyên đá. Từ thành phố Hà Giang, tôi may mắn được nhập đoàn với chuyến xe chở các cựu chiến binh Biên phòng trong hành trình thăm cao nguyên đá. Xe xuất phát từ 5 giờ sáng theo quốc lộ 4C trong màn sương mờ mịt của buổi sớm vùng cao. Với quãng đường hơn 160km toàn đèo, dốc quanh co, uốn lượn ôm lấy những ngọn núi đá tai mèo hùng vĩ, phải mất 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến huyện Đồng Văn.
Đón đoàn chúng tôi, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú vui vẻ như lâu ngày gặp lại người thân. Những lời giới thiệu về đơn vị của người Chính trị viên đã từng có nhiều năm gắn bó với biên cương khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi sau quãng đường dài lên Lũng Cú.
Trong câu chuyện của mình, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy kể về những con nuôi của đơn vị. Đó là các cháu: Thò Thị Dính (sinh năm 2005), Thò Mí Và (sinh năm 2008) và Thò Thị Súa (sinh năm 2012), là 3 chị em ruột trong một gia đình người Mông ở thôn Mã Lủng A, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Dù còn nhỏ nhưng 3 chị em Dính đã phải trải qua những biến cố lớn trong cuộc đời. Đó là đầu năm 2015, bố các cháu qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Ít lâu sau, mẹ các cháu bỏ nhà đi Trung Quốc lấy chồng. Các cháu sống cùng với ông bà nội và vợ chồng người chú ruột, nhưng rồi người chú cũng mất sau đó 1 năm, người thím bỏ lại 2 con đi đâu không về. Ông bà nội đã già yếu phải nuôi 3 chị em Dính và 2 con của người chú khiến cảnh nhà vô cùng khó khăn. Dính phải nghỉ học đi cắt cỏ, lấy rau lợn, kiếm củi... phụ giúp ông bà.
Biết được hoàn cảnh éo le của các cháu, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy đã cùng cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú đến nhà thuyết phục ông bà được nhận 3 chị em Dính đưa về nuôi dưỡng tại đơn vị cho đến khi các cháu học hết lớp 12. Tuy nhiên, ông bà nội của các cháu không đồng ý. "Đích thân tôi phải đi vận động, lúc thì đi cùng Trưởng thôn, lúc thì cùng Bí thư chi bộ, lần khác lại cùng các thầy, cô giáo và người có uy tín của thôn vận động gia đình. Sau 3 lần đi thuyết phục, ông bà mới đồng ý cho đơn vị đưa các cháu vào đồn Biên phòng nuôi dưỡng"- Thượng tá Phạm Ngọc Thủy giãi bày.
Để các con nuôi quen dần với cuộc sống trong đồn Biên phòng, chỉ huy đơn vị đã cắt cử riêng một tổ cán bộ, chiến sĩ chăm lo cho các cháu. Ngoài thời gian làm việc, các cán bộ, chiến sĩ trong tổ đã kiên trì dạy các con học chữ phổ thông, hướng dẫn các con mọi việc cá nhân, đưa đón các con tới trường... "Phải có tình yêu thương con trẻ thì các cán bộ, chiến sĩ mới đủ kiên trì, nhẫn nại dạy dỗ các cháu. Mục tiêu của đơn vị là muốn giúp các con được đi học, biết mơ ước để sau này thành cán bộ về phục vụ địa phương" - Thượng tá Thủy bộc bạch.
Dù đã đặt ra một kế hoạch tỉ mỉ, nhưng chính Thượng tá Thủy cũng không thể lường hết được những khó khăn trong quá trình nuôi dưỡng các con tại đơn vị. 3 chị em vốn sinh hoạt tự do, giờ phải làm quen với chế độ, giờ giấc, nền nếp trong môi trường quân đội. Lúc đó, Súa chỉ mới 4 tuổi, chưa biết nói tiếng phổ thông, tính cũng rất hiếu động, lại thường xuyên bị ốm, khiến các chú trong tổ nuôi dưỡng phải vất vả chăm sóc. Dính và Và đang tuổi ăn, tuổi lớn, thường có những trò nghịch ngợm khiến các cán bộ phải để tâm rất nhiều tới các cháu!
Dẫn chúng tôi xuống căn phòng có gắn tấm biển màu đỏ ghi dòng chữ "Phòng con nuôi Biên phòng", Thượng tá Thủy giới thiệu các con nuôi với chúng tôi. Lúc này, các con đang chăm chú làm bài tập về nhà do Thượng úy Ly Mí Dình kèm cặp. Thượng úy Dình là một trong số những cán bộ được chỉ huy đồn giao trực tiếp chăm sóc các cháu ngay từ những ngày đầu đơn vị đón các cháu về nuôi dưỡng.
Tâm sự với chúng tôi, Thượng úy Ly Mí Dình cho biết: "Sau 3 năm ở đồn Biên phòng, các con đã có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức, học tập và tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người. Súa nhỏ tuổi nhất đã biết nói tiếng phổ thông và đang học lớp 2 (lúc vào đơn vị, con mới học mẫu giáo). Còn Và đã được tuyển vào trường nội trú huyện. Năm học tới, con sẽ ra huyện Đồng Văn học".
Cô chị cả Thò Thị Dính cho biết, năm nay, Dính đang học lớp 8, cuộc sống ở đồn Biên phòng của cháu đã đi vào nền nếp. "Sống trong Đồn Biên phòng Lũng Cú, 3 chị em cháu không phải ăn ngô, nghỉ học nữa mà được các chú bộ đội chăm sóc chu đáo, lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ, được đến trường học hành, tối về lại dạy học, hỏi han các cháu. Chúng cháu thấy như được sống với người thân, thấy các chú bộ đội như người cha, người chú của mình. Chúng cháu biết ơn các chú Biên phòng lắm" - Thò Thị Dính chia sẻ.
Ngoài giờ học, các con nuôi quấn quít tâm sự mọi chuyện với Thượng úy Ly Mí Dình. Ảnh: Thanh Thuận
Khẽ chỉnh lại tư thế ngồi học cho "cô út" Thò Thị Súa, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy bày tỏ: "Con nuôi đồn Biên phòng" là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc. Với mô hình này, chúng tôi hy vọng các con nuôi sau này lớn lên sẽ trở thành cán bộ địa phương, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc".
êm trên Lũng Cú chầm chậm trôi đi trong im ắng vô cùng. Ở độ cao 1.800 mét, cộng với khu vực núi đá, nên về đêm nhiệt độ ở đây hạ xuống rất nhanh. Đang mơ màng trong giấc ngủ, tiếng hô tập thể dục buổi sáng khỏe khoắn phía trước sân đồn Biên phòng khiến tôi choàng tỉnh giấc. Qua ô cửa sổ, trong ánh sáng lờ mờ và màn sương bảng lảng, tôi nhận ra những bóng dáng nhỏ nhắn của các con nuôi đang tập những động tác thể dục hệt như của những người lính. Tôi như nhìn thấy trong hình hài các em bóng dáng những người chủ nhân tương lai của vùng cao nguyên đá.
Các em sẽ là những nhân vật chính trong "chuyện cổ tích mới" được viết nên bằng tình yêu thương, sự tận tụy của những tấm lòng người lính Biên phòng nơi biên cương cực Bắc...
Thanh Thuận
Theo bienphong
Ra mắt mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" tại Đồn Biên phòng Sơn Vĩ và Xín Cái Ngày 23-9, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ và Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang đã tổ chức Lễ ra mắt mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng". Dự buổi lễ có đồng chí Trần Quang Minh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc; một số ban, ngành huyện; chính quyền địa phương hai xã Sơn Vĩ, Xín Cái (huyện...