Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay: “Món nợ” của ngành Y với Làng Rêu
Không chỉ là huyện miền núi với nhiều khó khăn bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi, Ba Tơ còn được biết đến như “thủ phủ” của căn bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mà đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao mắc bệnh.
Đường vào làng Rêu.
Bí ẩn bệnh lạ
Từ trung tâm huyện Ba Tơ, vượt hơn 60km đường theo Quốc lộ 24, rẽ vào Tỉnh lộ 624 mới có thể về thôn Làng Rêu, xã Ba Điền. Thôn Làng Rêu, một trong 3 thôn của xã Ba Điền từng bùng phát căn bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân khiến nhiều người chết.
Gia đình bà Phạm Thị Su (55 tuổi, dân tộc H’Re) nằm ở đầu thôn, là hộ đầu tiên có người nhà bị “bệnh lạ”. Bà Su ẵm đứa cháu mới hơn 2 tuổi trên tay và dắt theo đứa cháu 9 tuổi, thuật lại câu chuyện: “Con gái mình tên Phạm Thị Phìn. Năm 2012 nó mới 25 tuổi nhưng căn “bệnh lạ” kia đã cướp lấy mạng sống của nó. Nó chết rồi, để lại đứa con cho vợ chồng mình nuôi”.
Bà Su kể, ở thôn Làng Rêu, một số người đã bị “bệnh lạ” mang đi. Đến nay sau một thời gian dài, nhiều đoàn bác sỹ đến tìm hiểu, khám bệnh nhưng dân làng vẫn chưa biết được lý do, nên vẫn còn nỗi lo không biết sau này bệnh có trở lại?
Trưởng thôn Làng Rêu Phạm Văn Đố kể: “Bệnh này nghe một số người bảo do ăn gạo mốc mà gây nên. Nhưng một mâm cơm cả nhà có 5 – 6 người ăn, sao lại chỉ 1 -2 người bị bệnh? Cả thôn và xã rất mong sớm nhận được thông tin từ ngành chức năng kết luận về lý do gây ra bệnh, cũng như có hay không việc lây bệnh từ người này sang người khác”, trưởng thôn nói.
Cũng có những trường hợp người bị bệnh mà không chết như vợ chồng ông Phạm Văn Nga (SN 1973) và bà Phạm Thị Tre (SN 1974). “Bệnh nó đến với bà nhà tôi trước, sau đó chưa đầy một tuần nó cũng tìm đến tôi.
Video đang HOT
Triệu chứng chung ban đầu là nhiều vùng da trên cơ thể bị đổi sang màu đỏ nhẹ, mắt mờ, tai điếc, người rất mệt. Vợ chồng tôi được đưa vào Bệnh viện Quy Nhơn chữa trị. Bây giờ dù bệnh đã qua nhưng mắt vẫn còn mờ, sức khỏe giảm sút nhiều….”, ông Nga kể.
Cuối năm 2011 đầu năm 2012 và đầu năm 2013 – 2014 là thời điểm “bệnh lạ” bùng phát mạnh. Trong thôn, gần như mỗi tháng đều có người chết. “May mà sau đó, chính quyền và ngành Y tế vào cuộc khám chữa bệnh, giúp người dân phòng chống bệnh như buộc ăn chín uống sôi; chuồng trâu bò, vật nuôi phải làm xa nhà; đường làng, ngõ xóm thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ; ai thấy không khỏe đều phải ra trạm y tế xã khám và cấp thuốc; nhiều đoàn từ thiện và các cấp ngành đến hỗ trợ gạo, nước sạch, mùng mền, chiếu gối, thuốc bổ…”, trưởng thôn cho hay.
Chưa tìm được nguyên nhân
Theo bác sỹ Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, từ khi bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân xuất hiện ở huyện Ba Tơ vào năm 2011, đến nay đã có đến 63 đoàn từ Trung ương đến địa phương gồm các Bộ, Cục, Viện, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, các trung tâm chuyên khoa và cả hệ thống chính trị vào cuộc để khảo sát (lấy mẫu máu, tóc, da, đất, nước, các loại rau, lúa, gạo, bắp, thuốc trừ sâu… để xét nghiệm); hỗ trợ, nghiên cứu, can thiệp, chỉ đạo với hơn 3.700 người về Ba Tơ, đặc biệt xã Ba Điền.
Thế nhưng, kết quả kết luận về nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa có. Theo một số ý kiến, chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, ngành Y vẫn đang còn “món nợ” với làng Rêu.
Bình yên đã trở lại với một gia đình có người mắc bệnh lạ ở Làng Rêu.
Bác sỹ Phượng cho hay, dù vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh, song thời gian qua, sau khi các ngành chức năng và các cấp chính quyền vào cuộc, đã một thời gian dài (từ năm 2014 đến nay) căn bệnh này vẫn không quay lại Làng Rêu.
Hơn nữa, ngoài được tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong phòng chống dịch bệnh, người dân cũng thường xuyên được ngành Y tế và chính quyền địa phương, các đoàn từ thiện về chia sẻ, động viên, thăm hỏi, khám chữa bệnh, cấp thuốc, bổ sung thuốc bổ, các loại thực phẩm dinh dưỡng cũng như phun hóa chất để khử trùng… và tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, cấp gạo, kinh phí mua thuốc men, trang thiết bị chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh… Nhờ đó đến nay, “bệnh lạ” đã tạm được khống chế; người dân có phần an tâm hơn để lao động, sản xuất.
“Riêng với ngành Y tế địa phương, ngoài việc tuyên truyền những thông tin cần thiết cho người dân, đơn vị cũng khẳng định với đồng bào, bệnh này không lây lan từ người sang người”, bác sỹ Phượng chia sẻ.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, từ tháng 4/2011 đến năm 2015, toàn huyện có 6 xã gồm: Ba Điền, Ba Xa, Ba Vinh, Ba Tô, Ba Ngạch và Ba Nam có bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mà nhiều người còn gọi “Bệnh lạ”, với tổng số mắc bệnh 223 ca, trong đó hàng chục người chết (đều ở Làng Rêu), tái đi tái lại.
Từ tháng 12/2017 đến 2/2018, bệnh đột nhiên quay trở lại; trên địa bàn huyện xuất hiện thêm 5 ca bệnh mới (trong đó xã Ba Ngọc 3 ca, xã Ba Nam 2 ca), nâng tổng số mắc bệnh này lên 228 ca.
Rất may, riêng 5 ca sau này đã được chữa trị khỏi. Ngay sau khi phát hiện những trường hợp mắc hội chứng Viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc khẩn cấp. Từ tháng 2/2018 đến nay, tại Ba Tơ không xuất hiện thêm ca bệnh mới cũng như tái phát bệnh.
Mặc dù vậy, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ vẫn đang duy trì thực hiện thường xuyên các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, duy trì tổ chức khám sàng lọc bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân và phun hóa chất xử lý môi trường tại tất cả các xã đã phát sinh bệnh.
Vũ Vân Anh
Theo baophapluat.vn
Hàng chục ngàn người bị tàn tật hoặc chết do sai sót y khoa ở Anh
Theo nghiên cứu mới, 1/12 bệnh nhân bị tổn hại bởi những sai sót y khoa, 12% trong số đó chịu tàn tật vĩnh viễn hoặc đã chết.
Nhiều bệnh nhân chịu thương tật vĩnh viễn hoặc thậm chí là tử vong do sai sót y khoa - Shutterstock
Sai sót trong ngành y không bao giờ có thể được loại bỏ 100%, nhưng mục tiêu y học cứu người là càng hạn chế càng tốt. Tuy nhiên, sự thật cho thấy chúng ta còn chặng đường dài mới đạt được điều mong muốn.
Nghiên cứu của Đại học Manchester (Anh) xem xét 337.025 hồ sơ bệnh nhân từ năm 2000 đến 2009 cho thấy các bác sĩ và y tá đã mắc sai lầm khi điều trị cho 6% bệnh nhân, tương đương 20.221,5 người. Trong khi đó, năm 2016, chuyên gia ước tính có khoảng 200.000 đến 400.000 người Mỹ chết mỗi năm do lỗi y tế, theo Daily Mail.
Quay lại nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Y học Anh (BMJ), các tác giả đề tài khoa học đã phân tích và kể ra sai sót bao gồm tất cả mọi thứ, mọi khâu, từ không lường phản ứng xấu do thuốc đến các lỗi phẫu thuật như thực hiện thao tác sai trên bệnh nhân... Hầu hết các sai lầm xảy ra trong môi trường bệnh viện và liên quan đến cho thuốc sai, điều trị sai hoặc lỗi phẫu thuật.
Nhóm nghiên cứu ước tính khoảng một nửa trong số những chấn thương tâm lý, nhiễm trùng và những sai lầm khác có thể tránh được.
Ngoài ra, có đến 6/7 sai sót y khoa không được báo cáo. Vì vậy, con số khổng lồ bệnh nhân "chịu trận" như nghiên cứu công bố cũng vẫn còn... khiêm tốn, theo Daily Mail.
Các nhà khoa học kêu gọi xây dựng quy trình tốt hơn để ngăn chặn các sai sót y tế nói trên. Họ cũng khẩn thiết mong các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế thực hành an toàn và nâng cao trách nhiệm hơn đối với bệnh nhân.
Theo Thanh niên
Báo động: Người bị tăng huyết áp ở Hà Tĩnh chiếm gần 25% dân số! Những năm qua, Hà Tĩnh không ngừng nỗ lực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, với thực trạng gia tăng người mắc các bệnh không lây nhiễm, nhất là tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ), ngành y đang đối mặt với không ít thách thức. Cảnh báo bệnh tăng huyết áp, đái tháo...