“Hội chứng trẻ xanh” vì ăn rau nhiễm độc
“Các loại rau xanh mướt quá mức bình thường rất có nguy cơ chứa hàm lượng NO3 quá mức cho phép. Ăn phải các loại rau này, trẻ dễ mắc “ hội chứng trẻ xanh” và ung thư”.
GS.TSKH.Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, Thực phẩm Việt Nam (VAFoST) cho biết tại buổi toạ đàm “Cảnh báo lạm dụng hoá chất trong lương thực, thực phẩm” do báo Khoa học & Đời sống tổ chức sáng 29/1.
Theo GS Diên, rau xanh vốn là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong khẩu phần ăn của cả trẻ em và người lớn. Nó là nguồn bổ sung chất xơ, các loại vitamin, khoáng chất… giúp tăng cường sức khoẻ của mỗi người. Tuy nhiên, do nhiều nông dân ham lợi nhuận, không hiểu biết đã sử dụng hàm lượng phân đạm quá nhiều để “thúc” rau nhanh lớn, xanh mỡ màng dẫn đến hàm lượng NO3 trong phân đạm cũng tồn dư quá phép trong rau xanh. Đáng ngại là việc lạm dụng chất này trong rau xanh là rất phổ biến. Sau mỗi lứa thu hoạch rau, đất đều được rắc trực tiếp một lớp phân đạm. Đến khi trồng rau, phân đạm tiếp tục được hòa vào nước dùng tưới rau hàng ngày với mục đích “thúc” rau nhanh lớn, non mướt, mỡ màng.
Video đang HOT
Khi chọn rau, người tiêu dùng nên chọn các loại rau có nguồn gốc rõ ràng. Chú ý đến màu sắc của rau. Không nên chọn những loại có màu xanh mướt mỡ màng bất thường, vì đó là dấu hiệu của rau được bón quá nhiều phân đạm (Ảnh minh hoạ: H.Hải)
Trong khi đó, với hàm lượng NO3 quá cao trong rau quả sẽ gây bệnh trực tiếp cho người sử dụng. NO3 khi vào cơ thể với lượng bình thường không gây hại cho cơ thể. Nhưng nếu vượt quá mức cho phép sẽ làm giảm hô hấp của tế bào, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể, âm thầm phá huỷ đường tiêu hoá. Nếu ở mức cao sẽ phản ứng với các amin thành chất gây ung thư gọi là nitrosamin.
“Với những trẻ thường xuyên ăn phải nguồn rau này, nguy cơ mắc Hội chứng trẻ xanh (Methemoglobinaemia) rất cao. Đây là hội chứng thường xảy ra khi đứa trẻ dưới 1 tuổi, nó gây “tắc nghẽ hóa học” và kìm hãm sự vận chuyển oxy trong máu làm cho đứa trẻ xanh xao, chậm lớn và gầy yếu. Đáng nguy hiểm, NO3 không gây ngộ độc cấp tính như ăn phải các loại rau có thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật… dễ nhận biết mà dần tích luỹ gây bệnh. Điều quan trọng nhất là nhận thức của nhiều người về sự nguy hiểm của loại rau xanh mướt này chưa cao. Đại đa số mọi người vẫn mới chỉ nhìn nhận sự nguy hiểm của rau có hàm lượng thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật… mà chưa thực sự quan tâm đến nguy cơ NO3 trong rau xanh”, GS Diên nói.
Chưa kể, lượng phân đạm dư thừa mà cây trồng không sử dụng hết lại bị bốc hơi vào không khí hoặc bị rửa trôi từ đất xuống hồ ao, sông lạch, làm nhiễm bẩn các hồ chứa nước, giết chết các loại thủy sinh, đầu độc chim muông… và cả con người khi nó nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt.
Vì tính độc hại của NO3, nên các cơ quan chức năng cũng đã quy định ngưỡng cho phép sự có mặt của NO3 trong rau xanh rất cụ thể. Giới hạn cho phép phụ thuộc vào từng loại rau. Với bắp cải, su hào, súp lơ, củ cải là dưới 500mg trên một kg rau xanh; đậu ăn quả, ớt ngọt là dưới 200mg trên một kg; cà chua, dưa chuột là dưới 150mg. Cao nhất là xà lách, mức tồn dư giới hạn cho phép là dưới 1.500mg trên một kg.
Rau mầm dễ trồng, nhanh được thu hoạch, giá trị dinh dưỡng cao là một sự lựa chọn an toàn cho trẻ em (Ảnh: H.Hải)
Để hạn chế NO3 thì nên tránh ăn rau quá xanh, mỡ màng bất thường vì điều này thể hiện chúng hấp thu nhiều NO3. Với trẻ em đang ở lứa tuổi nhỏ, tuổi ăn dặm, tốt nhất là gia đình nên tận dụng hộp xốp để trồng rau mầm cho trẻ. Đây là một kỹ thuật trồng rau đơn giản, sau gieo mầm chỉ khoảng 5 ngày là được thu hoạch (tuỳ từng loại rau). Với một trẻ nhỏ, chỉ cần luôn duy trì khoảng 3 hộp xốp rau liên tục là có thể đủ nhu cầu về rau xanh cho trẻ.
Theo Hồng Hải
Dân trí