Hội chùa Hương: Chủ tịch HN phê bình huyện Mỹ Đức
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phê bình UBND huyện Mỹ Đức và Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch thực hiện không tốt nhiệm vụ được giao tại lễ hội chùa Hương.
Thời gian qua, dư luận phản ánh về những bất cập trong quản lý lễ hội tại chùa Hương. Ngày 14/2, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có ý kiến về việc này.
Chủ tịch chỉ rõ, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các lễ hội đầu xuân năm 2014. Qua đó, các lễ hội trên địa bàn thành phố nói chung và Lễ hội chùa Hương nói riêng được tổ chức tốt hơn những năm trước. Cụ thể, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, các hoạt động văn hóa có chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, trong việc tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2014 còn có những tồn tại, bất cập, do quản lý chưa tốt, thiếu thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm.
Chủ tịch Hà Nội phê bình UBND huyện Mỹ Đức, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện không tốt nhiệm vụ được giao để xảy ra những tồn tại, bất cập tại Lễ hội chùa Hương.
Người dân chen nhau thắp hương cầu may ở đền Thiên Trù trong ngày khai hội chùa Hương (ngày 6/1 âm lịch). Ảnh: Đức Nguyễn
Chủ tịch TP Hà Nội giao nhiệm vụ: Thành lập tổ công tác liên ngành của Thành phố do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì và các ngành liên quan để chỉ đạo thường xuyên, kịp thời tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm và khắc phục những vi phạm tại Lễ hội chùa Hương.
Công an thành phố chủ trì phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức và các ngành liên quan đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại lễ hội; kiểm tra, xử lý chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra tại lễ hội; không để xảy ra hiện tượng “cò” vé đò, cáp treo.
Chủ tịch cũng yêu cầu huyện Mỹ Đức quản lý, tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay; sắp xếp lại các hàng quán, trong khu vực I của di tích chùa Hương không kinh doanh dịch vụ ăn uống; chấm dứt tình trạng treo bán động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mất mỹ quan, gây phản cảm; xử lý nghiêm tình trạng ép giá, bắt chẹt khách du lịch, ăn xin, bói toán, cờ bạc, trộm cắp, đảm bảo trật tự, văn minh tại lễ hội; đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom rác thải…
Theo Khampha
"Ngộp thở" cáp treo chùa Hương ngày khai hội
Sáng ngày 5/2 (tức mồng 6/1 âm lịch) lễ hội chùa Hương ở huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội chính thức khai hội với sự tham gia của hàng vạn du khách thập phương về trẩy hội. Hàng ngàn người dân đã phải "dài cổ" chờ cáp treo lên thăm động Hương Tích.
Năm nay, lễ hội chùa Hương khai hội vào đúng ngày nghỉ của giới công chức, văn phòng nên lượng người đổ về lễ hội đông nghẹt. Người dân tấp nập đổ về động Hương Tích, động Tiên Sơn, chùa Thiên Trù, chùa Giải oan...dâng hương đầu năm.
Video đang HOT
8h30 phút, ban tổ chức đã làm lễ "mửa cửa rừng" chuẩn bị làm lễ khai hội chùa Hương. Đúng 9 giờ, nghi lễ khai hội chùa Hương được bắt đầu bằng màn múa lân, rồng hoành tráng, tái hiện một không gian văn hóa tâm linh đặc sắc mang đậm tính truyền thống Phật giáo.
Sau khai hội, nhiều du khách đã khách đã hành hương lên động Hương Tích bằng cả đường bộ và cáp treo. Con đường dẫn lên động Hương Tích dài hơn 3 km, do vậy nhiều người đã chọn phương tiện cáp treo để đi lên. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên lúc 9h sáng hệ thống cáp treo đã hoạt động quá tải, từng dòng người xếp hàng dài nối đuôi nhau chờ đi cáp treo. Vé cáp treo lên động Hương Tích được bán giá 140.000 đồng/1 lượt (cả đi lẫn về).
Hàng ngàn người xếp hàng dài chờ cáp treo lên động Hương Tích
Anh Phạm Văn Hải, 32 tuổi ở Hưng Yên cho hay, vì sức khỏe yếu nên anh và gia đình chọn mua vé đi cáp treo lên động Hương Tích. "Tuy nhiên tôi phải xếp hàng và chờ cáp treo từ lúc 9h đến 9h30 mà vẫn chưa lên động Hương Tích được. Tôi vẫn biết lễ hội đông, nhưng không ngờ đi cáp treo cũng phải xếp hàng chờ lâu đến vậy", anh Hải nói.
Cùng tham gia hành hương lên động Hương Tích, chị Nguyễn Thị Hoa, 28 tuổi quê ở Thái Bình cho biết, chị đang làm nhân viên văn phòng ở một công ty nhà đất ở Hà Nội. Do hôm nay vẫn là ngày nghỉ nên chị Hoa đã lên Hà Nội trước một ngày rủ bạn bè cùng đi hội chùa Hương xin lộc đầu năm. Chị Hoa cùng nhóm bạn đi bộ lên động hương Tích.
"5h sáng chúng tôi cùng nhóm bạn 8 người từ trung tâm thành phố Hà Nội đi chùa Hương để xin lộc, cầu tài, cầu may đầu năm. Dù phải đi đoạn đường khá xa, nhưng sau buổi đi chùa hôm nay, chúng tôi nghĩ mình sẽ có tâm trạng thoải mái và sẵn sàng cho công việc trong năm mới", chị Hoa chia sẻ
Theo quy định của ban tổ chức lễ hội, tất cả các thuyền đò chở du khách phải có giỏ để đựng rác, tránh việc để khách hành hương vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nhưng phần lớn các đò không có giỏ đựng, rác thải vất bừa trên đò, dòng sông.
Trên dòng sông suối Yến dẫn vào chùa Thiên Trù, chùa giải Oan...có nhiều thuyền máy chạy đã tạo ra các đợt sóng xô liên tục khiến nhiều khách đi đò không khỏi lo lắng.
Năm nay, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành công văn về việc cấm việc đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, ngay tại đường vào đền Trình, cả chục người vẫn ngang nhiên hành nghề, trên tay cầm nhiều tập tiền có mệnh giá từ 500đ đến 5.000 đồng đon đả mời chào khách hành hương mua tiền lẻ để hưởng chênh lệch (10 nghìn đổi lấy 7 nghìn), bất chấp lệnh cấm đã có hiệu lực trước tết.
Ngoài ra, giá vé trông giữ xe máy, ô tô tại các điểm trông xe gần cũng thi nhau "chặt chém" khách hành hương với giá gấp đôi, ba lần. Giá vé gửi xe máy là 20.000 đồng, ô tô loại 9 chỗ bị làm giá lên đến 50.000 đồng. Các loại nước giải khát cũng thi nhau "đội giá", giá chai trà C2 được bán 20.000 đồng.
Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, sau ba ngày kể từ ngày mùng 2 tết đến ngày 4 tết đã có hơn 6,6 vạn lượt khách về trẩy hội chùa Hương. Riêng ngày mùng 4 tết có hơn 33 ngàn lượt du khách đến lễ hội du xuân, cầu tài, cầu lộc, cầu an cho gia đình. Dự kiến, lễ hội chùa Hương năm 2014 sẽ thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách.
Giá vé tham quan thắng cảnh chung cho toàn khu di tích chùa Hương năm 2014 như mọi năm là 50.000đồng/lượt; giá vé thuyền đò tuyến, Hương Tích (tuyến chính) là 35.000đồng (vào và ra). Riêng giá vé cáp treo tăng từ 120 nghìn đồng lên 140 nghìn đồng/lượt đi và về.
Lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn nhất trong năm, bắt đầu khai hội từ ngày 6/1 âm lịch kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch. Du khách khi đến với lễ hội ngoài việc cầu mong cho gia đình gặp may mắn, tấn tài, tấn lộc trong năm mới còn được ngắm vẻ đẹp sông nước, hang động nằm trong khu thắng cảnh Hương Sơn, nơi quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại trong ngày khai hội chùa Hương.
Ngay từ sáng sớm, hàng vạn du khách đã hành hương về dự lễ khai hội chùa Hương
Đông nghẹt người tại khu vực đền Trình
Nhiều gia đình mang lễ đến cúng để xin lộc đầu năm
Tại khu vực đền Trình, có gần chục quầy đổi tiền lẻ, ăn chệnh lệch 10 nghìn đổi lấy 7 nghìn loại mệnh giá 500 đồng đến 5.000 đồng
Nhiều người dân có hành động phản cảm như rắc gạo, bỏ tiền, hoa lên lưng, chân voi đá ở đền Trình
Dù ban tổ chức lễ hội có yêu cầu các chủ đò phải có thùng rác trên đò nhưng theo khảo sát của phóng viên phần lớn chủ đò không có giỏ đựng, rác vất bừa bãi
Sau lễ khai hội, hàng vạn người dân đổ về chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan, động Hương Tích
Người dân chen nhau thắp hương cầu may ở đền Thiên Trù
Bà Hằng quê ở Hà Nam mang lễ dâng ở đền Thiên Trù với hy vọng gia đình gặp may mắn trong năm mới
Anh Nguyễn Văn Óng, 30 tuổi ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên mang lễ đến cúng với mong muốn công việc làm ăn của gia đình anh trong năm mới may mắn, phát đạt.
Đường lên động Hương Tích đã ùn tắc kéo dài
Theo Đức Nguyễn (Khampha.vn)
Chướng tai, gai mắt nơi cửa Phật Đầu mùa lễ hội nên lượng du khách trẩy hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) khá đông. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc lập lại an ninh trật tự tại khu vực này song "những điều trông thấy" ở lễ hội khiến không ít người kém vui. Không hiếm đò chở khách quá tải...