Hội chọi “dị” nhất hành tinh
Ngoài những hội chọi thường thấy ở Việt Nam như chọi trâu, chọi gà, chọi dế…, trên thế giới còn có những hội chọi lạ lùng như chọi ngựa, chó, lạc đà…
Trung Quốc: Ấn tượng hội chọi ngựa
Lễ hội chọi ngựa truyền thống này được tổ chức ở hạt Dung Thủy, Quảng Tây, Trung Quốc vào vụ gặt cuối thu, thể hiện một vụ mùa bội thu. Hình thức chọi độc đáo này đã ra đời ở Trung Quốc và các nước Châu Á cách đây 500 năm. Tại Dung Thủy, lễ hội này được tổ chức chủ yếu bởi những người dân tộc Mèo.
Những chú ngựa chồm lên, bờm tung bay với gió trong lễ hội chọi ngựa Dung Thủy.
Để làm những “chiến binh” ngựa đực thêm hăng hái, những người nông dân Dung Thủy thả một chú ngựa cái đứng gần đó khiến những chú ngựa đực thêm “say máu”. Nếu ngựa đực vẫn tiếp tục không chịu chiến đấu, người chủ có thể kích cho nó nổi giận bằng cách bắn một phát súng vào không trung.
Ngựa chiến đấu trong tiếng cỗ vũ nhiệt tình của đám đông.
Những người nài ngựa bỏ rất nhiều công sức để huấn luyện chú ngựa của mình bởi chú ngựa thắng cuộc sẽ giành về cho chủ một khoản thưởng lớn.
Mặc dù lễ hội gây rất nhiều tranh cãi, đặc biệt từ phía các hội bảo vệ động vật, nhưng nó vẫn được tổ chức thường niên bởi người dân tộc Mèo cho rằng đó là giá trị cổ truyền, thể hiện sức mạnh và sự thịnh vượng của làng xã.
“Trò chơi bạo lực”: chọi chó ở Afghanistan và Trung Quốc
Dù bị cấm dưới thời Taliban, nhưng từ năm 2001 trở lại đây, chọi chó đang ngày càng trở nên phổ biến tại Afghanistan. Thậm chí, những cuộc thi đấu này còn diễn ra hàng tuần tại các thành phố chính của đất nước bất chấp lệnh cấm của chính phủ. Số tiền thưởng cho một giải đấu thường là 300 USD, nhưng đôi khi có thể lên tới 50.000 USD – một khoản khá lớn đối với người dân quốc gia này.
Chọi chó tại Afghanistan
Không chỉ có ở Afghanistan, người dân Bắc Kinh, Trung Quốc lâu nay cũng ưa chuộng trò chơi chọi chó đầy “bạo lực”. Theo giới thiệu của những người am hiểu “lĩnh vực” đặc biệt này thì giống chó thường được chọn là Pitbull, gốc châu Mỹ, thể hình đẹp, cơ bắp phát triển. Thường ngày, chúng rất ôn hòa nhưng chỉ cần gặp đồng loại là thú tính trỗi dậy, vô cùng hung hãn. Một khi đã cắn được đối thủ thì chết cũng không chịu nhả ra. Chỉ khi huấn luyện viên tới “can thiệp” thì mới có thể tách chúng.
Một người chủ có mặt tại “trường đấu” cho biết, loài chó này có thể liên tục chọi trong vòng 2 giờ đồng hồ không cần nghỉ ngơi. Trước khi bắt đầu vào chọi, từng chú chó sẽ được cân trọng lượng để đảm bảo tính công bằng cho cuộc thi. Ngoài ra, chúng cũng được tắm rửa sạch sẽ và bôi một loại “thuốc tê” đặc biệt khắp người.
Người dân Bắc Kinh, Trung Quốc cũng ưa chuộng trò chơi chọi chó.
Chọi chó không chỉ là một trò giải trí đơn thuần mà đã trở thành sới bạc ở nhiều địa điểm tại vùng ngoại thành Bắc Kinh, Trung Quốc. Những con chó được đưa đến sới đấu, cứ hai con một được chủ của chúng cho lao vào nhau dùng hết sức bình sinh để cắn xé, cảnh tượng khiến nhiều người lần đầu tiên chứng kiến cảm thấy sốc, trong khi đám đông xung quanh reo hò cổ vũ. Trước mỗi hiệp đấu họ đều bỏ tiền đánh cược cho một con, ít thì khoảng vài ngàn tệ, nhiều lên tới cả vài chục ngàn tệ.
Tổng số tiền mà chủ nhân của chú chó dành chiến thắng thu được khoảng hơn 200 nghìn NDT (khoảng 700 triệu VND). Đây là mức trung bình của trò chơi bạo lực mà người Bắc Kinh dành cho những “người bạn trung thành nhất của con người”.
Lễ hội chọi lạc đà hiếm có ở Thổ Nhĩ Kỳ
Chọi lạc đà, môn thể thao cực hiếm và khác thường này được tổ chức thường niên tại Selcuk, thành phố thuộc tỉnh Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai chú lạc đà vật nhau để tranh một “nàng” lạc đà.
Chọi lạc đà.
Thời gian lý tưởng nhất để để xem môn này là từ tháng 12 tới tháng 1, thời điểm lạc đà rất “hăng hái” ghi điểm với lạc đà cái. Cuộc thi này được tổ chức vì truyền thống nhiều hơn là vì tính thi cử đối kháng.
Lễ hội chọi lạc đà thu hút hàng nghìn du khách, nhạc công, người bán rong… cùng hàng trăm con lạc đà tham dự.
Độc đáo lễ hội chọi gối quốc tế
Không chỉ có lễ hội chọi động vật, ở nhiều nước trên thế giới còn tổ chức lễ hội chọi gối thường niên. Những người tham gia sẽ đứng đối diện và quật nhau bằng gối khi chuông nhà thờ điểm 18h. Các “chiến binh” gối, hầu hết từ 18 đến 30 tuổi đã tham gia rất nhiệt tình vào lễ hội kì lạ này. Sau 20 phút “chiến đấu” họ dừng lại, buông vũ khí và nằm luôn lên gối của mình.
Lễ hội chọi gối tại quảng trường Trafalgar, London, Anh.
International Pillow Fight Day (Ngày Chọi gối quốc tế) bắt đầu kỉ niệm từ năm 2008. Hiện nay, sự kiện được tổ chức từ ngày 6-15/4 ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như: Belgrade, New York, London, Paris, Sydney, Thượng Hải…
Lễ hội chọi gối ở Rome.
Với người dân Thượng Hải, Trung Quốc, họ tham gia chơi chọi gối để giảm căng thẳng. Các công nhân và sinh viên tụ tập ở Thượng Hải để quên hết những áp lực bằng cách đánh nhau túi bụi với những chiếc gối. Mọi người tham gia rất hứng khởi vì đây là dịp để họ nổi loạn, xả stress sau những ngày làm việc căng thẳng để hôm sau lại tiếp tục vui vẻ đối mặt với cuộc sống.
Theo 24h
Sở thích nuôi thú dữ: Hiểm họa khó lường
Thú chơi của đại gia Việt không dừng lại ở việc nuôi chó dữ mà còn thể hiện ở việc sở hữu nhiều động vật hoang dã quý hiếm.
Thời gian gần đây, dân nuôi chó cảnh có máu mặt ở Hà Nội, TP.HCM đua nhau săn lùng giống chó dữ làm vật nuôi và phòng thân. Nhiều đại gia khác còn đầu tư khoản tiền lớn để nuôi hổ, gấu để khẳng định đẳng cấp. Vấn đề đáng lo ngại là hiện nay khung pháp lý về vấn đề này chưa thực sự chặt chẽ. Một số đối tượng đã manh nha lợi dụng những kẽ hở về pháp lý để phục vụ cho những mục đích cá nhân đen tối. Bên cạnh đó, những thú dữ nuôi tại gia này luôn tiềm ẩn nguy cơ xổng chuồng gây hại.
Anh Phạm Huy Hoàng (Quảng Ninh) và con chó ngao Tây Tạng
Sở thích nuôi thú dữ của đại gia Việt
Hải Đồng, một dân chơi chó cảnh lâu năm ở đất Hà thành vừa đưa chúng tôi đi thăm những con chó mới tậu về đang nhốt trong lồng sắt ở góc vườn vừa kể: Hiện nay những người thích chơi chó cảnh chuộng nhất ngao Tây Tạng và Pitbull. Đây là những con chó hung dữ, rất đắt tiền - có khi lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đồng cho biết, hiện trên toàn quốc có chừng 300 con chó ngao Tây Tạng và hơn 350 con Pit Bull, chủ yếu tập trung ở miền Bắc. Đáng nói nhất phải kể đến giống chó Pit Bull - giống chó được mệnh danh là "sát thủ máu lạnh". Pit Bull nổi tiếng bởi khả năng chiến đấu "giáp lá cà", kiên cường, không chịu đầu hàng, là dũng sĩ của những loài chó, được xếp ngang hàng với cả chó sói xám, linh cẩu, khỉ đột lưng bạc, trâu rừng châu Phi, sư tử... Giống chó Pit Bull được nhiều dân chơi chó săn lùng và đặt biệt danh là chó chiến binh. Điều đáng nói, khi đã lâm trận, loài chó này còn "cuồng" hơn cả chó điên.
Phạm Huy Hoàng (Quảng Ninh), một du học sinh từng học chuyên ngành điện tử và công nghiệp tại Hàn Quốc, cũng là một tay chơi chó ngao có hạng. Huy Hoàng cho biết đã nhân giống thành công hai lứa chó ngao Tây Tạng. Một trong những nguồn cung cấp chó cho trang trại của Huy Hoàng chính là các chợ chó ở Trung Quốc (Nam Ninh, Quảng Châu, Bắc Kinh).
Kể về một con chó ngao từng nuôi, Huy Hoàng tâm sự: "Khi bán ở Trung Quốc, người ta đã nói nó là một con chó ngao rất hung dữ. Khi chuyển về Việt Nam, người ta trừng phạt nó bằng cách cho nằm trong chiếc cũi có chiều cao thấp hơn chiều cao của thân hình để nó không thể đứng lên được". Sau ba tháng thì Huy Hoàng thuần phục được nó và chuyển nó cho một người chủ mới. Từ ngày sang với chủ mới, con chó ngao lại tỏ ra hung dữ. "Nó tấn công nhiều người lắm rồi. Tiền lo viện phí thuốc thang cho người bị cắn nhiều hơn cả tiền mua chó" - người chủ mới than thở.
Một thực tế cho thấy, chó Pit Bull hiện nay đang được nhiều người nuôi dưỡng, huấn luyện sai cách, có thể sẵn sàng tấn công một người nào đó đến chết. Theo anh Tuấn Hùng, một người đam mê huấn luyện những giống chó dữ ở phường Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội), chủ nhân của những con chó Pit Bull phần lớn là dân chơi có máu mặt, bởi họ muốn coi Pit Bull như một thứ vũ khí để phòng thân. Sự nguy hiểm và ham mồi của giống chó này thể hiện ở chỗ: Đã ngoạm vật gì thì chỉ khi vật đó bị đứt lìa nó mới nhả ra và chuyển sang ngoạm vào chỗ khác. Vết thương để lại sẽ rất sâu và rộng, vì hàm răng của chúng rất dài, sắc nhọn, khi bị cắn, nhẹ có thể mang tật, nặng có thể mất mạng.
Thú chơi của đại gia Việt còn thể hiện ở việc sở hữu nhiều động vật hoang dã quý hiếm. Điển hình là một số đại gia ở miền Trung. Để sở hữu hai con tê giác nuôi trong trang trại, đại gia Lê Thanh Thản phải bỏ ra số tiền mua mỗi con là 500 tỷ đồng (?). Chuồng nuôi 2 chú tê giác được ngăn cách bằng một bức tường xây ngang người với các ống kim loại phi 100 bao quanh tựa như võ đài, phía trên được rào kín bằng lưới thép B40.
Ngoài 2 con tê giác trên, vị đại gia này còn sở hữu rất nhiều động vật hoang dã từ châu Phi như 01 cặp ngựa vằn, 01 cặp ngựa bạch và vài chục con hươu, linh dương, hai con đà điểu. Đặc biệt ông còn sở hữu hai con hổ vằn và 01 con gấu. Vì là loài thú dữ và hoang dã, nên khu chuồng này được làm kiên cố hơn. Dự kiến trong thời gian tới đại gia này sẽ tậu thêm hai con hổ bạch nữa.
Còn vị đại gia ở quận 12, TP.HCM tự tậu cho mình một hồ nuôi cá sấu ở trước nhà, với mục đích thư giãn đầu óc khi nhìn những con cá sấu đớp mồi. Phía sau vườn nhà của đại gia này còn có một khu chuồng nhốt 2 con trăn, 6 con rắn độc, 3 con gấu cùng 1 con tinh tinh. Tổng trị giá cho bộ "sưu tập" thú mini của đại gia địa ốc này ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng.
Sở hữu những con thú "độc" phải đi kèm theo rất nhiều chi phí, chỉ riêng chuyện thức ăn hàng ngày cung cấp cho bầy thú "cưng" thôi cũng ăn đứt vài triệu đồng là chuyện bình thường. Ngoài ra cùng với đàn thú dữ là lực lượng người giúp việc hùng hậu chuyên lo chăm sóc cho bầy thú cưng.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng cần phải có giải pháp cụ thể về việc nuôi thú dữ tại nhà
Tranh cãi quan điểm nuôi thú tư nhân
Nhiều nhà chức trách vẫn chưa đồng tình quan điểm việc cho sở hữu những loài động vật hoang dã, sự bất đồng quan điểm này khiến người dân có nhu cầu nuôi luôn lo sợ có vi phạm pháp luật hay không.
Theo quan điểm của ông Đỗ Quang Tùng, phó giám đốc CITES Việt Nam (thuộc cục Kiểm lâm, bộ NN&PTNT): "Nếu nuôi nhốt động vật hoang dã với mục đích để trưng bày thì không sao". Ông Tùng lý giải: "Việc nhập về 2 con tê giác của đại gia Nghệ An là không trái Công ước Cites, tức là được nhập và được buôn bán quốc tế".
Ngược lại, bà Nguyễn Phương Dung, phó giám đốc Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) lại cho rằng: Không nên nuôi động vật hoang dã ở các cơ sở tư nhân. Việc nuôi dưỡng này nên dành cho các cơ sở của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu các cơ sở tư nhân muốn nuôi cần có sự giám sát của Nhà nước để đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích đã được cấp giấy phép.
Việc 2 con tê giác được một tư nhân nuôi là chuyện bình thường, điều quan trọng là mục đích của người nuôi. Nếu họ có ý định nuôi vì sự bảo tồn và phát triển đa dạng của sinh học thì thực sự là điều rất đáng quý và cần phải trân trọng. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng điều đó để nuôi động vật hoang dã với mục đích thương mại.
Bên cạnh đó, việc sở hữu động vật quý hiếm là sở thích của nhiều đại gia, nhưng nó cũng đi kèm nhiều rắc rối, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng người khác. Mới đây một cơ sở nuôi gấu tại xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương bị sổng chuồng, trong lúc vây bắt, gấu bất ngờ tấn công làm ông Lộc - chủ nuôi gấu và 1 bác sĩ thú y bị thương nặng.
Cần có giải pháp dứt khoát về việc nuôi thú dữ
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết: "Riêng về gấu, hổ đã thuộc vào danh mục quý hiếm cần bảo vệ, còn việc nuôi chó thế nào vẫn phụ thuộc vào người chủ nuôi, Nhà nước chưa quản lý chặt chẽ". GS Huỳnh chia sẻ, nhiều người nuôi chó cũng nói chính quyền địa phương không mấy khi để mắt đến việc tồn tại của chó, dù là chó ngoại hay chó nội, chó dữ hay chó lành. Nếu ở Mỹ hoặc một số nước phương Tây họ có quy định rõ ràng về việc nuôi chó dữ: Nguồn gốc, gia chủ, sổ y tế, hộ chiếu xuất ngoại cùng với trách nhiệm của người chủ trực tiếp liên quan đến con chó, thì những con chó nhập lậu ở Việt Nam chưa có đơn vị nào quản lý. Theo GS Huỳnh, Nhà nước mới chỉ quản lý ở mặt phòng dịch, còn chó dữ hay không dữ thì Nhà nước chưa có quy định cấm nuôi.
Theo 24h
700 triệu một trận chọi... chó Đó là giá trung bình của một cuộc thi, một trò chơi mà người Bắc Kinh dành cho những chú chó thông minh vốn được coi là "người bạn trung thành nhất của con người". Tại Việt Nam và một số nước châu Á như Philippines, Indonesia, các cuộc thi truyền thống như chọi gà, chọi trâu... luôn nhận được sự cổ vũ...