Hội chợ Tết Việt náo nhiệt ở Sydney
Hàng năm, tại vùng Banktown, Sydney, cộng đồng người Việt đều tổ chức hội chợ để mọi người nhớ về cội nguồn, nhớ về quê hương. (Viet Dung, Australia)
Các cô gái mặc áo dài, chàng trai mặc bộ đồ của người nông dân Nam Bộ trong hội chợ Tết Việt.
Mặc dù không ồn ào, náo nhiệt như quê nhà nhưng cũng làm cho người Việt ở đây cảm nhận được phần nào hương vị của ngày xuân của quê hương.
Những cây mai vàng và mai trắng được trưng bày trong hội chợ.
Video đang HOT
Các gian hàng rực rỡ sắc màu.
Có cả nhiều hoạt động vui chơi, thu hút trẻ em Việt và trẻ em bản địa.
Góc Việt Nam giữa lòng Sydney.
Em bé háo hức chụp ảnh cạnh chậu mai và chậu cúc rực rỡ mùa xuân.
Theo VNE
Mùa xuân và tuổi trẻ
Bây giờ châu Âu đang ở giữa mùa đông. Bầu trời màu chì và sương vẫn giăng trên những mái nhà của thành phố lúc chiều sớm hay sáng muộn. Đã qua 22 mùa xuân, lần đầu tiên trong đời, tôi không có Tết. (Trúc Vy, Anh)
"Diễn đàn" đón giao thừa online của tôi với những người bạn cũ. Ảnh: tác giả cung cấp
Theo lời gợi ý một người bạn lớp 9, năm nay, lớp chúng tôi sẽ tổ chức đón giao thừa online, do nhiều người bạn cũ của tôi hiện đang học tập và làm việc ở nước ngoài.
Đúng giờ hẹn, tôi thay bộ đồ mới chỉnh tề, lên mạng như đã hứa. Lúc bấy giờ, ở Việt Nam, kim đồng hồ chuẩn bị điểm sang ngày mới, nhà nhà có lẽ đang rộn ràng chuẩn bị đón giao thừa. Dù đường truyền Internet có lúc chập chờn, thỉnh thoảng có bạn chạy ra, chạy vào để gọi điện chúc Tết người thân, nhưng "diễn đàn" của chúng tôi vẫn kéo dài khá lâu.
Bồi hồi nhìn những gương mặt thân quen qua khung hình máy tính, tôi chợp thấy mình may mắn biết bao vì sau bao nhiêu năm, tôi vẫn còn họ "bên cạnh" để chia sẻ thời khắc quan trọng này. Chúng tôi đã ôn lại kỷ niệm hồi còn đi học, tâm sự về về cuộc sống hiện tại cũng như những hoạch định trong tương lai.
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn
Kỳ diệu làm sao, ở những múi giờ khác nhau, chúng tôi đang cùng hướng lòng mình về phía Đông, nơi hai tiếng quê hương vẫy gọi, nơi có lá cờ đỏ sao vàng,có gia đình, để đón cái Tết cổ truyền.
7 năm đã trôi qua kể từ ngày chúng tôi ra trường. Cơn gió vô tình đã cuốn chúng tôi theo những hành trình dài ngắn khác nhau, vấp ngã, trưởng thành và giờ đây là những con chim tha hương vẫn miệt mài bay lượn trên bầu trời. Thế nhưng, dường như, tiếng gọi của tuổi trẻ sôi sục vẫn không thôi thúc giục chúng tôi cố gắng, đôi khi mục tiêu chỉ đơn giản là dành tiền năm sau về quê ăn Tết hay tìm được công việc thực tập tốt.
Sáng hôm sau, tôi có hẹn với một cô bạn người Pakistan. Chúng tôi đi lòng vòng khu người Á, xem múa lân, rồi về nhà tôi ăn bữa cơm đầu năm, luận bàn về tuổi trẻ và ước mơ. Tôi nghe bạn kể về những khó khăn của người nhập cư, rồi kể cho bạn nghe về Tết cổ truyền Việt Nam. Tôi còn nói đùa rằng năm nay tôi được bạn xông đất.
Lần đầu tiên tôi cảm nhận sâu sắc về tuổi trẻ của mình khi đón Tết xa nhà. Ảnh: tác giả cung cấp
Khi tôi viết những dòng này, trời vẫn mưa đều, như một căn bệnh trường kỳ của thời tiết nước Anh. Tuy không có một cái Tết đúng nghĩa, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận sâu sắc về tuổi trẻ của mình, tự hào về những vùng đất mình đã đi qua, hãnh diện về những người bạn đã gặp, nhưng cũng lòng không thôi khấp khởi về hành trình sắp tới mà chắc chắn rằng cần phải sống xứng đáng hơn.
Qua đây, tôi xin gửi lời tri ân tự đáy lòng mình đến mái trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Vĩnh Long, nơi tôi bắt đầu chặng đường 7 năm từ đứa con xa nhà, đến bây giờ thành đứa con xa xứ.
Tôi cũng gửi lời thương chúc những bạn đang sống xa nhà có một cái Tết ấm áp và một năm "cày bừa" thuận lợi, để mùa xuân năm sau có "vụ mùa bội thu". Bao nhiêu mùa xuân đã đi qua, còn bao nhiêu cái xuân sẽ đến, chúng ta vẫn là những người rất trẻ mà người ta thường hay nói "Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước".
Ngày mai, theo dự báo, trời sẽ có nắng. Ngước nhìn bản bản đồ thế giới trên tường, về phía tay phải, đó là nhà mình. Ngước nhìn ra bầu trời đêm, xin phép ghi một cái hẹn với tương lai, mong bình an đến với các bạn, để những người đi xa, dù có xa cách mấy, cũng có ngày trở về...
Theo VNE
Tết đầu tiên ở Mỹ, nhớ 'Nhà' Đứng trước cánh cửa gỗ trạm trổ khéo léo, bỗng nhớ chiếc cửa sắt cọt kẹt nhà mình. Bao nhiêu vui buồn, mồ hôi nước mắt và niềm hạnh phúc chất chứa hết vào đó, để rồi giờ đây ra đi chỉ mang theo một số tiền và những kỷ niệm. (Vân Anh, California, Mỹ) Tết đầu tiên ở Mỹ, nhớ căn nhà...