Hội chẩn từ xa: Bệnh nhân nặng được cứu chữa kịp thời
Hệ thống Khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện (BV) khi chưa thực sự cần thiết.
Khám chữa bệnh từ xa tại BV Hữu nghị Việt Đức.
Giảm tải ở tuyến trên
Ở thời điểm hiện tại, với hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối cùng hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Đặc biệt, những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé…..
Đơn cử như BV Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ tiến hành 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ Ba và thứ Năm). Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. Sau 5 tháng triển khai, BV đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn; 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối.
BS. Hoàng Quang Trung, Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua 26 lần triển khai hội chẩn trực tuyến với BV Đại học Y Hà Nội, 29 bệnh nhân nặng của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Theo BS Hoàng Quang Trung, các thầy của BV Đại học Y Hà Nội triển khai rất bài bản và tâm huyết, có kiểm tra kết quả sau mỗi buổi hội chẩn nên bắt buộc các bệnh viện sau khi hội chẩn xong phải tập trung vào điều trị bệnh nhân. Sau 1 tuần, các thầy sẽ hỏi lại kết quả thực hiện.
Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa với BV Đại học Y Hà Nội không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà còn tạo điều kiện cho các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cơ hội để học hỏi và nâng cao chuyên môn.
Video đang HOT
Còn đối với BV Hữu nghị Việt Đức, đây là đơn vị đầu tiên thực hiện khám chữa bệnh từ xa cách đây 15 năm trong dự án tăng cường năng lực các BV vệ tinh do Bộ Y tế phê duyệt năm 2004. Năm 2006, BV Hữu nghị Việt Đức đã bắt đầu thực hiện tư vấn phẫu thuật trực tuyến cho ca bệnh đầu tiên tại BV Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) và từ đó đã trở thành hoạt động thường xuyên.
Đến nay, BV đã kết nối với trên 100 điểm cầu, trong đó có các BV tuyến huyện, các BV công và BV tư đăng ký trở thành điểm cầu vệ tinh của BV Hữu nghị Việt Đức.
Từ đầu tháng 9/2020, khi khai trương Trung tâm Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, BV Hữu nghị Việt Đức thường xuyên tổ chức tư vấn phẫu thuật trực tuyến, đặc biệt qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D Einstein Vision cho bệnh viện tuyến dưới.
Từ trung tâm y tế cấp huyện, xã cũng có thể lên hệ thống này hỏi ý kiến của chuyên gia ở tuyến trung ương. Mọi khoảng cách địa lý, sự phân cấp tuyến này tuyến kia sẽ được xoá nhoà.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông và công nghệ số như hiện nay, thì càng ngày chúng ta càng có nhiều phương tiện để làm việc tốt hơn đặc biệt là hoạt động khám, chữa bệnh từ xa này. Đồng thời, người bệnh là đối tượng được hưởng thụ trực tiếp từ những thành công của việc triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa.
Tiết kiệm chi phí cho người bệnh
Theo chia sẻ của các BV địa phương tham gia hội chẩn, các ca bệnh mà các bác sĩ hội chẩn cho BVĐK tỉnh đều là các ca bệnh nặng, khó, có độ phức tạp cao mà các bác sĩ ở tuyến cơ sở gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán, điều trị và khả năng bệnh nhân phải chuyển tuyến cao.
GS Trần Bình Giang cho biết cụ thể hơn, ngày 4/9 vừa qua, các bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức đã tư vấn phẫu thuật từ xa thành công cho bệnh nhân 60 tuổi tại BVĐK tỉnh Quảng Ninh được chẩn đoán viêm túi mật chưa rõ nguyên do. Thay vì việc người bệnh phải lặn lội di chuyển từ Quảng Ninh lên Hà Nội để điều trị.
Cùng với đó, BV E hiện cũng đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với gần 80 cơ sở y tế, gồm 21 BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, còn lại là hơn 54 bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế tuyến huyện…
Trong đó, có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở các địa phương trên toàn quốc và đặc biệt là 2 Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tam Đường và Than Uyên của tỉnh Lai Châu.
Qua mỗi buổi khám chữa bệnh từ xa, các bác sĩ TTYT Tam Đường đã trình bày hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán và hướng điều trị cho bệnh nhân; song song đó, truyền hình ảnh trực tiếp đang nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân… Tại đầu cầu BV E, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, thảo luận cân nhắc kỹ để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam có gần 100 triệu dân trong đó khoảng 10 triệu người là người cao tuổi. Trong giai đoạn này, phải tăng cường tư vấn cho đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh mạn tính, thực hiện kê đơn thuốc kéo dài… để hạn chế người dân đến các BV, tránh các nguy cơ lây nhiễm chéo.
Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”.
Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các BV tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.
Trong giai đoạn 2020 – 2021 ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm…
Hướng đến mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế được xây dựng với quan điểm chủ đạo là "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa".
Bước đầu, tham gia đề án có 24 bệnh viện tuyến trên (gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện của Hà Nội, TPHCM).
Một buổi hội chẩn qua hệ thống Telehealth giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới
Theo kế hoạch, tới cuối tháng 9 này sẽ thực hiện kết nối 1.000 điểm cầu trong cả nước là các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Tuy nhiên, tới ngày 20-9, Telehealth của ngành y tế đã vượt mục tiêu đề ra khi đã thực hiện kết nối thành công tới 1.100 cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước.
Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế và nhiều bệnh viện tuyến trên cũng như các cơ sở y tế tuyến dưới nhằm giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới; đồng thời qua đó chất lượng khám chữa bệnh và kiến thức chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên được nâng cao hơn, lan tỏa xa hơn.
Quan điểm chủ đạo khi thực hiện đề án là hướng đến người bệnh, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng lợi ích to lớn của Telehealth mang lại, giúp họ vơi bớt khó khăn, vất vả và yên tâm hơn khi không may đau ốm.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, trong 5 năm thực hiện đề án sẽ hướng đến các mục tiêu lớn. Đó là: tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị, để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới khám, chữa bệnh từ xa; thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, xa, khó khăn; giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và tiền túi của người dân.
Qua hơn 1.000 điểm cầu, trong thời gian ngắn, đã có rất nhiều cuộc hội chẩn, trao đổi giữa tuyến trên và tuyến dưới, qua đó cứu sống được hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ngay tại bệnh viện tuyến dưới mà không cần phải đưa lên tuyến trên. Dù là khám chữa bệnh từ xa nhưng Telehealth đang tạo ra được mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn như nhau.
"Chúng ta ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh; tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng cao tại cơ sở", GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh ý nghĩa của việc xây dựng, hình thành hệ thống Telehealth.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh từ xa chống COVID-19 Để chống dịch COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế triển khai các hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định. Ngày 1/5, Bộ Y tế cho biết, vừa có văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai hoạt động khám và...