Hội An là nơi của nỗi nhớ
Những ngày giãn cách này, lâu lắm không đi đâu, tôi lại nhớ Hội An. Hội An là đôi khi chỉ ghé đến, ngắm nhìn, đi trên từng góc phố trăm năm rồi về. Vậy mà nhớ.
Thật ra thì tôi đi Hội an rất nhiều lần, Hội An là có lần tôi ở lại cả tuần lễ để tham dự lễ hội gì đó, đi ra tận Cửa Đại chỉ để nghe sóng vỗ bờ. Hội An trong một cuộc hành trình đi làm từ thiện với một công ty đến những mái ấm xã hội, tôi gặp những đứa trẻ mồ côi, dị tật bẩm sinh và lòng dấy lên một xúc cảm không diễn tả được.
Và đôi khi Hội An có lần chỉ ghé qua dăm tiếng đồng hồ, đi vòng vòng mấy con đường rồi lên chùa Cầu, ghé hàng bán tò he ven đường mua mấy con tò he làm kỷ niệm và mua thêm mấy chiếc lồng đèn bé bé để tặng bạn bè. Với tôi, những hàng đèn lồng Hội An chính là một phần ở nơi này. Ở nơi này với những con hẻm ẩn giấu những câu chuyện làm nên sự khác biệt.
Tôi đi cho hết Hội An trong nhiều lần khác nhau, là tìm đến làng rau Trà Quế, cảm nhận được nơi này một không gian yên bình và tập tành gánh nước tưới rau. Làng rau Trà Quế giống như chuyện kể về những chiếc lá xanh, những vườn rau và chỉ là rau xanh mà đẹp vô cùng. Tôi tìm cách đến làng gốm Thanh Hà, ghé chỗ này chỗ nọ trong một không gian khép kín đúng một vòng đi, cũng làm gốm và thích thú khi kết thúc chuyến đi được tặng một con tò he.
Có khi tôi đến Đà Nẵng, rồi thuê xe máy, phóng một mạch đến Hội An, gửi xe chỗ bãi giữ xe góc Phan Chu Trinh- Hai Bà Trưng, đi bộ suốt chiều dài con đường chỉ để tìm cho ra giếng nước Bá Lễ. Để khám phá ra rằng những người gánh nước giấu chiếc gàu ở gần đó, và khi tới lấy nước họ mới đem chiếc gàu ra. Tôi đi đến cuối con đường tìm tiệm bánh mì Phượng chỉ vì tiệm bánh mì này nổi danh, kiên nhẫn xếp hàng cùng những người khách nước ngoài, và quan sát họ khi họ mua ổ bánh mì xong liền mới ra ăn như tận hưởng của ngon vật lạ.
Hội An không phải quyến rũ chỉ một mình tôi, mà quyến rũ cả thế gian này. Và cứ khi nào có dịp, tôi lại đến Hội An. Tôi đến một lần trong đêm, có cô bạn đang làm việc ở đây rủ tôi đến quán trà do những người khiếm thính là nhân viên, đó là quán trà Reaching Out trên đường Trần Phú, và quả thật là tôi vô cùng ấn tượng với quán trà này.
Video đang HOT
Tôi không kể về vẻ đẹp của Hội An, mà chỉ kể về sự tò mò của mình. Tôi hay ngước nhìn lên những mái ngói, bởi ở Hội An, những mái ngói trăm năm đó ẩn giấu cho riêng mình những chùm rêu bé nhỏ. Buổi sáng khi mặt trời vừa lên, rêu ngậm sương đêm hớn hở bung xanh, thời điểm bung xanh rất ngắn, chỉ chừng một giờ đồng hồ, cho nên đôi khi nếu không quan sát sẽ không kịp nhìn. Có bức tường bên phải chùa Cầu, cạnh nhánh sông nhỏ chảy ra sông Hoài, đây là điểm nhấn cho rất nhiều người dừng chân chụp ảnh.
Và cả những người phụ nữ chèo thuyền trên dòng sông chở khách dạo chơi. Những người phụ nữ chèo thuyền ở Hội An là một hướng dẫn viên tuyệt vời nhất. Họ nhấn nhá mái chèo như sợ bầy cá bên dưới hoảng hốt, kể những câu chuyện không có trong sử sách, và nửa, đôi khi họ tặng thêm khách nhàn du vài phút rong chơi vì khách còn muốn chụp ảnh và họ cũng sẵn sàng chụp ảnh cho khách.
Hội An có những giàn hoa đẹp, nhiều nhất là hoa giấy. Hoa giấy ở Hội An như không bao giờ ngưng bung nở. Khi đến Hội An, chắc bạn cũng từng mê đắm những giàn hoa giấy ở đây? Là góc đường Bạch Đằng nơi gần chỗ bán vé tham quan, giàn hoa giấy ở đây được lưu giữ vào khung ảnh rất nhiều. Là giàn hoa giấy cuối đường Nguyễn Thái Học. Đi hết đường Hai Bà Trưng, băng qua đường Trần Phú là con đường nhỏ để đi ra đường Nguyễn Thái Học lại là con đường thú vị bởi hàng quán nhỏ len bên trong, là xe đạp khách thuê dạo phố cứ để thoải mái, có cả giếng nước cổ gây sự tò mò cho khách.
Hội An là đôi khi đợi mua ổ bánh mì Phượng bởi danh tiếng và khi mua được không tiếc công kiếm tìm và chờ đợi, vì đó là ổ bánh mì rất ngon., gọi tô cao lầu để rồi phải khen ngon, cả các chiếc bánh ít nhiều màu hay đĩa cơm gà và những gánh chè hè phố. Hội An dường như có bao điều muốn nói?
Giữa mùa dịch này, nhớ Hội An khôn xiết.
Vắng lặng trong những ngày giãn cách, phố cổ Hội An vẫn đẹp nao lòng
Từ các hàng quán đến nhà dân đã cửa đóng im lìm. Những tuyến phố sầm uất ngày nào giờ cũng quạnh vắng, song thành phố bên bờ sông Hoài vẫn toát lên vẻ đẹp trầm mặc nao lòng.
Từ 0h ngày 26/7, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) áp dụng Chỉ thị 16 đối với phường Tân An, phường Thanh Hà và thôn Trảng Suối, phường Cẩm Hà. Xã đảo Tân Hiệp sẽ áp dụng theo Chỉ thị 19. Chỉ thị 15 được áp dụng đối với các địa bàn còn lại.
Biện pháp này được đưa ra khi tối 24 và sáng 25/7, Hội An ghi nhận 5 ca dương tính với SARS-CoV-2. Hội An yêu cầu người dân không được ra khỏi thành phố, trừ trường hợp đặc biệt được Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố và xã, phường giải quyết cụ thể.
Ngoài ra, chính quyền cũng yêu cầu mọi người thông báo cho người thân không đến Hội An trong những ngày này, trừ những người thuộc diện đón về.
Bước vào những ngày đầu thực hiện giãn cách, các tuyến đường sầm uất như Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Trần Phú... quạnh vắng, hầu như không thấy bóng người.
Phố cổ Hội An những ngày có dịch Covid-19 vẫn đẹp nhưng đượm buồn, các dãy phố thênh thang vắng lặng.
Chùa Cầu từng là địa điểm đông đúc, nhộn nhịp thì nay vắng bóng khách du lịch . Không còn cảnh tấp nập du khách, phố cổ giờ chỉ còn người dân địa phương với các sinh hoạt đời thường diễn ra trong lặng lẽ.
Tất cả hoạt động kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, cà phê, giải khát... phải tạm dừng khi có lệnh giãn cách. Các cửa ngõ ra vào TP Hội An đều có lực lượng chức năng chốt chặn, kiểm soát.
Chị Trần Thị Hậu, người dân ở Hội An chia sẻ, thời điểm chưa có dịch, có ngày chị kiếm từ 500.000 đến 1 triệu đồng từ việc chèo ghe chở khách tham du lịch qua phố cổ. Song, gần hai năm nay, dịch Covid-19 đã làm thu nhập của gia đình giảm đáng kể.
Hàng quán hay những ngôi nhà cổ đều cửa đóng then cài. Ghe thuyền cũng ngừng hoạt động, xếp hàng neo tại bến.
Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, sau khi ghi nhận 5 ca mắc Covid-19, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp cấp để phòng chống dịch. Ngoài thành lập 5 chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ, nếu người dân từ nơi khác đến thành phố phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian 48h. Đồng thời, phải có giấy xác nhận của địa phương nơi cư trú là đến để giải quyết công việc khẩn cấp, công việc quan trọng. Ngoài ra, người dân không được vào thành phố thời điểm này.
Theo ông Sơn, hiện thành phố đặt công tác phòng, chống dịch lên hàng đầu nên kiểm soát rất chặt chẽ người ra vào để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng.
Quên hết sự đời ở 8 khu nghỉ dưỡng tại Hội An được Wanderlust Anh gợi ý Với không gian yên bình, thân thiện với môi trường cùng trải nghiệm tuyệt hảo, các khu nghỉ dưỡng ở Hội An chắc hẳn làm say lòng bất kỳ du khách nào. Nếu đang có kế hoạch đến Hội An dịp lễ hội này, hãy chọn cho mình các khu nghỉ dưỡng hết sẩy được Tạp chí Wanderlust Anh Quốc gợi ý. Tại...