Học yêu… cả nhà bên ấy
Nếu khi bước vào hôn nhân, bạn cứ khăng khăng ôm định kiến “mẹ chồng nàng dâu”, “ dâu con rể khách” thì rất có thể, cuộc sống vợ chồng của bạn sẽ luôn bị ức chế.
“Khóa tập huấn” của mẹ chồng
Ban đầu, tôi rất khó chịu vì mẹ chồng toàn bắt tôi ăn sáng ở nhà. Mà lại là ăn cơm “cho chắc dạ”, chứ không phải những món chan nước như tôi vẫn thường chọn khi chưa đi lấy chồng. Mẹ bảo tôi cứ ngủ ngon, việc bếp núc đã có mẹ lo. Nhưng tôi chưa được tiêm “vaccine mặc kệ” nên đành phải để chuông đồng hồ, dậy theo mẹ từ lúc 5 giờ sáng.
Có mỗi bữa sáng thôi mà mẹ phải dậy sớm thế làm gì nhỉ? Ôi nhiều việc lắm. Bắc nồi cơm xong là mẹ tranh thủ tập thể dục, rồi quét dọn, giặt quần áo. Đến 6h30, nhà cửa sạch sẽ, cơm nước dọn lên bàn ăn rồi mẹ mới đi từng phòng, gọi chồng và 2 cậu quý tử dậy. Tôi ngồi đợi cả nhà đánh răng rửa mặt, ngáp ngắn ngáp dài, thèm ngủ hơn là thèm ăn, trong khi những người đàn ông của gia đình rất hào hứng với bữa cơm chào ngày mới.
Video đang HOT
Phải mất 3 tháng, tôi mới không nhớ tới bát phở nóng hổi đầu phố. Mất nửa năm tôi mới thôi ý nghĩ rủ chồng trốn mẹ đi ăn sáng ngoài đường. Mất 1 năm để có cảm giác thân thuộc khi cùng mẹ chồng làm việc nhà.
Tự nhiên bây giờ tôi lại ngại ăn uống ở ngoài đường. Nhiều hôm chồng rủ ra ngoài để “đổi gió”, tôi miễn cưỡng đi chứ không hứng thú gì. Tôi yêu không khí tất bật và ấm cúng khi ở nhà soạn sửa cùng mẹ chồng. Những lúc đi công tác xa, điều tôi nhớ nhất là mỗi sớm mai được cùng mẹ tập thể dục, quét dọn, nấu ăn. Được cùng mẹ đi gõ cửa phòng giục những người đàn ông lười biếng mau mau tỉnh dậy. Ai đó vẫn thường than vãn là họ khổ vì phải sống chung với nhà chồng. Tôi lại khác. Tôi thích cái cảm giác 2 người đàn bà cùng vun vén cho tổ ấm lớn. Tôi thích gọi mẹ chồng là “mẹ”. (Lý Xuân Phương – Phương Mai, Q.Đống Đa, Hà Nội).
Đừng sợ “mụ o”!
Vợ tôi có tới 4 cô em gái. Quê tôi gọi em vợ là “mụ o”. Nghe tiếng “mụ o” đã đủ biết người xưa quan niệm thế nào về những cô em vợ. Thời còn đang tán tỉnh, tôi toàn phải lừa lúc các “mụ o” đi học để đến rủ người yêu đi chơi. Các “mụ o” mà ở nhà thì đến khốn khổ. Họ bắt mua quà mới cho vào nhà, yêu cầu giải bài toán xong mới đi, mụ luôn vặn vẹo tại sao lại rước chị của mụ đi chơi trong lúc cả nhà còn phải làm việc, mụ út thì cứ chê đứng chê ngồi, bảo tôi xấu thế mà dám yêu chị gái của mụ. Nói thật, yêu nàng lắm thì tôi mới ngỏ lời cầu hôn, chứ cứ nghĩ đến 4 “mụ o” là tôi toát hết mồ hôi.
Ngày lại mặt, mẹ dúi cho tôi yến gạo với con gà, bảo mang qua biếu bố mẹ vợ. Trên đường đi, tôi mua thêm một bó hồng to thật to. Đến nhà vợ, tôi giao hoa cho mụ o lớn tuổi nhất, trịnh trọng tuyên bố: “Đây là bó hoa của tình yêu. Anh nghĩ yêu vợ là yêu cả gia đình nhà vợ. Từ nay về sau, anh muốn các em coi anh là anh trai. Khó khăn gì, cứ gọi anh trai. Anh trai sai quấy gì, cứ góp ý thẳng thắn. Có món gì ngon, cứ gọi anh trai. Nhưng… đừng bắt nạt anh như ngày trước nhé, anh cốc đầu đấy!”.
Từ ngạc nhiên đến cảm động, cả nhà cùng cười xòa. Thi thoảng, khi bị các cô em của vợ vây quanh, tranh nhau kể tội, tôi vẫn gọi họ là “mụ o” nhưng không ai giận được ai lâu. Vì 4 “mụ o” đều biết, tôi bước vào nhà họ với tất cả tấm chân tình của một người anh rể rất muốn mình thực sự là một người anh trai. (Phạm Nghĩa Nam – TP Vinh, Nghệ An)
Theo VNE
Ra riêng
Từ lúc bàn với chị về dự định ra ở riêng, chị giận anh không thèm nhìn mặt. Những lý lẽ chị đưa ra, anh đều hiểu nhưng anh cũng có nỗi khổ tâm riêng. Gần năm năm ở rể, anh đã phải chịu đựng nhiều điều. Giờ lại đến nỗi lo vì các con...
Gia đình anh ở nông thôn, đã nghèo lại đông con. Các anh chị đều nghỉ học sớm, thành nông dân, riêng anh cố gắng học để thoát cái nghèo. Gia đình vợ anh ở thành phố, cũng không khá giả gì. Bố vợ anh bỏ nhà theo bồ nhí, đến bước đường cùng mới quay về với vợ con. Mẹ vợ anh cũng không kém, cặp bồ hết người này đến người khác. Giờ tuy sống cùng một nhà nhưng thân ai người ấy lo, hai người thường xuyên cãi vã, nhiếc móc nhau. Sau ngày cưới, anh biết nhà vợ phức tạp nhưng vì không đủ điều kiện ở riêng nên anh chấp nhận làm rể. Cũng lúc đó, cậu em vợ đi xuất khẩu lao động, nhà chỉ có hai ông bà. Vợ anh lại không có việc làm, tiền lương còm cõi của anh không đủ lo cho hai người. Thôi thì, anh nuôi thân anh, vợ nhờ cậy vào tiền cậu em gửi về chung cho cả nhà.
Sống với gia đình vợ, anh không dám mời ai đến nhà chơi. Biết thân mình ăn nhờ ở đậu, người nhà lên chơi, anh cũng không dám giữ lại lâu. Thỉnh thoảng, nhà vợ anh lại xào xáo vì những cơn ghen tuông của ông bà. Bà còn tổ chức đánh bạc, tụ tập chơi bời trong nhà khiến nhà chẳng mấy khi yên ổn. Hàng xóm ai cũng dè chừng ba mẹ vợ anh nên ra khỏi nhà anh không ngẩng mặt lên nổi. Ở rể, anh phải dẹp bỏ tất cả mọi thú vui riêng, lặng lẽ sống ẩn mình. Vợ anh cũng khổ trong cảnh ấy nhưng không biết thoát ra bằng cách nào. Nếu dọn ra ngoài, chị sẽ không còn được chia số tiền gửi về hàng tháng nữa. Không nhà, không cửa, không tiền, vợ chồng anh biết đi đâu? Có lần anh định ra riêng thì vợ anh mang thai, đành ở lại chịu đựng tiếp. Hai đứa con sinh đôi ra đời chặn đứng luôn con đường ra riêng của anh. Trăm thứ cần chi tiêu mà tiền thì không có.
Mới đây thôi, khi vô tình nghe hai đứa con đang tuổi tập nói bi bô những ngôn từ chợ búa, anh mới giật mình. Lớn lên trong gia đình phức tạp, những đứa trẻ cất tiếng đầu đời bằng những lời chửi thề, câu nói nanh nọc học theo bà ngoại. Tương lai của con anh sẽ thế nào nếu tiếp tục sống chung như vậy? Vì con, anh có thể làm tất cả. Anh nhận ra mình đã quá hèn nhát khi không quyết định ra riêng sớm...
Dù vợ không đồng ý, anh vẫn đi thuê một căn phòng trọ nhỏ ở ngoại ô, cách chỗ làm việc gần bốn mươi cây số. Anh biết, trước mắt sẽ rất khó khăn nhưng anh sẽ cố gắng. Thà anh để con lớn lên nghèo khổ về vật chất còn hơn hoen ố tâm hồn...
Theo VNE
Coi nhà vợ bằng cái móng tay nhà mình Thật không may, từ ngày lấy nhau về, tôi mới phát hiện ra tính nết khó ưa đó của chồng. Đọc câu chuyện &'chán vì chồng không biết cách cư xử' của bạn, tôi bỗng nhớ tới câu chuyện của bản thân mình. Vậy mà, tôi cứ phải gắng chịu, cứ phải gồng mình lên sống cùng chồng suốt những năm tháng qua,...