Học y theo nguyện vọng gia đình, tôi không yêu nghề và muốn bỏ
Tôi không muốn bỏ sức khỏe của mình, thức đêm thức hôm, stress để lo lắng cho sức khỏe người khác.
Tôi 25 tuổi, trải qua thời học sinh tương đối “có nét”, thường xuyên đứng trong top của trường, ở trường gần như ai cũng biết đến. Tôi thi đỗ vào trường đại học y Hà Nội và bách khoa Hà Nội nhưng nguyện vọng của gia đình muốn tôi thành bác sĩ, tôi đã theo y được 6 năm. Trải qua không ít khó khăn, tôi tốt nghiệp và thi đỗ bác sĩ nội trú của trường. Nhưng thực sự tôi không có chút đam mê nào với ngành y, có chăng chỉ là thi thoảng hứng thú một chút thôi.
Tôi đỗ bác sĩ nội trú – điều mà khá nhiều người mong muốn, nhưng khi vào rồi, tôi thấy rất áp lực cả về trong và ngoài chuyên môn. Không ít lần tôi có ý định bỏ vì thấy bản thân chịu áp lực kém. Có lẽ tôi không hợp với cuộc sống trong bệnh viện, đối mặt với bệnh nhân và sức khỏe của người khác. Nói chính xác hơn là tôi không quá yêu nghề. Tôi muốn sống một cuộc sống nhẹ nhàng, bình dị, không muốn bỏ sức khỏe của mình, thức đêm thức hôm, stress để lo lắng cho sức khỏe người khác.
Tôi không biết giờ nếu bỏ nghề y, tôi sẽ làm gì, học đại học khác thì đã khá “già” rồi, trong khi bố mẹ, người thân sẽ gần như không chấp nhận được điều này, ngoài ra còn áp lực khi đối diện với mọi người, bạn bè. Nhưng cứ nghĩ tiếp tục, tôi sẽ phải gắn bó với nghề này và sống những tháng ngày không được vui. Tôi khá stress. Mong mọi người cho tôi xin ý kiến. Tôi cảm ơn.
Theo VNE
Hành trình 5 năm, 7 lần phẫu thuật cứu chân dập nát cho cậu sinh viên 19 tuổi của các y bác sĩ bệnh viện Việt Đức
Câu chuyện dưới đây có lẽ sẽ góp phần mở ra tương lai tươi sáng hơn cho những người gặp hoàn cảnh tương tự, để họ có cơ hội được tin rằng: "Mình còn có thể tự bước đi trên đôi chân của mình chứ không phải cắt bỏ".
Những ngày gần đây, câu chuyện về ca "ghép gân cơ tứ đầu đùi bằng gân đồng loại" đầu tiên tại bệnh viện Việt Đức của TS.BS Trần Hoàng Tùng (Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đang được lan truyền tích cực. Nam bệnh nhân trong câu chuyện là H. - một cậu sinh viên có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 19 tuổi đã gặp tai nạn lớn, những tưởng phải cắt bỏ chân. Tuy nhiên, với cái tâm và sự yêu nghề từ các y bác sĩ bệnh viện Việt Đức, hành trình lấy lại đôi chân cho những bệnh nhân bị chấn thương nặng do tai nạn như H. đã không còn là điều xa vời.
Chàng sinh viên năm nhất nhập viện trong tình trạng một bên chân lủng lẳng và nhiễm khuẩn, có thể phải cắt cụt chiếc chân tổn thương
Ảnh: FB nhân vật.
Năm 2013, Đ.Q.H (Hưng Yên) khi đó đang là sinh viên năm nhất, vừa nhập học tại một trường Đại học trên địa bàn. H. gặp tai nạn xe máy với tổn thương gãy hở chân trái phức tạp, mất xương trên lồi cầu, liên lồi cầu xương đùi, kèm theo nhiễm trùng nghiêm trọng.
Sau tai nạn, H. được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện ở tỉnh để sơ cứu rồi mới chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ban đầu, gia đình H. cũng không nghĩ là tình trạng chân của con sẽ diễn biến xấu. Nhưng sau lần mổ đầu tiên (không phải bác sĩ Tùng mổ), vết mổ đã bị nhiễm trùng và mọi chuyện trở nên phức tạp từ đó.
Khi chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bác sĩ Tùng tiếp nhận ca bệnh trong tình trạng chân trái của H. lủng lẳng, đầy mủ với tiên lượng có thể phải cắt cụt chiếc chân tổn thương.
Video đang HOT
Ảnh: BacsiTung Bv VietDuc.
Thoát được cảnh phải cắt cụt chân nhưng phải trải qua tới 6 ca phẫu thuật mới tìm lại được những bước đi của mình
"Tôi đã từng hỏi em, cậu bệnh nhân, cậu sinh viên năm nhất mới 19 tuổi, trẻ quá, liệu em có đủ can đảm để chịu đựng đau đớn quá nhiều, rất nhiều lần mổ để cứu chân, để giúp em thay vì là người cụt chân, có thể vẫn được đi trên đôi chân cha sinh mẹ đẻ của chính mình không ?" - dòng chia sẻ đầy trăn trở từ bác sĩ Tùng về câu chuyện đã khiến nhiều người không khỏi xúc động.
TS.BS Trần Hoàng Tùng (Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).
Cả H. và gia đình đều quyết sẽ không cắt cụt chân mà vẫn tiếp tục thực hiện những ca phẫu thuật. 5 năm trôi qua với nhiều ca mổ lớn nhưng H. vẫn luôn cố gắng kiên trì chiến đấu vì bản thân, vì gia đình. H. chia sẻ: "Vì giờ mình còn trẻ mà không kiên trì chữa trị, sau này phụ thuộc, không tự nuôi sống bản thân được sẽ rất khổ cho mọi người trong gia đình".
Khi biết mình là ca đầu tiên được thực hiện phẫu thuật ghép gân cơ tứ đầu đùi bằng gân đồng loại, H. đã rất lo lắng vì biết khả năng thành công là khá thấp. Đã từng có nhiều lần, trong quá trình điều trị, H. cũng chán nản và muốn buông xuôi, nhất là sau mỗi lần mổ mà vết mổ không được ổn như mong đợi. Vậy là lại phải tiếp tục mổ và điều trị thêm nhiều lần nữa.
Quá trình này cứ diễn ra như vậy suốt 5 năm, H. gặp khó khăn nhiều trong việc sinh hoạt. Thời gian đầu, H. không thể tự mình làm được việc gì, tâm lý lúc đó rất áp lực, tù túng khi nhìn bạn bè ngoài kia đang ngồi trên giảng đường Đại học thì mình phải nằm trên giường bệnh để chữa chân.
Gia đình luôn là động lực để mình cố gắng không ngừng nghỉ mỗi ngày!
Từ lần mổ thứ 3, bố của H. đã không thể ở cạnh H. vì phải đi làm xa kiếm tiền chữa trị cho con. H. cho biết: "Bố mình làm nghề mộc, mẹ mình làm nông và mình thường phụ bố lúc nhàn rỗi. Cũng có vài lần lúc mình mổ, bố không có mặt được vì phải đi giao hàng cho khách nên chỉ gặp trước hoặc gọi điện nhờ bác sĩ Tùng giúp đỡ". Sự vất vả của bố mẹ cũng chính là động lực lớn giúp H. càng phải cố gắng quyết tâm hơn để không phụ lòng mọi người cũng như bác sĩ điều trị.
Ảnh: BacsiTung Bv VietDuc.
Tới lần thứ 6 thì thành công nhưng lại gặp tai nạn nên hiện tại là đã trải qua 7 lần phẫu thuật
Ông Trời luôn muốn thử thách lòng người, khi trải qua ca ghép gân cơ tứ đầu đùi lần thứ 6, H. mới tìm lại được những bước đi trên chính đôi chân của mình. Tuy nhiên sau đó, H. lại gặp tai nạn do ô tô vượt ẩu đâm phải. Thế là chàng trai này lại phải tiếp tục tới gặp bác sĩ Tùng để thực hiện ca phẫu thuật lần thứ 7. Nhưng trong lần phẫu thuật này, H. đã có niềm tin hơn vào cuộc sống để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn phía trước.
"Chân mình vẫn còn khá bất tiện vì khả năng gập chỉ được khoảng 2/3 so với người bình thường. Nhưng như vậy đã là quá may mắn rồi, mình không mong ước gì xa xôi hơn" - H. chia sẻ.
"Bị như mình rất khổ nhưng phải cố gắng kiên trì điều trị vì cuộc sống còn dài lắm, còn rất nhiều điều phải làm vì bản thân và vì gia đình. Mong những ai giống mình hãy cố gắng lên. Và mình cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới bác sĩ Tùng, là người có ý tưởng, dám đưa ra ý tưởng mà ít người dám làm để điều trị cho mình".
Ảnh: BacsiTung Bv VietDuc.
Vậy là sau nhiều lần thực hiện phẫu thuật ghép gân cơ tứ đầu đùi bằng gân đồng loại, bắt đầu từ năm 2013 và tính cả thời gian vật lý trị liệu là kết thúc trong khoảng giữa năm 2017 thì Đ.Q.H đã được bước đi trên chính đôi chân của mình. H. chia sẻ, giờ thì dự định trước mắt sẽ là gây dựng kinh tế để chuẩn bị cho hành trình quan trọng tiếp theo của cuộc đời (cưới vợ).
Tôi cũng tự hỏi bản thân, liệu có đủ kiên trì để mổ, đủ can đảm để chịu điều tiếng khi bệnh nhân của mình phải mổ đi mổ lại...
Với bác sĩ Tùng, sau thời gian điều trị "dài hơi" cùng H., bác sĩ cũng có rất nhiều suy nghĩ và sự khâm phục dành cho lòng quyết tâm của Đ.Q.H.
"Trong quá trình làm, nhiều khi bệnh nhân dành sự kỳ vọng cho bác sĩ quá lớn. Có thể với bệnh nhân này mình chữa thành công nhưng sang bệnh nhân khác cũng tổn thương như vậy nhưng không ai dám khẳng định thành công hoàn toàn. Đặc biệt là bố những bệnh nhân như H. cũng sẵn sàng hiểu và tôn trọng mình, dành sự tin tưởng lớn cho mình thì mình lại càng phải cố gắng, lấy đó làm động lực để điều trị cho các bệnh nhân", bác sĩ Tùng chia sẻ khi nhớ về khoảng thời gian phải đưa ra những quyết định điều trị cho chân của H.
Trong quá trình điều trị cho H., bác sĩ có từng nghĩ đến chuyện dừng lại và không muốn tiếp tục nữa không?
Trên cơ sở, bệnh nhân không nản thì bác sĩ không nản. Cái thứ hai là bệnh nhân còn giờ phút nào muốn đến chữa bệnh thì bác sĩ vẫn sẽ cố gắng cứu chữa. Trừ phi gia đình đã nản, ghi rõ hồ sơ là muốn dừng thì bác sĩ mới dừng. Theo đúng y đức là còn bệnh thì còn trị.
Với bác sĩ, Đ.Q.H là một bệnh nhân thế nào?
H. rất hiền, ít nói, đến lần nào cũng thấy mặt hai bố con thiểu não. Nói thật lúc đó ai cũng buồn vì mổ như thế không biết sau này như thế nào. Tuổi H. vừa vào Đại học được một thời gian đã phải đi chữa bệnh như này, không biết tương lai của mình sẽ ra sao, tiền thì không có.
Thời gian đó, tôi nói chuyện với bố H. qua điện thoại nhiều hơn. Còn H. ít nói lắm, chỉ nhìn rồi cười nên bọn tôi càng phải cố gắng.
Theo bác sĩ, ca mổ của H. thành công phụ thuộc vào những yếu tố nào?
Về ca mổ này, tôi đánh giá vai trò công sức của bác sĩ chỉ chiếm 60 - 70%, 30% còn lại phụ thuộc vào cơ địa bệnh nhân có tiếp tục được không, có tiếp nhận được gân nhất không. Cái thứ 2 là khả năng tập của bệnh nhân. Vì mổ xong nếu vận động mạnh quá thì gân cũng có thể bị đứt mà tập nhẹ quá thì khớp sẽ cứng. Trong quá trình mổ vừa làm vừa tính, tiên lượng là phải thành công. Khi mổ chúng tôi cũng phải thông qua Hội đồng Khoa học của Khoa, thông qua mổ với tất cả trưởng phó khoa và sếp của tôi là Trưởng Khoa duyệt, thống nhất từ phương án thì mới cho làm. Tuy nhiên đây cũng là ca đầu tiên thực hiện, mình cũng không có ai để hướng dẫn từ trước, phải tự làm thì cũng sẽ có phần khó khăn hơn.
Ảnh: BacsiTung Bv VietDuc.
Khi quay trở về cuộc sống bình thường, H. sẽ phải chú ý những điều gì để giữ gìn đôi chân mới của mình thưa bác sĩ?
Bây giờ H. đi lại sinh hoạt bình thường nhưng phải làm việc nhẹ nhàng, không tạo nhiều gánh nặng lên chân. Mặc dù, có thể khi về già thì chân sẽ đau nhức nhưng dự tính cũng phải 20 - 30 năm nữa.
Ngoài ra, nếu có điều kiện thì tôi cũng khuyên 6 tháng bạn đến đây kiểm tra một lần. Còn không có điều kiện thì cứ 1 năm/lần để bọn tôi còn bổ sung thuốc bổ xương.
Bác sĩ có thể chia sẻ về tổng chi phí để thực hiện một ca ghép gân cơ tứ đầu đùi như vậy là bao nhiêu được không?
Thực ra chi phí không nhiều, ca mổ thông thường không có bảo hiểm khoảng 10 - 20 triệu, còn ca mổ có bảo hiểm là 8 triệu. Quan trọng nhất là chi phí sau mổ, phải theo dõi, phải tập, phải đi lại thăm khám với bác sĩ thường xuyên.
Hiện tại, bác sĩ và bệnh viện có đang thực hiện ca ghép gân cơ tứ đầu đùi nào nữa không?
Một năm, những trường hợp này bọn tôi làm phải từ 200 - 300 ca. Hiện tại thì trong khoa cũng đang có 2 trường hợp vừa bị đứt dây chằng, vừa bị mất sụn và đang trong quá trình điều trị.
Cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ, chúc bác sĩ và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tạo nên được nhiều kỳ tích nữa trong tương lai!
Theo Trí Thức Trẻ
Những dấu hiệu cho thấy bạn đã thực sự trưởng thành chứ không còn là một đứa trẻ to xác Cho dù bạn mười tám, hai mươi hay thậm chí ba mươi cộng đi chăng nữa, thì vẫn không thể nào chắc được mình có thực sự trưởng thành hay chưa. Dưới đây là những dấu hiệu bạn không còn là một đứa trẻ to xác. Trưởng thành là một quá trình diễn ra với rất nhiều thử thách chứ không phải chuyện...