Học trò vùng cao và nỗi ám ảnh lấy chồng sớm
Nỗi ám ảnh phải bỏ học đề về nhà lấy vợ, lấy chồng vẫn đeo đuổi những cô bé, cậu bé học trò ở vùng hồ Ba Bể. Niềm lo sợ nhiều khi chen vào niềm hy vọng được tiếp tục học hành còn đang lấp lánh trong đôi mắt thơ ngây.
Tại trường THCS Nam Mẫu, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) – ngôi trường ở xã nghèo nhất huyện Ba Bể, trong cái lạnh của một buổi sáng cuối đông, hơn 100 cô trò vẫn miệt mài với sách vở. Không giống lớp học dưới xuôi, ở đây các em được đi học miễn phí và hưởng trợ cấp theo quy định của Chính phủ. Mỗi lớp ở đây chỉ lèo tèo hơn chục học sinh. Độ tuổi của trò cũng chênh nhau 2- 3 tuổi. Xung quanh chân tường phòng học chất đống những bao ngô, khoai hoặc đồ dùng cá nhân – tài sản của các gia đình gửi nhà trường sau đợt thu hoạch mùa vụ, để dành cho con em dùng dần.
Không còn cảnh trò tím tái vì rét do thiếu áo ấm, những đứa trẻ huyện nghèo giờ đã thêm sắc hồng trên khuôn mặt, đám trẻ vui vẻ diện những chiếc áo ấm đủ màu, trong đó rất nhiều áo do các bạn học sinh dưới xuôi gửi lên làm quà tặng.
Cuộc sống hàng ngày của nữ học sinh nội trú THCS Nam Mẫu.
Tại dãy nhà nội trú dành cho học sinh cấp 2, nhóm học sinh nữ người Mông, Dao, Tày, Nùng… xúm xít ngồi bện tóc cho nhau, vừa chuyện trò rủ rỉ. Học sinh cấp 2 học buổi chiều nên buổi sáng các em tự học. Cô bé tên Phóng năm nay học lớp 9, má đỏ hây hây, toét miệng cười khi gặp người lạ. Phóng kể, nhà em ở bản xa, cứ cuối tuần, bắt đầu từ sáng sớm em đi bộ từ trường về, đến tối mịt sẽ về đến nhà. Ở với bố mẹ một đêm, sáng sớm hôm sau Phóng lại địu gạo, thịt ngược về trường chuẩn bị cho tuần học mới. Đi lại xa xôi nhưng Phóng không hề thấy mệt. Trong bản, em là một trong 3 đứa con gái được bố mẹ gửi đi học. Những kiến thức được học, được đọc thêm trong sách báo giúp Phóng thấy thế giới bên ngoài thật mới lạ, hấp dẫn. Em mong được học hết cấp 3 rồi về xuôi học Đại học, để trở thành cô giáo, trở về dạy lại những em học sinh vùng Ba Bể quê mình. Nhưng niềm mơ ước của em đang bị đe dọa bởi sau cái Tết vừa qua, bố mẹ Phóng có ý sẽ gả chồng cho em. Bố mẹ em lo con gái học cao quá không lấy được chồng, trong khi con gái ở bản 15 tuổi có đứa đã sinh con.
May có thầy giáo chủ nhiệm biết chuyện, lặn lội đến tận nhà động viên gia đình. Sau khi nói chuyện với thầy, bố Phóng đồng ý tiếp tục cho con gái theo chúng bạn đến trường, theo đuổi ước mơ. Nhưng chưa dám nói trước ước mơ của em có thể thành hiện thực khi ở bậc đại học, mọi thứ không còn “miễn phí” như xưa.
Video đang HOT
Niềm mơ ước được tiếp tục học hành ánh lên trong mắt các em thiếu niên vùng thiểu số.
Cùng cảnh ngộ, những cô bạn gái đồng lứa đang học trọ với Phóng cũng đang phập phồng nỗi lo phải trở về nhà lấy chồng, bám đuôi ngựa đi chợ phiên như các mẹ trong bản. Các em đến nhiều bản làng khác nhau, được tiếp cận với nhiều kiến thức mới, các em hiểu rằng hạnh phúc không chỉ là sinh con, làm nương, nấu rượu cho chồng uống… Mỗi buổi tối, câu chuyện của những cô thiếu nữ vùng sơn cước không chỉ loanh quanh trong phạm bản làng mà đã có thêm những mơ ước về cuộc sống văn minh, hiện đại sau này. Giấc mở của nhiều thiếu nữ là được học lên cấp 3, rồi về tận dưới xuôi, được bước chân vào giảng đường đại học, được trở thành người có ích cho xã hội…
Bên dãy nhà nội trú nam, đám con trai cũng túm tụm thành từng nhóm nhỏ tán gẫu hoặc nấu cơm ăn. A Tráng, người dân tộc Mông đang theo học lớp 8. Cậu bé mới cắt tóc kiểu thời thượng, nhuộm vàng hoe ở mái, quần bò. Cũng giống như các bạn vào mỗi cuối tuần, Tráng đi bộ gần 7 tiếng để về nhà để lấy đồ ăn gia đình tiếp tế cho cả tuần tiếp theo. Thức ăn thường là thịt, gạo, rau, mắm. Hàng tháng, Tráng lĩnh khoảng 200 nghìn tiền Chính phủ hỗ trợ con em dân tộc đi học. Số tiền này Tráng đưa bố mẹ, nhờ mua thêm thực phẩm, quần áo, đồ dùng học tập.
Cậu bé người Mông này rất thích đi học, vì ở trường rất vui, vừa có nhiều bạn bè lại được học toán- bộ môn em rất thích. Tráng chưa có mơ ước gì cụ thể, em chỉ thích được học tiếp đến hết cấp 3 để được học toán, rồi mới phải quay về bản làm ruộng, lấy vợ theo lời bố dặn. Trong suốt 3 năm đi học ở trường, hành trình đi – về của em hầu như không thay đổi. Tráng mơ ước có lần được về Hà Nội, được tận mắt xem ca nhạc, có ca sỹ, diễn viên múa biểu diễn gần bờ hồ Hoàn Kiếm, như đã có lần em được nhìn thấy qua ti vi.
Hiệu trưởng THCS Nam Mẫu, thầy Nguyên Hồng Sơn cho biết. Vài năm trở lại đây, bà con vùng dân tộc cũng bắt đầu thay đổi dần tập quán làm ăn. Nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con cái học văn hóa, các gia đình đều cố gắng cho con đến trường. Tuy nhiên tập quán cướp vợ, gả chồng sớm tại các thôn, bản vẫn còn khá nặng nề. Để “giành” được quyền học hành các em còn phải trải qua nhiều khó khăn, cực khổ.
“Năm ngoái, nhà trường cũng phải chia tay với một trò nữ người Nùng đang học lớp 8. Mặc dù nhà trường đã cử giáo viên đến tận nhà học trò này nói chuyện với bố mẹ em, xin cho em được đi học. Tuy nhiên, do nhà trai đã mang lễ đến hỏi cưới con gái, dân bản chỉ chờ ngày uống rượu, mừng cho đôi trẻ nên họ nhà gái không dám cưỡng lại. Được biết, giờ trò đó đã chuẩn bị làm mẹ khi mới chớm tuổi 16″ – Thầy Hồng kể.
Thống kê từ 3 năm gần đây cho thấy, trường Nam Mẫu đã tăng thêm danh sách ở nhóm học trò người dân tộc thiểu số đi học. Điều đó cho thấy, nhận thức của bà con đã thay đổi dần. Nhưng còn đó nỗi ám ảnh phải bỏ học đề về nhà lấy vợ, lấy chồng vẫn đeo đuổi các những cô cậu bé sinh nội trú trường THCS Nam Mẫu mỗi dịp xuân về. Nỗi lo sợ đó nhiều khi chen cả vào những khát vọng về tương lai tươi sáng đang lấp lánh trong mắt các em.
Phạm Thanh
Theo Dantri
39 năm mất con vì tiếng súng và cuộc hội ngộ diệu kỳ
"Năm 1975, đoàn chiếu phim về đây chiếu cho mọi người xem. Con bé Bê cũng đi xem, rồi mọi người chạy toán loạn khi có tiếng súng nổ. Kể từ đó gia đình tôi mất con. Giờ con trở về, tôi vô cùng hạnh phúc và tin đó là phép màu thật diệu kỳ".
Vừa ôm ấp đứa con đã 53 tuổi vào lòng, cụ bà Trần Thị Yến (87 tuổi, ngụ thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) vừa bồi hồi nhớ lại: "Năm 1975, đoàn chiếu phim về đây tổ chức che rạp, chiếu phim cho mọi người xem. Lúc đó, con bé Bê cũng đi xem, rồi mọi người chạy toán loạn khi có tiếng súng nổ ở giữa sân bãi rạp chiếu phim. Kể từ đó, gia đình tôi mất con. Tìm con khắp nơi nhưng đều vô vọng. Giờ con trở về, tôi vô cùng hạnh phúc và tin đó là phép màu thật diệu kỳ".
Cuộc hội ngộ kỳ diệu sau 39 năm thất lạc không một dòng tin
Khi chạy súng bom và thất lạc gia đình, cô bé Võ Thị Bê mới 14 tuổi. Bà Bê ngồi bên mẹ già kể: "Hồi đó, tôi đi dọc theo bờ biển rồi bị ngất đi, khi tỉnh dậy, tôi không biết mình đang ở đâu cả. Có cô chú nào thương thì cho bữa cơm, nơi ngủ tạm thời rồi tôi tiếp tục đi tìm đường về nhà. Ngày ấy, tôi không nhớ nhà mình ở đâu, chỉ nhớ tên cha mẹ và anh trai thôi".
Suốt quãng thời gian xa gia đình, bà Bê phải làm đủ nghề mưu sinh và sống nhờ vào sự đùm bọc của những con người xa lạ. Vài năm sau đó, bà được cụ Hà Tiên (ngụ huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhận làm con nuôi và làm con cụ Tiên cho mãi đến nay.
Bà Bê đã từng khóc cạn nước mắt vì nhớ gia đình, nhớ mẹ cha, anh trai, bà con hàng xóm và tuổi thơ bên lũy tre làng. Thương hoàn cảnh bà Bê, người dân địa phương giúp bà ghi vài dòng "tìm người thân" đăng tải trên Đài Truyền hình và Phát thanh Quảng Ngãi.
Cụ Yến ôm chặt người con gái đã 53 tuổi, không muốn buông tay
Ông Võ Đức Minh - anh trai chị Bê - cho biết: "Thấy thông tin tìm người thân trên đài có nhiều thông tin trùng hợp với em gái, tôi vội ghi lại địa chỉ và thông báo cho mẹ đến tìm em Bê".
Tối ngày 21/2/2014, cụ Yến và ông Minh cùng bà con vội vàng khăn gói đến địa chỉ nơi bà Bê đang sống. Cuộc hội ngộ bất ngờ sau 39 năm không tung tích. Qua câu chuyện xác minh, cụ Yến hạnh phúc nghẹn ngào khi tìm lại được người con gái đã thất lạc gần 4 thập kỷ.
"Trong 39 năm qua, cha và tôi đi khắp nơi, kể cả vào Nam ra Bắc tìm em gái. Vì mãi tìm kiếm và mong nhớ em Bê, cha tôi lâm bệnh, rồi qua đời vào năm 1984. Tưởng em Bê không còn tồn tại trên đời, cuộc tìm kiếm như vô vọng, rồi gia đình lập bàn thờ em Bê. Ngày ngày, mỗi lần thắp nén hương cho Bê, mẹ tôi đều khóc và mong muốn nhìn mặt con trước lúc bà chết. Giờ tìm lại em Bê, sự thật như câu chuyện cổ tích vậy", ông Minh tâm sự.
Hiện bà Bê không có bất kỳ giấy tờ tùy than nào. Ông Trần Văn An - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) - cho biết: "Địa phương sớm tạo điều kiện làm các thủ tục giấy tờ cho chị Bê. Bên cạnh đó, chúng tôi sớm đề nghị cấp đất sản xuất, hỗ trợ vốn vay thuộc Hội phụ nữ để chị Bê có điều kiện mưu sinh và ổn định cuộc sống bên gia đình".
Ôm lấy mẹ, bà Bê cứ mãi tự trách mình: "Con xin lỗi mẹ, thời gian vừa qua con không ở bên gia đình, chưa một ngày trả hiếu cho mẹ. Giờ con đã tìm được nhà, kể từ nay con xin phụng dưỡng mẹ cho đến cuối đời nghen mẹ". Cứ thế hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở...
Bà Bê không chồng con, sống độc thân cho mãi đến hôm nay. Sau 39 năm xa nhà, ngày trở về, cuộc đời bà đã ở bên kia sườn dốc...
Hồng Long
Theo Dantri
Giận vợ, dùng súng bắn chết cháu vợ Ngày 6-2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã thực hiện bắt khẩn cấp đối với Triệu Trần Phổng (SN 1990) trú tại thôn Nam Sơn, xã Long Sơn, huyện Đắk Mil để điều tra làm rõ về hành vi giết người. Trước đó, vào khoảng 18h ngày 3-2, Phổng cùng vợ là chị Hblơi (SN 1982) đi chúc tết tại...