Học trò vùng cao sáng chế máy đưa nước lên cao không cần điện
Mới đây, tại cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông (khu vực phía Bắc) năm 2015, nhiều người vô cùng thán phục trước thiết bị đưa nước lên cao không cần dùng điện giành giải Nhất toàn cuộc của hai học sinh đến từ Hòa Bình.
Hai “nhà phát mình” trẻ tuổi là Nguyễn Tuấn Hùng và Trần Ngọc Vũ – học sinh lớp 11 chuyên Vật Lý Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình). Cả hai em đều là những học sinh ham học hỏi, luôn thích tìm tòi và sáng tạo trong quá trình học tập.
Hai “nhà phát minh” đang thử chạy thiết bị đưa nước lên cao không cần dùng điện tại một con suối.
Chia sẻ về ý tưởng để làm ra chiếc máy đưa nước lên cao không cần dùng điện, Nguyễn Tuấn Hùng cho hay, sinh ra và lớn lên ở vùng cao, nhiều lần chứng kiến người dân ở địa hình đồi núi chỉ sản xuất được một vụ mùa vì vào mùa khô, nước rất khan hiếm. Đặc biệt, ở một số nơi, người dân phải gánh nước từ suối dưới chân núi lên nhà trên sườn đồi để phục vụ sinh hoạt. Chỉ một số ít nhà dân may mắn gần mạch nước trên đồi đã tự làm máng nước tự chảy dẫn về nhà nhưng vào mùa khô, nguồn nước này cũng cạn kiệt nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Một số địa phương ở Hòa Bình hiện tại dùng các biện pháp như guồng nước, máy bơm điện, bơm dầu, hứng nước mưa chưa đạt hiệu quả, gây tốn kém chi phí và chưa áp dụng được cho từng hộ dân.
Nhận thức được khó khăn của người dân miền núi, thiết tha có thể giúp họ cải thiện đời sống, Nguyễn Tuấn Hùng đã cùng Trần Ngọc Vũ bỏ công sức tìm hiểu nhằm chế tạo ra thiết bị có thể đưa nước lên cao không cần dùng điện mà có thể dễ dàng sử dụng trong các hộ gia đình. Sau nhiều ngày cùng nhau lên ý tưởng, hai học sinh lớp 11 đã đưa đến chung quan điểm đó là dùng chính chính năng lượng dòng chảy của các con suối để đưa nước lên cao phục vụ người dân.
Để giúp ý tưởng của mình được hiện thực hóa, Hùng và Vũ đã nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo chủ nhiệm Phạm Đình Mẫn. Sau khi được thầy chỉ dẫn, cả Hùng và Vũ đều thông suốt và cùng nhau bắt tay vào chế tạo thiết bị với các tiêu chí là có thể hoạt động được ở các dòng suối nhỏ, tốc độ dòng chảy ổn định, tận dụng vật liệu đơn giản, đạt lưu lượng nước mong muốn, giá thành thiết bị thấp…
Để chế tạo hoàn chình thiết bị đưa nước lên cao, Hùng và Vũ mất hơn nửa năm từ tháng 6/2014 đến tháng 1/2015. “Nhiều lần cho máy chạy thử ở khu vực nước suối lớn đã gây vỡ ống khi áp suất nước thay đổi đột ngột nên chúng em đã nghĩ ra việc sử dụng bình trữ áp. Bình này có tác dụng như một van an toàn để bảo vệ ống”, Vũ kể lại.
Bên cạnh đó, trong khi hoạt động, phát hiện máy bơm dễ bị bẩn nên hai học sinh chuyên Vật Lý đã nghĩ ra bộ phận lọc. Thiết bị cũng được thiết kế hạ thấp độ cao để đảm bảo tính chắc chắn. Các yếu tố như khi xảy ra lũ ống, lũ quét, suối chảy quá nhay cũng được hai nam sinh này tính toán để thiết bị có thể hoạt động hoặc sử dụng an toàn, hiệu quả.
Video đang HOT
Nguyễn Tuấn Hùng phấn khởi cho hay rằng, điều đáng giá nhất ở thiết bị là không sử dụng điện hoặc máy phát điện nên tiết kiệm chi phí cũng như thuận tiện lắp đặt ở vùng sâu vùng xa. Tốc độ tối thiểu của dòng chảy ở suối để máy có thể hoạt động là 0,4m/s (khá nhỏ). Vậy nên máy có thể chạy liên tục bất kể ngày hay đêm với tuổi thọ dự kiến khoảng 2 năm. Thiết bị có thể đưa nước lên cao tới mức 40 m, giá thành để làm ra sản phẩm này chỉ dưới 1,5 triệu đồng.
Theo đánh giá của ban giám khảo của cuộc thi, sản phẩm nếu được áp dụng có quy mô lớn vào những nơi có dòng suối lưu lượng và tốc độ chảy cao sẽ có thể phục vụ không những cho từng hộ dân mà có thể phục vụ nhu cầu cho cả cộng đồng, nhất là các hộ dân vùng cao mà không tốn chi phí, sức lực nào khác.
Thầy Phạm Đình Mẫn – giáo viên chủ nhiệm của Hùng và Vũ vui mừng tâm sự: “Cuộc thi sáng tạo khoa học là một sân chơi bổ ích cho các em thể hiện tài năng, đem lý thuyết áp dụng vào thực tế đời sống và là một cơ hội để cả Hùng và Vũ trưởng thành hơn”.
Lê Tú
Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!
Theo dantri
Nên có lễ tạ lỗi cho các học sinh đánh bạn!
Ngày 25/3, nhiều nhà khoa học, giáo viên đã tham gia tọa đàm "Bạo lực học đường" - nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa do Viện khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức. Nhiều ý kiến chuyên gia đã đưa ra những kế "lạ" để ngăn chặn tình trạng này.
GS.TS Trần Công Phong - lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: "Bạo lực học đường không phải vấn đề mới. Thời gian gần đây các cấp ngành, thầy cô và nhà nghiên cứu rất quan tâm làm sao có môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn cho học sinh. Mặc dù vậy, bạo lực học đường có diễn biến phức tạp. Chính vì thế việc phân tích kỹ lưỡng để nhìn nhận thấu đáo vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp là điều cần thiết dành cho các nhà nghiên cứu".
Quang cảnh hội thảo.
Ở hội thảo này, ngoài việc các chuyên gia tâm lý giáo dục, giáo dục học phân tích những nguyên nhân và giải pháp trên cơ sở khoa học nghiên thì cũng có những ý kiến "đúc kết" từ thực tiễn. Dân trí xin lược ghi hai ý kiến được đánh giá là có góc nhìn "lạ".
"Xử phạt" cũng cần có tính giáo dục
Nhìn nhận dưới góc độ tâm lý, PGS.TS Mạc Văn Trang chia sẻ: Các tác động của xã hội đến thế hệ trẻ tạo ra gia tốc phát triển nhanh, mạnh, sự biến đối sinh lý, tâm lý, xã hội của lớp học sinh ngày nay khác xa với học sinh cách đây 15-20 năm. Cha mẹ, giáo viên không theo kịp sự phát triển của các em nên khoảng cách giữa cha mẹ - con cái, giữa giáo viên - học sinh ngày thêm xa cách. Không hiểu nhau, tin nhau thì thường ứng xử không phù hợp, các tác động giáo dục của người với các em ít hiệu quả.
Cũng theo PGS.TS Mạc Văn Trang, hệ thống pháp luật, quy định trách nhiệm trong quản lý từ trên xuống dưới không rõ ràng, trách nhiệm không cụ thể, kỷ luật không nghiêm minh, nên hiệu quả công vụ, trách nhiệm nghề thấp. Ví dụ, vụ bạo lực ở Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) vừa qua, Hiệu trưởng phải phải chịu trách nhiệm gì, kỷ luật gì? Hiệu phó, bí thư chi bộ, cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên trực, giáo viên chủ nhiệm... chịu kỷ luật gì? Từ trước đến nay không rõ. Nay trước sức ép của dư luận xã hội thì xử nặng!
Dưới góc độ ứng xử với học sinh vi phạm, PGS.TS Trang phân tích: Những việc kiểm điểm, phê bình, khiểm trách, đuổi học 1 tuần... rất ít có tác dụng vì chỉ là tác động bên ngoài. Để giải thoát được "mặc cảm tội lỗi" phải tác động đến tự ý thức, xúc cảm, niềm tin... thức tỉnh lương tri, tự sám hối, tự nhận lỗi và sửa chữa mới tác dụng.
PGS.TS Mạc Văn Trang.
Đối với em bị hại càng khó khăn giải tỏa được những "ẩn khúc" nặng nề qua khuyên bảo hay tham vấn hời hợt... Vấn đề là phải xây dựng quan điểm giáo dục mới, tìm ra những tác động giáo dục mới tác động mạnh đến lương tri, tình cảm, thay đổi hành vi của học sinh trong việc đương đầu với những sai lầm của bản thân và học cách chuộc lỗi, cách bao dung tha thứ, để sống với nhau trong hòa giải, yêu thương.
Nhắc lại vụ việc nữ sinh ở Trà Vinh bị đánh hội đồng, PGS.TS Mạc Văn Trang nhấn mạnh: "Theo tôi, giải pháp trong vụ việc ở Trà Vinh thì ngoài về xử lý vi phạm còn nên có lễ tạ lỗi. Ở giờ sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, những em học sinh tham gia đánh bạn thì cần phải quỳ xuống tạ lỗi với em P. và hãy để cho em P. đến từng bạn nói lời tha lỗi. Sau đó, những giáo viên có lỗi thì đến gia đình các em xin lỗi. Sau lễ tạ lỗi này tôi tin em P sẽ thấy mình lớn lên rất nhiều, em sẽ thấy được tư cách, quyền làm người, nhân cách của việc bao dung, tha thứ... Cách làm như vậy để chúng ta giáo dục các em, đã gây ra sai lầm thì phải đối mặt với sai lầm và có sự hối cải. Em bị bạo lực dũng cảm đứng lên, đối diện để hòa giải và yêu thương".
Năng lực sư phạm giáo viên có vấn đề?
Phát biểu tại hội thảo, cô Nguyễn Thị Lê, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thực nghiệm (Hà Nội) đặt vấn đề cho các nhà nghiên cứu: Lâu nay chúng ta mới chỉ bàn đến việc bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh. Chính vì thế nên mở rộng ra dưới góc độ có hay không bạo lực giữa người lớn (trong đó có đội ngũ giáo viên, quản lý...) với học sinh. Khi giáo viên có thể gây ra cho học sinh những bạo lực về tinh thần sẽ khiến cho các em quá lo sợ, hoảng sợ, thậm chí là ức chế với các bộ môn học thì có phải là bạo lực về vấn đề tinh thần không?
Cô Lê cũng cho rằng, những sự việc bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua đang được nhiều người đặt câu hỏi: Vai trò của thầy cô đang ở đâu? Hay là do học trò mất niềm tin quá lớn ở các thầy cô, nhà trường để rồi các em im lặng, nhẫn nhịn, chịu đựng để rồi xảy ra những tình huống đáng tiếc nhất.
Cô giáo Nguyễn Thị Lê cho rằng, năng lực sư phạm của giáo viên đang có vấn đề.
Chúng ta đã đưa ra phong trào trường học thân thiện, điều này có nghĩa thầy cô phải là người bạn với các em trong suốt thời gian các em sinh hoạt, học tập tại trường. Như vậy, các thầy cô phải là người sớm nhất phát hiện ra những bất thường của các em trong tâm lý để giải quyết những nguyên nhân phòng ngừa việc xảy ra hậu quả đáng tiếc.
"Tôi đang trăn trở về năng lực sư phạm của giáo viên hiện nay. Chúng ta đang nói tập huấn cho giáo viên nhưng đó chỉ là giải quyết từng tình huống, không phải là một bài toán. Ai có thể đoán được hết tất cả các tình huống xảy ra cho các em để mà tập huấn cho hết. Trong trường sư phạm, xưa nay tất cả các thầy cô của tôi đều có năng lực sư phạm để tư vấn cho sinh viên, định hướng sinh viên từ cách ứng xử, cách giải quyết bạo lực học đường ở nguyên nhân lặt vặt nhất. Hiện nay, hình như công tác này hình như đang có vấn đề" - cô Lê thẳng thắn đánh giá.
Cũng theo cô Lê, tốc độ phát triển xã hội, cơ chế thị trường... nên đòi hỏi tính chuyên nghiệp hơn trong việc giải quyết tận cùng nạn bạo lực học đường. Chính vì thế, cần có tiếng nói đề xuất lên Bộ GD-ĐT để có một hành lang pháp lý cho các nhà tâm lí, tham vấn, tư vấn để cho mỗi nhà trường chúng ta có bộ phận chuyên nghiệp hơn nữa so với giáo viên đã được trang bị năng lực sư phạm.
"Lứa tuổi cấp 3, có phụ huynh ở tầng lớp gần như là xã hội đen. Nhiệm vụ của giáo viên chúng ta, để ứng xử được với học sinh khi nảy sinh các tình huống nhất là các em đang là sản phẩm của văn hóa gia đình thì đòi hỏi năng lực sư phạm hơn bao giờ hết. Đây là bài toàn của trường sư phạm trong việc đào tạo năng lực cho giáo viên. Giáo viên chúng ta có đủ năng lực sư phạm, có tay nghề thì hoàn toàn có thể ngăn chặn sớm, phát hiện hơn cũng như tư vấn, giúp học sinh vượt qua được các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường" - cô Lê khẳng định từ thực tiễn của Trường THPT Thực nghiệm.
Nguyễn Hùng
Thông tin, bài viết đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!
Theo Dantri
Nhiễm trùng gây rách van tim, sinh mạng em học trò nghèo nguy nan Đang nuôi giấc mơ trở thành điều dưỡng để thay đổi kiếp nghèo và giúp đỡ mọi người, song bệnh tim tái phát quật ngã cô học trò nghèo. Bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật, nhưng gia đình khốn khó khiến sinh mạng của Phương Thảo rơi vào cảnh nguy nan. Chiều muộn, tại khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim, bệnh viện...