Học trò 11 tuổi dựng lán nuôi em nhỏ
Khát khao được tới lớp, Phạm Thị Nguyệt và Ngân Thị Đòa đều 11 tuổi ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa, dựng lán gần trường để đi học. Hai em mang theo cả em ruột ở cùng để nuôi ước mơ học thoát nghèo.
Chị em Nguyệt trong căn lán dựng gần trường. Ảnh: Hoàng Phương.
Nguyệt và Đòa đều sinh ra ở bản Chiềng, bản nghèo nhất xã Trung Lý của huyện miền núi Mường Lát. Nơi đây dân thưa thớt, không đủ học sinh nên các thầy cô giáo không thể lập điểm trường. Khát khao đi học, hai em đã rời bản, vào tận Cò Cài cách đó 5 km dựng lán ở để được đến trường. Các em ruột của Nguyệt và Đòa cũng theo chị vào lán ở, chị em cùng nuôi giấc mơ học chữ để thoát nghèo.
Vừa tan trường, Nguyệt vội trở về lán ngay. Cất chiếc cặp, em nhóm lửa nấu cơm, rồi khệ nệ bưng chậu quần áo xuống suối giặt. Cậu em trai Phạm Bá Kiên (8 tuổi) giúp chị trông nồi cơm. Căn lán nhỏ gọn gàng, không có đồ gì quý ngoài vài tấm chăn, bộ quần áo và sách vở của hai chị em.
Cô học trò 11 tuổi đã có “thâm niên” 5 năm ở lán. Bố mẹ dựng cho căn lán nhỏ khi Nguyệt bắt đầu vào lớp 1. Để em làm quen với cuộc sống tự lập, cả gia đình bàn nhau chuyển vào Cò Cài ở tạm một thời gian. Được một năm, bố mẹ về dưới Chiềng đi nương, hai chị em ở lại lán tiếp tục học.
* Video: Học trò nghèo dựng lán nuôi 3 em nhỏ
Nguyệt kể, đêm đầu tiên ở lán, Kiên khóc vì nhớ mẹ. Nguyệt khi đó mới 7 tuổi ôm cậu em 5 tuổi dỗ em đừng khóc, rồi cuối tuần sẽ được về thăm nhà. Những đêm mùa đông lạnh thấu xương, gió núi thổi vào vách nứa ràn rạt như muốn hất tung căn lán nhỏ xuống suối, hai chị em lấy chăn che kín góc lán, ngăn gió rồi ngồi học bài.
Nguyệt cho hay, mỗi tháng bố cho 20.000 đồng tiền sinh hoạt, có khi ít hơn. Tiền bố cho, em dùng để mua bút, sách cho hai chị em. Nhắc đến người mẹ bệnh tật, Nguyệt chia sẻ, mẹ em bị bệnh nặng, không còn khả năng lao động đã nhiều năm nay. Vì thế, cô bé luôn tự nhủ phải học thật giỏi. Từ lớp 1 đến nay, những tấm giấy khen học sinh giỏi, phần thưởng trong các kỳ thi viết chữ đẹp, Nguyệt luôn mang về khoe với mẹ đầu tiên.
Lán ở cạnh suối, ngày mưa nước suối dâng cao, hai chị em dắt nhau vừa ôm cặp, dò dẫm từng bước chân đi trên cây cầu ghép từ những cây luồng vắt ngang suối. Đến được lớp học thì cũng ướt mèm từ đầu tới chân. 5 năm đi học, cô trò nhỏ chưa nghỉ buổi nào.
Mỗi lần nghe dì đang học ĐH Y Thái Bình kể chuyện, Nguyệt lại khao khát rời bản nghèo, bước chân vào giảng đường đại học để trở thành bác sĩ nhưng cô bé cũng lo bố mẹ không có tiền đóng học cho mình.
Nguyệt và Đòa (ở giữa) là hai tấm gương vượt khó tiêu biểu của nhà trường. Ảnh: Hoàng Phương.
Cách lán của chị em Nguyệt không xa là căn lán của chị em Đòa. Dưới Đòa còn hai em nhỏ đang học lớp 3 và mẫu giáo. Đòa chuyển vào Cò Cài được 2 năm, trước đó em học bên xã Mường Lý. Ngày đó, để đến được trường, học sinh phải ngồi trên bè mảng qua sông Mã.
Đến giờ, Đòa vẫn còn nhớ cảm giác lo sợ khi ngồi chênh vênh trên chiếc mảng ghép từ những cây luồng. Tay Đòa nắm chặt hai em nhỏ và không dám thở mạnh cho đến khi sang bờ bên kia. Hôm nào mưa to, nước dâng cao, bè mảng không qua sông là chị em Đòa phải nghỉ học.
Video đang HOT
Hết lớp 3, bố mẹ muốn Đòa nghỉ vì sợ đi học sẽ bị rơi xuống sông và tiền đi bè mảng còn nhiều hơn cả tiền đóng học. Nhà có bốn chị em, em gái kế sau Đòa đã phải nghỉ học ở nhà đi nương. Cô bé nước mắt ngắn dài xin bố mẹ cho mang theo hai em vào bản Cò Cài để tiếp tục đi học.
Mỗi chiều sau khi ôn bài xong, Nguyệt và Đòa thường rủ nhau đi lấy củi, hái rau rừng. Bữa cơm của các em chỉ có rau rừng chấm nước mắm, mùa măng có thêm đĩa măng luộc chấm muối, thỉnh thoảng có quả trứng, miếng thịt. Cuối tuần được nghỉ, Nguyệt dắt Kiên, Đòa cõng em út, tay dắt em gái đi bộ 5 km mới về đến bản Chiềng. Chiều chủ nhật, năm đứa trẻ lại quay về Cò Cài để kịp đi học tuần sau.
Căn lán nhỏ của ba chị em Đòa. Ảnh: Hoàng Phương.
Biết chị Đòa và chị Nguyệt học khá, mấy đứa trẻ nhà bên cạnh cũng mang sách qua lán cùng học bài. Học cùng lớp, lại chơi thân với nhau, Nguyệt và Đòa đều nằm trong top học sinh khá, giỏi của trường. 5 năm nay, Nguyệt luôn giành danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Trong khi đó, Đòa cũng liên tục góp mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi. Mới đây, cả hai được đại diện cho trường đi giao lưu học sinh giỏi các trường tiểu học trên địa bàn huyện Mường Lát.
Thầy Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lý 2 cho biết, Nguyệt và Đòa là hai tấm gương vượt khó tiêu biểu của nhà trường. Cả hai đều là học sinh khá, giỏi liên tục trong nhiều năm.
“Trường đã miễn mọi khoản đóng góp và khen thưởng trực tiếp khi các em đạt thành tích tốt. Ngoài giờ học, các thầy cô giáo cũng thường xuyên đến lán xem tình hình ăn ở của học trò, xin điện của nhà dân để các em có ánh sáng học bài”, thầy Dung cho hay.
Theo thầy Dung, học sinh của nhà trường chủ yếu là người dân tộc Thái và Mông, có hoàn cảnh khó khăn. Các em ở bản xa nhưng rất ham học, đều có một mong muốn được đi học để thoát nghèo.
Theo VNE
Bi kịch sau những đêm "ngủ thăm" của sơn nữ
"Một khi hai người đã nằm bên nhau trong màn đêm như vậy thì khó lòng tránh khỏi. Ban đầu cô nào cũng ngại ngùng, nhưng nhiều trường hợp các cô gái tự chủ động "bật đèn xanh" cho đối phương, vì vậy không tránh khỏi được việc mang bầu", ông Đại cho biết.
Từ ngủ thăm...
Xã Mường Lý là nơi tận cùng của huyện (huyện Mường Lát, Thanh Hóa), đường sá khó khăn đến nỗi cán bộ tỉnh, huyện lên thăm phải hành quân bằng xe máy qua con đường "độc đạo" mới có thể vào được trung tâm xã.
Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý gặp chúng tôi cũng ngán ngẩm mà nói rằng: Ở đây chẳng mấy khi có người lạ đến. Xa xôi đến nỗi năm thì mười hoạ mới thấy cán bộ huyện ghé bản.
Cũng từ chỗ khó khăn mà đến nay Mường Lý vẫn đang còn tồn tại tục ngủ thăm.
Ông Đại và đứa con gái nuôi
Bản Trung Tiến 1 có 70 hộ dân thì chiếm tới 69 hộ là dân tộc Thái vì vậy tục ngủ thăm gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Ban ngày, bản Trung Tiến 1 yên bình lắm, nhưng buổi tối nơi đây lại náo nhiệt đến lạ thường bởi từng tốp thanh niên bản đi tán tỉnh, ngủ thăm.
Sa Thị T. là cô gái được coi là xinh nhất bản, tối nào nhà T. cũng có cả chục thanh niên tới "xí chỗ". T năm nay chỉ mới 14 tuổi.
Theo phong tục ngủ thăm của người Thái thì ai cũng ngủ thăm được. Có điều người con trai đó phải chinh phục được trái tim của cô gái mới được phép ngủ thăm.
Mặc dù là phong tục của làng, song người ta cũng không dám chắc việc ngủ thăm của người Thái không có biến tướng. Đến nỗi ông chủ tịch xã cũng thừa nhận rằng việc "ăn cơm trước kẻng" từ tập tục ngủ thăm là có và rất phổ biến ở vùng núi xa xôi này.
Những cô gái, chàng trai miền sơn cước chỉ 14-15 tuổi đã ngủ thăm.
Theo ông Đại, điều đáng lo ngại là thời gian gần đây trên địa bàn xã có nhiều công trình thi công, các công nhân công trường lợi dụng phong tục ngủ thăm để làm chuyện bậy ở các bản làng dẫn đến hậu quả khó lường. Nguy hiểm hơn là tiềm ẩn bệnh tật khắp nơi.
Bi kịch sau phong tục
Nói về chuyện ngủ thăm, ông Đại luôn tự hào đó là một nét văn hoá. Song những năm gần đây ông lại trăn trở nhiều hơn về sự biến tướng từ phong tục.
Đơn cử, đã không ít người lợi dụng vào ngủ thăm để 'làm bậy' khiến con gái bản mang thai. Họ giả vờ yêu thương, rồi ngủ thăm, đến lúc con gái người ta có bầu thì nó cũng "bùng" mất.
Điển hình tại bản Trung Tiến 1, cách đây 2 năm trước xảy ra cái chết của cô gái Lường Thị D. đang mang thai khiến người dân vô cùng đau xót. Cô gái này vừa tròn 16 tuổi.
Ngày đó, xã Mường Lý có công trình đang thi công. Công nhân dưới xuôi lên làm nhiều lắm, tối nào họ cũng vào trong bản tán tỉnh con gái, nói lời yêu thương.
Đến khi cô D. đồng ý và cho ngủ thăm, một thời gian sau cô gái mang thai cũng là lúc công trình hoàn thành thì chàng trai này cũng "quất ngựa truy phong" để lại hậu quả sau đêm ngủ thăm là đứa con trong bụng ngày một phát triển.
Không thấy "chồng hờ" lên thăm, cũng không địa chỉ liên lạc. Tủi nhục cho số phận, người con gái đã tự kết liễu đời mình bằng việc ăn lá ngón.
Câu chuyện đau lòng này đến nay người bản Trung Tiến 1 vẫn còn nhớ mãi.
Chỉ tính trong năm 2012, xã Mường Lý đã có gần chục trường hợp ngủ thăm thành... ngủ thật.
"Một khi hai người đã nằm bên nhau trong màn đêm như vậy thì khó lòng tránh khỏi. Ban đầu cô nào cũng ngại ngùng, nhưng nhiều trường hợp các cô gái tự chủ động "bật đèn xanh" cho đối phương, vì vậy không tránh khỏi được việc mang bầu", ông Đại cho biết.
Xã Mường Lý, nơi đang tồn tại phong tục ngủ thăm rõ rệt.
Từ bi kịch ngủ thăm đến ngủ thật, đến nay người ta vẫn nói đùa ông chủ tịch xã 'vỡ kế hoạch'. Ở cái tuổi gần 50, ông Đại đã có hai đứa con lập gia đình.
Tuy nhiên, đến nay ông vẫn còn đứa con gái nuôi mới hơn 4 tuổi, đó là kết quả của một đôi trai gái ngủ thăm.
Hà Thị S., bản Nàng 1 trước đây là cô gái đẹp nhất bản. Nhiều thanh niên làng tán tỉnh nhưng S. không ưng bụng. Mãi đến khi Hà Văn C. (huyện Quan Hoá) lên nhà anh em ở bản Nàng 1 chơi thấy S. xinh xắn, mang lòng yêu thương, tán tỉnh.
Hai người yêu nhau một khoảng thời gian dài, đến nỗi mỗi khi C. lên chơi nhà đều ngủ lại với S.
Bố mẹ S. cũng đã nhất chí cho hai đưa đến với nhau, tuy nhiên gia đình C. không đồng ý và bỏ mặc S. với cái thai sắp đến ngày sinh nở.
Con của S. được ra mà không biết mặt bố, mẹ lại không đủ khả năng nuôi. Ông Đại đành phải nhận đứa bé này về nuôi, đến nay cháu đã được hơn 4 tuổi.
"Mình làm thế này không phải để dung túng hay cổ xuý cho việc ngủ thăm. Nhưng cứ nghĩ chúng nó vứt con đi thì tội lắm, mình nhận về nuôi cũng là để cho mẹ nó đi thêm bước nữa đỡ lỡ một đời con gái", ông Đại tâm sự.
Theo dantri
Nhà trọ... lại "điệp khúc" tăng giá Sau kỳ nghỉ tết kéo dài, phần lớn sinh viên tại các trường ĐH và CĐ trên địa bàn Thành phố Hà Nội phải đối mặt với tình trạng nhà trọ tăng giá. Trong khi trước đó giá cả sinh hoạt cũng không có dấu hiệu giảm khiến nhiều cuộc sống người thuê trọ càng khó khăn hơn. Theo khảo sát tại một...