Học thuê, thi mướn: Nhà giáo dục sốc
Thị trường học thuê, thi hộ ở đại học sôi động với giá cả chỉ bằng… bát phở khiến các nhà giáo dục thấy sốc.
LTS: Loạt bài phóng sự điều tra nhập vai của Khampha.vn cho thấy thực trạng bát nháo trong giáo dục đại học. Có giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể ngờ rằng thị trường học thuê, thi hộ ở đại học lại sôi động đến thế với giá cả chỉ bằng… bát phở. Ngay sau đó, nhiều nhà giáo dục đã lên tiếng trước thực trạng này.
“Nguy hiểm cho xã hội”
GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng chưa bao giờ người ta tưởng tượng sinh viên đại học lại có thể thuê người học hộ, thi hộ.
Theo ông, sinh viên học ở bậc đại học để tích lũy kiến thức, quyết định tương lai của mình. Do vậy, phải “học thật” mới thành người có kiến thức, kỹ năng để sau này đi làm. GS nói: “Nếu học hành như thế này, làm sao có thể tin vào bằng cấp được nữa”.
Ông cũng chắc rằng, nhiều người sẽ thấy sốc bởi có chuyện học hộ ngay tại các trường đại học có tên tuổi, được xã hội tin tưởng như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân…
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) “cảm thấy buồn” khi nghe đến chuyện học thuê thi mướn.
Ông nói: “Sinh viên không hứng thú học, ghi tên ở trường để làm việc khác, vẫn lấy bằng đại học. Sau khi ra trường, nhờ thân quen, chạy chọt để được bổ nhiệm chức này chức kia… thật nguy hiểm cho xã hội”.
PGS cũng cảm thấy lạ bởi chuyện học hộ có ngay tại ngôi trường Đại học Sư phạm Hà Nội – đại học lớn trong cả nước, cũng là nơi ông làm cán bộ giảng dạy trước khi về hưu.
“Hồi tôi còn dạy học, không có chuyện học hộ ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng, nếu có sinh viên đi học hộ tôi cũng khó có thể kiểm soát được hết. Nhưng sinh viên lúc đó trung thực, không có chuyện “bát nháo” như hiện nay”, PGS nói.
Nhóm “Học hộ thi hộ” có hơn 7.647 thành viên tham gia. Hằng ngày, việc giao dịch học thuê, thi thuê luôn diễn ra nhộn nhịp.
Video đang HOT
GS.TS. Phạm Huy Dũng
GS.TS. Phạm Huy Dũng (Đại học Thăng Long, HN) cho rằng, việc sinh viên bỏ tiền ra thuê người đi học, đi thi cho mình là “sự việc nghiêm trọng”. Nếu những người học hộ, thi hộ ấy được xã hội trọng dụng đưa vào những vị trí quản lý thì “tai hại không biết sẽ như thế nào”.
“Tôi còn nghe nói có chuyện làm tiến sĩ giả, giáo sư giả, nghiên cứu hộ, viết báo cáo hộ…”, GS Dũng cho hay.
Theo GS, về bản chất, vấn đề học hộ thi hộ là sự không trung thực trong học tập và dạy học. Ông cho rằng: “Trung thực là yếu tố đạo đức chung của con người. Yếu tố trung thực có lẽ phải đặt lên hàng đầu trong giáo dục, môi trường giáo dục”.
“Động lực học không lớn”
PGS Văn Như Cương xem hành động sinh viên thuê người đi học hộ để ghi tên điểm danh cho thấy việc kỷ luật trong nhà trường không còn nghiêm túc.
PGS Văn Như Cương
Nếu là lãnh đạo trường, ông cho biết, sẽ không chấp nhận sinh viên không thích học. Chấp nhận trường sẽ ít sinh viên, giảm nguồn thu học phí… nhưng giữ được thương hiệu.
PGS Văn Như Cương cũng cho rằng, động lực học của sinh viên hiện nay không lớn. Sinh viên đi học nhưng không biết có tương lai sáng sủa không, có việc làm và làm đúng chuyên ngành học không?…
Ví dụ, trước đây, sinh viên sư phạm như ông ra trường chắc chắn có việc làm. Do vậy, muốn làm được việc phải học, nghiên cứu sâu. Nhưng bây giờ, không biết ra trường sẽ là gì? Thậm chí, nhiều người làm việc trái ngành học.
“Do vậy, sinh viên nghĩ rằng, không cần giỏi, chỉ cần học “vừa vừa” cũng được, miễm sao có cái bằng, tìm cách xin việc sau”, PGS nói.
PGS cho rằng, cần tính lại cách kiểm tra đánh giá sinh viên. Cách đánh giá chuyên cần theo kiểu “đến trường ghi tên điểm danh” như hiện nay “không có tác dụng gì”.
Theo ông, ai không thích học nên ở nhà, đỡ ảnh hưởng đến môi trường học tập của người xung quanh.
Để hạn chế học hộ, thi hộ, nên đưa ra phương án thi vấn đáp. Trong đó, chấp nhận sinh viên không đến trường học nhưng vẫn trả lời được câu hỏi của giáo viên trong kỳ thi.
Sinh viên N.T.H (bên trái) gặp gỡ với phóng viên nhờ đi thi hộ môn Quy hoạch tuyến tính tại quán nước phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Như vậy, nếu sinh viên không đến trường, nhưng vẫn tìm tòi tài liệu, học tập ở nhà tốt… thì cũng chấp nhận được. Nếu đến kỳ thi, không trả lời được câu hỏi vấn đáp sẽ lòi ra ngay sinh viên đó ở nhà để đi chơi, làm việc khác. Như vậy, sẽ không phải lo sinh viên học hộ, thi hộ.
Theo PSG, cần thay đổi môi trường, đạo đức trong nhà trường. Phải xác định ba vấn đề: học để làm gì, học cái gì, học như thế nào? Tất cả những câu hỏi đó đều phải làm lại.
Ông ví dụ, trong khi Tổ chức Khoa học – Giáo dục của tổ chức Liên Hiệp Quốc nói rằng “học để biết, làm, khẳng định mình, hòa nhập…”, còn chúng ta “học để đi thi”.
Theo Khampha
Học thuê, thi hộ giá bằng... bát phở
Cứ như chuyện đùa, trong vai người học thuê, phóng viên đã được thầy giáo gọi lên bảng làm bài tập. Kết thúc "trót lọt" buổi học thuê, chúng tôi được sinh viên trả thù lao tương đương... một bát phở.
LTS: Có giàu trí tưởng tượng nhất, chúng tôi cũng không thể ngờ rằng thị trường học thuê, thi hộ ở đại học lại sôi động đến thế với giá cả chỉ bằng... bát phở. Loạt bài phóng sự điều tra nhập vai của Khampha.vn cho thấy thực trạng bát nháo trong giáo dục đại học.
Trong hàng trăm lời rao tìm người học thuê, thi hộ nhan nhản trên mạng, chúng tôi chú ý đến cái tên A.Đ. Người này giới thiệu cụ thể đang là sinh viên lớp Tài chính công năm cuối của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trái với sự cẩn trọng của chúng tôi khi vào vai người đi học thuê, A.Đ nói không chút giấu giếm: Cậu đi học lại môn Toán cao cấp. Tiền công một buổi học thuê đã có giá chung được đăng công khai trên mạng là từ 40 - 60 nghìn đồng. Tiền sẽ được bắn vào tài khoản sau khi kết thúc buổi học. Hỏi có lo thầy cô giáo phát hiện không, A.Đ cười khẩy: "Lo cái gì, tôi đã từng nhờ nhiều người đi học hộ rồi!".
Lần theo "thành tích" thuê người học hộ của A.Đ đăng trên mạng, tôi biết cậu không nói đùa. Nhưng làm thế nào có thể lọt vào lớp học của một trường đại học thuộc hàng danh giá nhất cả nước như Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn là dấu hỏi lớn.
Ngày 7/3, tôi đến lớp Tài chính công trong tâm trạng hồi hộp. Nhưng hóa ra những lo lắng trước đó là thừa. Không có ánh mắt dò xét nào khi một người lạ như tôi xuất hiện trong lớp học. Tìm được một chỗ ngồi ở cuối lớp, tôi yên trí mở to mắt quan sát.
Lớp học môn Toán cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Sĩ số lớp học khoảng 40 sinh viên, theo lời A.Đ. Nhưng chỉ khoảng 20 sinh viên có mặt đầu giờ học. Bài giảng của thầy giáo luôn bị cắt ngang bởi các tốp đi học muộn và tiếng nói chuyện xì xào. Ở bên trái, một sinh viên đeo cặp kính cận ngồi chăm chú dán mặt chiếc điện thoại chơi game. Bên phải, một sinh viên khác tay cầm điện thoại liên hồi nhắn tin.
Màn kịch học thuê tưởng chừng diễn ra trót lọt, bỗng có tiếng thầy giáo: "Mời cậu A.Đ lên bảng!". Không tiếng đáp lại. Thầy gọi đến lần thứ hai. Lúc này, tôi mới sực nhớ ra mình đang "mang" tên A.Đ. Sau lời đáp của tôi, thầy giáo tỏ rõ sự ngạc nhiên rồi gắt: "Sao đến tên mình mà cậu cũng không nhớ?". Hàng chục con mắt trong lớp đang đổ dồn về phía tôi, tôi đã bị phát hiện?
Đang chờ cái phất tay của thầy giáo để bước ra khỏi lớp, bỗng một sinh viên đeo kính cận ngồi cạnh xòe cho tôi cuốn vở bài tập và ra hiệu cho tôi mang lên bảng chép. Hít một hơi thở sâu, tôi cố lấy vẻ tự nhiên bước lên bảng. Tôi chép lên bảng một mạch mà chả hiểu mình đang viết gì.
Nhưng màn "tra tấn" kiến thức Toán cao cấp chưa hết. Về đến chỗ ngồi, tôi vẫn bị thầy giáo xuống tận nơi chất vấn bằng một loạt câu hỏi. Câu trả lời chẳng ăn nhập với nội dung thầy hỏi. "Chữ thầy trả thầy à?", thầy tỏ rõ thái độ bực dọc. "Dù sao thầy cũng không phát hiện mình đi học thuê!", tôi tự nhủ.
Lân la làm quen với sinh viên tên T., quê ở Thái Bình, được biết: Lớp học thường bắt đầu từ 13h đến 16h. Lớp vẫn có sinh viên lạ đến học thuê. "Họ đến học chớp nhoáng, chờ đến lúc điểm danh cuối giờ rồi ra về", T. cứ thế nói chuyện với tôi mà chẳng hề biết tôi cũng là "kẻ đi học thuê".
7h15 vào học, nhưng đến hơn 8h, lớp học tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mới chỉ có vài sinh viên
Sau buổi học thuê trót lọt ở Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi tự tin nhận thêm "đơn hàng" mới trên mạng. Lần này là nam sinh viên của khóa 3, ngành Kế toán của Đại học Kinh doanh và Công nghệ, đưa giá 50 nghìn đồng/buổi.
7h30, cô giáo bước vào lớp nhưng mới chỉ có 6 sinh viên có mặt, trong khi sĩ số lớp lên tới hơn 40 người. Lớp học lác đác vài sinh viên, song cô giáo vẫn phải bắt đầu bài giảng. Cứ 5 đến 10 phút lại thấy có một tốp từ 2 đến 4 sinh viên vào lớp. Lớp học vì thế cứ ồn ào như cái chợ vỡ. Còn cô giáo cứ một chốc lại phải dừng bài giảng để ghi tên sinh viên vào tờ giấy điểm danh.
Đến 9h, lớp học mới có khoảng 20 sinh viên. Thậm chí đến 10h, vẫn có sinh viên đến muộn thản nhiên vào lớp học.
Theo Khampha
Bi hài cảnh học thuê "Học thuê, thi thuê"- lâu nay vẫn được coi là công việc nhẹ nhàng, giúp các bạn sinh viên có thêm thu nhập. Tuy nhiên, những "tai nạn" xảy đến với công việc này khiến cả người học và người thuê rơi vào cảnh khốn khổ. Quảng cáo học hộ, học thuê nhan nhản trên mạng và nơi công cộng Ảnh minh họa...