Học thuê, thi hộ giá bằng… bát phở
Cứ như chuyện đùa, trong vai người học thuê, phóng viên đã được thầy giáo gọi lên bảng làm bài tập. Kết thúc “trót lọt” buổi học thuê, chúng tôi được sinh viên trả thù lao tương đương… một bát phở.
LTS: Có giàu trí tưởng tượng nhất, chúng tôi cũng không thể ngờ rằng thị trường học thuê, thi hộ ở đại học lại sôi động đến thế với giá cả chỉ bằng… bát phở. Loạt bài phóng sự điều tra nhập vai của Khampha.vn cho thấy thực trạng bát nháo trong giáo dục đại học.
Trong hàng trăm lời rao tìm người học thuê, thi hộ nhan nhản trên mạng, chúng tôi chú ý đến cái tên A.Đ. Người này giới thiệu cụ thể đang là sinh viên lớp Tài chính công năm cuối của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trái với sự cẩn trọng của chúng tôi khi vào vai người đi học thuê, A.Đ nói không chút giấu giếm: Cậu đi học lại môn Toán cao cấp. Tiền công một buổi học thuê đã có giá chung được đăng công khai trên mạng là từ 40 – 60 nghìn đồng. Tiền sẽ được bắn vào tài khoản sau khi kết thúc buổi học. Hỏi có lo thầy cô giáo phát hiện không, A.Đ cười khẩy: “Lo cái gì, tôi đã từng nhờ nhiều người đi học hộ rồi!”.
Lần theo “thành tích” thuê người học hộ của A.Đ đăng trên mạng, tôi biết cậu không nói đùa. Nhưng làm thế nào có thể lọt vào lớp học của một trường đại học thuộc hàng danh giá nhất cả nước như Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn là dấu hỏi lớn.
Ngày 7/3, tôi đến lớp Tài chính công trong tâm trạng hồi hộp. Nhưng hóa ra những lo lắng trước đó là thừa. Không có ánh mắt dò xét nào khi một người lạ như tôi xuất hiện trong lớp học. Tìm được một chỗ ngồi ở cuối lớp, tôi yên trí mở to mắt quan sát.
Lớp học môn Toán cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Video đang HOT
Sĩ số lớp học khoảng 40 sinh viên, theo lời A.Đ. Nhưng chỉ khoảng 20 sinh viên có mặt đầu giờ học. Bài giảng của thầy giáo luôn bị cắt ngang bởi các tốp đi học muộn và tiếng nói chuyện xì xào. Ở bên trái, một sinh viên đeo cặp kính cận ngồi chăm chú dán mặt chiếc điện thoại chơi game. Bên phải, một sinh viên khác tay cầm điện thoại liên hồi nhắn tin.
Màn kịch học thuê tưởng chừng diễn ra trót lọt, bỗng có tiếng thầy giáo: “Mời cậu A.Đ lên bảng!”. Không tiếng đáp lại. Thầy gọi đến lần thứ hai. Lúc này, tôi mới sực nhớ ra mình đang “mang” tên A.Đ. Sau lời đáp của tôi, thầy giáo tỏ rõ sự ngạc nhiên rồi gắt: “ Sao đến tên mình mà cậu cũng không nhớ?”. Hàng chục con mắt trong lớp đang đổ dồn về phía tôi, tôi đã bị phát hiện?
Đang chờ cái phất tay của thầy giáo để bước ra khỏi lớp, bỗng một sinh viên đeo kính cận ngồi cạnh xòe cho tôi cuốn vở bài tập và ra hiệu cho tôi mang lên bảng chép. Hít một hơi thở sâu, tôi cố lấy vẻ tự nhiên bước lên bảng. Tôi chép lên bảng một mạch mà chả hiểu mình đang viết gì.
Nhưng màn “tra tấn” kiến thức Toán cao cấp chưa hết. Về đến chỗ ngồi, tôi vẫn bị thầy giáo xuống tận nơi chất vấn bằng một loạt câu hỏi. Câu trả lời chẳng ăn nhập với nội dung thầy hỏi. “Chữ thầy trả thầy à?”, thầy tỏ rõ thái độ bực dọc. “Dù sao thầy cũng không phát hiện mình đi học thuê!”, tôi tự nhủ.
Lân la làm quen với sinh viên tên T., quê ở Thái Bình, được biết: Lớp học thường bắt đầu từ 13h đến 16h. Lớp vẫn có sinh viên lạ đến học thuê. “Họ đến học chớp nhoáng, chờ đến lúc điểm danh cuối giờ rồi ra về”, T. cứ thế nói chuyện với tôi mà chẳng hề biết tôi cũng là “kẻ đi học thuê”.
7h15 vào học, nhưng đến hơn 8h, lớp học tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mới chỉ có vài sinh viên
Sau buổi học thuê trót lọt ở Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi tự tin nhận thêm “đơn hàng” mới trên mạng. Lần này là nam sinh viên của khóa 3, ngành Kế toán của Đại học Kinh doanh và Công nghệ, đưa giá 50 nghìn đồng/buổi.
7h30, cô giáo bước vào lớp nhưng mới chỉ có 6 sinh viên có mặt, trong khi sĩ số lớp lên tới hơn 40 người. Lớp học lác đác vài sinh viên, song cô giáo vẫn phải bắt đầu bài giảng. Cứ 5 đến 10 phút lại thấy có một tốp từ 2 đến 4 sinh viên vào lớp. Lớp học vì thế cứ ồn ào như cái chợ vỡ. Còn cô giáo cứ một chốc lại phải dừng bài giảng để ghi tên sinh viên vào tờ giấy điểm danh.
Đến 9h, lớp học mới có khoảng 20 sinh viên. Thậm chí đến 10h, vẫn có sinh viên đến muộn thản nhiên vào lớp học.
Theo Khampha
Bi hài cảnh học thuê
"Học thuê, thi thuê"- lâu nay vẫn được coi là công việc nhẹ nhàng, giúp các bạn sinh viên có thêm thu nhập. Tuy nhiên, những "tai nạn" xảy đến với công việc này khiến cả người học và người thuê rơi vào cảnh khốn khổ.
Quảng cáo học hộ, học thuê nhan nhản trên mạng và nơi công cộng
Ảnh minh họa
Nhan nhản dịch vụ học thuê
"Đảm bảo việc học đúng thời gian, đủ số buổi, đáp ứng đúng yêu cầu của các bạn. Giá cả thỏa thuận. Hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại...". Những dòng quảng cáo dịch vụ học thuê này được công khai trên các trang web, các trang mạng xã hội, thậm chí được dán ở các điểm công cộng hay nơi tập trung đông sinh viên. Thông thường, người thuê sẽ liên lạc trực tiếp với người đăng quảng cáo thỏa thuận giá cả, thông báo địa điểm, môn học, thông tin cá nhân. Sau đó, người học thuê chỉ cần đến lớp đúng giờ, điểm danh, kiên trì ngồi hết buổi học, thỉnh thoảng làm thêm một số bài kiểm tra mang tính chất điểm danh là chính... thế là tròn vai. Với giá từ 70.000 đồng - 100.000 đồng/ buổi, người thuê có "quyền" yêu cầu người học thuê có mặt tại bất kỳ lớp học nào từ trung cấp, cao đẳng đến đại học và thậm chí cả cao học.
Có kinh nghiệm học thuê ngay từ năm thứ nhất, Trần Ngọc Ninh, sinh viên khoa quản trị kinh doanh một trường CĐ cho biết lý do "đưa" Ninh đến với nghề học thuê khá tình cờ. Trước đây, trong khu trọ, nơi Ninh ở có một anh đã đi làm ổn định nhưng do cơ quan yêu cầu anh này phải học thêm văn bằng 2 đại học Luật nên thỉnh thoảng đã nhờ Ninh đi học hộ vì bận. Ban đầu, vì cả nể, lại vào những ngày không phải lên lớp nên Ninh nhận lời đi điểm danh hộ. Thấy Ninh nhiệt tình, lại ghi chép đầy đủ nên anh này đã ngỏ ý thuê Ninh đi học với giá là 60.000 đồng/buổi. Mới đầu, Ninh nghĩ có chút tiền bồi dưỡng cũng tốt, sau đó anh này tiếp tục giới thiệu cho Ninh một vài người bạn có cùng nhu cầu. Thấy công việc tương đối nhàn hạ, đến lớp chỉ ngủ gật và điểm danh mà cũng có tiền nên gần 2 năm nay Ninh đã gắn bó với công việc này. "Vì không kham nổi nên em đã rủ thêm một số người bạn khác cùng làm. Công việc nhàn hạ thật nhưng cũng mất thời gian vì có những hôm lịch học thuê trùng với thời gian lớp học chính khoá nên em phải chạy "xô" mệt tơi tả" - Ninh chia sẻ.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông giãi bày: "Bận việc cơ quan, lại còn con nhỏ, nhưng vì cơ quan bắt phải học thêm văn bằng 2 nên mấy tháng nay tôi phải nhờ đến dịch vụ học thuê. Đến ba đầu sáu tay cũng không kham nổi khi vừa phải hoàn thành việc cơ quan, vừa đi học và làm người vợ đảm". Cũng theo chị Hạnh, chỉ hôm nào kiểm tra chị mới có mặt còn phần lớn thời gian trên lớp chị thuê một bạn sinh viên học thuê dài hạn. Ngoài số tiền 80.000 đồng/buổi, chị Hạnh còn trả thêm tiền điện thoại, tiền trợ cấp ăn trưa nếu học cả ngày.
Hệ lụy từ sự gian dối
Do quá ham kiếm tiền nên nhiều bạn sinh viên đã bỏ cả học chính để đi học thuê, khiến thời gian dành cho bài vở trên lớp chểnh mảng khi một mình chạy xô cho 3-4 người. Với lý do này thì việc bỏ học, bỏ tiết tất yếu xảy ra. Nhiều bạn còn đắn đo xem môn nào không quan trọng, thầy cô nào dễ tính... để bỏ học cho dễ. Kết quả là không ít bạn phải thi lại chỉ vì "mải" học thuê. Trần Thu Hà, sinh viên một trường ĐH đã gặp phải tình cảnh trớ trêu khi "chạm mặt" đúng thầy giáo của mình khi đi học thuê ở một lớp cao học. Khi điểm danh, thầy giáo đã nhận ra Hà là sinh viên của mình. Cuối buổi học, thầy giáo đã gặp riêng Hà để nhắc nhở. Thế là hợp đồng học thuê bị "huỷ", còn người thuê học cũng bị "lộ" không được thi hết môn.
Bên cạnh dịch vụ học thuê còn có dịch vụ thi thuê với giá 1.000.000- 1.500.000 đồng/môn. Tuy nhiên, những đối tượng đáp ứng dịch vụ thi thuê phải là những sinh viên có kiến thức về môn học đó và phải đảm bảo bài thi đạt điểm cao. Do yêu cầu khắt khe nên không phải sinh viên nào cũng đáp ứng được công việc này, chưa kể khả năng bị phát hiện "thi hộ" là khá cao, ảnh hưởng đến cả người thuê và người được thuê. Điều đáng nói là việc thuê người học hộ, thậm chí làm bài kiểm tra hộ, thi hộ mang đến nhiều hệ lụy. Hổng kiến thức, không nắm rõ lý thuyết cơ bản... là những hậu quả tất yếu sau một thời gian dài người học "thật" nhờ người "đóng giả" mình lên lớp.
Thạc sỹ Vũ Thu Nga - giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, tình trạng học thuê, thi thuê thường xảy ra ở những sinh viên theo học cao học hoặc văn bằng 2. Các lớp kiểu này thường đông hơn các lớp chính quy và các sinh viên theo học hầu hết là những người lớn tuổi đã có gia đình, việc làm. Lý do mà người học biện minh cho việc thuê học cũng rất đa dạng. Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì sinh viên không được nghỉ quá 20% số tiết học, nên giải pháp thuê người đi học đang được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, đối với dịch vụ học thuê, thi thuê ngoài trách nhiệm xử lý của các trường với sinh viên thì ý thức của người học cũng rất quan trọng bởi, chỉ có người học mới hiểu rõ giá trị kiến thức mà mình thu nhận. Và trước khi có kế hoạch theo học một khoá học nào đó người học nên sắp xếp thời gian và cân nhắc xem việc học ấy phục vụ cho công việc của mình đến đâu. Nếu chỉ vì có thêm tấm bằng cho bộ sưu tập bằng cấp của mình thì đó là việc làm không cần thiết.
Ngọc Bảo
Theo ANTD
Vẫn nên bổ nhiệm GĐ sở dính "thi hộ"? "Nếu sai phạm từ vài năm trước nhưng đã có sửa chữa, hoặc có kỷ luật, giờ được xóa... vẫn có thể xem xét bổ nhiệm lên chức". Đó là ý kiến của ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về thông tin ông Nguyễn Trọng Đông, nguyên Phó Giám đốc Sở TN & MT Hà Nội...