Học thêm: Gánh nặng với gia đình và xã hội
Việc dạy thêm đối với cấp tiểu học trong năm 2015 đã có chuyển biến. Giáo viên các trường đa phần đều không còn dạy thêm cho các cháu tại nhà. Còn lại một số ít giáo viên chỉ dạy “chui”. Đối với những trường hợp này, chỉ cần ngành có hình thức phạt kỷ luật thì chắc chắn việc dạy thêm ở cấp tiểu học sẽ chấm dứt hẳn.
Việc dạy thêm đối với cấp THCS và THPT thì vẫn diễn ra hàng ngày. Những năm qua, tình trạng học thêm hoàn toàn không giảm. Việc học thêm đã trở thành gánh nặng chồng chất trên đôi vai của phụ huynh. Với không ít gia đình, tiền đóng học thêm là một khoản chi khá lớn. Tiền đóng học thêm làm giảm chất lượng buổi ăn hàng ngày, giảm chất lượng cuộc sống. Buổi ăn trong gia đình vốn đã đạm bạc nay càng đạm bạc hơn vì phải để dành tiền đóng học phí. Cuộc sống vất vả sẽ trở nên cơ cực hơn khi “mua con chữ”.
Hiện tại mức học phí các em học hàng tháng 1 môn khoảng từ 150 đến 200 ngàn đồng. Các em học thêm môn Toán, Văn, Lý, Hóa, Anh văn… thì số tiền học thêm gần 1 triệu đồng. Như vậy đối với vùng nông thôn, số tiền này đã gần 1/2 thu nhập người nông dân. Đối với vùng thành thị, số tiền này gần 1/3 thu nhập của người công nhân. Thực tế nhiều gia đình vì việc học của con em mình mà cuộc sống trở nên khó khăn, vất vả…
Việc học thêm của các em đã chiếm hết thời gian tự học và nghiên cứu, phát triển trí tuệ. Giáo viên dạy thêm vì mục đích chính tăng thu nhập nên đa phần dạy trước chương trình. Có giáo viên hướng dẫn trước bài kiểm tra để khi các em làm đạt điểm số cao. Các em học trước nên vào lớp không chú ý, tạo sự chủ quan phản khoa học. Đó là một phương pháp học ỷ lại, không phát triển tư duy.
Như vậy việc dạy thêm có những mặt tồn tại, hao tốn rất nhiều đến khoản thu nhập của người dân, ảnh hưởng rất nhiều đến thể lực và trí lực của học sinh. Trong khi đó, các em cần được ăn uống đầy đủ để có sức khỏe học tập tốt, dành thời gian để vui chơi, giải trí, rèn luyện thể thao để phát tiển tầm vóc…
Trước đây, những năm đầu giải phóng, chúng ta đã làm được những điều rất hay và hiệu quả: Một là, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi. Hai là, dạy phụ đạo học sinh yếu. Việc phụ đạo học sinh yếu thật sự là niềm vui đối với gia đình học sinh, đó là một việc làm thiết thực, giúp các em nắm vững lại kiến thức cơ bản để theo kịp những bài học tiếp theo. Dạy phụ đạo cũng là việc thể hiện lòng yêu thương của giáo viên, trách nhiệm đối với học sinh mình. Gia đình các em sẽ không chịu thêm gánh nặng học phí học thêm, giúp cuộc sống gia đình các em đỡ vất vả. Với việc giáo viên được nhận phụ cấp ưu đãi thì trách nhiệm dạy phụ đạo là điều hợp lý do vì chỉ riêng ngành giáo dục mới có phụ cấp này.
Video đang HOT
Chúng ta cấm dạy thêm rồi sau đó dạy trở lại như “bắt cóc bỏ dĩa”. Sự việc cứ lập đi lập lại nhiều lần và không có cách giải quyết đến nơi đến chốn.
Khi giáo viên không được dạy thêm bên ngoài, chúng ta có thể dạy các em bằng hình thức dạy phụ đạo trong trường với sự quản lý chuyên môn của các tổ bộ môn, tạo sức học đồng đều, đồng thời không tạo thêm gánh nặng học phí đối với gia đình học sinh.
Nguyễn Hoàng Tuấn
Theo Dantri
Bơ phờ vì học thêm
Cả ngày học chính khóa ở trường, tối lại đến nhà giáo viên để học thêm đang là thực trạng chung của nhiều học sinh tại TPHCM. Học quá nhiều khiến nhiều học sinh mặt mày bơ phờ mỗi khi về tới nhà...
Cô giáo "gợi ý"
Chị Thu, có con học lớp 1 của một trường Tiểu học ở quận Tân Bình, TPHCM cho biết, do con chị học bán trú nên lịch học bắt đầu từ 7 giờ sáng, trưa ăn ngủ tại trường để đến chiều học tiếp. Buổi học chính khóa của trường kết thúc khoảng 4 giờ chiều. Chưa kết thúc, ngay khi đón con ở lớp, tranh thủ ăn qua loa, sau đó chị Thu chở con đến nhà cô giáo cách đó khoảng hơn 1 cây số để học thêm.
"Cũng không muốn con học thêm nhưng không học thì sợ cháu bị phân biệt vì cả lớp cháu hầu như đều đi học thêm", chị Thu tâm sự. Theo chị Thu, học phí mỗi tháng khoảng 700 ngàn đồng là không cao tuy nhiên mất thời gian đưa đón, rồi còn phải tốn tiền cho cháu lót dạ trước khi vào học bởi giờ học khá lỡ cỡ.
Sau giờ tan trường, phụ huynh liền cho con ăn vội thứ gì đó rồi tiếp tục chở con đi học thêm.
Chị Nguyễn Thị Thu Trân, quận 4, TPHCM cũng than trời bởi lịch học của 2 con. Cháu lớn học thêm 3 môn gồm Văn, Toán và Vật lý nên các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 cháu phải học từ 1 giờ chiều đến 9 giờ tối mới xong, riêng thứ 4 và thứ 6, cháu còn phải học các môn nâng cao chính khóa tại trường. Còn bé lớp 9, ngoài học hai buổi/ngày, mỗi buổi chiều chị còn chở bé đi học thêm ở trung tâm văn hóa ngoài giờ. Bên cạnh đó, riêng ngày thứ 7 và Chủ nhật, chị cho con học thêm môn Anh văn ở nhà cô giáo chủ nhiệm từ 14h- 15h30.
"Thấy con học cả ngày, vợ chồng tôi cũng xót lắm. Nhiều tối cháu về nhà mà mặt mày phờ phạc, không thèm ăn cơm nên phải mất công dỗ cháu nữa", chị Trân nói.
Không ít lần chị Trần Thị Thanh Phương, ngụ quận Gò Vấp có con đang học lớp 3 tại quận này bị cô giáo "gợi ý" cho con đi học thêm. Theo chị Phương, trong lần họp phụ huynh cách đây ít tuần, chị được cô giáo nhắc nhở là con chị học tương đối yếu, trình bày bài vở xấu nên cháu cần phải đi học thêm để theo kịp bạn bè. "Vài ngày sau con về nhà nói với tôi: Cô giáo nói cô có dạy thêm ở nhà đường Phan Văn Trị, mỗi tháng 500 ngàn đồng, mẹ rảnh thì chở con đến đó học với các bạn luôn", chị Phương kể.
Học thêm nhiều phản tác dụng...
Nói về chuyện học thêm, dạy thêm, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, đây là nhu cầu tất yếu của phụ huynh học sinh lẫn của giáo viên bởi một bên muốn cho con theo kịp bạn bè, một bên muốn nâng cao thu nhập. "Nguyên do là chương trình học hiện nay quá nặng, với thời lượng trên lớp thì rất khó có thể để giáo viên truyền tải hết kiến thức cho các em học sinh", ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng tất cả giáo viên dù dạy thêm 1 học sinh vẫn phải có giấy phép do Phòng giáo dục cấp (đối với dạy thêm cấp 1 và 2) và giấy phép do Sở giáo dục cấp (đối với cấp 3). Giáo viên dạy thêm không được dạy cho chính học trò của mình đang dạy, trường hợp có, phụ huynh phải làm đơn đề nghị gởi hiệu trưởng mới được phép. "Tuy nhiên, tình trạng giáo viên không dạy hết năng lực, kiến thức trên lớp để buộc học sinh phải về nhà học thêm hoặc dạy thêm cho chính học sinh của mình đã dạy trên lớp vẫn xuất hiện, mặc dù không nhiều", ông Hoàng nói.
Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính TPHCM phản đối việc học thêm đối với học sinh và cho rằng, học thêm chỉ xuất hiện trong trường hợp học sinh bị kém môn nào đó mới phải kèm cặp để không tụt hậu so với bạn bè.
"Học thêm nhiều sẽ rất có hại cho trẻ bởi trẻ đã học cả ngày ở trường rồi, nếu học thêm nữa trẻ sẽ học trong trạng thái mệt mỏi, không tiếp thu được bài vở. Hơn nữa, trí não của trẻ nếu coi như cái bình nước, khi rót quá đầy thì nó chỉ tràn ra ngoài mà thôi. Vì thế, học thêm là cách nhanh nhất làm thiểu năng trí tuệ của trẻ, thậm chí còn thui chột tư duy, sáng tạo của trẻ", bà Thúy nói.
Theo bà Thúy, học thêm không có tác dụng bao nhiêu ngoài việc giải một số bài toán trên lớp trong khi ở lứa tuổi tiểu học, trẻ cần chơi đùa để lớn lên có được mắt tinh nhanh, người có cơ bắp nhưng nếu bắt trẻ ngồi học thêm suốt ngày sẽ khiến trẻ mắt cận, ngực lép, thiếu cân hoặc béo phì".
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, theo báo cáo của Phòng GD quận Tân Bình, đơn vị này vừa đình chỉ công tác giảng dạy đối với cô V.B.L giáo viên lớp 1/3 trường Tiểu học Bành Văn Trân do dạy thêm sai quy định. Cụ thể, cô này đã dạy thêm khi chưa có giấy phép của Phòng GD trong khi 9 học sinh của lớp học thêm này là học trò do chính cô chủ nhiệm ở giờ học chính khóa.
Theo Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Quá khứ cơ cực của cô chủ 9x Sài thành giàu nghị lực Sở hữu nhan sắc xinh đẹp, khả năng kinh doanh nhạy bén cùng tinh thần vượt khó, vươn lên chiến thắng hoàn cảnh của cô gái Hồ Mỹ Tiên khiến không ít người phải cảm phục, ngưỡng mộ. Hồ Mỹ Tiên (nickname Mi Young) sinh năm 1990, đang sinh sống và làm việc tại Tp Hồ Chí Minh. Mỹ Tiên được nhiều người...