“Học tập Bác cần gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4″
“Việc học tập và làm theo gương Bác phải gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, các nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí” – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Sáng 18.5, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Các đoàn thể vào cuộc
Theo ông Mai Văn Ninh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, mặc dù Chỉ thị 05 mới được triển khai 1 năm, song hầu hết tại các tỉnh ủy, Đảng ủy trực thuộc T.Ư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị đã triển khai và ban hành các văn bản triển khai học tập chỉ thị.
Việc tổ chức học tập nghiêm túc các nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân, thấy rõ hơn trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân trong việc học tập và làm theo Bác.
Nhiều địa phương đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, gắn với Nghị quyết T.Ư 4, giải quyết kịp thời có hiệu quả nhiều bức xúc nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Ninh, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ vẫn có những hạn chế, khuyết điểm, đó là tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy còn ít, dẫn đến việc triển khai chỉ thị còn lúng túng, nội dung sao chép, thụ động.
Video đang HOT
Nhiều ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở T.Ư chưa thực sự quan tâm chỉ đạo học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của cơ quan mình và chưa hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc, phối hợp thực hiện theo ngành dọc. Việc xây dựng kế hoạch còn lúng túng; tính tiên phong gương mẫu, tinh thần tự giác của nhiều cán bộ, đảng viên công chức, viên chức còn nhiều hạn chế…
Để việc học tập và làm theo Bác đạt kết quả, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam – kiến nghị: “Các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quy định rõ việc công khai kết quả “làm theo” hàng năm để cấp ủy, tổ chức Đảng, các đoàn thể và nhân dân giám sát, cho ý kiến góp ý”.
Chia sẻ với hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư T.Ư Đoàn, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn – cho rằng, các đơn địa phương, đơn vị cần phải xác định đây là nội dung quan trọng, chủ động chương trình, xây dựng chuyên đề sớm sẽ đạt hiệu quả cao. Các chuyên đề nên chia theo đối tượng, địa bàn. Mỗi đối tượng lại có cách làm riêng. Mỗi năm làm có chuyên đề riêng.
Tạo động lực trong Đảng
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, mặc dù là năm đầu tiên triển khai, nhưng đến nay việc học tập và làm theo Bác đã, đang đi vào cuộc sống. Ông Thưởng đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
“Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn liền với việc triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chú trọng vào Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Theo ông Võ Văn Thưởng, các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị phải lấy tư tưởng của Người để soi rọi suy nghĩ và hành động, đổi mới tác phong làm việc, thật sự dân chủ, khoa học, sát dân, “nói đi đôi với làm”, tạo động lực chuyển biến thật rõ nét trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.
“Một số sự việc xảy ra vừa qua tại một số nơi có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chưa sát dân, lắng nghe dân, giải quyết vấn đề chưa dân chủ và khoa học”, ông Thưởng nói.
Để công tác tuyên truyền, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, ông Võ Văn Thưởng lưu ý, điểm mấu chốt, phải hình thành cho được ý thức tự giác, trách nhiệm cá nhân và tình cảm yêu kính Bác ở mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân, trước hết là những người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.
Ông Thưởng đánh giá: Thực tế, triển khai thực hiện việc học tập và làm theo lời Bác từ các chỉ thị 03, 05 cho thấy vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành bại trong tổ chức thực hiện ở từng đơn vị.
“Địa phương nào, đơn vị nào, đồng chí bí thư cấp ủy hiểu sâu sắc về yêu cầu vì sao phải học và làm theo Bác, ý thức đầy đủ về trách nhiệm nêu gương trước, làm trước, thì nơi đó việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ có nhiều sáng tạo và đạt kết quả cụ thể. Vì vậy phải bắt đầu từ người đứng đầu, đề cao vai trò của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành”, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp quan tâm đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, biểu dương và nhân rộng kịp thời cách tổ chức, triển khai hay; nhân rộng các điển hình tiêu biểu; phát huy vai trò của văn học – nghệ thuật, tổ chức tuyên truyền trên báo chí, kết hợp với tuyên truyền miệng, tuyên truyền cổ động trực quan một cách phong phú, đa dạng. “Nếu các nhà văn, nhà báo, người làm nghệ thuật tham gia tích cực thì việc học tập và làm theo lời Bác sẽ thấm được vào đời sống tinh thần, tác động được vào tình cảm của mỗi người, khơi gợi được những yếu tố tích cực, những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi chúng ta, để đấu tranh với những cái xấu trong mỗi con người”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Theo Danviet
Chính phủ hành động để đẩy lùi suy thoái trong nội bộ
Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Chương trình hành động của Chính phủ hướng tới việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, kiên trì, thường xuyên với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của các cấp, các ngành; gắn với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết khác để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình, tạo niềm tin trong Đảng, trong Nhân dân, tạo động lực làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Chương trình hành động, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 04-NQ/TW.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, trong đó, thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo đúng Nghị quyết số 04-NQ/TW, gắn với việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và đột xuất theo quy định trên cơ sở cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đề cao tính gương mẫu, tự giác kiểm điểm, trách nhiệm nêu gương của cấp trên, người đứng đầu.
Lãnh đạo Chính phủ quán triệt chỉ đạo kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm cán bộ làm việc kém hiệu quả
Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Một giải pháp đề ra là rà soát, có biện pháp, hình thức xử lý phù hợp đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Kịp thời xử lý dứt điểm đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và thông tin kết quả cho Nhân dân.
Sàng lọc, miễn nhiệm cán bộ làm việc kém hiệu quả
Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp xây dựng quy định tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; hoàn thiện thể chế về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có các quy định về xử lý kỷ luật; khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức.
Trong đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi bao che, cản trở, gây khó khăn trong xử lý hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.
Tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, Luật thi đua, khen thưởng; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.
Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình và công khai kết quả xử lý.
Đẩy mạnh thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trong đó, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các quy định, quy chế về chế độ trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, phong cách lối sống, quy tắc ứng xử của cơ quan nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập, của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực ứng xử các mối quan hệ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với doanh nghiệp và với Nhân dân.
Người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức phải có bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải kiểm tra việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình.
Theo Dantri