Học sinh tiểu học châm lửa đốt trường vì bị giáo viên… nhắc nhở
Cậu học sinh tiểu học 11 tuổi đã nảy ra ý định vô cùng liều lĩnh, đó là châm lửa đốt chính ngôi trường mà mình đang theo học chỉ vì bất mãn với giáo viên.
Mới đây, một bé trai 11 tuổi tại Anh đã bị kết án 3 năm cải tạo bắt buộc tại trung tâm giáo dưỡng dành cho trẻ vị thành niên sau khi châm lửa đốt trường, gây ra thiệt hại hơn 1,2 triệu USD (tương đương hơn 27 tỷ đồng).
Vào ngày 11/05, bé trai trên đã châm lửa đốt ngôi trường mà mình đang theo học – trường tiểu học St. Cuthbert & the First Martyrs Catholic Primary School, thành phố Bradford, hạt West Yorkshire, Anh khiến ba phòng học bị phá huỷ hoàn toàn.
Khi được hỏi, cậu bé cho biết do cảm thấy khó chịu sau khi bị giáo viên nhắc nhở nên mới dẫn tới hành động liều lĩnh như vậy.
“Cháu đã lẻn vào nhà kho của trường. Đây là nơi cất giữ một lượng nến và diêm còn sót lại từ những buổi lễ do nhà trường trường tổ chức. Sau đấy, cháu dùng diêm để châm lửa đốt những thứ bên trong rồi mới bỏ đi”, cậu bé tường trình.
Trường tiểu học St. Cuthbert & the First Martyrs Catholic Primary School, thành phố Bradford, hạt West Yorkshire, Anh.
Sau khi cậu bé bỏ đi, ngọn lửa đã âm thầm lan rộng ra nhiều khu vực trước khi một số giáo viên kịp phát hiện.
Video đang HOT
Mặc dù hai nhân viên của trường đã cố gắng dùng bình cứu hỏa để kiểm soát ngọn lửa, nhưng tất cả đều trở nên vô ích do đám cháy bùng phát quá dữ dội.
Cuối cùng, họ buộc phải gọi cứu hoả và tiến hành sơ tán toàn bộ 228 học sinh đang theo học tại trường ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tuy lực lượng cứu hỏa đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để dập tắt ngọn lửa song vẫn có ba phòng học bị phá huỷ hoàn toàn. Đồng thời, nhiều hạng mục khác của trường cũng rơi vào trạng thái hư hại nặng do bị nước ngập trong quá trình cứu hỏa.
Tại Tòa Đại hình thành phố Bradford, Thẩm phán Durham Hall cho biết hành động của cậu bé trên đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản và đe dọa tới tính mạng của nhiều người.
Bên cạnh đó, việc làm này còn gây làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý của học sinh và nhân viên trong trường.
Theo Soha News
Vụ "đủ 1.000 like sẽ đốt trường": Cần xử lý cả người bấm nút like
Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, ngoài việc xử lý các đối tượng liên quan trực tiếp đến vụ bé gái 13 tuổi ở Khánh Hòa dùng xăng đốt trường sau khi lên mạng "mời gọi" đủ 1.000 like, cơ quan công an cần xử lý cả những người đã bấm like, cổ vũ bé gái trên Facebook.
Trước đó, ngày 9/10, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip ngắn ghi lại cảnh một bé gái cầm túi xăng đi vào một ngôi trường ở Khánh Hòa, sau đó đổ xăng trước cửa phòng y tế của ngôi trường này rồi châm lửa đốt. Khi ngọn lửa bùng cháy, bé gái này vội vã chạy ra ngoài thoát thân nhưng vẫn bị bỏng nhẹ ở chân và mặt.
Điều đáng lên án là trong quá trình bé gái này thực hiện hành vi đốt trường, trong đoạn clip còn xuất hiện rất nhiều tiếng hò reo, cổ vũ.
Hình ảnh em T. khi thực hiện dùng xăng đốt trường, không chạy kịp nên chính mình bị bỏng (Ảnh cắt từ clip).
Theo tìm hiểu, sự việc trên diễn ra tại trường THCS Phạm Ngũ Lão (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Danh tính bé gái nói trên sau đó được xác định là T.T.N.T. (13 tuổi, ở xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Theo lời khai ban đầu của bé T., vào đêm 7/10, bé gái này cảm thấy buồn chán nên đã viết lên tài khoản Facebook của mình nội dung "nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường". Đến sáng 9/10, dòng trạng thái của T. đã đủ 1.000 like nên nhiều người yêu cầu T. thực hiện "lời hứa".
Do sợ hãi sẽ có người đến ép phải đi đốt trường, T. đã bỏ trốn nhưng bị phát hiện và đã bị một nhóm người lôi đến trường Phạm Ngũ Lão rồi đưa cho túi xăng ép T. thực hiện hành vi đốt trường như đã nói trên Facebook.
Liên quan đến sự việc nói trên, sáng nay (11/10), PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH). Ông Nam cho biết, đối với trẻ em ở tuổi vị thành niên, Cục này luôn phải xem xét để áp dụng các quy định của pháp luật về mặt tư pháp nhằm giảm nhẹ cho các đối tượng này.
Tuy nhiên, ở trường hợp bé gái đốt trường, người chịu trách nhiệm chính, trực tiếp là bé gái đó. Ông Nam cho rằng, riêng vụ việc này, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) cần phải truy tìm cả những đối tượng tiếp tay cho những hành động đó. Hành vi bấm like hay comment (bình luận) cổ vũ cho câu nói "nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường" sẽ phải được xử lý về tội xúi giục, kích động cho hành vi xấu, nguy hiểm cho xã hội và cần được xử lý nghiêm minh.
"Cơ quan công an cần tìm ra những đối tượng bấm like, comment cho câu nói của bé gái đó và cần xử lý nghiêm minh, nhằm răn đe cho những đối tượng khác. Không có chuyện cứ giấu mặt rồi lên Facebook muốn làm gì, nói gì cũng được. Với công nghệ hiện nay thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể tìm ra những tài khoản Facebook giấu mặt kích động đó để đem ra xử lý. Còn những đối tượng mua xăng, bắt ép, cổ vũ cho bé gái đó ở ngoài đời thật thì công an sẽ tìm hiểu và xử lý đơn giản hơn" - ông Nam cho biết.
Sắp trình Chính phủ đề án "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng"
Để phòng ngừa cũng như giúp trẻ em không rơi vào những trò nguy hại tương tự như trên khi tham gia vào môi trường mạng xã hội, ông Nam thông tin, cuối năm 2014, Việt Nam đã cử 1 đoàn sang Luân Đôn (Anh) tham gia Hội nghị "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và chống xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng". Sau đó Việt Nam đã tham gia ký tuyên bố của Hội nghị đó và trở thành thành liên minh toàn cầu về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Khi về đoàn Việt Nam đã báo cáo Chính phủ kết quả của Hội nghị nói trên và Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan trình Chính phủ Đề án "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng". Được biết, Đề án này đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ trình Chính phủ trong năm 2016.
Ông Đặng Hoa Nam cũng tiết lộ với PV Dân trí một số nội dung của Đề án nói trên về các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có 3 nội dung trọng tâm: Cần giáo dục cho trẻ em kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, tiết lộ thông tin đến đâu, ứng xử thế nào trên môi trường mạng. Mục đích là giúp trẻ em khi vào mạng xã hội phải biết tự bảo vệ mình.
Tiếp đến, cần quy định bằng pháp luật cũng như kiến nghị đối với các doanh nghiệp hoạt động trên môi trường mạng, chủ yếu là doanh nghiệp cung cấp phần mềm, các dịch vụ thông tin trên môi trường mạng phải có những quy định và tham gia vào các vấn đề bảo vệ trẻ em; nhằm hạn chế các hành vi lừa đảo, mại dâm, xâm phạm tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
Các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan thực thi pháp luật phải kiểm soát được và phòng ngừa, truy tìm được những thủ phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để xử lý. Không phải cứ giấu mặt trên môi trường mạng là không phải chịu trách nhiệm.
"Các biện pháp giáo dục gồm cả truyền thống và hiện đại. Vì phần lớn các bậc phụ huynh ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều lạc hậu hơn con cái về công nghệ thông tin, đặc biệt là môi trường mạng. Do đó, trong đề án này cũng đề cập đến việc nâng cao nhận thức cho các bậc vụ huynh về các vấn đề liên quan đến môi trường mạng" - ông Nam nói thêm.
Cũng theo ông Nam, ngoài ra, phương pháp mới là dùng chính môi trường mạng để cho ra các trang website, hệ thống để các em có thể vào đó lấy thông tin, có điện thoại "nóng" cần tư vấn khi trẻ em bị đe dọa trên mạng.
Nguyễn Dương
Theo Dantri