Học sinh nghỉ học vì Covid-19: Phụ huynh “bốc thăm” trông con
Nhờ ông bà trông, gửi con về quê, thay nhau nghỉ làm, hay mang con đến công ty… là những phương án đối phó của các bậc phụ huynh khi con em được nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành đã quyết định cho học sinh tất cả các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học… trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Con được nghỉ học “vừa mừng vừa lo”
Với diễn biến khó lường của dịch bệnh, hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng, việc cho học sinh nghỉ học vào thời điểm này là hoàn toàn hợp lý, giúp họ bớt lo lắng và yên tâm hơn về sức khỏe của con em mình.
Thế nhưng, việc học sinh nghỉ học kéo dài ngay sau dịp nghỉ lễ khiến cho cuộc sống bình thường vốn có trong gia đình các em bắt đầu đảo lộn.
Tâm lý chung của phụ huynh, con đi học thì lo dịch bệnh, con được nghỉ thì lo không có người trông.
Chị Nguyễn Ngọc Linh – Giảng viên Trường Đại học Thành Đô chia sẻ: “Quyết định này an toàn với mọi người nhưng lại có phần hơi rắc rối cho các bậc phụ huynh. Từ khi đọc được thông báo nhà trường cho các con nghỉ học để phòng chống dịch, tôi cảm thấy khá lo lắng khi nghĩ về việc hai vợ chồng sẽ phải trông nom hai đứa con như thế nào”.
Trong khi các con tỏ ra vui mừng khi được nghỉ học, thì các bậc phụ huynh lại lo “ngay ngáy” vì không biết sẽ xoay sở ra sao. Anh Đỗ Đức Viên (Kỹ thuật viên tại bệnh viện Da liễu Hà Nội) còn nói vui là “nghe như sét đánh ngang tai” và nháo nhào tìm kế hoạch để “ứng phó” trong khoảng thời gian sắp tới.
“Bốc thăm” để chọn người trông con
Video đang HOT
Có con trai đang theo học lớp 1, việc các con nghỉ học dài ngày khiến chị Nhân Thị Thùy Dung (nhân viên kinh doanh tại Hà Nội) vô cùng bối rối. “Điều khiến tôi lo lắng nhất là việc học của cậu con trai. Học trên lớp đã mệt, học trực tuyến còn mệt mỏi gấp đôi. Buổi học đầu tiên được gặp các bạn qua màn hình máy tính, con rất vui. Tuy nhiên, sau một vài ngày, con lại dần có những biểu hiện chán nản khi ngồi nghe cô giảng bài trực tuyến. Điều này khiến hiệu quả học tập giảm sút khá nhiều” – chị Dương chia sẻ.
Có tới 3 con nhỏ nên chị Đỗ Thị Chuyên gặp nhiều khó khăn hơn trong việc lên kế hoạch trông coi khi cả 3 bạn nhỏ đều được nghỉ học. Tuy nhiên, rất may mắn khi chị có sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình.
Chị Chuyên chia sẻ: “Mình có ông bà nội ngoại ở quê nên 2 bạn nhỏ mình gửi về cho ông bà hai bên thay nhau chăm sóc, còn cậu con trai lớn đang học lớp 4 thì phải ở lại Hà Nội để bố mẹ kèm cặp việc học online”.
Không may mắn như gia đình chị Chuyên, cuộc sống của vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Linh bị xáo trộn khá nhiều. Khi có thông tin các con phải ở nhà do dịch bệnh, anh chị đã quyết định gửi con út sang nhà bác trông hộ. Còn bé lớn, vợ chồng chị đã phải chọn cách “bốc thăm” để nghỉ ở nhà trông con.
Tuy nhiên, có những ngày bận rộn không thể xin nghỉ, anh chị thay phiên nhau dẫn con tới cơ quan: một ngày đến chỗ làm với bố, một ngày đến chỗ làm với mẹ. “Hai ngày nay, ngày nào vợ chồng tôi cũng cập rập, 9h mới đến được chỗ làm” – chị Linh tâm sự.
Nhiều cặp vợ chồng thay nhau trông con khi không thể tìm được phương án nào khác.
Nhà có cô con gái khá lớn và tự lập nên anh Đỗ Đức Viên quyết định để con ở nhà tự học, tự vui chơi dưới sự giám sát của bố mẹ qua chiếc camera. Vợ anh là bác sĩ, anh là kỹ thuật viên bệnh viện, công việc bận rộn, do đó xác định từ nay đến lúc được đi học lại, con gái phải ở nhà tự chăm sóc bản thân.
Anh Viên cho biết: “Các con nghỉ nhưng cha mẹ không được nghỉ. Con cũng khá lớn và tự giác nên vợ chồng tôi quyết định để cháu ở nhà và theo dõi tình hình cháu qua camera. Con cũng ngoan lắm, biết giúp bố mẹ một số việc nhỏ trong gia đình như phơi quần áo, quét nhà, rửa bát…”.
Mục tiêu chung là con khỏe mạnh
Nhiều phụ huynh khác cũng đang cuống cuồng tìm nơi gửi con, thuê người giúp việc. Có gia đình chọn phương án nhờ ông bà lên thành phố để hỗ trợ trông nom con cái. Gia đình khác lại luân phiên nhau xin tạm nghỉ làm vì mục tiêu sức khỏe của con được đảm bảo.
Phải nói rằng quyết định cho học sinh tạm nghỉ học trong tình hình hiện tại là cần thiết; nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận việc này đang gây xáo trộn không hề nhỏ và phá vỡ kế hoạch của nhiều gia đình.
Nhờ ông bà trông nom con là một trong những phương án được nhiều gia đình lựa chọn.
Việc học sinh phải nghỉ học ở nhà đã khiến nhiều gia đình vất vả trong việc trông coi, quản lý. Song hầu hết các bậc phụ huynh đều cố gắng vì mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe con em mình và chung tay cùng xã hội ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Mong muốn chung của các bậc phụ huynh là tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát. Việc nghỉ học kéo dài không chỉ làm cho phụ huynh “đau đầu” trong việc trông nom, chăm sóc con trẻ, nhất là với trẻ ở cấp học mầm non mà còn ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập, tiếp thu kiến thức của các em.
Trước mắt, thời điểm này cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý con em và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, dịch để các con mau chóng được trở lại trường.
Long Khánh: Học sinh nhiều khối được nghỉ học vì liên quan F1 của BN 2982 Covid-19
Học sinh nhiều khối ở TP.Long Khánh (Đồng Nai) được nghỉ học sau ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn có tiếp xúc gần với nhiều người.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám phải dừng hoạt động vì có ca F1 - GIA KHÁNH
Liên quan đến ca bệnh Covid-19 được phát hiện tại TP.Long Khánh (Đồng Nai) vào tối ngày 4.5, sáng nay 5.5, Phòng GD-ĐT thành phố đã thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6, 7, 8 tạm thời nghỉ học, chờ thông báo mới. Riêng học sinh khối lớp 9 đang trong thời gian học kỳ II tiếp tục học bình thường theo đề thi của Sở GD-ĐT.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám - GIA KHÁNH
Đặc biệt, dừng hoạt động Trường tiểu học Lê Văn Tám đến hết tuần, tổ chức phun khử trùng. Cách ly tại nhà 14 ngày đối với học sinh và giáo viên đứng lớp có tiếp xúc gần với ca F1 đã được đưa đi cách ly. Đồng thời rà soát trong học sinh và giáo viên để xác định F2.
Được biết sau khi trở về TP.Long Khánh, bà B.T.T (44 tuổi, người vừa được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 4.5) đã có tiếp xúc gần với 2 người cháu đang học tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám và Trường THCS Lê Quý Đôn. Tuy nhiên, do em học tại Trường THCS Lê Quý Đôn nghỉ học nên trường này không bị dừng hoạt động
Thông báo nghỉ học dán trước Trường Lê Văn Tám - GIA KHÁNH
Cũng liên quan đến ca bệnh này, sau khi điều tra xác minh, CDC tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Chủ tịch UBND TP.Long Khánh và Trung tâm y tế TP. Long Khánh đề xuất phong tỏa 1 bên đường Ngô Quyền (khoảng 50m) tính từ nhà BN sang 2 bên (khoảng 20 hộ dân bị ảnh hưởng).
Đóng cửa quán ăn bánh cuốn Hương Lan, cách ly tập trung 4 người phục vụ quán. Dừng điểm làm căn cước công dân (CCCD), khử trùng và đưa đi cách ly tập trung những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Điều tra 119 người làm CCCD, để xác định người ca F1 đưa đi cách ly tập trung, ca F2 cách ly tại nhà.
Như tin đã đưa, bà B.T.T., quản lý quán bar New Phương Đông (Đà Nẵng) vừa trở về TP.Long Khánh (Đồng Nai) vào ngày 3.5. Trong thời điểm người này đi làm CCCD thì được người bạn làm chung quán bar ở Đà Nẵng gọi điện thông báo bị đưa đi cách ly do có tiếp xúc gần với bệnh nhân 2982. Sau đó, bà T. điện báo cho ngành y tế và được lấy mẫu đi xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19.
"Học sinh tiếp tục nghỉ học" - nỗi lo, sự bối rối của nhiều gia đình Mặc dù đã có kinh nghiệm từ những "mùa COVID" trước, nhưng thông báo nghỉ học đến quá bất ngờ, khiến nhiều gia đình đang bối rối trong việc tìm phương án trông con. "Tôi có 2 cái đuôi" Thay vì hò hét vang nhà như lần đầu tiên nhận thông báo nghỉ học, lần này cả 2 bé con của chị Lê...