Học sinh Mỹ giải quyết vấn đề kém xa châu Á
OECD đã kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề của 85.000 học sinh tại 44 quốc gia.
Theo một nghiên cứu được công bố mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh ở các nước châu Á có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn rất nhiều so với bạn bè ở châu Âu và Mỹ.
Năm 2012, OECD đã kiểm tra hơn 85.000 học sinh ở độ tuổi 15 tại 44 các quốc gia và nền kinh tế về kỹ năng giải quyết vấn đề của các em, nhằm đánh giá khả năng khai thác các giới hạn và vượt qua trở ngại của học sinh bằng các thông tin được cung cấp.
Kết quả kiểm tra cho thấy học sinh Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là những người giải quyết vấn đề tốt nhất, trong khi học sinh Mỹ chỉ đạt mức trên trung bình một chút, còn học sinh Nga và Israel thì lại dưới cả mức trung bình.
Học sinh châu Á có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất thế giới
Theo OECD, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp chính là chìa khóa để dẫn tới thành công về kinh tế trong tương lai.
Ông Andreas Schleicher, quyền Chủ nhiệm Giáo dục và Kỹ năng tại OECD nhận định: “Những học sinh 15 tuổi kém kỹ năng giải quyết vấn đề ngày hôm nay sẽ trở thành những người trưởng thành gặp nhiều khó khăn trong tìm và giữ việc làm ngày mai.”
Video đang HOT
Bài kiểm tra này được thiết kế trên cơ sở những vấn đề mà nhiều người gặp phải mỗi ngày, chẳng hạn như kỹ năng sử dụng một chiếc điện thoại di động lạ hay một chiếc máy bán vé tự động.
Báo cáo của OECD cho biết cứ 10 người lao động thì lại có 1 người gặp phải những tình huống trên mỗi ngày. Việc giải quyết các vấn đề tưởng như nhỏ nhặt này lại góp phần hình thành kỹ năng về kỹ thuật và quản lý vốn rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế.
Trong bài kiểm tra, học sinh các nước được yêu cầu đọc kỹ các tình huống với nhiều lựa chọn khác nhau và đưa ra một quyết định cuối cùng, chẳng hạn như việc lựa chọn loại thuốc giảm đau phù hợp cho người bệnh dựa trên những lời phàn nàn và triệu chứng của họ.
Ngoài ra, học sinh cũng được yêu cầu giải quyết những vấn đề mang tính quy hoạch, chẳng hạn như xây dựng một ngôi nhà hay lập lịch trình bay cho một hãng hàng không.
Trong bài kiểm tra này, có một câu hỏi yêu cầu học sinh phải tìm cách xếp chỗ cho những người đến dự tiệc sinh nhật dựa trên mong muốn của từng thực khách.
Kết quả cho thấy chỉ có 1/5 học sinh ở châu Âu và Mỹ có thể giải quyết được “những vấn đề vô cùng đơn giản, với điều kiện là chúng phải diễn ra trong những tình huống quen thuộc, chẳng hạn như lựa chọn đồ đạc từ một cuốn catalog, chỉ ra những thương hiệu và giá cả khác nhau, hay những món đồ rẻ nhất để trang trí cho căn phòng.”
Tuy nhiên những học sinh này không thể giải quyết được những vấn đề xa lạ trong những tình huống chưa từng gặp.
Học sinh Mỹ và châu Âu thường “bó tay” trước những vấn đề xa lạ
OECD cho rằng điều này là hậu quả của nền giáo dục chỉ chú trọng vào các bộ quy tắc khác nhau, chẳng hạn như các quy tắc đại số. Mặc dù đại số rất quan trọng, nhưng trong thực tế, việc ứng dụng các quy tắc toán học không quan trọng bằng việc tìm giải pháp cho vấn đề.
Báo cáo của OECD nêu rõ: “Bước đầu tiên, và là bước mà máy tính không làm được, đó là xem xét bối cảnh phức tạp của các dữ kiện trong một vấn đề của đời thực nhằm quyết định xem nên áp dụng quy tắc đại số nào.”
Theo OECD, để tránh việc biến học sinh của mình thành những con robot chỉ biết áp dụng máy móc các quy tắc cứng nhắc, giáo viên cần phải khuyến khích học sinh suy nghĩ về những kỹ năng mà chúng học được trong lớp, chẳng hạn như kỹ năng đọc và toán học, rồi sau đó ứng dụng chúng khi gặp phải vấn đề trong môn sinh học hay lịch sử.
Theo Khampha
Nghiêm cấm cắt xén chương trình lớp 12
Cùng với việc chốt lại những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 khi chính thức đưa vào quy chế thi, ngày 29-3, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu tất cả các trường THPT toàn quốc tuyệt đối không được cắt xén chương trình học trước thời hạn quy định.
Các trường không được cắt xén chương trình để ôn thi cho thí sinh
Điểm 1 là điểm liệt
Một trong những điểm đáng lưu ý nhất trong quy chế thi tốt nghiệp THPT 2014 được bổ sung lần này là thay đổi cách xác định điểm xét tốt nghiệp. Theo đó, học sinh được xét tốt nghiệp dựa trên điểm trung bình giữa điểm trung bình tổng điểm 4 bài thi và điểm trung bình cả năm lớp 12. Để được công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh năm nay được yêu cầu phải đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, không có bài thi nào từ 1,0 điểm trở xuống và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên đối với những thí sinh bình thường. Như vậy thay vì điểm liệt là 0 điểm thì năm nay điểm liệt được quy định là 1 điểm và xét cả điểm trung bình năm học lớp 12.
Quy chế thi năm nay đưa ra quy định môn thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn; trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ. Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi: Toán và Ngữ văn 120 phút; Lịch sử và Địa lí 90 phút; Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ 60 phút. Các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ cộng điểm khuyến khích (nếu có) gồm: Chứng nhận nghề phổ thông; Chứng nhận đoạt giải trong các kỳ thi do ngành giáo dục tổ chức hoặc phối hợp với các ngành chuyên môn khác từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT, gồm: thi học sinh giỏi các môn văn hoá; thi thí nghiệm thực hành (Vật lí, Hoá học, Sinh học); thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế. Những quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 8-5-2014, trước thời điểm thi tốt nghiệp THPT hơn 3 tuần.
Đảm bảo xếp loại đúng năng lực
Trước những thay đổi này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra những yêu cầu để chuẩn bị tốt nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Do điểm trung bình các môn văn hóa học sinh lớp 12 được tính vào điểm xét tốt nghiệp THPT nên Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng Quy chế xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Đối với việc ôn thi, ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, nhà trường cần tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm giúp học sinh nâng cao mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức. Theo đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đối với môn Ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, kiểm tra có cả hình thức viết và tự luận.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường THPT và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải. Đặc biệt, để đối phó với việc ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhiều trường đã chủ động cắt giảm các môn phụ, cho thi học kỳ sớm để có thời gian tập trung vào những môn học sinh đăng ký thi, ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị lãnh đạo các sở
GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định.
Theo ANTD
Giáo dục tại nhà Không cân phai đên trương, nhưng đưa tre vân đươc thu hương môt nên giao duc do chinh cha me thiêt kê. Môt buôi hoc ơ nha cua tre em My - Anh tư liêu Vào cuối những năm 1980 tại các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, xuất hiện phong trào giáo dục tại nhà, trường học tại nhà...