Học sinh lớp 7 không biết chữ: Chạy theo “bệnh thành tích”
“Sự việc này thể hiện rõ việc chạy theo thành tích, quản lý không chặt chẽ, thầy cô giáo trực tiếp dạy các em chắc chắn có phát hiện, có thể có phản ánh nhưng nhà trường lờ đi…”, nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Vừa qua, câu chuyện về một số học sinh học tới lớp 7 vẫn không viết nổi tên mình xảy ra ở tỉnh Quảng Trị đang gây xôn xao toàn ngành giáo dục. Theo kết luận từ cơ quan quản lý giáo dục, sự việc trên là có thật nhưng các trường hợp học sinh “ngồi nhầm lớp” đều là những trẻ em thuộc diện khuyết tật.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Trí, nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết, chúng ta nên nhìn sự việc từ nhiều nguyên nhân, không nên nhìn một phía nhưng vẫn phải có nguyên nhân chính. Ở trường hợp này, các học sinh bị khuyết tật đáng lẽ cha mẹ, thầy cô phải biết nhưng lại buông lỏng sự quản lý.
Sự việc này thể hiện rõ việc chạy theo thành tích, quản lý không chặt chẽ, thầy cô giáo trực tiếp dạy các em chắc chắn có phát hiện, có thể có phản ánh nhưng nhà trường “lờ đi”. “Tôi không chấp nhận các học sinh như vậy lên lớp một cách bình thường được”, thầy Tùng Lâm nhấn mạnh.
Trường Tiểu học A Túc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) nơi có nhiều học sinh không biết chữ
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, trước hết phải xác định, nếu các em có bệnh tật, cơ quan y tế phải vào cuộc để chữa cho các em. Sau đó phải dạy bằng được cho các em đọc thông, viết thạo, làm 4 phép tính. Tiếp đó mới căn cứ vào tuổi tác, sức khỏe để có phương hướng cho các em có thể cho học nghề chứ không nhất thiết phải theo học mãi.
“Rõ ràng trong sự việc này hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước, từ hiệu trưởng sau đó mới xem ai là người trực tiếp liên quan đến việc buông lỏng để các em tới lớp 7 vẫn không biết nổi tên mình”, thầy Tùng Lâm chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, nhà giáo Văn Như Cương bày tỏ, những trường hợp học sinh thuộc diện khuyết tật nên có những trường thí điểm hoặc đưa vào những trường bình thường nhưng có kế hoạch dạy học riêng. “Trong sự việc xảy ra ở tỉnh Quảng Trị, cho thấy chúng ta chưa chú ý đến việc dạy học cho các trẻ em khuyết tật này. Phê bình Hiệu trưởng cũng đúng thôi nhưng thực tế việc giao em khuyết tật vào lớp với các em bình thường cũng rất khó cho giáo viên, nhất là vấn đề dạy kiến thức và khả năng hòa nhập”, thầy Cương nói.
Theo thầy Văn Như Cương sự việc cho thấy có dấu hiệu của bệnh thành tích, dù chưa đủ khả năng lên lớp nhưng vẫn cho các em lên lớp như các bạn học sinh khác. “Chúng ta có thể có phương pháp kèm cặp, đi sâu đi sát hơn, tập trung vào một số các em như thế, các thầy cô có thể đến dạy thêm vào các buổi chiều, tập luyện, tập viết cho các em. Làm được điều này sẽ mất thì giờ nhưng không phải khó khăn và không làm được. Chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, vùng sâu vùng xa kinh phí thiếu, nhà thầy cô xa nhà dân. Sự chú ý đến quyền lợi trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật chưa được chú ý. Tất nhiên xét về mặt tổng thế chúng ta luôn chú trọng cho giáo dục cho trẻ em nhưng vẫn còn có những thiếu sót”, nhà giáo Văn Như Cương chia sẻ.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về các giáo viên trực tiếp giảng dạy. Các giáo viên khi đánh giá học sinh qua từng năm học đã thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, không báo cáo thật chất lượng giáo dục và trình độ của học sinh với ban giám hiệu nhà trường, không có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém của học sinh.
Ngoài ra, Sở và phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, ban giám hiệu các trường đã buông lỏng quản lý, chỉ đạo, thiếu sâu sát thực tế, không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng giáo dục.
Ông Hiển cũng yêu cầu khắc phục ngay tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Hiệu trưởng hai trường xảy ra sự việc cần nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, chấn chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo dạy và học của giáo viên, học sinh.
Sắp tới, các trường xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”; bố trí giáo viên có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm tham gia phụ đạo, kèm cặp từng học sinh, bù đắp những kiến thức thiếu hụt, giúp các em sớm đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Đặc biệt, ông Hiển yêu cầu các địa phương siết chặt công tác kiểm tra, đánh giá học sinh cuối năm học. Có kế hoạch rà soát trình độ học sinh, phân loại và có biện pháp kịp thời giúp đỡ để học sinh đều có thể đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; không để xuất hiện thêm những học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Lê Tú
Theo Dantri
Cấm thi tuyển lớp 6: Thầy Văn Như Cương lo đổ cổng trường
Theo nhà giáo Văn Như Cương, nếu xét tuyển để vào lớp 6, đối với những trường có lượng học sinh đăng ký nhập học lớn gấp hàng trăm lần dễ xảy ra tình trạng phụ huynh chen lấn xô đẩy để giành suất học cho con.
Liên quan đến chỉ đạo của Bộ giáo dục và đào tạo về cấm thi tuyển các môn văn hóa đầu vào với học sinh lớp 6 phóng viên Báo điện tử Dân Trí đã có cuộc trao đổi với PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS Lương Thế Vinh Hà Nội.
Thầy Văn Như Cương
Ông đánh giá như thế nào về việc Bộ GD&ĐT yêu cầu cấm tổ chức việc thi tuyển các môn văn hóa đầu vào với học sinh lớp 6 ?
Phải nói thật cụ thể để mọi người cùng hiểu, từ trước đến nay vốn không có chuyện học sinh phải thi vào lớp 6. Học sinh tiểu học sau khi phổ cập hết cấp 1, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp sẽ được chuyển lên học cấp 2. Ở Thành phố cũng vậy mà ở nông thôn cũng vậy. Như ở Hà Nội, mỗi phường, quận đều có trường THCS, không có chuyện học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 1 bị thất học hoặc phải thi.
Tuy nhiên, do tính chất đặc điểm, có một số trường THCS công lập, dân lập được gọi là "trường chuyên", "trường điểm", đơn cử như trường Hà Nội - Amsterdam thu hút rất nhiều học sinh muốn đến nhập học sau khi tốt nghiệp tiểu học.
Số lượng hồ sơ nộp vào trường thường gấp hàng trăm lần chỉ tiêu tuyển. Bởi vậy, các trường này bắt buộc phải thi để có thể lựa chọn ra những học sinh xứng đáng. Như trường THCS Lương Thế Vinh đã hơn 20 năm nay, năm nào cũng đều phải thi vì lượng học sinh đăng ký vào quá lớn.
Nói như vậy để mọi người có thể hiểu rằng, việc thi vào lớp 6 thực chất chỉ diễn ra ở con số hàng chục trường trên phạm vi cả nước nhằm phân loại được học sinh, lựa chọn ra những học sinh có năng lực phù hợp để vào trường chuyên, lớp chọn. Những em thi không đạt có thể về trường công lập đúng với tuyến của mình hoặc lựa chọn một trường dân lập khác theo nhu cầu. Thế nên, không cần đến mức phải ra lệnh cấm thituyển các môn văn hóa đầu vào với học sinh lớp 6.
Ông có giải pháp nào cho việc tuyển học sinh vào lớp 6 nếu Bộ GD&ĐT quyết không cho tổ chức thi đầu vào các môn văn hóa ?
Đến thời điểm này chưa có giải pháp nào, đây là một bài toán chưa có lời giải. Tôi chỉ biết trông chờ hướng dẫn của Sở giáo dục và đào tạo.
Lấy ví dụ trường THCS Lương Thế Vinh tôi đang quản lý, chỉ tiêu tuyển học sinh lớp 6 là 600 em. Nếu như không có lệnh cấm, trường có thể bán hồ sơ thoải mái, có khi lên tới 4000 học sinh đăng ký.
Hiện giờ nếu xét tuyển, cùng chỉ tiêu đó, đến ngày bán hồ sơ ai đến trước mua được trước, ai chậm chân sẽ bị mất suất học cho con. Như vậy, có khi tôi phải cho xây lại cổng để tránh việc chen lấn mua hồ sơ đăng kí học cho con em đến mức xô đổ cả cổng trường như đã từng xảy ra tại Hà Nội.
Như với trường THCS mà ông đang quản lý, khó khăn trước mắt khi Bộ GD & ĐT ra lệnh cấm thi tuyển lớp 6 là vấn đề gì ?
Chúng tôi đã ở một thế khó không có giải pháp để giải quyết vấn đề. Tôi và các thầy giáo vẫn đang họp bàn để trưng cầu ý kiến. Tuy nhiên, điều cốt lõi là Bộ GH&ĐT phải đưa ra phương án hợp lý. Nên suy xét cẩn trọng, có sự điều chỉnh cho hợp lý. Bởi lẽ, ở đâu có nguyện vọng lớn sẽ phải thi tuyển, ngay như thi công chức cũng vậy thôi.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi nếu để xét tuyển vào lớp 6 sẽ dễ dẫn tới tiêu cực "chạy trường", ông nghĩ sao về điều này ?
Nếu tổ chức thi, sẽ công bằng hơn, tất cả học sinh cùng làm bài, người chấm bài nếu công minh sẽ đưa ra được sự sàng lọc học sinh. Những em điểm số cao sẽ được vào nhập học.
Nếu xét tuyển, việc được vào nhập học sẽ phụ thuộc vào ban xét tuyển, khó tránh khỏi việc "đi đêm" lợi dụng quan hệ để xin cho con được một suất học tại trường chuyên, lớp chọn.
Bởi vậy, đối với những trường có lượng hồ sơ đăng kí nhập học lớn nhất thiết phải duy trì hình thức thi tuyển.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Lê Tú
Theo Dantri
Thủ tướng: Giảm tải bệnh viện - Không làm kiểu chạy theo thành tích! Chiều 4/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 và chỉ đạo các biện pháp tiếp tục thực hiện Đề án này trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và...