Học sinh Huế tự chế tạo máy rửa tay cảm biến tự động phục vụ cộng đồng
Đây là sản phẩm được đánh giá hữu ích, giúp việc sát khuẩn thuận tiện, an toàn, dễ dùng; đồng thời có tác dụng vận động mọi người thực hiện rửa tay một cách thường xuyên theo khuyến cáo của ngành y tế .
Hai học sinh Ngô Quốc Huy và Nguyễn Tấn Tiến, học sinh chuyên Lý Trường THPT chuyên Quốc học Huế, vừa nghiên cứu, chế tạo thành công máy rửa tay tự động, sau đó được Đoàn trường lắp tặng cho các cơ sở để góp phần bảo đảm vệ sinh công cộng, phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tặng máy rửa tay cảm biến tự động Chốt kiểm tra y tế số 2 (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, TT-Huế).
Ngày 11/4, hệ thống máy rửa tay tự động do học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học Huế tự chế tạo đã được đưa vào vận hành, sử dụng tại chốt kiểm tra y tế số 2 (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) và Bệnh viện T.Ư Huế (cơ sở 2, xã Phong An, huyện Phong Điền, TT-Huế). Đây cũng là công trình Thanh niên, hưởng ứng “Tháng Thanh niên” năm 2020 của Đoàn Trường THPT Chuyên Quốc học Huế.
Máy thiết kế nhỏ gọn, có gắn hệ thống cảm biến tự động, rất thuận tiện và an toàn khi sử dụng
Công trình được nghiên cứu, thực hiện bởi hai học sinh Ngô Quốc Huy và Nguyễn Tấn Tiến, học chuyên Lý – Trường THPT chuyên Quốc học Huế.
Chiếc máy rửa tay tự động thứ hai được lắp tặng cho Bệnh viện T.Ư Huê (cơ sở 2, xã Phong An, huyện Phong Điền, TT-Huế).
Theo Đoàn trường Quốc học Huế, máy rửa tay tự động ra đời xuất phát từ ý tưởng của Huy và Tiến, khi cả hai em bắt gặp tại các địa điểm công cộng, nhiều người dùng chung một bình rửa tay dễ gây nhiễm bệnh theo kiểu lây chéo. Bên cạnh đó, việc dùng tay sử dụng bình diệt khuẩn cũng gây thất thoát dung dịch sát khuẩn.
Người dân dễ dàng tiếp cận rửa tay mà không qua tiếp xúc trực tiếp với bình xịt hay các vật dụng liên quan.
Từ thực tế này, với những kiến thức đã học, cùng với đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, Huy và Tiến đã bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo máy rửa tay tự động, với thời gian gấp rút, nhằm góp phần chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
Công trình thể hiện sự lan tỏa tinh thần tinh thần cống hiến trí tuệ, xung kích của thanh niên trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Chiếc máy được thiết kế theo kích thước nhỏ gọn, có gắn hệ thống cảm biến tự động. Khi đưa tay vào vị trí cần rửa, hệ thống cảm biến hồng ngoại nhận biết được và tự động phun ra 1,5ml dung dịch nước sát khuẩn lên tay trong 3 giây ở chế độ dạng phun sương. Người rửa tay không phải tiếp xúc với bình xịt và những vật dụng khác như khi rửa tay theo cách trước đây.
Đây là sản phẩm được đánh giá hữu ích, giúp việc sát khuẩn thuận tiện, an toàn, dễ dùng; đồng thời có tác dụng vận động mọi người thực hiện rửa tay một cách thường xuyên theo khuyến cáo của ngành y tế .
Đây còn là công trình Thanh niên hưởng ứng Tháng Thanh niên của Đoàn Trường Quốc học Huế.
Được biết, đồng tác giả máy rửa tay tự động – hai em Ngô Quốc Huy và Nguyễn Tấn Tiến từng đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh TT-Huế năm 2019.
Theo Đoàn Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, thông qua việc chế tạo máy rửa tay tự động, Huy và Tiến muốn lan tỏa tinh thần cống hiến trí tuệ, xung kích của thanh niên trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ngọc Văn
Sinh viên Đà Nẵng sáng chế máy rửa tay sát khuẩn tự động
Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã sáng chế ra máy rửa tay sát khuẩn tự động để sử dụng phòng chống dịch Covid-19.
Sáng 8-4, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã bàn giao cho Bệnh viện Đà Nẵng 10 máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm sinh viên trường này sáng chế. Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm 4 sinh viên khoa Điện - Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng gồm: Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Đắc Quy, Phan Ben và Phan Thị Mai, dưới sự hướng dẫn của giảng viên - TS Ngô Đình Thanh.
Sáng chế máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu
Theo nhóm nghiên cứu, cấu tạo chính của máy rửa tay sát khuẩn gồm 4 bộ phận chính: mạch điều khiển, các cảm biến, hệ thống phun dung dịch, bình đựng dung dịch, vỏ thiết bị, giá đỡ và các linh kiện điện tử khác. Người sử đụng đưa tay vào khu vực phun dung dịch sát khuẩn, thiết bị sẽ tự động phun dung dịch lên tay. Chỉ mất khoảng 3-5 giây sau, máy sẽ cung cấp lượng dung dịch đủ để rửa tay. Giá mỗi sản phẩm hoàn thiện là 1,2 triệu đồng.
Người sử dụng chỉ cần đưa tay vào, nước sát khuẩn sẽ tự phun ra 1 lượng vừa đủ
Phan Thị Mai, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay, cả nhóm đã lên ý tưởng và thực hiện sáng chế này trong vòng 3 ngày. Sau đó, nhóm đã cho ra sản phẩm đầu tiên và gửi đến Bệnh viện Đà Nẵng để sử dụng thử nghiệm.
Máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng sáng chế
Bệnh viện Đà Nẵng đã lắp đặt và lấy ý kiến người sử dụng sau đó góp ý lại cho nhóm nghiên cứu. Dựa trên các góp ý, nhóm nghiên cứu đã tiếp tục sản xuất 10 máy hoàn thiện để bàn giao theo đơn đặt hàng của bệnh viện. Giá thành mỗi sản phẩm được cho bệnh viện là 900.000 đồng. Theo nhóm nghiên cứu, đây là giá thành ưu đãi mà nhà trường dành cho Bệnh viện Đà Nẵng để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Mỗi máy rửa tay sát khuẩn tự động này có giá 1,2 triệu đồng
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, việc rửa tay sát khuẩn là vô cùng cần thiết đối với nhân viên y tế và người bệnh trong công tác phòng chống dịch. Thiết bị máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng sáng chế là sản phẩm giúp rửa tay đúng quy trình, tiết kiệm thời gian. Bác sĩ Nhân hy vọng sáng chế này được nhân rộng để các cơ sở y tế khác sử dụng.
B.Vân
Máy rửa tay sát khuẩn không cần chạm của anh nông dân Đồng Tháp Với mong muốn góp sức vào công cuộc đẩy lùi bệnh dịch Covid -19 hiện nay, anh Lê Hữu Cẩn - ngụ khóm Sở Thượng, phường An Thạnh, Thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã chế tạo ra chiếc máy rửa tay sát khuẩn không cần chạm. Anh Cẩn trao máy rửa rat sát khuẩn cho khu cách ly y tế tập...