Học sinh được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì phụ huynh mới yên tâm làm việc
Trước thông tin Bộ Y tế đang xin ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn để ban hành trong thời gian sớm nhất việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh, phụ huynh đã bày tỏ ý kiến.
Phụ huynh mong muốn học sinh được sớm tiêm vắc xin phòng Covid-19 – B.THANH
Ba mẹ đi làm, con cần được tiêm vắc xin
Ngày 4.10, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên , về hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 18 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng và Hội đồng vắc xin quốc gia nghiên cứu, bước đầu thống nhất căn cứ từng loại vắc xin để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi. Việc này đang được xin ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn một lần nữa để ban hành trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 1.10, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.
Do vậy, phụ huynh học sinh ở TP.HCM bày tỏ mong muốn con em sớm được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19.
TP.HCM bình thường mới: Người dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc xin có được ra đường không?
Ông Lê Duy Trường, phụ huynh học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1, TP.HCM), lưu ý TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 18, theo đó mọi ngành nghề dần dần trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Người lao động cũng bắt đầu đi làm trở lại nhưng không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Ba mẹ đi làm, hàng ngày tiếp xúc với môi trường bên ngoài khó an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, khi người lớn đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, ít ra cũng có kháng thể. Nhưng khi đi làm về, chỉ sợ không an toàn cho người ở nhà, mà ở đây là các con, lứa tuổi chưa được chích ngừa.
Phụ huynh này nói tiếp: “Trước khi đi làm trở lại, nhà tôi chuẩn bị khá nhiều thứ như bình xịt cồn, khẩu trang, đọc kỹ hướng dẫn cách giữ an toàn khi ra môi trường công cộng một cách kỹ lưỡng để hạn chế tối đa những nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi thực sự rất lo lắng nên rất mong học sinh nhanh chóng được tiêm vắc xin phù hợp”.
Phụ huynh lo ngại việc tiếp xúc với thiết bị điện tử trong thời gian dài ảnh hưởng đến sức khỏe – HÀ PHAN
Lo lắng đến sự an toàn của học sinh khi trở lại trường
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên học sinh ở TP.HCM bước vào năm học mới năm học 2021 – 2022 từ đầu tháng 9 với hình thức học trực tuyến.
Bà Trịnh Thị Kim Nguyên, phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho rằng hiện nay việc học trên internet, trên truyền hình chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng của học sinh. Các con hầu như chỉ nghe và ghi chép bài chứ ít có sự tương tác, trao đổi và phản biện giữa học sinh với học sinh và giữa học sinh với thầy cô khi học trực tuyến.
“Khi TP.HCM mở cửa các hoạt động thì việc học sinh trở lại trường là điều cần thiết, không chỉ với việc học của các con mà còn tạo sự yên tâm để phụ huynh trở lại với công việc. Tuy nhiên, là phụ huynh, tôi rất lo lắng đến sự an toàn của con mình khi trở lại trường. Con tôi sẽ tiếp xúc với bạn bè và ở nhiều nơi khác nhau nên cần làm sao để quản lý học sinh thật an toàn và không bị lây bệnh. Chỉ còn cách là các cháu cần sớm được tiêm vắc xin”, phụ huynh trên nói.
Còn ông Đỗ Đức Vượng, phụ huynh học sinh Trường THPT Vinschool (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thẳng thắn bày tỏ ý kiến, chỉ khi nào con cái được chích ngừa, được đảm bảo an toàn về sức khỏe và có thể trở lại trường học thì người lao động mới thực sự an tâm trở lại với công việc.
Ông Vượng nói thêm: “Tôi có tìm hiểu về các loại vắc xin được phép sử dụng trong nước thì cũng đã có vắc xin phù hợp với lứa tuổi học sinh từ 12 – 18 tuổi. Vì vậy rất mong Chính phủ, các bộ, ban ngành, các địa phương lưu tâm và xây dựng chiến lược tiêm phòng sao cho phù hợp”.
Được biết, Sở GD-ĐT hôm 31.8 đã có tờ trình với UBND về đề xuất TP.HCM có kế hoạch tổ chức tiêm mũi 1 và 2 cho học sinh từ 12 – 18 tuổi với nguồn vắc xin phù hợp. Việc tiêm chủng cần tổ chức trước khi kết thúc học kỳ 1 để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp vào học kỳ 2 năm học 2021 – 2022. Sở GD-ĐT đề xuất tiêm vắc xin cho hơn 642.000 học sinh.
Bộ GD&ĐT đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho học sinh
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu những ưu, nhược điểm khi dạy học online tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng tám diễn ra ngày 6/9.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định dạy và học trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là nhiệm vụ của ngành giáo dục, cần có sự chung tay, góp sức của của cả xã hội, các bộ ngành, chính quyền địa phương.
Ông nhấn mạnh các cấp, địa phương, cơ sở giáo dục cần tranh thủ thời gian này, giúp học sinh được học tập đầy đủ, kịp thời. Nếu đủ điều kiện, bộ đề xuất ưu tiên tiêm vaccine sớm cho học sinh, giáo viên.
Thứ trưởng GD&ĐT đề xuất tiêm vaccine sớm cho học sinh. Ảnh: Tùng Hiếu.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin các địa phương hiện thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh cần tận dụng mọi biện pháp như dạy và học qua truyền hình, tổ chức lớp học ảo. Với những nơi đủ điều kiện dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần xây dựng phương án nhằm đảm bảo sự an toàn cho học sinh khi đến trường.
Theo ông Sơn, việc dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm và nhược điểm. Học sinh có cơ hội tương tác với thầy cô, nhưng các em cũng gặp một số khó khăn nhất định như thiếu thiết bị, hoặc đường truyền Internet không đảm bảo.
Thứ trưởng nêu ví dụ nếu khoảng 2 triệu học sinh học online cùng lúc, đường truyền sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt. Với điều kiện như thế, các trường rất khó đảm bảo chất lượng dạy và học.
Bộ GD&ĐT đề xuất phương án đẩy mạnh hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục tận dụng những bài giảng, tài liệu điện tử. Bộ đã chuẩn bị kho học liệu, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và YouTube. Học sinh, giáo viên dễ dàng truy cập.
Những bài giảng này cũng được phát hàng ngày trên sóng truyền hình, cụ thể là VTV1, VTV2 và VTV7. Các kênh truyền hình địa phương có thể tải và phát sóng các bài giảng để học sinh có thêm kênh tiếp nhận kiến thức.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra sáng 28/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ có giải pháp cho năm học mới đảm bảo an toàn trường học, gắn với tiêm vaccine.
Theo Thủ tướng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước phân công, tranh thủ mọi quan hệ quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine, đề ra chiến lược vaccine. Kế hoạch này đang được thúc đẩy, trong đó có việc phối hợp Bộ GD&ĐT triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, căn cứ khoa học, quy định độ tuổi tiêm các loại vaccine để tính toán, phân bổ, có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp.
Bộ Y tế thông tin về vaccine phòng COVID-19 cho học sinh THPT Ngày 6/9, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc số 7355/BYT- DP gửi Văn phòng Chính phủ về đề xuất, kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh trung học phổ thông được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 ....