Học sinh được khen “hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học”
Cuối năm học, không ít nội dung trong giấy khen của học sinh tiểu học làm phụ huynh ngỡ ngàng. Có em được khen y như… cán bộ nhà nước: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2014 – 2015″.
“Sặc” mùi hành chính
Cầm tờ giấy khen của con đang theo học tại một trường tiểu học ở Gò Vấp, TPHCM, chị Lê Ngọc Hân không khỏi ngỡ ngàng trước thành tích con mình đạt được trong năm. Giấy khen rõ cụm từ rất quen thuộc với viên chức nhà nước như chị: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2014 – 2015″.
Lời đánh giá, nhận xét cuối năm dành cho cậu học sinh (HS) lớp 1 “sặc” mùi hành chính làm người mẹ thấy nặng nề cũng như không hiểu con mình được khen thưởng vì điều gì. Nhất là khi tất cả HS trong lớp đều hoàn thành tốt nhiệm vụ thì việc phát giấy khen với nội dung thế này không cần thiết chút nào.
Học sinh lớp 1 được phát giấy khen “Hoàn thành nhiệm vụ năm học”.
“Tôi biết năm nay mỗi trường có cách viết giấy khen khác nhau do không xếp loại HS Giỏi, Tiên tiến nữa. Nhưng cũng ngỡ ngàng khi giấy khen cuối năm cho HS lại y chang cho cán bộ như thế này. Không ổn tý nào”, chị Hân cho hay.
Theo Thông tư 30, nội dung, số lượng HS được khen thưởng, tuyên dương sẽ do hiệu trưởng quyết định. Căn cứ vào tỷ lệ này, cuối học kì I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn HS bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên (gồm quá trình học tập, sự hình thành và phát triển năng lực, sự hình thành và phát triển phẩm chất).
Trước đây giấy khen dành cho HS có xếp loại Giỏi, Tiên tiến dựa trên điểm số hoặc những HS đạt được những kết quả nổi bật nên việc viết nội dung khen thưởng khá dễ dàng. Khi đánh giá HS theo Thông tư 30 thì mỗi nơi một kiểu, nhiều trường khó tránh khỏi lúng túng trong việc khen thưởng các em.
Giấy khen cho học trò cũng “ngắc ngứ” khi thay đổi đánh giá học sinh bằng nhận xét.
Cuối năm học năm nay, giấy khen của học trò tiểu học có đủ muôn vàn nội dung về thành tích, kết quả của các em đạt được. Nội dung diễn đạt lại chung chung rất khó để phụ huynh có thể nắm rõ được khen vì thành tích gì: hoàn thành tốt các môn học; hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập; có thành tích tiêu biểu trong học tập và rèn luyện, hoàn thành tốt môn Anh, Tiếng Việt, Toán…
Video đang HOT
Thông tư 30 hướng đến đánh giá năng lực cụ thể, phẩm chất của HS thay cho điểm số trước đây. Vậy nhưng việc khen thưởng thì lại chưa chỉ ra được năng lực cụ thể của từng HS mà nội dung tuy diễn đạt khác nhau vẫn mang tính đại trà, đồng loạt.
Khen hết nên khó?
Khen thưởng theo danh hiệu HS Giỏi, Tiên tiến như trước đã chiếm tỷ lệ rất cao thì khen thưởng theo Thông tư 30… lại càng nhiều hơn. Với HS hoàn thành chương trình (hay gọi là Đạt) đều được khen thưởng, đã không xếp loại thì không thể loại em này chọn em kia để tặng giấy khen. Trong khi, HS không hoàn thành chương trình gần như không thể có. Có nhiều trường, học sinh nào cũng được giấy khen.
Theo thông tư 30, đối với HS chưa hoàn thành chương trình lớp học: giáo viên lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng học sinh; đánh giá bổ sung để xét Hoàn thành chương trình lớp học.
Chưa hết, đối với những HS đã được giáo viên trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt thì sẽ tuỳ theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, bài kiểm tra định kì, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất,giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp.
Một lãnh đạo trường tiểu học ở Q.3, TPHCM chia sẻ, với tinh thần “nâng đỡ” như vậy, chẳng có HS nào không hoàn thành. Trước đây khi chỉ khen HS Giỏi, Tiên tiến thì giờ… khen hết. Nhiều trường đành chọn cách viết nội dung bao quát như “hoàn thành”, “thực hiện tốt” sử dụng cho nhiều HS. Trừ em nào có thành tích nổi bật, cụ thể.
“Nên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cho các em phù hợp hơn là giấy khen. Giấy khen chỉ nên dành cho những HS có những kết quả, thành tích thật sự nổi bật, rõ ràng”, vị lãnh đạo nói trên đề xuất.
Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM ra văn bản chỉ đạo các trường trong giấy khen HS phải ghi cụ thể thành tích của các em. Ngoài ra, các trường không được hạn chế tỷ lệ khen thưởng vì lý do kinh phí. Trường có thể tặng giấy khen cho HS, còn tỷ lệ HS được nhận phần thưởng hiệu trưởng sẽ quyết định tuỳ theo tình hình tài chính của trường.
Đối với HS tiểu học quả là không nên tiết kiệm lời khen với các em. Đó chính là động lực, có tác dụng khích lệ các em cố gắng, tự tin ở bản thân. Tuy nhiên, việc… khen cho có, khen trăm em như một, khen mà các em và cả phụ huynh có khi còn không biết được khen vì gì thì không mất đi giá trị động viên mà còn có thể phản tác dụng.
Hoài Nam
Theo Dantri
Thông tư 30: Nỗi buồn khen thưởng cuối năm
Do cách áp dụng Thống tư 30 mỗi trường một khác nên nhiều em có thành tích học tập tốt nhưng không được khen, nhưng có trường học sinh kém được khen?
Năm học 2014-2015 sắp kết thúc. Thời điểm này, nhiều trường học trong cả nước đã và đang tiến hành tổng kết. Sau 1 năm áp dụng thông tư 30 của Bộ Giáo dục-Đào tạo, giờ là lúc người dạy và người học cùng nhìn lại những thành quả đã đạt được trong năm qua.
Áp dụng phương pháp mới trong nhận xét, đánh giá học sinh, tưởng rằng sẽ khiến các thầy cô, các bậc cha mẹ và các em thở phào vì các con không còn phải ganh đua điểm số. Nhưng kết quả cuối năm học này đã khiến nhiều thầy cô, phụ huynh và cả các em còn nhiều băn khoăn, trăn trở, thậm chí có bậc phụ huynh rất bức xúc.
Phụ huynh bức xúc, con trẻ ngơ ngác!
Sau một buổi họp phụ huynh tổng kết năm học ở một trường tại quận trung tâm của TP Hà Nội, nhiều phụ huynh đứng giữa sân trường với vẻ mặt thẫn thờ. Nguyên do là nhiều người thấy có nhiều điểm chưa ổn trong cách đánh giá, khen thưởng con em mình.
Chị Nguyễn Quỳnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội), có con học lớp 4 bày tỏ: Tôi cầm kết quả học tập của con với một dấu hỏi rất to về Thông tư 30, một thông tư được Bộ Giáo dục đánh giá là "giàu tính nhân văn".
Chị Quỳnh cho biết: Với kết quả 10 toàn diện các môn và duy nhất điểm 9 Tiếng Việt, tham gia nhiệt tình và đầy đủ tất cả những hoạt động tập thể của lớp, nhưng kết quả cháu không được khen một mặt nào.
Vậy thì những nhà viết luật, làm luật và những thày cô thi hành thông tư "nhân văn" này, họ có lúc nào đó nghĩ về những đứa trẻ miệt mài cả năm chỉ mong cuối năm có được một lời khen ngợi, động viên kịp thời của thầy cô? Và với kết quả không quá tệ của con mình, liệu tôi có khỏi chạnh lòng khi con của mình đêm hôm luyện tập, đạt kết quả tốt nhưng được xếp cùng loại với các bạn học sinh cá biệt, học rất kém trong lớp, như vậy, liệu thông tư có thực sự "nhân văn" như được nói tới từ trước tới nay hay không?
Tôi đã đặt câu hỏi vì sao một bạn có điểm thi y hệt con mình nhưng được khen 2 môn, và con mình thì không, trong khi bạn ấy còn không tham gia các hoạt động tập thể, thì cô giáo đã không thể thuyết phục tôi bằng câu trả lời, con của bạn cả năm học chưa tốt chỉ có kết quả thi là tốt.
Thật quả thiếu công bằng, nếu cả năm học chưa tốt thì điểm thi cả 2 học kỳ toàn 9,10 là điều không tưởng. Thứ 2, nếu sự thực như thế, cháu xứng đáng nhận giấy khen vì cả năm đã có cố gắng trong học tập theo đúng tinh thần Thông tư 30.
"Với tư cách là một phụ huynh, trước tiên tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới những thày cô đã và đang ngày đêm miệt mài với sự nghiệp trồng người. Tôi cũng tha thiết mong các thầy cô trước đi khen thưởng hay chê trách học trò của mình thì nên cố gắng công bằng và hạn chế sự thiên vị. Đừng để những đứa trẻ phải thiệt thòi vì với con trẻ, thày cô là hai chữ thiêng liêng" - chị Quỳnh nói trong dân dấn nước mắt.
Bản thân các con cũng ngơ ngác với cách đánh giá mới này. Trước cổng một trường tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội, cậu con trai hỏi bố: "Bố ơi, thế bạn học giỏi cũng được giấy khen và phần thưởng như bạn học bình thường à bố?". Người bố chỉ biết xoa đầu con và bảo: "Ừ, đấy là cách để khuyến khích tất cả các bạn cùng học giỏi con ạ".
Cô giáo cũng băn khoăn, trăn trở!
Theo Thông tư 30, Hiệu trưởng sẽ quyết định tỷ lệ học sinh được khen toàn diện ở trường mình. Căn cứ vào tỷ lệ này, tập thể lớp sẽ bình chọn với 3 tiêu chí: Về học tập, năng lực và phẩm chất. Giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của cả lớp rồi quyết định khen thưởng học sinh toàn diện.
Số còn lại, ở một số trường, sẽ xem xét, học sinh nào tích cực về mặt học tập, có thể có 4-5 điểm 9, điểm 10 thì biểu dương về tinh thần học tập, còn em nào có ý thức tốt thì tuyên dương về năng lực phẩm chất.
"Có nghĩa là em nào cũng được tuyên dương nhưng có điều, trong số để chọn tiêu biểu (học sinh xuất sắc trước đây), thì do hiệu trưởng từng trường qui định tỷ lệ sau đó tập thể lớp bình chọn" - cô giáo N.T.B ở quận Hoàn Kiếm nói về cách đánh giá học sinh ở trường mình.
Tuy nhiên, vì cách hiểu và áp dụng Thông tư 30 ở mỗi trường một khác nên mới có chuyện, ở trường này thì siết chặt, ít cháu được khen; nhưng lại có trường cháu nào cũng được khen: Cháu được khen toàn diện, cháu khen về hoạt động phong trào, cháu thì được khen về mặt học tập... Chính điều này gây nên những thắc mắc như của chị Quỳnh và cháu bé ở một trường tiểu học ở trên.
Nói về hình thức bình chọn, cô giáo V.M.Ng. (giáo viên một trường Tiểu học ở quận Đống Đa) cho rằng, việc để cho các học sinh bình chọn những bạn xuất sắc cũng mang tính cảm tính. Các con thích bạn nào thì bầu cho bạn ấy chứ ít khi căn cứ vào năng lực thực sự của bạn.
Cũng theo cô giáo V.M.Ng, việc khống chế phần trăm khen thưởng khiến nhiều học sinh thiệt thòi. "Chúng tôi cũng bức xúc nhưng không biết làm thế nào, vì trong lớp số em được khen toàn diện có thể cao hơn rất nhiều mức khống chế của Hiệu trưởng".
Ở một tỉnh miền núi có chính sách khuyến học khá tốt, cô giáo N.T.Th cho biết: "Các em học sinh lớp 5 năm nay ra trường còn bức xúc hơn nữa. Các em đã là học sinh xuất sắc 4 rồi, năm nay không được xuất sắc thì mất nhiều quyền lợi khác mà không biết phải làm thế nào.
Trước mắt, các em không được nhận khoản tiền khuyến học 5 năm đạt danh hiệu học sinh xuất sắc là 1 triệu đồng và còn chưa biết khi xét tuyển vào lớp 6 các cháu có còn thiệt thòi gì khác không. Bởi thực tế, các cháu có thể còn điểm này, điểm khác hạn chế nhưng lực học lại tốt. Trước đây, các cháu có điểm lọt vào thang điểm 9-10 là học sinh xuất sắc, giờ với cách đánh giá mới, các cháu lại không đạt".
Với cách đánh giá mới này, nhiều giáo viên tiểu học cho biết họ có nhiều bức bối, phải cân nhắc nhiều yếu tố. Đơn cử như việc, đáng lẽ số lượng các cháu được khen thưởng trong tiêu chí xuất sắc phải cao hơn nhưng chỉ tiêu lại khống chế ở một mức nên phải lựa chọn, gây căng thẳng cho giáo viên.
Nhiều em ở có thành tích học tập giống bạn nhưng lại không được khen thưởng gì cả... Các cháu học tốt, nhiều năm là học sinh xuất sắc giờ bỗng dưng không lọt vào trong top những em được khen thưởng cũng buồn rầu, phụ huynh ức chế./.
Theo Vov.vn
Hà Nội: Học đến lớp 5 vẫn chưa... viết được tên mình Một học sinh học tới lớp 5 không viết nổi tên mình do có những biểu hiện chậm nhận thức, cả nhà trường và phụ huynh đều vất vả trong quá trình dạy học. Khổ tâm vì con lớp 5 vẫn không biết chữ Phản ánh đến báo điện tử Dân trí, chị N.T.Tuyết (42 tuổi, ở Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội)...