Học sinh đi học hay nghỉ tiếp: Chờ Thủ tướng quyết
Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất phương án học sinh lớp 9, lớp 12 đi học từ ngày 2-3, các lớp học còn lại đi học từ ngày 16-3.
Chiều 25-2, tại UBND TP.HCM đã diễn ra cuộc họp của Ban chỉ đạo TP về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra.
Chuẩn bị mở khu cách ly tập trung thứ hai
Báo cáo về các phương án kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM đang chuẩn bị các phương án đảm bảo khả năng thu dung để cách ly dự phòng, cách ly điều trị, không để dẫn đến tình trạng quá tải về chăm sóc y tế.
Theo ông Bỉnh, tình hình người đi từ vùng dịch Hàn Quốc bao gồm du khách và người Việt Nam quay về quê hương đang tăng nhanh. Do đó, trong tuần này và tuần sau, TP.HCM phải đảm bảo thu dung cách ly 1.000 người.
Hiện tại, khu cách ly tập trung của TP có 300 giường đặt tại Củ Chi. Dự báo trường hợp dịch bệnh tăng cao trong thời gian tới, TP.HCM sẽ mở rộng thêm khu cách ly tập trung 200 giường tại huyện Nhà Bè. Cùng với đó, sẵn sàng huy động thêm 1.000 giường bệnh tại những bệnh viện mới được xây dựng để cách ly người nguy cơ nhiễm COVID-19.
TP.HCM cũng sẽ thiết lập các cơ sở cách ly tập trung tại 24 quận/huyện với quy mô ước tính hơn 200 phòng cách ly, khả năng thu nhận hơn 650 người, các khu cách ly tập trung trong khu công nghiệp, khu chế xuất dành cho người đến từ vùng dịch.
“Tình hình dịch bệnh đang báo động ở Hàn Quốc, TP.HCM không được chủ quan, lơ là, mà phải quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhưng không quá hoang mang lo lắng, làm sao đảm bảo an sinh xã hội cho người dân” – ông Bỉnh nói.
Ông Bỉnh đề nghị các địa phương giám sát chặt các trường hợp đến từ vùng dịch, thông báo cơ quan y tế giám sát, cách ly theo địa phương. Các địa phương thống kê người nhập cảnh, đặc biệt các nước có số lượng người nhiễm bệnh cao. Trường hợp không rõ ràng, cơ quan y tế tham mưu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp chiều 25-2. Ảnh: LN
Video đang HOT
Chưa chốt ngày đi học trở lại
Cũng tại cuộc họp, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết hiện nay ngành giáo dục đang phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, xây dựng chuyên mục thông tin dịch COVID-19, tận dụng các kênh thông tin trực tuyến để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.
“Sở cũng thông báo tạm hoãn các cuộc thi tập trung đông học sinh (HS). Nhìn chung phụ huynh còn nhiều ý kiến trái chiều về việc đi học lại hay nghỉ, nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con nghỉ học, thậm chí bảo lưu kết quả học tập qua năm sau. Việc nghỉ học dài ngày cũng khiến nhiều cơ sở gặp nhiều khó khăn” – ông Sơn nói.
Theo đó, ông Sơn đề nghị lịch nhập học trở lại của HS TP như sau: Ngày 16-3 cho trẻ lớp lá (trên năm tuổi) và HS lớp 5 đi học lại nhưng không tổ chức ăn sáng, không bán trú. Các lớp còn lại của cấp mầm non và tiểu học sẽ có thông báo sau tùy theo tình hình dịch bệnh.
Thắng trận mở màn nhưng không được chủ quan
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 25-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Chống dịch như một cuộc chiến, chúng ta đã thắng trận mở màn nhưng còn cả một cuộc chiến vì tình hình dịch rất phức tạp”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đến nay người dân Việt Nam đã có ý thức phòng, chống dịch nhưng có một số nơi có biểu hiện chủ quan. Tôi xin cảnh báo, chúng ta không được chủ quan, lơi lỏng”.
Ở bậc THCS, THPT, giáo dục thường xuyên: Ngày 2-3, HS lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại nhưng không học buổi thứ hai và bán trú. Các lớp còn lại ở hai bậc này và trung tâm kỹ năng sống, ngoại ngữ, dạy thêm sẽ đi học lại từ ngày 16-3.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, phân tích: Với hơn 2.000 trường học, quy mô mỗi trường 1.000-2.000 HS, nếu tất cả HS đi học thì TP.HCM cần 3 triệu khẩu trang. Điều này là bất khả thi vì không có đủ nguồn để cung cấp khẩu trang. “Nếu HS đi học đồng loạt, có nơi đeo, nơi không đeo khẩu trang, xảy ra lây bệnh thì xác định thế nào?” – ông Phong nói.
Do đó, ông Phong cho biết TP vẫn chưa chốt thời gian đi học trở lại của HS.
“Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 24-2, Thủ tướng yêu cầu xem xét cụ thể tình hình dịch bệnh diễn biến như thế nào, vào phiên họp tới của Chính phủ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thời gian cho HS đi học trở lại. Nên hiện nay chúng ta chưa quyết ngày nào đi học trở lại.
Đến cuối tuần này Chính phủ sẽ chốt phương án đi học lại của HS, TP cũng sẽ chấp hành theo quyết định đó. Những đề xuất của Sở GD&ĐT là các phương án chuẩn bị. Nếu Thủ tướng quyết định đi học lại từ ngày 2-3 thì chúng ta cũng đã có phương án, lộ trình. Giả định Thủ tướng cho nghỉ đến hết tháng 3 thì chúng ta cũng đã có phương án trước đó như đã đề xuất với Chính phủ. Như thế này chúng ta sẽ luôn sẵn sàng, Chính phủ có quyết định thì sẽ triển khai” – ông Phong kết luận.
Học sinh vào lớp không nhất thiết phải đeo khẩu trang
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy, đặt vấn đề: Cần làm rõ khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa dịch hay không. Và như vậy HS đi học có nên đeo khẩu trang hay không. “Nếu khẳng định không có mầm bệnh thì không cần đeo, có mầm bệnh thì phải đeo hết, không thể người đeo người không, y tế cần phải nói cho rõ” – ông Nhân đề nghị.
Trả lời về vấn đề này, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết HS vào lớp không nhất thiết phải đeo khẩu trang. Bất cứ trường hợp nào có biểu hiện bệnh lý hô hấp hoặc đi từ vùng có dịch thì tự giác ở nhà theo dõi. Việc làm này cần có sự kết hợp giữa phụ huynh và trường học, tùy theo từng thời điểm mà cơ quan y tế sẽ có khuyến nghị về việc đeo khẩu trang hay không.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ đeo khẩu trang khi người đó mắc bệnh, khả năng dịch bệnh lây lan cao nhất là lúc người bệnh ho, cười, nói, hắt hơi. Do đó, người bị bệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang, không nhất thiết là người nhiễm dịch COVID-19. Bên cạnh đó, người chăm sóc người nghi ngờ mắc bệnh hoặc chăm sóc người tiếp xúc gần với người nghi ngờ mắc bệnh thì nên đeo. Ngoài ra, cần đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đông người, không biết nguồn bệnh nằm ở đâu.
HOÀNG LAN – NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
NÓNG: Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19
Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19, tới nay điều trị thành công 14/16 ca dương tính với Covid-19.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã điều trị thành công cho 14/16 ca dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19).
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
Trong số đó có ca bệnh nhiều bệnh nền như: Huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư. Các bệnh nhân còn lại đang có sức khỏe tiến triển tốt và sẽ sớm được ra viện trong những ngày tới. "Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19" - ông Khuê khẳng định.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết để ứng phó với dịch bệnh, hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Với căn bệnh này, thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.
"Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói đối phó với dịch Covid-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới" - PGS Khuê nhận định.
PGS Lương Ngọc Khuê (bên phải) chúc mừng hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 xuất viện chiều 18-2
Từ ngày 13-2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca bệnh mới dương tính với virus corona. Ngoài những bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện, các bệnh nhân khác đều ổn định, chuẩn bị xuất viện. Bệnh nhân Việt kiều đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã có kết quả âm tính hai lần và cũng sớm xem xét các điều kiện cho bệnh nhân ra viện.
Cháu bé 3 tháng tuổi được Bệnh viện Nhi Trung ương tích cực điều trị, không sốt, không ho, bú mẹ tốt, tình trạng sức khỏe ổn định. Kết quả xét nghiệm đã một lần âm tính. Nếu tiếp tục theo phác đồ điều trị, kết quả xét nghiệm âm tính tiếp, bé sẽ được ra viện sớm. Cả 16 bệnh nhân mắc Covid-19 đều tiến triển tốt và chắc chắn không có trường hợp nào tử vong.
Chị N.T.T., nữ bệnh nhân Covid-19 trở về từ Vũ Hán, đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị thành công sau 10 ngày cách ly, điều trị
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh. Với những bệnh nhân có triệu chứng không nặng, chưa diễn biến nặng nên ở tuyến tỉnh điều trị. Tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã giữ bệnh nhân điều trị tại tỉnh, Vĩnh Phúc điều trị bệnh nhân tại tuyến huyện với sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trên và đã thành công khi điều trị khỏi cho bệnh nhân.
Ông Khuê cũng cho biết theo thông tin từ phía Trung Quốc, đã có hàng ngàn cán bộ y tế nhiễm bệnh và có ca tử vong. Đến giờ phút này chưa có thầy thuốc nào tại Việt Nam bị nhiễm Covid-19. "Đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số 1 là phải cách ly thật tốt. Đối với đại dịch này, đặc biệt trong khu vực bệnh viện, phải đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối cách ly nguồn bệnh. Do vậy, khi tiếp nhận người bệnh (có thể là người bệnh nghi ngờ, có thể dương tính nhẹ, hay nặng) ở tất cả khu vực này, khi người bệnh bắt đầu bước chân vào, bệnh viện phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế" - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh.
Việt Nam có đủ mô hình mắc bệnh Covid-19
Trong số 16 bệnh nhân mắc Covid 19 tại Việt Nam đã có đầy đủ mô hình như: Có bệnh nhân nam, nữ; có bệnh nhân cao tuổi; có bệnh nhân nhiều bệnh nền huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư; có bệnh nhi. Hiện ngành y tế đang tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và các kết quả điều trị để tiếp tục cập nhật thêm phác đồ điều trị cho những người bệnh trong thời gian tới.
L.Hảo - D.Thu
Theo nld.com.vn
Xây dựng kịch bản đưa lao động tại vùng dịch Covid-19 hồi hương Bộ LĐ-TB-XH xây dựng kịch bản ứng phó để quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra, đặc biệt là một số...