Học sinh chán Sử thì mới phải “bắt buộc”
Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới của Bộ ghi Lịch sử vào danh sách các môn tự chọn gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo tôi, lịch sử là môn bắt buộc vì học sinh đã quá chán học.
Vừa mấy hôm trước, tôi phấn khởi đọc báo thấy thông tin về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới Bộ Giáo dục đưa ra, theo đó Lịch sử sẽ được tích hợp vào trong các môn mới ở cấp 1, cấp 2 và lên cấp 3 sẽ trở thành môn tự chọn.
Ai dè vừa lên mạng bình luận dăm câu bày tỏ sự ủng hộ quá đỗi chân thành ấy, tôi lại nhận được cả núi “gạch đá” người ta mắng vốn. Tiện thể, họ còn chỉ trích luôn cả Bộ Giáo dục nữa.
Lạ thật, tôi tự hỏi mấy người đó đã đọc kỹ Dự thảo chưa, hay lại cũng mới chỉ nghe loáng thoáng.Có ai bảo bỏ phắt môn Lịch sử trong nhà trường đi đâu, người ta chỉ tích hợp nó vào những môn học mới thôi đấy chứ.
Nói thật với các bạn, cá nhân tôi ủng hộ lắm. Tôi vốn dĩ vẫn thấy việc bắt các em “tải” quá nhiều kiến thức vào đầu trong suốt 12 năm phổ thông là hoàn toàn không cần thiết, đáng lẽ đã cần thay đổi từ lâu.
Chẳng ai yêu cầu một bác sĩ phải nhớ được vanh vách từng ngày từng tháng của tất cả cuộc kháng chiến từ nhỏ đến lớn, không ai yêu cầu một phóng viên phải đi giải bài tập tích phân. Cũng đừng bảo với tôi là bây giờ người ta còn bắt kỹ sư đi làm thơ thất ngôn tứ tuyệt nhé.
Vốn dĩ khả năng tiếp thu và ghi nhớ của não người có hạn, nên việc ưu tiên chất lượng hơn số lượng là cần thiết.
Giai đoạn giáo dục cơ bản bao gồm 9 năm tiểu học và THCS là đã quá đủ để phổ cập cho học sinh kiến thức nền quan trọng của lịch sử rồi, ba năm còn lại hãy để cho các em được định hướng đúng nghĩa. Theo tôi được biết, đây cũng là hướng mà nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Úc, Mỹ, Singapore… đã và đang áp dụng.
Chưa kể, thực tế không thể chối cãi là việc dạy và học Lịch sử của chúng ta hiện nay đang rất có vấn đề, đã đến lúc cần thay đổi. Bao năm qua hầu hết các em vẫn học Sử theo kiểu đọc – chép, trước ngày kiểm tra thì thức suốt đêm ôn kĩ từng dấu chấm dấu phẩy, nhưng bước chân ra khỏi phòng thi rồi thì trong đầu sạch bong không còn một chữ.
Kỳ thi trung học quốc gia vừa qua, cả nước đã được một phen ngỡ ngàng khi hàng loạt điểm thi phải đóng cửa vì không có thí sinh chọn thi môn Sử, hay có những hội đồng 6 cán bộ chỉ để phục vụ 1 thí sinh duy nhất. Thống kê cho thấy Lịch sử là môn học “ế” nhất trên cả nước với chỉ 15,3% thí sinh tham gia thi lựa chọn.
Vấn đề của chúng ta ở đây không phải môn học tự chọn hay bắt buộc, mà là làm sao để học sinh cảm thấy hứng thú, yêu thích. Lúc đó các em sẽ tự giác tìm hiểu và nắm vững lịch sử thôi.
Lịch sử vốn là môn học “ác mộng” đối với phần lớn học sinh hiện nay. Tranh minh họa: Sa Tế.
Video đang HOT
Các bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao trẻ em bây giờ nhiều bé ngô nghê nghĩ Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai anh em, nhưng nhắc đến cuộc đời Càn Long, Khang Hy – những nhân vật chúng ta chưa bao giờ dạy trên trường lớp – chúng lại làu làu như cháo chảy đến thế chưa?
Lịch sử không đi vào lòng người qua những cuốn sách giáo khoa, qua những giờ “chính tả” khô khan, gò bó giáo viên đọc – học sinh chép trên lớp.
Giáo dục Lịch sử cho thế hệ trẻ có thể coi như một cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc, phải đi từ nhiều con đường, phải sử dụng nhiều hình thức, chứ không thể tất cả chỉ trông chờ vào một tiết Sử mỗi tuần ở trường như hiện nay.
Thay vì thầy đọc – trò chép, hãy cho các em xem những cuốn phim tài liệu quý, để rồi từ đó cắt nghĩa cho các em hiểu vì sao lại có Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Hãy đưa các em xuống thư viện, cho các em dùng tiết học của mình để tìm hiểu về những Kim Đồng, những Vừ A Dính.
Hãy đưa các em đến địa đạo Củ Chi, chỉ cho các em xem những bếp Hoàng Cầm, những chông kẹp nách, để các em thấm thía lý do vì sao nước Việt Nam ta nhỏ bé lại chiến thắng được kẻ thù lớn mạnh hung tàn.
Những hình thức giáo dục lịch sử lồng ghép trong các bài học thực tế này nếu được đầu tư kỹ lưỡng và tổ chức tốt sẽ có tác dụng hiểu quả hơn nhiều lần những cuốn sách giáo khoa hay 45 phút mỗi tuần trên lớp.
Thay vì mải bận tâm tranh luận xem Lịch sử là môn học tự chọn hay bắt buộc trong trường lớp, tôi thấy chúng ta nên cùng đóng góp ý kiến và trao đổi để tìm ra cách sinh động hoá những tiết học khô khan hiện nay, làm sao cho giờ giảng Lịch sử trở nên hấp dẫn, thu hút thì hơn.
Nếu làm được như thế thì chẳng cần ép buộc, những bài học, câu chuyện lịch sử tự nó sẽ đọng lại mãi trong đầu óc mỗi chúng ta.
Ngọc Châu
Theo_Người Đưa Tin
Sử và Nước là một, Sử còn thì Nước còn
Một khoa học có sức sống, rõ ràng đó là một khoa học chân chính, đúng đắn, hợp quy luật có sức mạnh gê gớm, và có ích cho mọi thời đại, mọi sự phát triển.
LTS: Thầy Hoàng Văn Bằng- Giáo viên Trường THPT Lương Đắc Bằng (Thanh Hóa) có bài viết nêu lên thực trạng và sự cần thiết của môn Lịch sử trong thời đại Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Lịch sử nhân loại từ khi hình thành cho đến nay đã trải qua hình thức xã hội khác nhau, sự thay thế hình thức xã hội này bằng hình thức xã hội khác là khách quan mang tính quy luật lịch sử.
Có lẽ rằng mọi người củng chỉ hiểu nó là tất yếu, dĩ nhiên nó xãy ra và không cần biết tại sao lại có một xã hội này hay xã hội khác, nó để lại những bài học gì, lợi ích gì, cho chúng ta hiện nay và tương lai.
Cũng vì thế chúng ta hiện nay chắc hẳn nhiều người cũng đồng thuận cho rằng môn học này không thực tế, không làm ra tiền tài, địa vị, mọi của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, không phục vụ cho nhu cầu Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước, vị thế của nó chỉ là môn phụ, không xứng đáng có tên trong danh sách môn học và thi bắt buộc ở nhà trường phổ thông.
Con người xuất hiện từ khi nào thì khoa học lịch sử cũng ra đời từ đó, lịch sử xã hội loại người từ khi hình thành cho đến nay đã có biết bao đổi thay, có những thứ đã vĩnh viễn biến mất hoàn toàn khỏi trái đất, song khoa học lịch sử thì vẫn vậy, nó như cây cổ thụ ngày càng vươn cao, tán lá càng rộng.
Một khoa học có sức sống như vậy, rõ ràng đó là một khoa học chân chính, đúng đắn, hợp quy luật có sức mạnh gê gớm, và có ích cho mọi thời đại, mọi sự phát triển.
Thực tế chúng ta hiện nay, chắc nhiều người cho rằng, học lịch sử là học yêu nước, do đó không nhất thiết phải học lịch sử mới yêu nước, mà chỉ cần hành động dản đơn là yêu nước rồi (hát Quốc ca để tay trước ngực như các cầu thủ bóng đá, hát những ca khúc truyền thống hay cách mạng kèm theo đó khoác lên vai lá cờ, tay để trước ngực của các ca sĩ, diễn viên...).
Song, đằng sau đó là sẵn sàng bán độ vì cuộc sống trong bóng đá, lên sân khấu khác, ăn nói thô lỗ, mặc nhố nhăng, hở hang thiếu thẩm mĩ ở các ca sĩ, diễn viên...đó không hẵn là yêu nước, không mang tính bền vững.
Lịch sử dân tộc ta từ khi dựng nước cho đến nay, mãnh đất này đã in dấu những đau thương, mất mát, mồ hôi, xương máu đời đời của cha ông ta.
Ảnh minh họa. GDTĐ
Mỗi lúc nguy nan, giữa sự sống và cái chết, sự tồn vong và hủy diệt của dân tộc, không phải ai khác, không phải môn học nào khác, mà chính là Lịch sử đi đầu, có sức mạnh như vũ bão, thức tỉnh non sông, đó là tiếng gầm thét kiêu hùng của bà Trưng đặt nợ nước lên trên thù chồng kiên cường chống giặc "Một xin rửa sạch nước nhà, hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng...".
Lời vàng đanh thép trong bài thơ "Thần" của Lý Thường Kiệt, khẳng định trước kẻ thù xâm lược sự tồn tại vĩnh hằng về đất đai bờ cõi, được coi như bản Tuyên ngôn độc lập thời Lý " Sông núi nước Nam vua Nam ở, rành rành định mệnh ở sách trời, cớ sao lũ giặc sang xâm lược, chúng bay sẽ bị đánh tơi bời".
Chân lý này một lần nữa được khẳng định trong "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác...".
Viết tiếp trang sử hào hùng dân tộc, Người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh, đã cho thế giới biết rõ về một dân tộc Việt Nam bằng da bằng thịt, sự đau thương và mất mát nhưng tự hào với bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng...Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập..."
Và lần nào cũng vậy thắng lợi luôn thuộc về dân tộc ta, những chiến công, phẩm chất của con người, lại tô thắm làm rạng danh lịch sử dân tộc. Lich sử dân tộc như dòng sông không ngừng chảy, như dòng sữa mẹ tuôn trào bảo vệ và nuôi dưỡng mãnh đất thiêng liêng hình chữ "S", con người, những giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc.
Lịch sử mới là gốc của một nước, đẻ ra và nuôi dưỡng đất nước, là tiếng vọng từ cuội nguồn, luôn nhắc nhở các thế hệ con cháu Việt Nam hãy biết, hãy trân trọng, nuôi dưỡng nó như con mắt, bàn chân, bàn tay ta, như da với thịt, như lời nhắc nhở của Hồ Chủ Tịch.
"Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ nước"
"Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà ngày nay"
Trong suốt thế kỉ XX, dân tộc ta oằn mình chống chọi với hai đế quốc hùng mạnh, đế quốc Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, cả thế giới đều nghiêng mình trước Pháp- Mĩ với tiềm lực kinh tế- tài chính, quân sự, chính trị đứng đầu thế giới, để đánh bại hoàn toàn hai thế lực đế quốc này ta không chỉ chiến đấu bằng tinh thần yêu nước, mà bằng ý thí, tư tưởng, văn hóa, kinh tế quân sự...
Lịch sử không chỉ khơi dậy truyền thống yêu nước, mà còn lao vào cuộc chiến kinh tế, chính trị, quân sự...tạo lên sức mạnh khổng lồ, sức mạnh đó không phải là con số cụ thể, cũng không phải là con số dản đơn, nó không thể cân đong đo đếm, đó là đất, là nước, là sự hiệu triệu tổng hợp tạo ra sức mạnh hủy diệt "quét sạch lũ cướp nước và bán nước".
Sức mạnh đó là lịch sử đúc kết của dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước, được Hồ Chủ Tịch truyền tải trong khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập tự do", hàng triệu con tim Việt Nam, không phân biệt lứa tuổi, tôn giáo, đẳng cấp, họ lao vào cuộc chiến giữa cái sống và chết, hàng triệu tấn lương thực, thuốc men, đạn dược vào chiến trường "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".
Nhân loại ngày nay không thể đánh giá môn lịch sử là văn hóa tinh thần "văn hóa phi vật thể", mà nó còn là văn hóa vật chất, sức mạnh tổng hợp.
Cả thế giới nghiêng mình trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, khi đánh giá sức mạnh tổng hợp tạo nên, điều đầu tiên họ khẳng định đó là sức mạnh của lịch sử đem lại, đó là giá trị gốc, tạo nên một cái móng vững chắc, bền và dẻo như chiếc lò so, tạo ra sự phát triển, tính bền vững của quốc gia, dân tộc, đó là bài học đắt giá cho các dân tộc khác trong đó có Việt Nam.
Như vậy, Sử và Nước là một, Sử còn thì Nước còn, Sử mất thì Nước mất, đó là mối quan hệ biện chứng, không thể phủ nhận hay bàn cải. Lịch sử phải được mọi người dân Việt Nam biết và gìn giữ, tôn trọng, không thể hời hợt hay môn phụ ở nhà trường phổ thông.
Hoàng Văn Bằng
Theo giaoduc
TS.Lương Hoài Nam: "Bánh sử" khó ăn, nếu món ngon thì không cần bắt buộc Cái mà học sinh cần khi học môn sử là kiến thức, kỹ năng của một nhà-sử-học để rồi tự mình tìm tòi, bổ sung, làm giàu kiến thức lịch sử trong suốt đời người. Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới (mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến toàn dân đến ngày 20/9), sẽ có một số môn bắt buộc, một...