Học nấu bữa sáng 10-15k cho con vẫn đủ chất
Có con đi học tiểu học, cuối tuần chị em nên tự làm một vài món sẵn ở nhà. Chẳng hạn như làm pizza, bánh bao, bánh giò, há cảo, bánh ít trần… hoặc các món mặn khác rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh.
Mùa tựu trường đã bắt đầu rồi các phụ huynh nhỉ? Các mẹ hãy rỉ tai nhau cách nấu bữa sáng nào cho con nhanh, lại đầy đủ chất và tiết kiệm được tiền đi.
Một tuần trước, con mình cũng đã bắt đầu vào năm học mới. Mấy hôm vừa rồi, con phải ăn uống tại trường nhưng hình như chưa quen với thực đơn và cách nấu ở trường, mình thấy con về nhà kêu dữ lắm. Mình toàn phải động viên con ăn nhiều ở trường để không thiếu chất dinh dưỡng. Mặt khác, mình tích cực chuẩn bị một bữa sáng tươm tất cho con. Thế nhưng đúng là làm điều này tại nhà hơi khó vì thời gian buổi sáng eo hẹp quá.
Tuần rồi, mình được mẹ chồng phụ bếp rất nhiều chuyện nấu cho con ăn ngay tại nhà. Mẹ chồng mình đã đưa ra tuyệt chiêu là, chỉ nấu những món sáng nào cho con ăn dưới 10-15k mà vẫn đầy đủ được chất dinh dưỡng. Và hơn 1 tuần qua bà áp dụng thực đơn với số tiền này cho bữa sáng của con, mình thấy khá ổn các mẹ ạ.
Vì thế, hôm nay mình chia sẻ mấy món mẹ chồng mình nấu cho cháu ăn để các mẹ cùng chấm điểm. Những món ăn này vừa bổ dưỡng, lại đủ chất và giá thành tình ra thì vô cùng rẻ bèo so với việc đưa tiền cho các con đi ăn hàng.
1. Mì tôm trứng, rau
Vì con nhà mình rất thích ăn mì tôm và khá thích ăn rau nên mình không sợ con bị nóng. Do đó, buổi sáng, bà cháu tuần rồi cũng dậy sớm nấu mì tôm trứng hoặc mì tôm thịt với rau cho con ăn.
Có hôm con chán mì tôm nước, mình lại thay đổi cách chế biến, làm món mì tôm xào thịt bò với rau củ cho con.
Khi ấy, mì tôm trụng mềm xào săn với ít dầu. Thịt bò cắt mỏng ướp gia vị vừa ăn rồi xào chín cùng rau cải cắt nhỏ (nên chọn loại rau bé thích, không nhất thiết là cải xanh như người lớn). Nhanh tay xào đều mì và nhân rồi cho ra đĩa.
2. Cơm rang
Ngay trong bữa sáng, nếu con thích ăn cơm, bạn cũng có thể cho con ăn cơm rang nhé.
Cơm thì tối hôm trước nếu có ý định ăn cơm rang, các mẹ nên thổi cơm dư ra nhé. Sau đó, lấy rau củ thái nhỏ rồi nấu sẵn, sáng hôm sau cho cơm nguội vào đảo cùng cho nóng là có bữa cơm đơn giản và ngon tuyệt rồi.
3. Bánh giò, cháo quẩy, xôi
Để đổi gió cho con, có hôm mình đi chợ sớm mua bánh giò cho con ăn. Hoặc có những hôm mình mua cháo thịt quẩy hay xôi để con thay thế.
Những buổi tối thư thả hơn, mình cũng tự nấu cháo hay nấu xôi từ tối và sáng ra chỉ đun lại hay vi sóng cho con ăn. Như vậy con ăn vừa nóng hổi vừa ngon miệng.
4. Bún, phở
Video đang HOT
Trước đây mình cứ nghĩ, bún phở phải ra ngoài hàng ăn mới ngon. Song hiện nay, mình và mẹ chồng cũng hay nấu đồ ăn sáng ở nhà vì ra ngoài ăn vừa bẩn lại vừa đắt.
Ở nhà, mình hay nấu bún măng, bún riêu, bún cá, phở gà, phở bò. Để sáng ra có những tô bún thơm lừng này, mình thường tốn thời gian chuẩn bị từ chiều hôm trước (lúc nấu cơm tối), rùi cho ra hộp bảo quản cất vào tủ lạnh.
Sáng dậy, mình chỉ việc bỏ ra chế biến mất khoảng 10-15 phút là ăn được. Thi thoảng có hôm dậy được sớm, mình đi chợ mua đồ về chế biến thì con được ăn tươi ngon hơn
5. Tự làm bánh mì kẹp
Ngoài những món ăn trên, mình cùng mẹ chồng cũng hay làm bánh mì kẹp ăn tại nhà bữa sáng.
Khi thì mình mua gan về tự làm pate gan để ăn kèm bánh mì khá ngon các mẹ ạ.
Lúc thì mình kẹp bánh mì trứng và dưa chuột. Chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng ăn lại khá ngon.
Lúc mình lại làm trứng gà ốp la, xúc xích chiên, thịt xông khói để ăn cùng bánh mì.
Lưu ý:
- Bữa sáng cho con kịp giờ đi học nói chung các chị em nên chuẩn bị sao đơn giản, nhanh mà đủ chất và ngon miếng. Không cần phải cầu kỳ và cố làm cho đúng món, thiếu một ít gia vị hay rau thơm ăn kèm cũng không sao, miễn ngon là được.
- Nên cố gắng duy trì ăn sáng ở nhà, vừa đảm bảo vệ sinh vừa đảm bảo chất lượng. Các chị em nên mua sẵn các loại mỳ tôm, miến, bánh đa khô, bột gạo… và luôn chuẩn bị sẵn một nồi nước dùng; thịt bò, tim, cật, rau thì mua thường xuyên. Như vậy buổi sáng chỉ mất 10 phút là có mỳ hoặc cháo ăn.
- Có con đi học tiểu học, cuối tuần chị em nên tự làm một vài món sẵn ở nhà. Chẳng hạn như làm pizza, bánh bao, bánh giò, há cảo, bánh ít trần… hoặc các món mặn khác rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Sáng ra, cho vô lò nướng, hoặc nồi hấp chừng 5-7 phút là lại có bánh bao nóng, bánh giò nóng, pizza nóng hổi, thơm phức…
Theo Tapchiamthuc
[Chế biến] - Bánh Trung thu thạch rau câu
Nếu bạn không có thời gian cũng như sự khéo léo để tự làm bánh Trung thu, hãy lựa chọn cách làm bánh Trung thu bằng thạch rau câu khá thú vị này nhé!
Để làm bánh Trung thu bằng thạch rau câu, bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu như sau:
1. Nguyên liệu làm lớp vỏ bánh màu hồng
- 40g đường, 15g bột thạch
- 100ml nước cốt dừa, 250ml nước
- 60g mứt dâu (hoặc bạn chọn loại mứt ướt yêu thích khác)
2. Nguyên liệu làm lớp nhân bánh màu trắng
- 50g đường, 8g bột thạch, một vài hạt muối
- 100ml nước cốt dừa, 200ml nước
- Vài lá dứa (loại lá dứa thường cho vào bánh, chè,... cho thơm)
3. Nguyên liệu làm trứng muối giả màu cam
- 40g đường, 5g bột thạch, vài hạt muối
- 1 củ cà rốt nhỏ
- 100ml nước cốt dừa và 100ml nước
Cà rốt rửa sạch, thái nhỏ, luộc chín với 100ml nước rồi cho cả nước và cái vào máy xay nhuyễn. Cho đường, muối vào khuấy đều với nước cà rốt, đun sôi cho đường tan đều, đổ thêm nước cốt dừa vào chờ sôi thì tắt bếp chờ cho nguội bớt mới đổ 5g bột thạch vào khuấy đều. Đổ hỗn hợp vào khuôn đá tròn để tạo đông thạch hình tròn như lòng đỏ trứng muối. Nếu không có loại khuôn này thì bạn tạm thời đổ thạch vào khuôn nửa hình tròn (phổ biến hơn) rồi khi cần ta sẽ ghép hai nửa lại thành hình cầu.
Thả lá dứa vào 200ml nước đun sôi lấy hương thơm, bỏ lá đi và cho 50g đường và chút muối vào khuấy đều, cho nước cốt dừa vào chờ sôi thì tắt bếp và chờ cho nguội bớt mới cho 8g bột thạch vào khuấy đều.
Đổ thạch trắng vào khuôn bánh, thả nhân trứng muối giả vào giữa, có thể dùng que đặt lại cho chính xác ở giữa.
Nếu làm giả bánh dẻo màu trắng truyền thống, bạn chỉ cần đổ thạch trắng tới 1/3 khuôn cho bánh mỏng hơn. Khi thạch đông thì úp bánh trở ngược ra khỏi khuôn là được.
Nếu làm giả bánh nướng, bạn cần lớp vỏ bằng thạch màu. Đun sôi 250ml nước, cho 40g đường vào khuấy cho tan đường, cho 100ml nước cốt dừa vào chờ sôi trở lại rồi tắt bếp ngay, cho 60g mứt vào tiếp tục khuấy đều. Nếu bạn không còn sẵn hỗn hợp thạch trắng thì trước khi đổ mứt vào, bạn cần rót riêng ra một chút để pha với chút xíu bột thạch, để riêng ra, phần còn lạ mới hoà mứt vào.
Chờ nước mứt nguội bớt thì lọc qua rây cho đỡ cặn rồi cho 15g bột thạch vào khuấy tan. Đổ thạch vào khuôn bánh ngập 1/4 khuôn. Nếu thích hoa văn bánh có hai màu thì bạn chỉ đổ thạch hồng vào một phần hoa văn, phần còn lại chờ thạch hồng gần đông thì sẽ đổ thêm thạch khác màu vào. Khi thạch đông thì dùng xiên tre rạch nhẹ trên bề mặt thạch lớp thạch để lần thạch đổ lần sau dễ bám dính.
Đổ chút thạch trắng mà bạn đã để riêng ở bước 3, rồi bạn dùng chính chiếc bánh dẻo giả đã tạo được ở bước 2 cho vào giữa khuôn, chờ thạch khá đông thì rạch nhẹ vài đường trên nền thạch trắng. Đổ nốt phần thạch hồng cho đầy khuôn bánh.
Mát lạnh, ngạt ngào hương hoa quả và màu sắc tươi tắn là ấn tượng đặc biệt khi bạn làm bánh Trung thu bằng thạch rau câu.
Khi cắt bánh, bạn cũng cảm nhận được hình ảnh lòng đỏ trứng muối mà bạn đã khéo léo tạo thạch hình cầu với màu sắc và hương vị cà rốt.
Là thạch và cũng là bánh, rất hè mà cũng rất thu, thật thú vị phải không bạn?
Với chất liệu thạch rau câu, bạn sẽ tha hồ sáng tạo màu sắc, kiểu dáng, độ phân lớp, bố cục phía trong để ngay cả khi cắt ra trông bánh cũng thật tươi tắn, bắt mắt.
Chúc bạn thành công nhé!
Theo MNMN
Thực đơn dinh dưỡng mà nhanh gọn cho cả tuần Đôi khi việc lên thực đơn xem hôm nay ăn gì, ngày mai ăn ra sao khiến bạn phải đau đầu. Sau đây là thực đơn cả tuần gợi ý cho bạn để việc nấu ăn chỉ còn là chuyện nhỏ! Thực đơn thứ Hai: Bữa sáng: Nhanh gọn bánh bao nóng Bữa trưa : Lạ miệng với phở xào chua ngọt Bữa...