Học giả Trung Quốc “đội lốt khoa học” xuyên tạc về Biển Đông
Tiếp sau hành động leo thang căng thẳng của phía Trung Quốc tại khu vực mà nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, một số nhà khoa học Trung Quốc cũng đã lên tiếng biện minh cho hành vi sai trái kể trên.
Cận cảnh tàu Trung Quốc ngang ngược va đâm, dùng vòi rồng tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam )
Vietnam xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Trường nhằm phản bác những luận điệu xuyên tác đội lốt khoa học đó.
Bịa đặt trắng trợn
“Gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng khá “chính thống” ở Trung Quốc như Thời báo Hoàn cầu, Iternational Herald Leader có đăng một số bài của Hà Tiều Trại, Tôn Tiểu Nghênh, Lục Kiến Nhân làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Quảng Tây liên quan tới sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Tò mò xem giới học giả Trung Quốc suy nghĩ gì về sự kiện ngang trái này, tôi cất công đọc và kết quả là nhức cả đầu vì những lập luận “loạn xị bát nháo” chẳng chút nào mang tính khoa học cả.
Theo định nghĩa phổ cập thì nghiên cứu khoa học là thu thập và xử lý thông tin để tìm ra bản chất các sự kiện, hiện tượng, quá trình. Nhưng tiếc rằng các “học giả” nói trên lại đánh tráo hiện tượng và bản chất với cách thể hiện hết sức thô kệch chẳng có văn hóa chút nào.
Trước hết xin có đôi lời về bài của ông Hà Tiểu Trại dưới đầu đề rất giật gân là “ Mê cung Biển Đông khiến Việt Nam bí quá hóa liều.” Đọc bài này có thể thấy đây quả là cả một mê cung những lập luận hồ đồ cho thấy thực sự tác giả bí quá nói liều thật.
Để có vẻ “khoa học,” tác giả vẽ ra và phân tích về bốn “mê cung.” Theo tác giả, “mê cung thứ nhất” là Việt Nam “luôn có ý thức đấu tranh với Trung Quốc một cách tự nhiên.” Trời, học giả này không đọc lịch sử bao giờ chăng? Chẳng lẽ ông không biết rằng, có bao giờ người Việt Nam sang xâm lấn Trung Quốc đâu, ngay trên đất Quảng Tây núi sông cùng một dải với Việt Nam đã bao giờ có bóng dáng quân Việt Nam chưa, trừ một lần sang hiệp đồng với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ở Tây Côn lĩnh.
Còn phía ngược lại thi xin miễn kể vì ai cũng biết cả nhưng dân Việt Nam chúng tôi luôn hòa hiếu, đã bao lần chịu cảnh máu chảy đầu rơi, nhưng luôn sẵn sàng khép lại quá khứ hướng tởi tương lai. Bản sắc này mới chính là điều tự nhiên của người Việt Nam đối với nước láng giềng phương Bắc.
Ai mới là kẻ xâm lược?
Cũng với tư duy bệnh hoạn như vậy ông Hà bịa ra rằng, năm 2007, khi chưa kết thúc việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, Việt Nam đã đưa ra “Chiến lược biển đến năm 2020″ mở rộng phạm vi Biển Đông và đây chính là nguồn cơn làm gia tăng mâu thuẫn giữa hai nước (?!).
Xin thưa với Hà Tiên sinh rằng, từ hàng nghìn năm nay dân Việt Nam chúng tôi đã thuộc lòng huyền thoại về Lạc Long Quân và Âu Cơ chia đôi đàn con, 50 người theo cha xuống biển, nửa còn lại theo mẹ lên núi. Điều đó nói lên ý thức biển của dân tộc chúng tôi đã được nuôi dưỡng từ ngàn xưa chứ đâu phải chờ tới năm 2007, vì lẽ đơn giản là toàn bộ mặt tiền của đất nước chúng tôi hướng ra biển, 28/63 tỉnh- thành Việt Nam nằm dọc theo ở bờ biển.
Nhân tiện cũng xin nhắc Hà Tiên sinh rằng cái Chiến lược ông nói tới không phải là chiến lược đầu tiên đâu, một chiến lược như vậy đã có từ lâu chứ không phải chờ tới khi phân giới cắm mốc biên giới trên bộ xong mới ra đời.
Có lẽ chẳng cần bình luận gì về lời kết tội của ông Hà đổ vấy cho Việt Nam “mở rộng phạm vi Biển Đông” vì nó quá hồ đồ. Biển Đông vẫn là Biển Đông từ hàng triệu triệu năm nay, chẳng ai có thể mở rộng hay thu hẹp được.
Còn nếu Hà Tiên sinh muốn nói tới sự chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì xin thưa rằng, trên quần đảo Hoàng Sa người Việt Nam đã có mặt từ mấy thế kỷ nay, có bao giờ thấy bóng dáng người Trung Quốc ở đó đâu, thậm chí bản đồ từ mấy thể kỷ nay của Trung Quốc cũng chỉ khẳng định biên giới cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, mãi tới năm 1956 Trung Quốc mới đưa quân chiếm khu vực phía Đông và năm 1974 chiếm nốt khu vực phía Tây quần đảo này của Việt Nam.
Tương tự như vậy, Việt Nam có mặt liên tục, hòa bình trên quần đảo Trường Sa từ lâu lắm rồi; mãi tới năm 1988, 1989 và 1995 quân Trung Quốc mới nhảy vào chiếm tổng cộng bảy bãi. Vậy hỏi ai mở rộng phạm vi hiện diện, chiếm hữu?
Nhân đây cũng muốn Hà Tiên sinh cung cấp thông tin để bàn dân thiên hạ hiểu rõ vì sao các sự kiện ấy thường xảy ra vào đúng các thời điểm đất nước chúng tôi bận bịu nhất trong sự nghiệp giữ nước.
Chưa hết, Trung Quốc chứ không phải Việt Nam vẽ ra “đường lưỡi bò,” choán hầu hết Biển Đông, chẳng theo một quy định pháp luật nào cả; còn Việt Nam chỉ hoạch định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình đúng theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 mà Trung quốc cũng đặt bút ký. Vậy ai mở rộng vùng quyền chủ quyền?
Video đang HOT
Hà tiên sinh còn nói khi sang thăm Việt Nam năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường có “thành ý” về khai thác chung nhưng Việt Nam lại không chịu vì cho rằng, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình không có tranh chấp.
Đúng đấy ông Hà ạ! Trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, Việt Nam đã và đang “khai thác chung” với hàng chục công ty nước ngoài trên cơ sở thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam.
Không phải một lần Việt Nam đã có nhã ý mời các công ty Trung Quốc, kể cả Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tham gia nhưng các bạn cứ khăng khăng đòi “khai thác chung” với cái nghĩa “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra là của Trung Quốc, nay chiếu cố cho Việt Nam tham gia khai thác.
Nếu có thể xin ông cho biết, nhà ông có vườn do ông bà cha mẹ để lại không? Nếu có thì liệu ông có bằng lòng cho láng giềng tự ý vào nuôi gà trong đó với cái lý rằng, khu vườn đó không hẳn của ông mà là khu vực tranh chấp giữa hai gia đình?
Tôi còn nghe cái ông Đại sứ của các ông ở Mỹ than phiền rằng Trung Quốc mới hạ đặt một giàn khoan còn Việt Nam thì đã hạ đặt hàng trăm rồi. Ô hay, không phải của các ông thì một cái cũng là phi pháp, còn đúng là của tôi thì dù tôi có đặt hàng nghìn cái vẫn là hợp pháp chứ.
Dựa trên các lập luận “hoang tưởng” (chữ dùng của ông Hà) như vậy mà Hà Tiên sinh còn cao giọng rao giảng rằng: “Tư duy hoang tưởng và thái độ cứng rắn sẽ đưa Việt Nam đi đến con đường nguy hiểm xung đột với Trung Quốc.”
Ông nói đúng quá, chỉ có điều phải đảo lại trật tự hai chữ “Việt Nam” và “Trung Quốc” mà thôi.
Việt Nam kiên trì đường lối độc lập tự chủ
Mê cung thứ hai mà Hà tiên sinh phịa ra là, Việt Nam muốn sử dụng vụ việc này để thực hiện “hòa giải dân tộc,” hy sinh quan hệ Việt-Trung để đổi lấy yêu cầu đó; do không kiểm soát được tình hình nên đã hợp thành sức mạnh của thế lực dân tộc cực đoan và chống Cộng.
Thử hỏi có ai đó đến hạ đặt giàn khoan khổng lồ trên vùng biển thực sự thuộc Trung Quốc theo luật pháp quốc tế thì người Trung Quốc, kể cả những người làm ăn sinh sống ở Hong Kong, Macau, Đài Loan sẽ suy nghĩ và hành xử ra sao?
Ngọn nguồn câu chuyện chính là hành vi sai trái của phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam chứ không phải điều ông tưởng tượng ra là Việt Nam muốn lợi dụng vụ việc để hòa giải dân tộc.
Nhân đây cũng muốn nhắc Hà Tiên sinh rằng, trong máu người Việt Nam chúng tôi không có chủ nghĩa dân tộc cực đoan đâu vì chúng tôi bị hết nước lớn này đến nước lớn khác mang quân đến xâm lược nên buộc phải đổ biết bao xương máu gìn giữ non sông; nếu chúng tôi cứ nuôi hận thù trong lòng thì sống với ai đây? Nếu ông “kết tội” chúng tôi “tự tôn, tự trọng dân tộc” thì xin vui lòng nhận.
Mê cung thứ ba mà Hà Tiên sinh muốn lùa chúng tôi vào là đổ lỗi cho chúng tôi muốn lợi dụng ý đồ một số nước muốn dùng Việt Nam “kiềm chế” Trung Quốc nên nhân vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 đã “một khóc, hai làm to chuyện, ba nhảy.”
Trời ơi, một nước đang phát triển như nước chúng tôi sau bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá chỉ có ước nguyện yên bình để xây dựng chứ hơi đâu mà đi “kiềm chế” các ông lớn. Vả lại, trong lịch sử đã nhiều lần Việt Nam bị người ta lợi dụng, buôn bán sau lưng và vì vậy cứ bị người ta kiềm chế.
Xem như vậy thì Hà Tiên sinh nhầm địa chỉ rồi đó, xin ông làm ơn nghiên cứu lại các mốc lịch sử 1954, 1972, 1979, 1989 cho chúng tôi nhờ. Tiếp thu những bài học lịch sử không vui ấy, chúng tôi luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ chứ chẳng muốn theo ai chống ai cả. Chỉ tiếc rằng, mọi hành động của các ông cứ như thể cố tình đẩy chúng tôi vào các con đường mà các ông muốn. Chính sách gì mà lạ vậy?
Còn ông nói chúng tôi “khóc” bằng cách tố cáo Trung Quốc trên mọi diễn đàn quốc tế, giành sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Ô hay, thế bị xúc phạm cấm được kêu à?
Tôi cứ nhớ hồi nhỏ đi học, trong lớp có một cậu to con học hành chẳng ra sao nhưng chuyên đi bắt nạt những bạn yếu trong lớp, mỗi lần bấu véo bạn lại trừng mắt dọa “không được kêu,” “không được mách thầy giáo.”
Cái kiểu như vậy, bên Việt Nam chúng tôi gọi là “chùm chăn mà đánh.” Chẳng lẽ Hà Tiên sinh cũng ủng hộ cách ứng xử như vậy với các quốc gia khác chăng?
Tiếp đến Hà Tiên sinh buộc tội chúng tôi “làm to chuyện” ngay sự việc vừa diễn ra rồi đổ cho Trung Quốc “phá hoại hòa bình, ổn định!” Xin mách nhỏ với Hà Tiên sinh rằng, tốt nhất là đừng gây ra sự việc gì cả thì Việt Nam không lấy đâu ra cớ làm to chuyện.
Tiếc rằng, cái vụ giàn khoan Hải Dương-981 to chuyện quá, trắng trợn quá nên dù có muốn biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự cũng chịu. Còn ai phá hoại hòa bình, ổn định thì công luận quốc tế đủ thông minh xét đoán, đâu cần chúng tôi có “làm to chuyện” thiên hạ mới biết?
Ngoại giao Việt Nam không thể đi ngược lợi ích của người dân
Mê cung thứ tư mà Hà Tiên sinh muốn gán ghép cho chúng tôi là đã sử dụng bài học sức mạnh toàn dân mà chính ông cũng thừa nhận là “kinh nghiệm quý báu để Việt Nam giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ,” nay áp dụng để giáo dục, động viên toàn dân có ý thức và quyết tâm bảo vệ quyền lợi biển đảo. Điều này thì Hà Tiên sinh hoàn toàn đúng; chỉ có điều xin mạn phép bổ sung thêm vài thiển ý.
Một là, đó không chỉ là bài học kinh nghiệm trong hai cuộc kháng chiến vừa qua đâu mà là bài học ngàn năm dựng nước, giữ nước đấy. Hai là, dân tộc chúng tôi có “đặc ân” luôn phải chống chọi với ngoại bang mạnh hơn nhiều lần về vật chất, không lấy sức mạnh và trí tuệ nhân dân thì làm sao đối phó cho được? Ba là, Nhà nước chúng tôi là nhà nước của dân, do dân, vì dân; không dựa vào dân thì dựa vào ai?
Tiếc rằng, Hà Tiên sinh đưa ra mệnh đề đúng nhưng lại đi tới kết luận sai rằng ngoại giao Chính phủ Việt Nam lại “mất đi sự điềm tĩnh, lý trí và linh hoạt nên không thể và cũng không dám thỏa hiệp hợp tác với Trung Quốc, chỉ có thể trông đợi Trung Quốc đơn phương nhượng bộ và như vậy sẽ tạo nên làn sóng dân túy, dẫn đến “bí quá làm liều.”
Hà Tiên sinh nói như vậy phải chăng muốn dậy ngoại giao Việt Nam đi ngược lại lợi ích và nguyện vọng của người dân, thỏa hiệp vô nguyên tắc? Không biết ngoại giao bên các ông thế nào chứ nền ngoại giao chúng tôi mà hành động như vậy thì dân chẳng để yên.
Xin chân thành mong Hà Tiên sinh kiên trì đi theo con đường khoa học mà đã khoa học thì điều quan trọng nhất là khách quan, thực sự cầu thị chứ không nên bẻ cong ngòi bút, đổi trắng thành đen.
Vả lại sinh sống và làm việc ở Quảng Tây sát với Việt Nam mong ông chịu khó tìm hiểu kỹ hơn lịch sử, văn hóa của Việt Nam, cố gắng làm những việc đem lại lợi ích thiết thân cho nhân dân hai nước láng giềng nói chung và nhân dân Quảng Tây và Việt Nam nói riêng, thực hiện trên thực tế phương châm “mục lân, an lân, phú lân” (tức là hòa hiếu với láng giềng, yên lành với láng giềng và làm giầu với láng giềng) nghe rất hay, chỉ tiếc lại bị hành xử ngược lại.
Về các bài khác xin mạn phép có lời bình sau.
Theo Hoàng Trường
VietnamPlus/TTXVN
"Xốc lại nền kinh tế Việt Nam, cài đặt lại mối quan hệ với Trung Quốc"
Đây là nhận định của ông Lê Công Phụng (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về biên giới, lãnh thổ) trong cuộc trao đổi với Dân trí về tình hình biển Đông.
"Trung Quốc luôn chèn ép nước nhỏ"
Ông Lê Công Phụng đánh giá: "Từ trước đến nay, có không ít người trong chúng ta cứ nghĩ quan hệ chính trị hai nước là tốt lắm. Nhưng sau kiện giàn khoan Hải Dương 981, chúng ta cần thiết phải có sự điều chỉnh. Không thể mơ hồ, ảo tưởng về tình hữu nghị viển vông. Tất nhiên, thay đổi hay xác định lại mối quan hệ không phải là theo hướng xấu đi, nhưng phải điều chỉnh để có sự giải quyết phù hợp với những mâu thuẫn đang diễn ra".
Thưa ông, đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Bất chấp phản ứng của Việt Nam và các nước, họ liên tục đơn phương leo thang căng thẳng, họ không ngần ngại sử dụng bạo lực, đâm chìm tàu cá, đâm thủng tàu chấp pháp của Việt Nam. Là một nhà ngoại giao từng giữ nhiều trọng trách, ông có đánh giá gì?
Qua thực tế công tác ngoại giao với Trung Quốc những năm qua, tôi thấy rằng với tư cách là nước lớn, Trung Quốc luôn chèn ép, gây phức tạp cho các nước nhỏ. Và vụ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 chỉ là một bước trong cả một tiến trình được tính toán lâu dài.
Phải xác định rõ ràng rằng, âm mưu của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông sẽ không dừng lại và còn tái diễn. Giàn khoan này có thể rút nhưng chắc chắn sẽ còn giàn khoan khác, các hoạt động "quấy nhiễu" gây căng thẳng ở Biển Đông chắc chắn sẽ còn tiếp tục leo thang. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp.
Ý ông là cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc trên cách tiếp cận mới?
Giữa Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện". Lâu nay chúng ta vẫn giữ mối quan hệ với Trung Quốc hướng tới "16 chữ vàng và 4 tốt".
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Họ cho tàu bè, máy bay vào lãnh hải nước ta. Tuy chưa nổ súng nhưng đã có những hành động tấn công các lực lượng chấp pháp của ta.
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng: "Tôi nhất trí phải xem lại quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc để xác định các bước đi phù hợp"
Qua sự việc này tôi nhất trí phải xem lại quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc để xác định các bước đi phù hợp. Quan hệ giữa các quốc gia là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Không thể vì cái danh "đối tác chiến lược toàn diện" mà để cho Trung Quốc xâm lược. Cũng không thể vì "16 chữ vàng" và "4 tốt" mà chịu nhún nhường, nhân nhượng với các hành động sai trái của Trung Quốc.
Trước hết, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức, không ảo tuởng, mơ mộng viển vông về "mối quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp". Cần phải xác định, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước phải dựa vào dân, thống nhất một khối đoàn kết, khơi gợi tình thần yêu nước của các thành phần, dân tộc. Chúng ta phải điều chỉnh, hướng dẫn để các hoạt động yêu nước đồng nhất, đi đúng hướng, có sự tác động mạnh mẽ đến dư luận quốc tế.
Muốn giữ vững được độc lập tự chủ thì phải độc lập về kinh tế nên trong thời gian tới, chúng ta phải sắp xếp lại mối quan hệ kinh tế của mình với Trung Quốc và các đối tác tham gia ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam cần nhanh chóng giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Lịch sử đang đòi hỏi mỗi người Việt Nam tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước cao nhất.
Trong các hoạt động đấu tranh, cần xác định đâu là giới hạn cuối cùng. Việt Nam chấp nhận những thiệt hại có thể xảy ra...
Vậy đâu là giới hạn cuối cùng của chúng ta, thưa ông?
Việt Nam yêu hòa bình nhưng chúng ta có quyền tự vệ. Việt Nam kiềm chế nhưng Việt Nam không khuất phục và yếu hèn trước bất cứ kẻ xâm lược nào. Chúng ta không thể hi sinh chủ quyền để đối lấy hòa bình hữu nghị viển vông. Dân tộc ta yêu hòa bình, không muốn xung đột, nhưng nếu bị dồn vào thế xung đột thì buộc phải tự vệ.
"Việt Nam cần hết sức tỉnh táo"
Sau vấn đề với Crimea, Mỹ và đồng minh của mình tại Châu Á đặc biệt là Nhật Bản đang có những tuyên bố thể hiện thái độ cứng rắn và quyết liệt hơn khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Ông có nghĩ rằng Mỹ đang muốn chứng minh sức mạnh cũng như sự ảnh hưởng của mình lên khu vực châu Á?
Theo tôi, những phản ứng gần đây của chính giới Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều tổ chức, quốc gia khác là quyết liệt, có lợi cho Việt Nam trong việc đấu tranh chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta biết rằng, Mỹ, Nhật đang rất sẵn lòng trợ giúp Việt Nam về tàu, kỹ thuật nhưng Việt Nam cũng cần phải hết sức tỉnh táo.
Chúng ta trân trọng thiện chí, sự giúp đỡ của các nước, nhưng phải dựa trên các tiêu chí kinh tế - quốc phòng mà Việt Nam đã đặt ra. Việt Nam hiện vẫn giữ vững chính sách ba không trong quan hệ đối ngoại: không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự, không thành lập liên minh quân sự, không liên minh với một nước chống lại nước thứ ba. Điều đó là nhất quán.
Nhiều người đang chờ đợi những phản ứng mạnh mẽ hơn của Mỹ, Nhật khi Trung Quốc vẫn bất chấp dư luận, tiếp tục leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Ông có đánh giá gì về điều này?
Chúng ta dựa vào dư luận quốc tế để đấu tranh nhưng cũng không nên ảo tưởng, mơ hồ các nước khác sẽ giúp mình trong việc bảo vệ chủ quyền. Phải xác định rõ ràng rằng: Trong quan hệ với Trung Quốc, các nước khác đều có lợi ích dân tộc, lợi ích kinh tế trong đó.
Họ sẽ không vì Việt Nam để nổ súng chống lại Trung Quốc. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ phải là nhiệm vụ, trách nhiệm của dân tộc Việt Nam và chúng ta phải làm được điều này.
Vậy theo ông, đâu là triển vọng cho việc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế? Đã có một số ý kiến chỉ ra một loạt trở ngại cho Việt Nam, trong đó có việc hầu như Trung Quốc chắc chắn từ chối tham dự một phiên tòa quốc tế như vậy...
Phải thấy rằng, cả thế giới không phải ai cũng biết Việt Nam đã tham gia Công ước luật biển 1982, không phải ai cũng biết Việt Nam và Trung Quốc xung đột do những hành vi sai trái của Trung Quốc. Nhưng nếu chúng ta đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế thì lại khác.
Chắc chắn, Việt Nam sẽ tập hợp được sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng lớn hơn của dư luận quốc tế. Tham gia hay không là việc của Trung Quốc, nếu họ từ chối đồng nghĩa với việc họ không dám đối đầu với sự thật, chính nghĩa.
Giờ đã phải là thời điểm thích hợp để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc chưa, thưa ông?
Tôi biết nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao không đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế ngay bây giờ? Theo tôi chưa phải lúc. Chúng ta vẫn nên sử dụng các biện pháp đấu tranh như hiện tại. Kiện là giải pháp hòa bình cuối cùng. Hơn nữa, việc đưa lên tòa án quốc tế không phải đơn giản. Chúng ta phải chuẩn bị thật chu đáo tài liệu, chứng cứ lịch sử đồng thời phải có một đội ngũ cố vấn, luật sư quốc tế hỗ trợ, tư vấn.
Và tôi biết, chúng ta cũng đang tích cực chuẩn bị cho các động thái này rồi.
Hà Trang
Theo dantri
Lòng yêu nước qua những lá cờ trên đảo Lý Sơn Lý Sơn - hòn đảo tiền tiêu kiên trung của tổ quốc, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi mỗi người dân trên đảo là một chiến sỹ và mỗi ngư dân là cột chủ quyền sống trên biển, nơi lòng yêu nước thể hiện đậm nét qua những lá cờ... Nếu ở đất liền, người ta treo cờ nơi công sở và nhà...