Học giả Trung Quốc đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy hợp tác thực chất Việt – Trung
Theo bài viết trên trang Global Times, một ấn bản của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2025 đán.h dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời là Năm giao lưu nhân văn Việt – Trung.
Lô hàng tổ yến lần đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc qua Lối thông quan cầu Bắc Luân II – Móng Cái (Quảng Ninh), ngày 20/11/2024. Ảnh: TTXVN phát
Trong trao đổi điện mừng, lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh cần thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, không ngừng đạt được những thành quả mới; thúc đẩy thực hiện và đạt được kết quả thực chất đồng thuận về “6 hơn” mà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước đã đạt được.
Theo tác giả Lôi Tiểu Hoa – nghiên cứu viên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc), hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đều đang trong giai đoạn phát triển và chuyển đổi kinh tế quan trọng, do đó ông cho rằng hai bên có thể tăng cường hợp tác thực chất từ các phương diện sau.
Thứ nhất, tạo “vòng tròn đồng tâm hợp tác” theo quan điểm tin cậy lẫn nhau. Việc tăng cường hơn nữa lòng tin chiến lược giữa hai nước là bảo đảm quan trọng để Trung Quốc và Việt Nam tăng cường hợp tác thực chất. Việc trao đổi hiệu quả và kết nối chính sách là những cách hiệu quả để tăng cường lòng tin chiến lược lẫn nhau. Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, hai bên cần kiên trì duy trì phát triển ổn định quan hệ giữa hai Đảng, hai nước; đồng thời, tăng cường phối hợp đa phương như cùng thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để phát huy hiệu quả cao hơn; thúc đẩy sớm ký kết và đưa vào hiệu lực Khu vực thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN 3.0; Việt Nam tích cực ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Thứ hai, nâng cao mức độ hiệu quả hợp tác từ khía cạnh kết nối. Kết nối cơ sở hạ tầng là chìa khóa để tăng cường hợp tác thực chất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tháng 12/2024, Trung Quốc và Việt Nam đã ký thỏa thuận liên chính phủ về các dự án hợp tác đường sắt khổ tiêu chuẩn xuyên biên giới, đồng ý cùng nhau xây dựng 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.
Trong tương lai, hai bên cần đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng các tuyến đường sắt có sức chứa lớn, tập trung vào xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn xuyên biên giới, đẩy nhanh xây dựng các cơ sở trung chuyển, tập trung vào xây dựng các cửa thông minh Việt Nam – Trung Quốc và nâng cao mức độ “kết nối cứng”. Đồng thời, đẩy nhanh việc kết nối các quy tắc, tiêu chuẩn, tập trung xây dựng hải quan thông minh, nâng cao mức độ “kết nối mềm”.
Video đang HOT
Thứ ba, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hiệu quả hơn và lớn hơn về mặt kinh tế, thương mại. Hợp tác kinh tế, thương mại là lĩnh vực quan trọng để Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác thực chất. Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 205,2 tỷ USD, lập kỷ lục mới trong lịch sử. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam có quy mô trên 200 tỷ USD.
Trong tương lai, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy cân bằng và phát triển bền vững thương mại song phương, tăng thêm tỷ trọng các sản phẩm công nghệ cao trong thương mại song phương như thông tin điện tử, máy móc thiết bị và xe năng lượng mới…; đẩy nhanh quá trình phát triển các hình thức và mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử xuyên biên giới; đồng thời, lấy việc xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc làm trọng tâm, đẩy nhanh việc xây dựng nền tảng hợp tác năng lượng giữa hai nước, thúc đẩy sự tập trung công nghiệp, tạo ra chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng xuyên biên giới với những lợi thế bổ sung và lợi ích chung, cùng có lợi cho cả hai bên.
Bài viết của Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc), ông Lôi Tiểu Hoa trên báo Global Times. Ảnh: TTXVN phát
Thứ tư, thúc đẩy hợp tác từ góc độ tài chính. Năm 2024, Trung Quốc và Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác ở cấp ngân hàng Trung ương và sẽ tăng cường hợp tác trong thanh toán nội tệ, hoán đổi tiề.n tệ và kết nối thanh toán xuyên biên giới. Điều này sẽ không chỉ thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế và hợp tác thương mại giữa hai nước, đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, mà còn là lựa chọn chiến lược của Việt Nam nhằm tìm kiếm sự ổn định và an ninh trong bối cảnh tình hình tài chính quốc tế đầy biến động.
Ngay từ năm 2018, Việt Nam đã bắt đầu mở rộng phạm vi thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ tới nhiều ngân hàng và khách hàng.
Trong tương lai, hai bên có thể phát huy hơn nữa vai trò của cơ chế Nhóm công tác hợp tác tài chính và tiề.n tệ Trung Quốc – Việt Nam, hình thành hướng dẫn chính sách thanh toán tiề.n tệ song phương, hỗ trợ mở rộng hơn nữa phạm vi thanh toán bằng đồng nội tệ và hoàn thiện mạng lưới thanh toán biên giới… Trên cơ sở thỏa thuận hoán đổi tiề.n tệ Trung Quốc – ASEAN hiện có, tăng cường hợp tác hoán đổi song phương giữa Nhân dân tệ và Đồng Việt Nam để ứng phó với biến động của thị trường ngoại hối, ổn định cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ. Tập trung đẩy nhanh kết nối xuyên biên giới bằng mã QR để thúc đẩy kết nối giữa Hệ thống thanh toán Nhân dân tệ xuyên biên giới (CIPS) với hệ thống thanh toán trong nước của Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả thanh toán giao dịch xuyên biên giới… Ngoài ra, hai bên cũng có thể tăng cường hợp tác về các định chế tài chính, công nghệ tài chính, nhân tài tài chính, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tài chính…
Thứ năm, tăng cường nền tảng dư luận xã hội về hợp tác từ góc độ trách nhiệm. Tập trung vào tiêu chuẩn cao, tính bền vững và mang lại lợi ích cho đời sống người dân, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Trung Quốc và củng cố nền tảng dư luận xã hội cho sự hợp tác thực chất Việt Nam -Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cần liên tục cải thiện chất lượng và hiệu quả sản phẩm thông qua đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình…, xây dựng hình ảnh của riêng mình theo tiêu chuẩn cao. Ví dụ, các doanh nghiệp Trung Quốc thông qua việc tích cực tham gia vào các ngành công nghiệp bền vững và các dự án liên quan như năng lượng sạch, giao thông xanh và nông nghiệp thân thiện với môi trường tại Việt Nam để chứng minh sức mạnh kỹ thuật và trách nhiệm xã hội của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cũng có thể tích cực tham gia vào việc xây dựng các công trình và dự án dân sinh như cơ sở hạ tầng, giáo dục, chăm sóc y tế và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, trực tiếp giúp cải thiện điều kiện sống của người dân Việt Nam để giành được nhiều sự công nhận hơn từ người dân Việt Nam, qua đó giúp củng cố hơn nữa nền tảng dư luận xã hội cho sự hợp tác thiết thực giữa hai nước.
Viết tiếp 'thời khắc trọng đại' thứ hai trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngày 19/1, Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng tải bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ với tiêu đề "Viết tiếp 'thời khắc trọng đại' thứ hai trong quan hệ Trung - Việt".
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo bài viết, ngày 18/1/2025 là ngày kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong 75 năm qua, quan hệ Trung - Việt đã trải qua hai "thời khắc trọng đại": thời khắc trọng đại thứ nhất là tình hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí vừa là anh em" Trung - Việt do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân sáng lập, đã tạo "nền móng" cho tình hữu nghị truyền thống Trung - Việt và không ngừng phát triển mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau này.
"Thời khắc trọng đại" thứ hai là "cộng đồng chia sẻ tương lai" Trung Quốc - Việt Nam do lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước cùng xác lập, thổi "hồn" vào tình hữu nghị trường tồn giữa Trung Quốc và Việt Nam, dẫn dắt hai nước tiến tới con đường phát triển và thịnh vượng "cùng tham vấn, cùng xây dựng và cùng chia sẻ".
Nhìn lại 75 năm quan hệ hữu nghị Trung - Việt, hai "thời khắc trọng đại" bổ sung cho nhau, trở thành ngọn hải đăng vĩnh cửu soi sáng cho mối quan hệ song phương hướng tới tương lai.
Đại sứ Hà Vĩ cho rằng, lý tưởng và niềm tin chung là sự đảm bảo cơ bản cho sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương. Là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo lâu dài trên thế giới hiện nay, đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân các dân tộc đạt được những thành tựu to lớn. Kể từ khi thiết lập, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đã vượt qua ý nghĩa thông thường của quan hệ song phương và đã được ban tặng một nền tảng chính trị riêng biệt, xuyên suốt trong sự nghiệp vĩ đại xây dựng Đảng, xây dựng quân đội và xây dựng đất nước ở cả hai nước.
Từ thời kỳ cách mạng cứu nước đến thời kỳ tiến lên hiện đại hóa, hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam luôn luôn phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước; chí hướng bảo vệ chủ nghĩa xã hội và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp hòa bình và tiến bộ cho nhân loại không bao giờ thay đổi; cùng chung chí hướng, cùng chia sẻ tương lai là đặc trưng rõ nét nhất của quan hệ Trung-Việt.
Theo Đại sứ Hà Vĩ, tầm nhìn phát triển chung là động lực vô tận cho sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa hai bên. Là hai quốc gia thị trường mới nổi trên thế giới thực hành khái niệm phát triển lấy con người làm trung tâm và tuân thủ con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia của mình, Trung Quốc và Việt Nam luôn coi sự phát triển của nhau là cơ hội của chính mình, dựa vào lợi thế địa lý về kết nối trên bộ và trên biển, khai thác sâu tiềm năng bổ sung cho ngành công nghiệp, tạo ra mô hình hợp tác hai bên cùng có lợi, thực hiện động lực kép về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trung Quốc trong hơn 20 năm qua luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương vượt mốc 260 tỷ USD. Số lượng vốn đầu tư và số lượng dự án đầu tư mới của Trung Quốc tại Việt Nam đứng đầu trong danh sách đầu tư. Kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước đã đạt được nhiều điểm nổi bật. Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới và cảng thông minh đang tiến triển theo hướng có trật tự. Việc xây dựng ba dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn xuyên biên giới đang được thúc đẩy nhanh chóng. Hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số và chuyển đổi năng lượng đang phát triển mạnh mẽ. Ngày càng nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc và được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Đại sứ Hà Vĩ khẳng định, sự kế thừa văn hóa chung là cội nguồn niềm tin cho mối quan hệ hòa hợp lâu dài giữa hai nước. Là hai nước láng giềng hữu nghị có đường biên giới dài và lịch sử giao lưu lâu đời, Trung Quốc và Việt Nam đã giải quyết thành công hai vấn đề khó khăn do lịch sử để lại như phân định biên giới trên đất liền và phân định biển Vịnh Bắc Bộ bằng cách kiên trì tư tưởng giản dị và truyền thống văn hóa "Dĩ hòa vi quí, Hòa trung cộng tế" (coi trọng sự hòa hợp, đồng tâm hợp lực, khắc phục khó khăn); thiết lập kênh đối thoại thông suốt để kiểm soát các bất đồng trên biển và xây dựng một loạt dự án kiểu mẫu như Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới thác Đức Thiên (Bản Giốc); xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đối với các vấn đề chưa được giải quyết trong quan hệ song phương, hai bên luôn kiên trì đối thoại và tham vấn, xử lý và giải quyết thỏa đáng những khác biệt, đưa ra kỳ vọng ổn định cho việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam.
Đại sứ Hà Vĩ khẳng định, lịch sử 75 năm đã nhiều lần chứng minh rằng láng giềng hòa thuận luôn là cục diện chung và lợi ích của quan hệ Trung - Việt. Chỉ khi quan hệ Trung Quốc - Việt Nam phát triển tốt đẹp thì công cuộc xây dựng đất nước của mỗi nước mới có thể tiến triển vững chắc. Đứng trước điểm xuất phát lịch sử mới, hai bên sẽ đi theo hướng tiến triển mà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng đã chỉ ra, phát huy sức mạnh từ lịch sử lâu dài của tình hữu nghị và láng giềng tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh thế giới đầy biến động, qua đó truyền thêm năng lượng tích cực cho việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Tổng thống Putin tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, cho biết hai nước đã xây dựng các kế hoạch hợp tác quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực. Ngày 21-8, tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hai nước đã xây dựng các kế hoạch hợp tác quy mô lớn...