Học giả Nga: Quan hệ với Mỹ trở thành một “mô hình” cho Việt Nam
Người Việt xem quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ như “trụ cột chính” để tiến đến một tương lai tươi sáng hơn, Mỹ là một đối tác đáng tin cậy nhất.
Xung quanh chuyến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam, giới truyền thông và học giả Nga đã có những đánh giá khá tích cực, đồng thời cũng có những tiếng nói đề nghị Moscow cần xem lại chính sách nhằm củng cố quan hệ hợp tác với Việt Nam nếu không muốn bị người Mỹ “vượt mặt”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Mỹ trở thành một “mô hình” cho Việt Nam
Đó là bình luận của Tiến sĩ Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông trên tạp chí Nezavisimaya Gazeta ngày 14/7. Tiến sĩ Vladimir Mazyrin cho rằng chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa lịch sử, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác song phương.
Trên thực tế chuyến thăm này là bước tiến mới hướng đến sự công nhận tính chất “chiến lược” của quan hệ Việt – Mỹ mà hiện nay Việt Nam chỉ mới có với Nga và Trung Quốc, ông Mazyrin nhận định.
Trong một số lĩnh vực quan trọng, chuyến thăm cho thấy sự trùng hợp về lợi ích chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ. Xét về mặt địa chính trị, người Việt muốn tìm kiếm đối trọng với sự gia tăng các hoạt động theo đuổi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Hoa Kỳ hỗ trợ điều này, còn Việt Nam cũng muốn đa dạng hóa nguồn vốn và nguồn cung cấp vũ khí, khoa học công nghệ để đảm bảo khả năng “tự do cơ động ngoại giao chiến lược” cho mình.
Tiến sĩ Vladimir Mazyrin cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế Nga đang chứng kiến không chỉ sự trùng hợp lợi ích giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn thấy sự chuyển đổi trong động cơ chủ yếu của Hoa Kỳ là nhằm thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, ngăn chặn sự mất cân bằng ngày càng nguy hiểm trong cán cân thương mại Việt – Trung.
Đã 10 năm qua, Hoa Kỳ trở thành thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam, chiếm khoảng 20% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ năm 2006 đã đạt mức 36 tỉ USD, cao gấp 10 lần so với kim ngạch thương mại Nga – Việt.
Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 7 trong nền kinh tế Việt Nam với 11 tỉ USD đăng ký cho 725 dự án. Việt Nam đang phấn đấu để trở thành thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù các yêu cầu đặt ra bởi Washington nghiêm ngặt hơn nhiều so với các điều khoản khi Việt Nam tham gia WTO.
Nỗ lực của Mỹ để tăng cường ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong 20 năm qua không hề dễ dàng. Nó cho thấy có một sự biến đổi về mặt nhận thức trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, đặc biệt là trong 20 năm qua.
Kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á vừa qua cho thấy, người Việt xem quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ như “trụ cột chính” để tiến đến một tương lai tươi sáng hơn, Mỹ là một đối tác đáng tin cậy nhất. Người Việt cũng hoan nghênh sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở châu Á, ông Mazyrin cho biết.
Video đang HOT
Tiến sĩ Vladimir Mazyrin. Ảnh: Gazeta.ru.
Tiến sĩ Mazyrin cho rằng, mặc dù kết quả thăm dò còn phụ thuộc vào người thăm dò là ai, vì mục đích gì và đối tượng thăm dò được chọn. Nhưng công cuộc Đổi mới của Việt Nam mấy chục năm qua đã khiến quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam bao gồm hợp tác Việt – Mỹ đã dẫn đến một sự cải thiện đáng kể chất lượng đời sống của người Việt.
Các nước lớn tranh giành ảnh hưởng trong quan hệ với Việt Nam
Hãng thông tấn Itar Tass ngày 10/7 dẫn lời các chuyên gia Nga cho rằng, việc tăng cường quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam là nhằm mục đích kiềm chế (dã tâm bành trướng trên Biển Đông từ phía) Trung Quốc. Việc Việt Nam chuyển hướng chính sách đối ngoại và quốc phòng trong chiến lược tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ cũng như nỗ lực tham gia TPP đã “gây trở ngại” cho quan hệ gần gũi hơn với Moscow và Liên minh Kinh tế Á – Âu.
Thiếu tướng Pavel Zolotaryov, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ – Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Nga nói với Itar Tass: “Mỹ đang liên tục phấn đấu để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga trong khu vực. Trong khi đó Việt Nam đang vận động tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực an ninh và thương mại từ mối quan hệ với Mỹ cũng như trong hợp tác với Nga.”
“Tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Các nước trong khu vực đã bị kéo vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị căng thẳng để có thể kiểm soát các đảo, bãi đá, rặng san hô ở Biển Đông”, tướng Zolotaryov bình luận.
Học giả này cho rằng: “Các nước khác trong khu vực như Philippines, Brunei và Indonesia cũng đều sợ việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) này. Do đó Việt Nam có thể cố gắng tìm cách bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia của mình thông qua sự giúp đỡ của Washington, đồng thời theo đuổi một chính sách đối ngoại đa phương”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Victor Kremenyuk, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ – Canada, một đồng nghiệp của tướng Zolotaryov nói với Itar Tass, chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy ý định của Mỹ muốn thuyết phục Hà Nội rằng, Hoa Kỳ không còn là một quốc gia thù địch của Việt Nam mà là một đối tác thân thiện.
“Mỹ đang cố gắng ngăn cản các nỗ lực của Trung Quốc buộc Việt Nam lệ thuộc vào Bắc Kinh. Một số quan điểm ở Việt Nam muốn tập trung phát triển quan hệ với Washington, trong khi một số khác vẫn muốn tập trung vào quan hệ với Trung Quốc và Nga”, ông Kremenyuk nói.
“Nhiệm vụ lớn hơn của Washington là xây dựng một liên minh các quốc gia không phụ thuộc vào Trung Quốc ở Đông Nam Á, nhưng vẫn có quan hệ với Bắc Kinh. Cụ thể bao gồm Việt Nam, Philippines và Đài Loan, các đối tác này có thể giúp Mỹ tương tác với Trung Quốc mà không dẫn đến đối đầu.
Tuy nhiên Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Hạm đội 7 triển khai ở Tây Thái Bình Dương và một phần Đông Ấn Độ Dương cũng là một công cụ quan trọng, yếu tố ảnh hưởng số một trong khu vực”, ông Kremenyuk kết luận.
Xoay quanh vấn đề này, học giả Anton Tsvetov từ Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC) ngày 14/7 bình luận trên The Diplomat: Khi nói về mối quan hệ Mỹ – Việt đang phát triển, Trung Quốc luôn là yếu tố không thể bỏ qua. Sự năng động của quan hệ Việt – Mỹ ở một mức độ lớn được xác định bởi các hoạt động (bành trướng) của Bắc Kinh ở châu Á – Thái Bình Dương.
Chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực không thể bỏ qua vai trò trung tâm của Việt Nam. Ngược lại, quan hệ tốt với Mỹ là rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam chống lại sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, Tsvetov bình luận.
Đón đọc phần 2: “Chơi với ai, hãy để người Việt Nam quyết định”
Hồng Thủy
Theo giaoduc
Việt-Mỹ nâng quan hệ không vì nước thứ ba
TS Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao nhấn mạnh chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng thành công với tất cả diễn biến theo đúng dự kiến. Về mặt lễ tân, phía Mỹ đã tiếp đón TBT ở mức cao nhất, trọng thị nhất, như với một nguyên thủ quốc gia.
"Riêng bản thân điều đó đã nói rất nhiều điều. Đó là sự công nhận lẫn nhau. Nước Mỹ không chỉ công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN, mà còn nhắc lại nội dung từ tuyên bố quan hệ đối tác toàn diện, là công nhận, tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam (VN). Đấy là sự công nhận tính chính danh của Đảng CSVN trong vai trò lãnh đạo đất nước VN. Đồng thời, thừa nhận giữa hai nước có khác biệt về thể chế chính trị, còn bất đồng về các vấn đề như dân chủ, nhân quyền, nhưng cần đối thoại thẳng thắn, cầu thị cùng tiến thông qua hữu nghị trao đổi thì hoàn toàn có thể hợp tác với nhau, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới".
TS Trần Việt Thái
Chiến lược xoay trục và VN
Việc những cụm từ "người bạn Mỹ", "bạn lớn" dường như lần đầu tiên được sử dụng ở cấp cao nhất là TBT nói lên điều gì, thưa ông?
Chiến tranh VN đã qua 40 năm, bình thường hóa quan hệ được 20 năm. Nhìn lại có thể thấy quan hệ Việt - Mỹ đã vượt qua được hai chặng đường, mà đầu tiên là từ kẻ thù thành bạn. Giai đoạn này, ông Bill Clinton đóng vai trò quan trọng, là vị Tổng thống quyết định dỡ bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với VN.
Trong gia đình chính trị danh giá này còn có bà Hilary Clinton, ở cương vị ngoại trưởng đã thúc đẩy để Việt - Mỹ bước sang chặng đường thứ hai, từ quan hệ bạn bè lên tầm quan hệ đối tác toàn diện, và hơn thế, có những nội hàm còn mang ý nghĩa chiến lược. Khi thăm gia đình Clinton, TBT Nguyễn Phú Trọng dùng từ "người bạn lớn của nhân dân VN" là thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá trân trọng ấy. Những lời lẽ ấy, cùng với các cuộc gặp những chính khách Mỹ khác bày tỏ sự mong muốn duy trì, phát triển các mối quan hệ bạn bè không chỉ với gia đình ông bà Clinton mà với các thế hệ lãnh đạo Mỹ.
Một yếu tố quan trọng là Việt - Mỹ đã thấy được sự tương đồng, thậm chí song trùng về mặt lợi ích chiến lược, quan điểm trên nhiều vấn đề. VN tham gia và thể hiện là thành viên tích cực trong ASEAN, rồi tham gia sâu vào các hoạt động của LHQ - từ Hội đồng Nhân quyền đến giờ là tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Rồi VN thể hiện quan điểm công khai, nhất quán, rõ ràng về an ninh ninh khu vực châu Á - TBD, về an ninh, an toàn hàng hải... Từ những việc đó, Mỹ nhìn thấy ở VN một sự thay đổi ngày càng tích cực. Ngược lại, chiến lược xoay trục lại giúp nâng cao giá trị của nhân tố VN trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực châu Á - TBD.
Tất cả hội tụ, quyện chặt đưa quan hệ Việt - Mỹ vào chiều sâu sắc hơn, thu hẹp bất đồng, mở rộng tương đồng.
Trung Quốc sẽ quan tâm hơn tới VN
Quan hệ Việt - Mỹ được nâng tầm cao mới sẽ tác động thế nào tới quán hệ của VN với các quốc gia khác, nhất là các nước lớn?
VN đã và đang hội nhập sâu rộng vào toàn bộ đời sống quốc tế. Quan hệ Việt - Mỹ tốt sẽ tác động tích cực tới môi trường hòa bình, ổn định của VN, và tác động ở mức độ khác nhau tới các cặp quan hệ khác. Nhưng điểm chung xuyên suốt là quan hệ Việt - Mỹ ngày càng củng cố, phát triển thì sẽ nâng tầm vị thế của VN. Giá trị của VN trong ASEAN, với các bạn bè truyền thống, cũng như với các đối tác mới sẽ được nâng lên nhiều. Các nước khác sẽ nhìn vào mối quan hệ đó để xử lý hài hòa mọi vấn đề lợi ích.
Tôi tin rằng, củng cố quan hệ với Mỹ thì quan hệ của chúng ta với Nga, Nhật, Hàn Quốc, Úc... và nhiều nước khác sẽ tốt hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho VN.
Với Trung Quốc thì sao, thưa ông?
Việt - Mỹ, Việt - Trung là mối quan hệ cân bằng động. Mỗi bước đi của ta với Trung Quốc (TQ) đều được Mỹ theo dõi sát, và ngược lại mỗi bước đi của ta với Mỹ, TQ cũng đặc biệt quan tâm. Do vậy, theo tôi, tới đây sẽ có một sự cạnh tranh và TQ sẽ quan tâm hơn tới VN, để cân bằng lại. Chừng nào VN giữ được quan hệ tốt với hai bên, giữ được vị thế cân bằng, thì chúng ta sẽ nhận được lợi ích lớn.
Chúng ta khẳng định không liên minh với Mỹ để chống TQ, và cũng không đồng minh với TQ để chống Mỹ. Cái chúng ta cần là môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; là tranh thủ nguồn lực từ cả Mỹ, TQ và các nước khác để xây dựng kinh tế. Chẳng hạn như chuyến đi này, Việt - Mỹ đã chính thức hợp tác thành lập Đại học Fulbright ở VN. Giáo dục, khoa học - công nghệ thì Mỹ là hàng đầu rồi.
Việc TQ hành xử thô bạo trên biển Đông có tác động thế nào tới quan hệ Việt - Mỹ trở nên gần gũi?
Một số nhà quan sát nước ngoài bình luận nhấn mạnh nhân tố TQ. Tôi không nghĩ vậy. TQ là một nhân tố quan trọng, nhưng không quyết định. Cái chính là chúng ta nhất quan chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Và gần đây có phát triển nhận thức là cần làm sâu sắc quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ. Chúng ta và một số nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, đối tác toàn diện cũng là để nhằm củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Còn những gì mà TQ gây ra trên Biển Đông thời gian qua, theo tôi chỉ làm bộc lộ sớm hơn, rõ hơn bản chất nước lớn của họ. Và điều đó có giá trị chứng minh cho chiến lược ngoại giao, quan điểm xử lý hai mặt đối tác - đối tượngcủa Đảng là đúng đắn.
Không bỏ lỡ cơ hội lịch sử
Ông có thể dự báo gì về quan hệ Việt - Trung, Việt - Mỹ trong thời gian tới?
Quan hệ Việt - Trung dao động trong biên độ đã định sẵn, với trần là mức đạt được những năm 1950-1960 và sàn là cuối những năm 1970 - đầu 1980. Từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay và cả sau này, quan hệ hai nước khó có thể vượt trần nữa, nhưng chắc cũng không thể xuống sàn - do hai bên đan xen lợi ích sâu sắc và thế giới đã văn minh hơn nhiều. Những năm qua, quan hệ hai nước ở dạng hình sin, có lúc xuống rất thấp - như năm 2014, sự kiện giàn khoan 981. Quan hệ hai nước sẽ tiếp tục lên xuống và thậm chí có lúc bất thường, nếu vấn đề biển Đông không được giải quyết thỏa đáng.
Quan hệ Việt - Mỹ, mới nối lại 20 năm qua, cũng hình sin, nhưng biên độ giao động hẹp hơn so với TQ, và chiều hướng là đi lên. Theo tôi, sau chuyến thăm lịch sử của TBT Nguyễn Phú Trọng, và nếu thời gian tới TT Obama sang thăm chính thức VN, thì quan hệ hai nước sẽ đi lên mạnh mẽ hơn, vẫn hình sin, nhưng biên độ dao động sẽ còn hẹp hơn, dễ dự đoán hơn, thực chất hơn.
Đó chỉ là dự báo. Cụ thể thế nào sẽ còn tùy thuộc vào nội bộ từng quốc gia. Như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong bài viết của ông đã kỳ vọng hai nước không bỏ lỡ cơ hội lịch sử như từng xảy ra ở những giai đoạn trước.
Theo Nghĩa Nhân
Vietnamnet
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cựu TT Mỹ Bill Clinton Sáng 11/7 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Kittle House ở thành phố New York. Sáng 11/7 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Kittle House ở thành phố New York. Chiều 10/7 (theo giờ địa phương, tức...