Học để có nghề sẽ thay thế học để có bằng
Đủ điểm đỗ vào ĐH nhưng lựa chọn học trường nghề, thậm chí tốt nghiệp thạc sĩ cũng quay lại học nghề. Theo nhận định chung của các chuyên gia thì người dân bắt đầu thay đổi nhận thức từ học có bằng cấp sang học có nghề.
Giờ thực hành của sinh viên trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội.
25 điểm vẫn chọn trường nghề
Sáng qua, 9/3, trường Cao đẳng (CĐ) nghề Cơ điện Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đào tạo và hợp tác doanh nghiệp năm 2017. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệu trưởng của 50 trường THPT đến từ Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc từ Quảng Bình trở ra.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường CĐ nghề Cơ điện cho biết năm 2016, trường tuyển 1.150 sinh viên CĐ, đạt 80%. Ông Ngọc đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng đầu vào năm 2016 của trường. Theo ông, có đến trên 30% số sinh viên nhập học vào trường đủ điểm đỗ vào trường ĐH, thậm chí vào ĐH lớn.
“Năm 2016, tôi còn nhớ, có một sinh viên là học sinh của trường THPT Phương Sơn, Bắc Giang đạt 25 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia nhập học. Em đủ điểm đỗ vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội và đã nhập học tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Nhưng sau đó, em đã chuyển sang học tại trường” – ông Ngọc cho hay.
Video đang HOT
Cũng theo ông Ngọc, năm 2016, trường đón hai sinh viên là anh em sinh đôi Lê Tấn Tài và Lê Tấn Bửu ở Đà Nẵng. Cả hai sinh viên này thi THPT quốc gia đạt 23 điểm nhưng đã ra học tập tại trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội. Hiện tại, cả hai em được công ty Denso Việt Nam tuyển chọn để tham gia thi tay nghề thế giới trong thời gian sắp tới. Ông Ngọc còn cho biết, trong số sinh viên nhập học năm 2016, có người đã tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ cũng quay lại học nghề.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Sang, Phó hiệu trưởng thường trực trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội cũng cho biết, hai năm gần đây, có nhiều thí sinh trên điểm sàn của Bộ GD&ĐT vào học tại trường. “Chúng tôi cảm nhận được rằng xu thế đi học để có nghề đang thay dần xu thế học để có bằng. Tôi nghĩ thời gian tới, xu hướng chung sẽ là như thế” – ông Sang khẳng định.
Hiệu trưởng cam kết 100% sinh viên có việc làm
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết nhân lực là vấn đề cốt lõi của các quốc gia trên thế giới. Năng suất lao động thấp, trình độ lạc hậu là vấn đề lớn nhất của mỗi nước. Trên thế giới, chỉ số thất nghiệp luôn là thông tin được quan tâm hàng đầu. “Ở Việt Nam, chúng ta mới tiếp cận được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 thì đã phải chuẩn bị đón cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là vấn đề lớn. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều nước 7, 8 lần, thậm chí 15 lần” – bà Hằng cho hay. Chính vì vậy, bà Hằng cho rằng, nếu gắn kết được với các doanh nghiệp (đầu ra) và các trường phổ thông (đầu vào) thì các trường sẽ phát triển.
Theo bà Hằng vấn đề ngoại ngữ, tin học phải được chú trọng trong các trường nghề. “Kỹ năng mềm cũng phải được đưa lên. Bởi chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề này, chỉ dạy kỹ thuật. Tôi mong các trường giúp cho học sinh phương pháp tự học, tự rèn kỹ năng mềm” – bà Hằng nói.
“Ở Việt Nam, chúng ta mới tiếp cận được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 thì đã phải chuẩn bị đón cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là vấn đề lớn. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều nước 7, 8 lần, thậm chí 15 lần”.
Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Mặt khác, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp. Do vậy, các trường phải xác định không chỉ đào tạo nhân lực ra để đi làm thuê mà còn phải làm chủ. Do đó, phải bổ sung chương trình đào tạo khởi nghiệp. “Tôi đã gặp rất nhiều gương khởi nghiệp đáng khâm phục. Có bạn trẻ học xây dựng nhưng ra làm chủ cơ sở sản xuất bánh đa tại miền Trung, đồng thời tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Vấn đề khởi nghiệp là vấn đề toàn cầu, chúng ta đi sau nên cần đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Có thể đưa ra mục tiêu phải có 15% hay 20% sinh viên học nghề ra khởi nghiệp” – bà Hằng nhấn mạnh.
Còn về phía trường, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết các trường CĐ hiện đang làm tốt công tác gắn kết với doanh nghiệp. Riêng với CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, kỹ thuật cầu đường. Sinh viên vừa được đào tạo tại trường, vừa được đào tạo thực tế tại doanh nghiệp. Do đó, họ ra trường làm luôn tại doanh nghiệp vì đã có thời gian làm quen với môi trường nơi đây.
Ông Đồng Văn Ngọc cũng cho hay, trường cam kết 100% sinh viên có việc làm sau khi ra trường. “Hiệu trưởng là người ký cam kết trực tiếp với sinh viên, nếu không lo được việc làm cho sinh viên thì hiệu trưởng hoàn lại tiền học cho sinh viên” – ông Ngọc cho hay.
Nhưng đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch IIG Việt Nam cho biết mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà trường trên thế giới được quan tâm lớn.
“Nhìn dưới hai góc độ, nhà giáo dục và chủ doanh nghiệp, tôi nhận thấy: Về phía nhà trường, phải nghiên cứu được yêu cầu của đối tượng mình sẽ phục vụ. Tức là sinh viên của mình ra trường, ai là đơn vị sử dụng lao động. Sau khi xác định xong thì xem họ yêu cầu gì để đáp ứng. Còn về phía doanh nghiệp, cứ nói mấy trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nhưng như doanh nghiệp của tôi luôn luôn tuyển mà chưa bao giờ đủ. Người đến ứng tuyển nhiều nhưng người đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp cần lại rất ít. Nhiều lúc chúng tôi phải đi thuê các cơ quan tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển được người như ý” – ông Nam khẳng định.
Vì vậy, ông cho rằng doanh nghiệp, muốn có nhân lực như ý thì phải cố gắng gắn bó tiếp cận, hỗ trợ nhà trường về định hướng. Đồng thời hỗ trợ về tài chính. Nếu không hỗ trợ được tài chính thì có thể đưa ra được cam kết về việc làm để các trường, phụ huynh biết được điều đó.
(Theo Tiền Phong)
Từ thất nghiệp thành ông chủ mây tre đan
Nhờ nỗ lực của bản thân anh Tiến, đơn đặt hàng ngày càng tăng lên. Anh Tiến lại vay mượn thêm để mở rộng sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề cho bà con và đưa vào làm việc tại cơ sở. Hàng năm cơ sở sản xuất trên 5.000-6.000 sản phẩn các loại, doanh thu đạt 1,8 tỷ đồng.
Xuất ngũ, anh Võ Như Tiến, ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) làm nghề nông sinh sống. Thế nhưng thành phố chỉnh trang đô thị, đất nông nghiệp bị thu hẹp, nhiều người trong đó có anh gần như thất nghiệp. Nghĩ phải kiếm cái nghề học, anh quyết định khăn gói ra Hà Nội học nghề mây tre đan.
Năm 2009, sau một thời gian đi học nghề tại Hà Nội, anh về xin vào làm việc tại hợp tác xã mây tre An Khê. Sau khi học được cơ bản các công đoạn sản xuất, anh dần tự lập và quyết định mở một xưởng nhỏ tại gia đình và tham gia vào Hội mây tre đan của phường Thanh Khê Tây.
Anh Tiến hướng dẫn cho các con em nông dân đang làm việc tại cơ sở sản xuất. Ảnh: K.O
Không có vốn, vợ chồng anh phải đi vay vốn ngân hàng, mượn thêm tiền của người thân, bạn bè. "Thời gian đầu rất khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị đều thiếu thốn, tôi phải lặn lội tìm mua nguyên liệu tận gốc để tiết kiệm. Sản phẩm làm ra lại phải đi chào mời khắp nơi. Dần dần sản phẩm mới được thị trường chấp nhận và có đơn hàng" - anh Tiến chia sẻ.
Nhờ nỗ lực của bản thân anh Tiến, đơn đặt hàng ngày càng tăng lên. Anh Tiến lại vay mượn thêm để mở rộng sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề cho bà con và đưa vào làm việc tại cơ sở. Hàng năm cơ sở sản xuất trên 5.000-6.000 sản phẩn các loại, doanh thu đạt 1,8 tỷ đồng. Mỗi năm anh Tiến còn nghiên cứu 1-2 sản phẩm mới theo thị hiếu người tiêu dùng.
Cơ sở sản xuất mây đan tre của anh đã tạo việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương đang làm việc, học nghề với mức lương từ 3,5 - 6 triệu đồng/tháng. Được biết, ngoài làm ông chủ của một cơ sở sản xuất, hiện anh Tiến đang là chi hội trưởng chi hội Mây tre đan của Hội ND phường Thanh Khê Tây. Nói về hướng phát triển cơ sở, anh Tiến chia sẻ: "Sắp tới mình sẽ mở rộng cơ sở sản xuất lên 1.000m2, đa dạng các mẫu mã để đáp ứng thị trường. Tuy vậy, hiện mình đang khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất, nguồn vốn vay".
Theo Danviet
Bị la mắng, học trò 3 lần phóng hỏa đốt nhà thầy dạy nghề Bị thầy giáo dạy cắt tóc la mắng, Trần M.T. (15 tuổi, trú tại xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông) nảy sinh ý định trả thù và đã 3 lần phóng hỏa đốt nhà thầy. Ngày 1/10, Công an huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho biết, đơn vị đã cho gia đình bảo lãnh Trần M.T. về nhà. Trước đó,...