Học bằng lái B2 mà chỉ thực hành ba buổi
Trung tâm cam kết thời hạn ba tháng nhưng kéo dài sáu tháng vẫn chưa tốt nghiệp.
Nhiều học viên của Trung tâm Dạy lái xe Đồng Tiến (trụ sở chính ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) phản ánh việc trung tâm này thu tiền học rồi dạy qua loa và việc thi lấy bằng chính thức cũng bị hẹn lần lữa.
Người học lo sốt vó
Các học viên cho hay họ đăng ký học bằng lái xe tại trung tâm này từ tháng 4-2015 nhưng đến nay chỉ học vỏn vẹn ba buổi lý thuyết và ba buổi thực hành. Sau đó trung tâm cho họ thi thử trên máy và không đưa ra thời gian thi lấy bằng chính thức. Học viên cho rằng thời gian học lý thuyết quá ít ỏi, lại không được đi thực hành đường trường khiến họ không tự tin. Học viên thắc mắc thì trung tâm hẹn tháng này qua tháng nọ, không ấn định thời gian thi lấy bằng cụ thể.
Cá biệt có học viên đã học hơn ba tháng vẫn chưa cầm vô lăng thực hành buổi nào. Ông Lê Bá Minh Trí kể: “Tôi đóng 6,8 triệu đồng học bằng lái ô tô hạng B2 từ tháng 4-2015, trực tiếp học ba buổi lý thuyết và ba buổi thực hành loanh quanh ở các bãi đất trống tại quận 2 chứ chưa chạy đường trường và sa hình ngày nào. Đến tháng 5 trung tâm cho ngưng thực hành và nhắn tin thông báo tháng 8 cho thi thử trên máy, thay vì sắp xếp để học viên thi lấy bằng lái trong tháng 7. Tôi đến hỏi trung tâm thì nhân viên nói do trục trặc nên lùi thời gian thi đến tháng 12″.
Còn chị Nguyễn Thị Trúc Mai cho biết chị chưa thấy nơi nào dạy lái xe mà sơ sài đến như vậy. Qua các buổi thực hành chị cảm thấy bất an do giáo viên hướng dẫn thiếu các kỹ năng sư phạm như không nhắc nhở học viên thắt dây an toàn, kéo thắng tay, dù đây là những kiến thức hết sức cơ bản… Theo chị Mai, hợp đồng cam kết là ba tháng nhưng đến nay vẫn chưa thi. Trung tâm không đưa ra giải thích rõ ràng khiến học viên mất nhiều thời gian chờ đợi.
Cơ sở của Trung tâm Dạy lái xe Đồng Tiến tại địa chỉ 77 Ba Tháng Hai, quận 10, TP.HCM. Ảnh: PĐ
Hợp đồng đào tạo và biên lai thu học phí của học viên. Ảnh: P.ĐIỀN
Video đang HOT
Trung tâm xin lỗi và hứa khắc phục
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 11-11, ông Đỗ Trùng Dương, thành viên Ban quản lý Trung tâm Đào tạo lái xe Đồng Tiến, cho rằng thời gian qua do trung tâm có đợt giảm học phí để thu hút học viên khiến số người đăng ký học bằng lái xe ô tô tăng cao. Do đó việc tổ chức học lý thuyết và thực hành của học viên bị ảnh hưởng, kéo dài hơn dự kiến ít nhất 92 ngày/khóa học hạng B2. Ông Dương cũng giải thích thêm, đối với các trường hợp chậm sắp xếp thời gian học, thời gian sát hạch… trung tâm đều gửi tin nhắn, gửi thư thông báo đến tận nhà để học viên chủ động nắm thời gian học và thi.
“Qua phản ánh của báo, trung tâm gửi lời xin lỗi đến học viên do sự chậm trễ trong việc bố trí thời gian học lý thuyết và thực hành để học viên tự tin thi. Riêng những học viên còn băn khoăn, trung tâm sẽ bố trí giáo viên kèm cặp đến khi tay nghề tự tin mới đưa đi sát hạch. Những học viên không muốn tiếp tục theo học, trung tâm sẽ hoàn lại 50% học phí do đã trừ chi phí học tập, thực hành ban đầu” – ông Dương nói.
Ngày 12-11, ông Vũ Việt Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong thời gian thực hành ngắn như vậy, học viên bình thường khó đáp ứng yêu cầu điều khiển, vận hành xe ô tô an toàn. Với thông tin học viên phản ánh như vậy, cơ sở đào tạo này chắc chắn có sai phạm. Cơ quan thanh tra sẽ kiểm tra, nếu không đảm bảo quy trình đào tạo sẽ có biện pháp chế tài. Theo ông Hà, thời gian tới Thanh tra Sở GTVT sẽ thanh tra một số cơ sở dạy nghề lái xe bị học viên phản ánh có vấn đề.
Ông Lê Công Đức – Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng người đi học lái xe lần đầu phải mất ít nhất một buổi để làm quen với xe, bao gồm tay lái, vị trí chân ga, côn, thắng, đèn pha-cốt, xi nhan, điều chỉnh vị trí ghế ngồi cho phù hợp… Ngoài ra với 450 câu hỏi lý thuyết, dù học viên tiếp thu tốt cũng khó lòng trong ba buổi có thể tiếp thu hết các câu hỏi. Theo ông Đức, ngoài phần làm quen xe, học viên sẽ mất thêm 10 giờ để học lái nguội, các bài thực hành chạy sa hình (12 bài) kết hợp đường trường có giáo viên kèm cặp với tổng cộng gần 50 giờ nữa. Đồng thời, trước giờ thi học viên có thêm hai giờ để làm thao tác với các xe số tự động. Quy định tại Thông tư 46/2012 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ: Thời gian đào tạo bằng lái xe ô tô hạng B2 gồm 588 giờ, trong đó lý thuyết là 168 giờ, thực hành lái xe là 420 giờ. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe: Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn. Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 gồm: ô tô chín chỗ, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn…
PHONG ĐIỀN
Theo_PLO
Chưa thể cấp giấy phép lái xe quốc tế cho người Việt Nam
Theo Thông tư 29 của Bộ GTVT, việc cấp và sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế - IDP sẽ có hiệu lực từ hôm nay 1/10.
Ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải), Tổng cục và các Sở Giao thông Vận tải chưa thể thực hiện cấp giấy phép lái xe quốc tế (International Driving Permit-IDP) cho công dân Việt Nam từ 1/10 theo hiệu lực của Thông tư 29.
Chờ đấu thầu và Thông tư phí, lệ phí
Trao đổi với phóng viên ngày 30/9, ông Võ Minh Tuấn cho rằng, thực hiện theo Thông tư 29/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đã chuẩn bị các bước thực hiện việc tổ chức để đấu thầu các phần liên quan như phần thết bị, phần mềm quản lý cấp và phôi ấn chỉ, in giấy phép lái xe quốc tế. Ngoài ra, Tổng cục đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các địa phương chuẩn bị theo yêu cầu về mặt kỹ thuật, con người để tổ chức tập huấn.
Tuy nhiên, ông Võ Minh Tuấn khẳng định: "Đến thời điểm này, chưa thể cấp giấy phép lái xe từ ngày 1/10 theo hiệu lực của Thông tư 29."
Lý giải điều này, theo vị Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, để cấp giấy phép lái xe quốc tế phải liên quan đến công tác đấu thầu, phí và lệ phí cấp thuộc thẩm quyền thuộc Bộ Tài chính.
"Hiện nay, mới đang triển khai đấu thầu đơn vị cung ứng phôi bằng lái xe, sau đó mới đưa ra quy trình thực hiện. Trên cơ sở đó, tính toán đưa ra phí cấp giấy phép lái xe, rồi đến khâu thẩm định giá rồi mới đề xuất sang Bộ Tài chính để ban hành Thông tư về phí và lệ phí cấp giấy phép lái xe quốc tế. Khi đó, mới bắt đầu triển khai thực hiện cấp giấy phép lái xe," ông Võ Minh Tuấn nói.
Trả lời câu hỏi việc giá thành giấy phép lái xe quốc tế có rẻ hơn so với bằng lái xe, vị đại diện này thừa nhận chưa thể so sánh được đắt hay rẻ hơn bằng lái thông thường vì giấy phép lái xe quốc tế sử dụng công nghệ in khổ A6 phức tạp, in nhiều trang và 5 thứ tiếng cùng ký hiệu bảo mật chống làm giả.
Theo ông Võ Minh Tuấn, trước mắt, khâu kỹ thuật của hệ thống cấp giấy phép lái xe quốc tế cố gắng phấn đấu hoàn thành trong tháng Mười và chờ thiết bị của nhà thầu cung cấp để tập huấn cho các Sở Giao thông Vận tải.
"Giấy phép lái xe quốc tế được triển khai trước tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn. Sau đó, đến các tỉnh khác vì phụ thuộc vào trang thiết bị cũng như nhu cầu của người dân," ông Võ Minh Tuấn cho hay.
Đề cập đến vấn đề khi người Việt sử dụng giấy phép lái xe quốc tế vi phạm Luật giao thông tại nước ngoài, đại diện Tổng cục Đường bộ cho rằng, nước sở tại sẽ xử lý theo Luật của họ và có quyền ghi vi phạm vào giấy phép lái xe hoặc thu hồi bằng lái nhưng không được vượt quá thời gian người đó lưu trú, đến hết thời gian lưu trú sẽ trả lại bằng lái xe đồng thời có các thông tin trao đổi với cơ quan chức năng Việt Nam về những trường hợp này.
Chỉ được sử dụng ở 73 nước
Giấy phép lái xe quốc tế có bìa màu xám, các trang đầu ghi thông tin cơ bản, phạm vi sử dụng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Các trang sau là phần khai về người lái và phân hạng xe bằng các thứ tiếng Nga, Pháp, Tây Ban Nha.
Về quy trình cấp giấy phép lái xe, người dân chỉ cần làm đơn theo mẫu và mang giấy phép lái xe, hộ chiếu thẻ thường trú (đối với người nước ngoài) còn giá trị để kiểm tra, đối chiếu đến các điểm cấp đổi làm thủ tục, nộp lệ phí. Sau khoảng 5 ngày, người dân sẽ lấy được giấy phép lái xe quốc tế với thời hạn không quá 3 năm và được sử dụng tại 73 nước theo quy định của Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ và công ước về biển báo-tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna).
Theo ông Võ Minh Tuấn, công bố của Liên hợp quốc chấp thuận giấy phép lái xe quốc tế chỉ sử dụng 73/85 nước tham gia ký Công ước Vienna. Còn một số nước khác tham gia nhưng vì một lý do gì hay thời điểm nào đó sau này lại chưa được chấp nhận. Việt Nam tham gia ngày 20/8/2014 và đã được công nhận.
"Nhiều nước không tham gia Công ước Vienna nhưng vẫn công nhận giấy phép lái xe quốc tế. Thậm chí, có nước còn có điều kiện như bắt buộc nộp phí lưu hành mới cho sử dụng," ông Võ Minh Tuấn cho biết thêm.
Hạng xe được phép điều khiển của bằng lái xe quốc tế tương ứng với các hạng xe của giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp. Người được cấp giấy phép lái xe quốc tế là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp còn giá trị sử dụng.
Thông tư 29 cũng quy định, không cấp giấy phép lái xe quốc tế đối với các trường hợp sau: giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp có biểu hiện tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết hoặc có sự khác biệt về nhận dạng; có dấu hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp mà không được xác minh.
Người có giấy phép lái xe quốc tế phải mang theo người khi lái xe và xuất trình cùng giấy phép lái xe quốc gia trên lãnh thổ của các nước tham gia Công ước Vienna đồng thời tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Giấy phép lái xe quốc tế có thể bị tước quyền sử dụng có thời hạn khi vi phạm quy định luật hiện hành nước sở tại nhưng không quá thời gian người lái xe rời khỏi nước đó.
Người có giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước Vienna cấp khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo giấy phép lái xe và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển. Bằng lái xe quốc tế do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam do đã có bằng lái quốc gia.
Giấy phép lái xe quốc tế là một quyển sổ có kích thước A6 (148 x 105cm) có ký hiệu bảo mật, bìa màu xám, những trang giấy bên trong màu trắng theo mẫu quy định. Số giấy phép lái xe quốc tế được sử dụng dãy số tự nhiên bao gồm 15 chữ số, 3 chữ số đầu là mã Quốc gia (084), 12 chữ số sau là số giấy phép lái xe quốc gia. Giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép lái xe do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của các nước (bao gồm cả khu vực hành chính) tham gia Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (Công ước Vienna) cấp theo một mẫu thống nhất.
Theo TTXVN
Vẫn là nhanh hơn lửa Với những ai đã chứng kiến phần thi thực hành Hội thao nghiệp vụ PCCC năm 2015 của cả 3 cụm 2, 3, 4 đều có chung nhận xét sự chuyên nghiệp trong nghiệp vụ PCCC "Ở đâu - Petrolimex cũng là một". Sự cạnh tranh là rất quyết liệt, thời gian hoàn thành từng nội dung thi của các vận động viên...