Học 8 ngày, lấy bằng tiến sĩ!
Chương trình 4 năm nhưng “tiến sĩ” chỉ học 8 ngày; học trường không được cấp giấy kiểm định; mua bằng… là những lý do khiến nhiều văn bằng quốc tế không được công nhận tại Việt Nam
Theo công bố của Trung tâm Công nhận văn bằng thuộc Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đến nay, có hàng chục ngàn văn bằng có yếu tố nước ngoài không được công nhận tại Việt Nam.
Có tiền là mua được
Theo đó, Trung tâm Công nhận văn bằng đã từ chối công nhận văn bằng tiến sĩ giáo dục tại Trường ĐH Asia E (AeU, Malaysia) cho một trường hợp được cấp bằng chỉ sau 4 lần sang Malaysia, mỗi lần 2 ngày (kể cả thời gian đi đường).
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo chỉ nên theo học văn bằng quốc tế đối với những trường đượcViệt Nam công nhận. Trong ảnh: Đăng ký học chương trình liên kết giữa Trường ĐH Công nghệ TP HCM và Viện Công nghệ Việt – Nhật Ảnh: TẤN THẠNH
Căn cứ theo hồ sơ, người này đã học chương trình tiến sĩ giáo dục học, ngành giảng dạy tiếng Anh trong thời gian 4 năm, từ tháng 5-2011 đến tháng 12-2015. Tuy nhiên, theo thông tin trên hộ chiếu, “tiến sĩ” này không sang học trực tiếp tại cơ sở của AeU mà chỉ sang nước này 4 lần, tổng cộng 8 ngày.
Ông Vũ Ngọc Hà, Trung tâm Công nhận văn bằng, thông tin thêm có những trường hợp bị từ chối công nhận văn bằng do theo học chương trình của một trường của Singapore nhưng trường này không được Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức giảng dạy ở Việt Nam.
Theo ông Hà, do thiếu thông tin hoặc bị lừa, không ít gia đình đã đưa con em mình đi du học ở các trường chất lượng không bảo đảm, không được cơ quan giáo dục ở nước sở tại cấp giấy chứng nhận kiểm định. Trên thực tế, việc du học tiềm ẩn không ít rủi ro do các công ty tư vấn không làm hết trách nhiệm, cố tình tư vấn cho người học vào những trường chưa được kiểm định. Hậu quả là rất nhiều văn bằng quốc tế không được Việt Nam công nhận, mặc dù người học mất chi phí rất lớn để sở hữu tấm bằng đó.
Video đang HOT
Thời gian qua, Cục Quản lý chất lượng cũng phát hiện không ít trường hợp đến xin được công nhận văn bằng quốc tế nhưng khi kiểm tra thông tin thì lại là bằng giả. Những bằng này có thể mua dễ dàng ngay trên các chợ bán văn bằng giả online mà ai cũng có thể tiếp cận, miễn là có tiền.
Văn bằng nào được công nhận?
Theo quy định hiện hành, việc công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thực hiện theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 20-12-2007 và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 77.
Cụ thể, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp: Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng; văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam đã ký kết hay là thành viên (người có văn bằng thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng); văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.
Ngoài ra, đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa, chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD-ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.
Từ hàng chục ngàn văn bằng bị từ chối, Cục Quản lý chất lượng khuyến cáo người có nhu cầu theo học các văn bằng quốc tế cần nắm rõ các quy định trên. Cục cũng lưu ý hiện nay, Bộ GD-ĐT không bắt buộc tất cả công dân Việt Nam có văn bằng do nước ngoài cấp phải làm thủ tục công nhận văn bằng. Việc làm thủ tục đề nghị công nhận văn bằng là do từng cá nhân có nhu cầu thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan sử dụng lao động.
Do chưa được kiểm định
Trong số những văn bằng tiến sĩ bị từ chối công nhận, đáng chú ý có trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Bằng tiến sĩ của ông Xuân Anh do Southern California University (Mỹ) cấp năm 2006. Lý do bị từ chối công nhận là vì vào thời điểm ông Xuân Anh được cấp bằng, Southern California University chưa được kiểm định bởi bất kỳ trung tâm kiểm định hợp pháp nào. Trong khi đó, theo quy định của luật pháp Mỹ, văn bằng chỉ hợp pháp khi được cấp bởi một cơ sở đào tạo đã được một trong số những trung tâm kiểm định mà Bộ Giáo dục Mỹ (USDE) hoặc Hội đồng Kiểm định giáo dục đại học (CHEA) công nhận.
Theo Yến Anh
Người lao động
Bị kết luận nhận tiền không minh bạch: Hiệu trưởng ĐH lên tiếng
Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa có kết luận về việc thanh tra hành chính trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Theo kết luận này, trường có một số sai phạm trong liên kết đào tạo trong nước, bổ nhiệm cán bộ, tài chính, việc tiếp nhận tiền tài trợ hơn 276.000 USD (hơn 5,87 tỷ đồng) được chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không chuyển trực tiếp cho trường...
ảnh minh họa
Về công tác đào tạo, liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học khi chưa có văn bản cho phép của Bộ GD&ĐT theo quy định (năm 2015 với 11 đơn vị, năm 2016 với 9 đơn vị và năm 2017 là 4 đơn vị). Xét trúng tuyển thí sinh không đạt điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH chưa đúng quy định (chương trình liên kết đào tạo trình độ ĐH với trường ĐH Sunderland - Vương quốc Anh).
Về tuyển sinh, thanh tra Bộ cũng cho biết năm 2015, trường xác định tiêu chí 1 trong việc thực hiện tự xác định chỉ tiêu chưa đảm bảo theo quy định. Tuyển sinh ĐH chính quy vượt 19%, hệ vừa học vừa làm vượt 6.9%. Năm 2016, dù xác định chỉ tiêu đúng quy định nhưng tuyển sinh trình độ ĐH vẫn vượt 8,6%.
Về tiếp nhận khoản tiền tài trợ 276.000 USD của trường ĐH Bang Arizona, Hoa Kỳ (ASU) cho trường để trang bị phòng học dạy số, thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận: kiểm tra hồ sơ quản lý tài sản tại trường cho thấy: không có hóa đơn, chứng từ, hợp đồng giao nhận thiết bị của đơn vị cung cấp trang thiết bị phòng dạy học số cho trường; Sổ quản lý thiết bị, tài sản và báo cáo tài chính năm 2015, 2016 đều không ghi nhận về khoản tài trợ cho phòng dạy học số.
Đồng thời, thanh tra Bộ cũng kết luận, khoản tài trợ 276.250 USD của ASU cho phòng dạy học số được chuyển về tài khoản cá nhân của ông Lê Thanh Phúc (nhân sự triển khai dự án, trường khoa đào tạo chất lượng cao của trường). Ông Phúc đã mở tài khoản cá nhân để tiếp nhận khoản tài trợ của trường từ ASU là không đúng quy định của Bộ Tài chính, không có hồ sơ mua sắm/ tiếp nhận thiết bị từ đơn vị cung cấp.
Việc tiếp nhận tài trợ của trường không thực hiện đúng quy định của chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; Không báo cáo Bộ GD&ĐT và thực hiện việc xác nhận tài khoản tài trợ theo đúng quy định.
Trước kết luận của Bộ GD&ĐT, ông Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường phản hồi: Dự án Phòng dạy học số là một phần thuộc tổng thể dự án HEEAP (dự án Liên minh giáo dục đại học ngành kỹ thuật ). Phòng dạy học số ở Trường ĐHSPKT TP. HCM là phòng dạy học số thứ 2 mà dự án HEEAP triển khai ở Việt Nam tính đến thời điểm đó.
Nhà trường đã học tập kinh nghiệm từ phòng dạy học số trước đó đã triển khai ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Theo đó, ASU muốn xây dựng một phòng dạy học số tương tự như của ASU. Phía ASU mô tả và liệt kê rất chi tiết yêu cầu hoạt động và thông số của các thiết bị.
Để thực hiện phòng dạy học số rất đặc thù đó, phía ASU - là đơn vị tài trợ đã chỉ định Công ty MeKong là công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai lắp đặt dự án phòng dạy học số trước đó để lắp đặt cho Trường ĐHSPKT TP.HCM theo yêu cầu kỹ thuật của ASU.
Từ những thông tin đó, Trường ĐHSPKT TP. HCM hiểu rằng dự án phòng dạy học số là một dự án tài trợ thiết bị. Trong đó, công ty MeKong là đối tác được phía ASU chọn. Trường ĐHSPKT TP.HCM sẽ thực hiện các thủ tục về tài chính để nhận gói thiết bị này. Trong quá trình thực hiện dự án, bộ phận quản lý dự án của ASU thường xuyên sang kiểm tra tiến độ, giám sát quá trình thực hiện và ASU đã xác định quy trình tài trợ Phòng dạy học số của họ là như vậy (có thư xác nhận của ASU).
Ông Lê Thanh Phúc được giao nhiệm vụ mở tài khoản ngoại tệ để nhận tài trợ từ ASU vì là thành viên của dự án Phòng dạy học số ở Trường. Sau các buổi làm việc với ASU, phía công ty MeKong đã liên lạc với ông Lê Thanh Phúc và cho số tài khoản của công ty để chuyển khoản, đứng tên là Nguyễn Thị Tố Trang.
Phía ASU thanh toán cho dự án căn cứ vào tiến độ thực hiện của dự án và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển khoản số tiền trên cho công ty cung cấp thiết bị. Sau mỗi đợt nhận tiền từ ASU và chuyển tiền cho Công ty MeKong, Ông Lê Thanh Phúc đều gửi báo cáo cho quản lý dự án phía ASU. Ông Lê Thanh Phúc đã chuyển toàn bộ số tiền nhận được từ ASU cho công ty MeKong. Dự thảo kết luận thanh tra cũng ghi rõ phía Công ty MeKong đã xác nhận việc nhận được số tiền này, tổng cộng là 5.873.109.400 VNĐ.
Trong hợp đồng tài trợ dự án, phía ASU đã cam kết tài trợ cho Trường ĐHSPKT TP. HCM tổng số tiền là 276.250 USD. Sau khi dự án hoàn thành, phía ASU đã xác nhận danh mục các khoản chi phí mà dự án đã chi với tổng số tiền là 276.250 USD .
PGS. Đỗ Văn Dũng khẳng định mặc dù có các sơ sót xảy ra trong quá trình quản lý và điều hành nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ viên chức nhà trường không vì động cơ cá nhân, không tư lợi, không tham ô, tất cả đều nhằm vào việc khai thác và sử dụng hiệu quả tốt nhất về nhân lực và cơ sở vật chất để phục vụ tốt nhất cho toàn thể cán bộ viên chức và sinh viên nhà trường.
"Trên cơ sở kết luận của Thanh tra, hiện nay chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, thực hiện kết luận Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo trên tinh thần cầu thị, khắc phục các thiếu sót để Nhà trường vững bước trên con đường phát triển mạnh mẽ của mình" - PGS.Dũng cho hay.
Theo TPO
Hàng loạt sai phạm tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa có kết luận thanh tra toàn diện về Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM Theo đó, trường này có hàng loạt sai phạm về vấn đề tuyển sinh, liên kết đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tài chính, việc tiếp nhận tiền tài trợ hơn 276.000...