‘Hoạt động tuần tra Biển Đông sẽ tiếp tục và phức tạp hơn’
Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris khẳng định các hoạt động tuần tra của Mỹ ở Biển Đông không những sẽ tiếp tục mà còn trở nên phức tạp hơn.
Khu trục hạm USS Curtis Wilbur (DDG 54) thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ thực hành bắn đạn thật khi đang tuần tiễu trên Biển Đông ngày 15.1.2016 – Ảnh: Hải quân Mỹ
Trang web Học viện Hải quân Mỹ (USNI News) đưa tin Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris ngày 27.1 đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ( CSIS) về các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.
Đô đốc Harry Harris cho biết tự do hàng hải là vấn đề thuộc về nguyên tắc cơ bản quan trọng đối với Mỹ, vì vậy sẽ có nhiều hoạt động tuần tra tiếp tục được thực hiện tại khu vực Biển Đông. Không chỉ vậy, các hoạt động này sẽ trở nên phức tạp hơn.
Phát biểu trước các chuyên gia ở CSIS, Đô đốc Harry Harris nói rằng việc Mỹ điều tàu khu trục USS Lassen tới tuần tra ở khu vực 12 hải lý quanh đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hồi cuối tháng 10.2015 đã không thừa nhận tuyên bố chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh đối với đá Xu Bi thông qua quyền qua lại vô hại. “Tôi tin rằng cuộc tuần tra của tàu USS Lassen đã phần nào thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động tuần tra như thế nữa”, ông Harris khẳng định.
Video đang HOT
Liên quan đến tình hình Biển Đông, ông Harris cho biết các công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp như các cảng nước sâu đang biến các bãi đá thành đảo nhân tạo có khả năng hỗ trợ đáng kể cho các lực lượng quân sự. Theo ông Harris, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng và cải tạo với quy mô lớn hơn tất cả các nước khác trong khu vực. Ông khẳng định quan điểm của Mỹ là các hoạt động cải tạo cũng như tuyên bố chủ quyền đó của Trung Quốc là mang tính khiêu khích.
Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris khẳng định các hoạt động cải tạo phi pháp cũng như tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo trên Biển Đông là mang tính khiêu khích – Ảnh: Reuters
Chỉ trong gần 2 năm, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng và cải tạo phi pháp ở các bãi đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trở thành các đảo nhân tạo với nhiều công trình và hạ tầng quân sự, trong đó có các đường băng.
Đô đốc Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh lên và sự trỗi dậy đó không có gì xấu. Tuy nhiên theo ông, cách Trung Quốc sử dụng sức mạnh của mình là điều đáng lo ngại.
Về tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc, Đô đốc Harris khẳng định Mỹ vẫn chiếm ưu thế so với Trung Quốc về chất lượng, cả nhân sự và trang thiết bị quân sự. Tuy nhiên khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục gia tăng đầu tư vào lực lượng quân sự thì Washington cũng không được lơ là mà phải duy trì những lợi thế của mình.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Mỹ có thể không tiếp tục tuần tra Biển Đông cuối năm 2015
Những ngày cuối của năm 2015, Hải quân Mỹ có thể không tiếp tục tuần tra Biển Đông vì ngại căng thẳng với Trung Quốc trong khi đang tập trung chống IS.
Tàu khu trục USS Lassen vừa qua có chuyến tuần tra gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Mặc dù Hải quân Mỹ muốn tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra vào đầu tháng 12 quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp tại Biển Đông, nhưng việc này có thể sẽ không được chính quyền Tổng thống Barack Obama chấp thuận, theo Reuters ngày 14.12.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng nước này đang phải tập trung chống IS và không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc.
Hồi tháng 10, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen thực hiện cuộc tuần tra gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam để nhấn mạnh quan điểm của Washington rằng tuyến đường biển đó phải được xem là vùng biển quốc tế.
Ngày 14.12, người phát ngôn Lầu Năm góc Bill Urban từ chối bình luận về các kế hoạch sắp tới của Hải quân Mỹ, và chỉ dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter rằng Mỹ sẽ hoạt động tại bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Hải quân Trung Quốc gần đây đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra trên Biển Đông, theo Reuters ngày 13.12.
Trung Quốc coi việc máy bay ném bom B-52 Mỹ tuần tra gần một số đảo ở Biển Đông hồi tháng trước là sự gây hấn. Tuần rồi, Bắc Kinh cũng gọi thoả thuận triển khai máy bay do thám và săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ đến Singapore là hành động quân sự hoá khu vực.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Nhật Bản dè dặt trong việc tuần tra Biển Đông cùng Mỹ Trong khi các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á như Úc, Philippines bày tỏ sự ủng hộ việc Mỹ điều tàu chiến tuần tra tại Biển Đông mới đây, thì Nhật Bản lại tỏ ra dè dặt về vấn đề này. Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình Biển Đông trước khi có biện pháp...