Hoàng tử indie Vũ: ‘Muốn tự tạo dòng nhạc riêng, như Trịnh Công Sơn’
Thái Vũ muốn tự tạo một dòng nhạc của riêng mình, như điều cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã làm được. Nhưng “hoàng tử indie Việt” cũng thừa nhận đó là mục tiêu khó thực hiện.
Vũ không nổi tiếng trên mặt báo, nhưng có lẽ là một trong những cái tên được yêu thích nhất của cộng đồng nhạc indie hiện tại. Bằng chứng là show diễn nào của Vũ cũng cháy vé, mà lại là cháy vé trong ngày, thậm chí chỉ sau vài giờ mở bán.
Không có ngoại hình soái ca, không chiến dịch truyền thông, không truyền hình thực tế, không đơn vị nâng đỡ, tài trợ, Vũ vẫn “hot” theo cách của riêng mình. Nhiều người ngạc nhiên với trường hợp đặc biệt này, và càng ngạc nhiên khi gặp Vũ. Vũ giản dị, có phần rụt rè và đầy ẩn ức bên trong.
Zing.vn có cuộc trò chuyện với Vũ, tức Thái Vũ, chàng nghệ sĩ sinh năm 1995, để râu, đeo kính và được mệnh danh là “hoàng tử tình ca”.
Vũ là một trong nghệ sĩ indie trẻ được yêu thích hiện nay.
“Tôi có tiền sử bệnh hen nên chỉ hát được giọng cổ”
- 3.000 chiếc vé cho đêm nhạc “Hành tinh song song” đã được bán hết sạch chỉ trong một ngày. Anh có bao giờ tự thắc mắc về việc mình được yêu thích đến vậy?
- Tôi từng thắc mắc rất nhiều vì cộng đồng indie có không ít bạn hay. Ca từ của các bạn ấy hay thực sự, trong khi tôi viết lan man, thường không có câu chuyện cụ thể.
Chị Thùy Chi cũng từng đặt bài tôi, chị bảo tôi viết lan man quá, chị ấy cần một câu chuyện cụ thể hơn. Tôi không viết được vì tôi chỉ có thể viết bằng câu chuyện của chính mình.
Vì là chuyện của bản thân nên bao giờ cũng mộc mạc. Có lẽ, chính điều ấy đã chiếm được trái tim của các bạn fan, chứ tôi đâu phải là người hát hay.
- Tôi nhớ từng có nhận xét “Vũ hát thều thào, như không ra hơi, chẳng hiểu sao vẫn có người nghe”?
- Thực ra có hai vấn đề tôi muốn chia sẻ. Vấn đề thứ nhất là tôi có tiền sử bệnh hen nên gần như chỉ hát được bằng giọng cổ, không hát được bằng giọng mũi nên âm thanh phát ra lạ như vậy. Vấn đề thứ hai là âm nhạc làm gì có lỗi, lỗi ở người nghe ý mà (cười).
Có người thích, có người không thích, đó là điều bình thường với bất cứ ai. Mà biết đâu, giờ họ không nghe được, nhưng tự nhiên đến một lúc nào đó, họ lại nghe và thích. Đôi khi lúc họ thích, họ lại không nói ra, khiến chúng ta đều chẳng biết.
Từ khi nào anh biết mình có người hâm mộ, thậm chí là khá đông đảo?
- Đó là năm 2016, khi tôi lần đầu làm show. Lúc ấy cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều, mà các bạn indie cũng ít người làm lắm. Nhưng tôi quyết làm, ai ngờ khán giả đến đông không tưởng được, chính tôi len vào còn khó. Hôm đó, có bạn còn ngất vì thiếu không khí.
Video đang HOT
- Quan sát từ những đêm nhạc của Vũ, không khó để nhận ra khán giả nữ nhiều hơn nam, lại đa phần là nữ học sinh – sinh viên. Anh thử lý giải?
- Đúng là fan của tôi chủ yếu là học sinh và sinh viên, nữ khá đông (cười). Có thể các bạn tìm thấy sự đồng cảm trong những bài hát của tôi, đó cũng đều là những sáng tác khi tôi còn đi học. Tôi viết chân thật, như ca khúc Chuyện những người yêu xa, được tôi viết đúng trong tình cảnh yêu xa của mình. Thế nên, khi nghe, mọi người rất dễ đồng cảm.
Nhưng, không phải là tôi không có fan người lớn. Tôi có đấy, dù có thể không nhiều. Tôi từng đọc được những phản hồi trên mạng, có người lớn thích nhạc của tôi chỉ vì đơn giản, họ thích nhạc tình yêu. Mà đúng là tôi chỉ viết nhạc tình thật, tôi chẳng thể viết được Kẻ thù hay Bartender như Thắng của nhóm Ngọt được, dù rất muốn.
“Tao đố mày sáng tác được bài hát”
- Anh và Vũ Đinh Trọng Thắng – trưởng nhóm Ngọt – cùng indie, cùng sinh năm 1995 nhưng như hai thể đối lập, cả về ngoại hình lẫn âm nhạc. Theo anh, tại sao?
- Tôi và Thắng xuất thân trong hai hoàn cảnh khác nhau. Cả hai đều có những góc khuất, nhưng mỗi người chọn một hình ảnh. Thắng thì gần như không muốn viết nhạc tình yêu. Thắng từng bảo với tôi rằng Một ngày không mưa là ca khúc tình yêu cuối cùng mà Thắng viết. Thắng gọi đó là ca khúc của Ngọt, chứ không phải của Thắng.
Trên sân khấu indie hiện nay, Ngọt là nhóm đứng top bây giờ. Về solo, người đứng top là tôi. Khác nhau thì tất nhiên rồi, nhưng là hai thể đối lập của nhau cũng rất hay đấy chứ.
- Trông anh chững chạc hơn rất nhiều so với tuổi, là do anh cố tình xây dựng như vậy?
- Không, đó là tôi. Như khi để râu, tôi thấy đẹp. Nói chung, tôi thích chủ nghĩa đơn giản, mọi thứ đều đơn giản nhất có thể, cả âm nhạc lẫn quần áo.
Nhưng nhiều người nghĩ rằng “sự già hơn tuổi” ấy xuất phát từ những ẩn ức bên trong. Đối diện với anh, thú thật, luôn có cảm giác anh có điều gì đó khó giãi bày?
- Thì đúng mà, tôi xuất thân trong một gia đình bố là bộ đội, mẹ giáo viên. Bố mẹ tôi đều không thích xem phim, nghe nhạc, hết Thời sự 19h là chuẩn bị đi ngủ. Tôi luôn cố gắng thoát ra nếp sống khuôn phép đó.
Ẩn ức là có, vì một thời gian dài bố mẹ không đồng ý cho tôi theo nghiệp ca hát. Bố mẹ luôn quan tâm đến điểm số, thay vì sở thích viết văn, thơ, nhạc của tôi. Khi tôi lấy Bill Gates như một ví dụ về việc không cần học đại học, bố mẹ từng bảo “Mày sao có thể làm được”.
Tất nhiên, sau tất cả, bố mẹ không còn phản đối. Và có thể bố mẹ đã ủng hộ dù không nói ra với tôi.
- Anh có còn nhớ mình đã đến với âm nhạc như thế nào?
- Thời học cấp 2, nhà tôi chưa có Internet. Tôi hay trốn đi chơi điện tử, và vô tình nghe được bài Áo xanh của Kimmese và Điệp khúc tình yêu, đó là lần đầu tiên tôi biết đến sự tồn tại của âm nhạc. Năm học lớp 6, tôi có đứa bạn ở lớp hay mang đĩa của anh trai đến nghe, và tôi nghe được ca khúc 4 in the morning.
Đứa bạn bảo nếu tôi thích có thể lên Xone FM nghe vào buổi tối. Tôi về xin được một cái đài của ông, và thế là tối nào cũng bật nghe, ngủ lúc nào không hay. Suốt thời gian đó, tôi chỉ nghe nhạc nước ngoài, không nghe nhạc Việt.
- Từ khi được tiếp cận với âm nhạc đến ca khúc đầu tay có xa không?
- Năm 2011, có một bạn nữ thách đố tôi viết một ca khúc. Đó là một cô gái hay chia sẻ âm nhạc với tôi. Nguyên văn câu nói là “Tao đố mày sáng tác được bài hát”. Và tôi sáng tác được, một ca khúc dựa trên cảm hứng của Love, hiện giờ tôi vẫn chưa đặt tên.
- Khi nào thì “Vũ” ra đời, và tại sao lại là một nghệ danh ngắn đến vậy?
- Khi cho lên soundcloud, tôi để là Vũ, viết bừa thôi, cho nhanh và đỡ mắc lỗi. Thực ra, tôi là Thái Vũ, nhưng tên Vũ gần gũi mà, tôi thích mọi người gọi mình như vậy. Còn với báo chí, tôi giới thiệu mình là Thái Vũ.
“Tôi chưa tìm được nàng thơ của mình”
- Nhạc của Vũ rất buồn, âm nhạc có nhất thiết phải buồn đau như thế?
- Thực ra, như tôi đã nói, âm nhạc không có lỗi, lỗi ở người nghe. Điều đặc biệt là tôi thấy mình không bị lẫn trong thị trường dù thị trường đang quá nhiều nhạc tình yêu. Đó cũng là sự may mắn đó chứ.
- Không ít người tìm đến nhạc của Vũ khi họ thấy buồn. Còn khi buồn, anh tìm đến ai?
- Bản thân tôi. Bởi vì, hơn 20 năm nay, tôi không tìm được người chia sẻ, bố mẹ mình cũng không chia sẻ được. Bạn bè ở lớp lại càng không phải đối tượng để chia sẻ.
- Tự gặm nhấm nỗi buồn liệu có quá khó?
- Không, vì tôi gửi hết vào âm nhạc.
- Và anh chờ đợi nhận về những đồng cảm từ khán giả?
- Đúng hơn, tôi sẽ nhận về những món quà từ khán giả. Món quà đó là khi lên sân khấu, tôi không phải hát.
Vũ cho biết anh chưa tìm được nàng thơ cho âm nhạc của mình.
- Khoảnh khắc ấy thú vị không?
- Không thú vị đâu, vì như 3.000 khán giả bên dưới hát chẳng hạn, chỉ làm tôi choáng ngợp lúc ấy thôi. Lúc về mình mới buồn, chạy xe máy một mình, và buồn dã man. Mình chỉ sáng bừng lúc ấy, còn mình vẫn là mình. Nhưng là nghệ sĩ thì phải chấp nhận.
- Ngoài Vũ, ai đang là người hát nhạc của Vũ hay nhất?
- Chưa có ai, tôi chưa tìm được nàng thơ của mình. Tất nhiên cũng có người rất ổn, ví như Sương, nhưng chưa phải là ổn nhất. Trịnh Công Sơn có Khánh Ly, đó là tri kỷ âm nhạc, còn tôi chưa có. Nhưng không sao, tôi còn trẻ mà.
- Nghĩa là Vũ cũng như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sẽ tìm một nàng thơ để hát những sáng tác của mình?
- Cũng đúng, nhưng bản thân tôi vẫn có chút gì đó ích kỷ, đó là những ca khúc tôi từng hát, tôi không muốn đưa cho ai nữa. Thế nên, tôi đang phải học cách viết bằng lý trí, thay vì chỉ dùng chuyện của bản thân. Viết bằng lý trí là viết được bằng cảm xúc của người khác.
- Anh muốn xây dựng một hình ảnh như thế nào trong tương lai?
- Khó, câu này khó, tôi chưa bao giờ định hình tương lai như thế nào. Tất cả đều là canh bạc, khi đánh bạc không ai biết tương lai. Tôi cũng chưa biết chính xác là mình muốn gì. Thế nên, tôi nghĩ rằng khán giả, người có chuyên môn sẽ định hình tôi.
Về phần mình, tôi chỉ muốn tạo một dòng nhạc riêng, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vậy, dù biết là rất khó, thậm chí có thể chẳng làm được
Theo Zing
Hồng Nhung tiết lộ điều ít người biết về mối quan hệ với NS Trịnh Công Sơn
Nhân 17 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Diva Hồng Nhung tiết lộ những điều ít người biết mối quan hệ giữa cô và cố nhạc sĩ.
Đã 17 năm kể từ ngày nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn ra đi (1.4. 2001), để lại gia tài những tác phẩm âm nhạc không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn mang những giá trị về những triết lí sâu sắc về cuộc đời.
Bên cạnh danh ca Khánh Ly, Hồng Nhung cũng là "bóng hồng" gắn bó sâu sắc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nếu Khánh Ly thể hiện da diết những ca khúc của Trịnh Công Sơn thì Hồng Nhung lại là người "thổi làn gió mới" để những bài hát này trở nên yêu đời, lạc quan hơn.
Mới đây, Diva Hồng Nhung đã chia sẻ những điều ít biết về mối quan hệ giữa cô và cố nhạc sĩ. Nữ Diva chia sẻ: ""Thật là may mắn khi 10 năm cuối cùng của cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi được gắn bó với anh. Anh Sơn rất ưu ái khi nói: "Cô Bống thân quá nên không biết gọi là gì". Hồng Nhung cũng khẳng định với cô, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một người bạn, một người đồng nghiệp, một người thầy và hơn cả là một ân nhân.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung. Ảnh chụp năm 1993 bởi nhiếp ảnh gia Dương Minh Long
Chia sẻ về lần đầu gặp gỡ, Hồng Nhung nhớ lại: "Anh Sơn nghe tôi hát lần đầu tiên là bài "Lặng lẽ nơi này". Sáng hôm sau, anh Sơn có mời tôi đi ăn phở. Và từ đó trở đi hai anh em hầu như ngày nào cũng gặp nhau". Cô Bống cũng cho rằng giữa cô và cố nhạc sĩ là có một chữ "duyên" chứ không phải giọng hát là lí do duy nhất.
Trước những ý kiến cho rằng nhạc Trịnh rất khó hát và không phải ai cũng hát được, Hồng Nhung thẳng thắn cho rằng cô suy nghĩ ngược lại, nhạc Trịnh đơn giản về cả nhịp điệu và lời ca. Các bài hát đều dễ hát, dễ nhớ nhưng chỉ không dễ hiểu bởi những triết lý trong từng câu chữ. Hồng Nhung tiết lộ, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng chia sẻ: "Bài hát là của tôi viết ra, còn khi mọi người hát nó là của mọi người".
Theo Nguyên Linh (Lao động)
Vũ Cát Tường hóa hoàng tử với trang phục phi giới tính Trong bộ ảnh chụp ở đồi cát, ca sĩ thể hiện tính cách của một hoàng tử lãng mạn và cô đơn. Bộ vest màu vàng đất phối khăn choàng cùng tông tạo sự phóng khoáng, bay bổng giữa không gian đồi cát. Ca sĩ để tóc vuốt dựng, nhuộm da nâu. Cát Tường là nghệ sĩ có hình ảnh đa dạng. Cô...