Hoàng Thịnh và sự bất lực trước lối đá kỹ thuật
Hoàng Thịnh khiến Đỗ Hùng Dũng dính chấn thương nghiêm trọng sau pha vào bóng thô bạo. Trong nhiều trường hợp, đó là sự bất lực.
Cú vào bóng của Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng không mang đại diện cho cả trận đấu, nhưng nó là bằng chứng cho thấy CLB TP.HCM thua kém so với đội Hà Nội trong thất bại 0-3 tại vòng 5 V.League tối 23/3.
Sâu xa hơn, nó là biểu tượng cho một tư duy bóng đá lỗi thời, phi thể thao của Hoàng Thịnh
Pha bóng bạo lực của Hoàng Thịnh
Lịch sử đối đầu trước trận nghiêng hẳn về phía CLB Hà Nội với 5 chiến thắng tuyệt đối trong 5 trận gần nhất. Họ bước ra sân Thống Nhất với tư cách đương kim á quân, toàn thắng 2 trận vừa qua. Đối thủ của họ đang chật vật ở nhóm giữa bảng xếp hạng, loay hoay với bài toán phụ thuộc Lee Nguyễn.
Trước chấn thương rùng rợn của Hùng Dũng, CLB Hà Nội vắng cả Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu vẫn áp đảo đối thủ. Choáng váng vì mất Hùng Dũng, họ vẫn thể hiện được bản lĩnh, đè bẹp chủ nhà với tỷ số 3-0.
Không ai biết chính xác Hoàng Thịnh đã nghĩ gì khi vào bóng. Đó là tình huống không may như người ta thường bao biện? Là phạm lỗi chiến thuật để ngăn đối thủ phản công? Dù lý do là gì, những cú vào bóng kiểu đó thực sự rất đáng lên án.
Video đang HOT
Mùa trước, Hoàng Thịnh cũng có một pha bóng nguy hiểm với Quang Hải khi CLB TP.HCM đấu Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến.
Hoàng Thịnh có lẽ cũng hiểu điều đó. Tiền vệ sinh năm 1992 trưởng thành từ SLNA, là một trong những sản phẩm tốt nhất của lò đào tạo này nhiều năm qua. Anh vẫn mang nhiều chất Nghệ dù đã lưu lạc qua không ít CLB. Những khó khăn về tài chính trong nhiều năm tạo đặc thù riêng cho bóng đá xứ Nghệ. Trước và sau Hoàng Thịnh, nhiều cầu thủ SLNA đã trưởng thành, chơi bóng theo cách dữ dội ấy.
SLNA đã dùng tinh thần máu lửa ấy bù đắp cho những thiếu thốn về vật chất và hạn chế về chuyên môn. Cầu thủ trẻ SLNA lên đội một thường rỉ tai nhau rằng không biết trình độ ra sao, vào sân là phải máu.
Hệ quả của lối chơi quyết liệt ấy thường là các chấn thương. Những năm qua, các tai nạn khủng khiếp nhất của bóng đá Việt Nam thường tới từ cầu thủ xứ Nghệ. Đó là trường hợp của Quế Ngọc Hải với Trần Anh Khoa, Trần Đình Đồng với Nguyễn Anh Hùng và mới đây là Ngô Hoàng Thịnh với Hùng Dũng.
Khi không thể giỏi hơn, anh có thể bù đắp bằng nhiều bạo lực hơn. Khi không thể tổ chức phòng ngự tốt hơn, anh có thể chấm dứt pha tấn công bằng một cú xoạc bóng. Lựa chọn thứ hai luôn dễ dàng. Đá xấu, tử thủ thì dễ hơn chơi đẹp và cống hiến. Phá bóng, triệt hạ thì dễ hơn tung 20 đường chuyền rồi ghi bàn. Triết lý ấy càng được cổ vũ trong bối cảnh khó khăn về tài chính, hạn chế về nguồn lực ở SLNA.
Ông Park sốc khi chứng kiến Hùng Dũng gãy chân. Ảnh: Quang Thịnh.
Cần loại bỏ bạo lực
Nhưng vì lựa chọn ấy dễ dàng quá, thành tựu mà nó mang lại thường không thể lâu dài. Kẻ chiến thắng bằng lối chơi ấy không hẳn là kẻ “mạnh” nhất.
CLB Hà Nội, đối thủ đã thắng đội TP.HCM hôm qua, chính là điển hình cho điều đó. Ở V.League, đội bóng này từng có hàng loạt cầu thủ xứ Nghệ, nhưng không chọn cách chơi máu lửa và dễ dàng ấy. Họ đã mất hơn 10 năm xây dựng bản sắc, kiên trì với bóng đá đẹp dù điều đó từng khiến họ bị chê cười không ít.
Hai nhân vật chính của bi kịch tối qua, Hoàng Thịnh, Hùng Dũng, cũng là điển hình cho điều đó. Họ đều là tiền vệ giữa, nhưng mang 2 phong cách khác biệt.
Ngay cả chính Thái Lan cũng là một điển hình cho thứ bạo lực từ kẻ yếu. Trong giai đoạn cực thịnh, bóng đá Thái Lan từng được ca ngợi vì đá đẹp. Nhưng khi khoảng cách giữa người Thái và khu vực được thu hẹp, hàng loạt bê bối bạo lực sân cỏ của người Thái đã xuất hiển. Đòn bẩn của trợ lý tuyển Thái với HLV Park Hang-seo, cú đấm của U15 Thái Lan với đồng nghiệp Malaysia là những minh chứng hùng hồn cho điều đó.
“Đây không phải là lần đầu tiên Hoàng Thịnh phạm lỗi theo kiểu như vậy. Nhưng pha ra chân quyết liệt quá mức của Thịnh từng khiến đồng nghiệp bị ảnh hưởng, và khiến chính cậu ấy chấn thương.” – BLV Quang Huy
Trong hầu hết trường hợp, bạo lực luôn là biểu hiện của sự bất lực. Khi anh không thể đường hoàng thắng người ta, anh phải dùng tới nắm đấm.
Cùng ngày với pha vào bóng rùng rợn của Hoàng Thịnh, một cầu thủ SLNA khác là Phan Văn Đức đã tỏa sáng rực rỡ với 2 bàn thắng siêu phẩm. Trong thế bị dẫn bàn, trên sân của Đà Nẵng, cả hai bàn của Văn Đức đều đẹp, thể hiện năng lực bóng đá vượt trội. Tuyển thủ Việt Nam không cần một cú vào bóng không cần triệt hạ. Anh tỏa sáng bằng điều căn bản và quan trọng nhất của một cầu thủ: Chơi bóng.
Giữa một tập thể SLNA dữ dội, những người xuất chúng nhất, đạt được thành công to lớn nhất lại là những ngôi sao mềm mại, ít máu lửa nhất. Văn Đức, Phạm Văn Quyến và cả Lê Công Vinh đều không có nhiều khí chất “đàn ông” theo tiêu chuẩn thông thường của bóng đá xứ Nghệ. Họ đều được yêu mến bằng lối đá hào hoa, mê đắm. Suốt sự nghiệp của Công Vinh và cả Văn Đức hiện tại, khó mà nhớ nổi một pha bóng thô bạo từ họ. Họ không cần được nâng đỡ bởi thứ bóng đá phi thể thao, là bằng chứng cho thấy nếu anh giỏi thật sự, không cần tới bạo lực.
Bóng đá của Hoàng Thịnh không phải của kẻ mạnh. Nó không đại diện cho tuyển Việt Nam, cho bóng đá Việt Nam hôm nay và không bao giờ là điều chúng ta muốn hướng tới.
VFF họp khẩn để ra án phạt cho Hoàng Thịnh
Trao đổi với Zing, Trưởng Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Vũ Xuân Thành cho biết VFF sẽ họp khẩn để bàn về án phạt của Ngô Hoàng Thịnh.
Chiều 24/3, ban kỷ luật sẽ họp để ra án phạt cho Hoàng Thịnh. Hồ sơ vụ việc đã được ban trọng tài chuyển qua cho ban kỷ luật. Thông thường, ban kỷ luật chỉ họp sau vòng đấu, khi tất cả trận đã kết thúc. Tuy nhiên, tính chất nghiêm trọng của vụ việc buộc ban kỷ luật phải vào cuộc sớm hơn.
Ngô Hoàng Thịnh đối diện án phạt cực nặng từ VFF. Ảnh: Minh Chiến.
Một án phạt rất nặng nhiều khả năng được ban kỷ luật đưa ra. Trong quá khứ, ban kỷ luật từng đình chỉ Quế Ngọc Hải 3 tháng sau vụ việc với Trần Anh Khoa. Trần Đình Đồng cũng bị cấm gần một năm sau vụ việc với Nguyễn Anh Hùng.
Tình huống va chạm giữa Hoàng Thịnh và Hùng Dũng đến ở phút 27 trong trận thua 0-3 của CLB TP.HCM trước đội Hà Nội. Trong một tình huống phản công, Hoàng Thịnh có pha xoạc bóng triệt hạ với Hùng Dũng. Tiền vệ tuyển Việt Nam đau đớn rời sân, vào thẳng bệnh viện trên xe cứu thương.
Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy Hùng Dũng bị gãy xương chày và xương mác chân phải. Anh được tiến hành phẫu thuật trong ngày 24/3. Dự kiến, Dũng phải nghỉ thi đấu ít nhất 6 tháng.
Chấn thương của Hùng Dũng là đòn giáng mạnh vào tham vọng của CLB Hà Nội và kế hoạch của tuyển Việt Nam. Hùng Dũng sẽ vắng mặt trong cả 3 trận vòng loại World Cup của tuyển Việt Nam vào tháng 6, nhiều khả năng lỡ hẹn toàn bộ V.League và mùa giải AFC Cup của CLB Hà Nội.
Hùng Dũng là chủ nhân Quả bóng vàng Việt Nam 2019. Anh lên tuyển từ giữa năm 2018 và là trụ cột tại tuyến giữa tuyển Việt Nam.
'Hùng Dũng khó trở lại đỉnh cao' Trong bóng đá, gãy cả xương mác lẫn xương chày là chấn thương rất nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp của cầu thủ. Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng được xác định gãy 1/3 dưới xương cẳng chân phải. Trong đó, cả xương chày và xương mác cùng bị gãy. Anh dính chấn thương này sau pha xoạc bóng của Ngô Hoàng...