Hoang sơ hồ Ba Bể
Du thuyền trên mặt hồ bao la in bóng núi đá, mây trời, mang đến cho du khách cảm giác “muốn ở đây thôi chẳng muốn về”.
Hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội khoảng 220 km. Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi xuất phát từ việc hồ là nơi tụ lưu của 3 nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.
Hồ Ba Bể rộng 500ha, có độ sâu trung bình 17-23m, đáy hồ được phủ một lớp đất sét dày 200m. Nhờ tầng đất sét này mà nước không bị thoát ra ngoài, tạo thành hồ. Không những nằm trong top 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, từ năm 2004, hồ còn được công nhận là vườn di sản ASEAN.
Toạ lạc giữa một vùng núi đá vôi rộng lớn, hồ Ba Bể mang vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng với không khí mát lạnh, dễ chịu. Vào sáng sớm, khi sương chưa tan, hồ mang vẻ đẹp huyền bí của một địa danh rộng lớn bao la. Cũng quang cảnh ấy, dưới ánh mặt trời rực rỡ vào ngày nắng đẹp là bức tranh thủy mặc hữu tình với mặt hồ bao la in đậm bóng núi mây trời, tạo làm say lòng cả những du khách khó tính nhất. Lãng mạn hơn là những cô gái Tày trong bộ đồ màu chàm, lúc ẩn lúc hiện trên những chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé giữa cái bao la trời nước.
Khách đến hồ, nếu đi số đông có thể thuê thuyền máy, nếu ít hay thích mạo hiểm có thể thuê thuyền độc mộc rồi thong thả xuôi thuyền trên hồ, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp vừa nghe những câu chuyện cổ tích về hồ qua lời kể của người chèo thuyền kiêm hướng dẫn viên.
Đó có thể là câu chuyện gắn với chiếc hồ có tên đầy màu sắc huyền thoại: Ao Tiên – nằm chênh vênh trên đỉnh núi đá vôi, cách hồ Ba Bể 100m nhưng quanh năm đầy ắp nước trong nhánh Pé Lâm. Hay truyền thuyết về sự hình thành Ba Bể được khắc trên tấm bia đá niên hiệu Khải Định thứ 9 (năm1925) trên đảo Pò Giả Mải – tức Gò Bà Goá tại hồ Pé Lèng.
Ngoài cảm giác thênh thang giữa một vùng trời, núi, du khách cũng trải nghiệm cảm giác tranh tối tranh sáng trong Động Puông dài 300m, cao hơn 30m. Sự bào mòn hàng triệu năm của nước, đã tạo nên những nhũ đá thiên hình vạn trạng, đẹp lung linh và huyền bí cũng như tạo nên nét thơ mộng của dòng sông uốn mình qua những góc hẹp trong động
Rời động Puông, đến bản Húa Tạng, dòng sông Năng bị hàng trăm tảng đá lớn chặn lại khiến phải chia tách thành nhiều nhiều dòng nhỏ, nước chảy xiết tạo thành thác Đầu Đẳng hùng vĩ. Thác dài hơn 1.000m với ba bậc đá, mỗi bậc chênh nhau khoảng 3 đến 4m theo chiều dài, tạo thêm nét hoang sơ và lãng mạn cho Ba Bể.
Không chỉ thu hút du khách ở vẻ đẹp của một hồ giữa lưng chừng núi cùng hệ thống phức hợp ao, động thác, Ba Bể có thu hút du khách với hơn 417 loài thực vật, 299 loài động vật có xương sống. Dưới lòng hồ có hơn 49 loài cá nước ngọt, trong đó có một số loại quý hiếm như cá chép kính, rầm xanh, anh vũ và cá lăng.
Video đang HOT
Ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, đến Ba Bể, bạn còn tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày của các tộc người Tày, Mông, Dao sinh sống tại 15 bản trong vườn quốc gia. Trong đó, người Tày là tộc người sống tại đây lâu nhất (hơn 2000 năm), cũng là là tộc người đông nhất (58%)
Người dân ở đây rất hiếu khách, chỉ cần ngỏ lời, bạn sẽ được mời về nhà, uống chén rượu ngô cay, nhấm nháp thịt heo mọi gác bếp. Hay hoà mình vào các làn điệu dân ca như hát then, si, lượn, múa khèn; các lễ hội truyền thống như hội Lồng tồng, hội xuân, đua thuyền độc mộc, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ…
Những hình ảnh đẹp về Ba Bể:
Các ngọn thác của Ba Bể.
Nét yên bình của thôn bản.
Từ Hà Nội có thể đi xe máy hoặc đón xe khách đi Bắc Cạn ( bến Gia Lâm), tiếp đó đón xe đi thị trấn Chợ Rã, rồi đi xe ôm vào Ba Bể với giá từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng. Nhà nghỉ của vườn quốc gia Ba Bể có giá 150.000 – 250.000 đồng/phòng/2 người. Du khách cũng có thể ngủ tại nhà người Tày tại Pác Ngòi, Pó Lù với giá 30.000 – 50.000 đồng người. Nên dạo chơi hồ bằng thuyền độc mộc để cảm nhận rõ nét sự lãng mạn và sự yên tĩnh của hồ. Các điểm tham quan gồm có đi thuyền thăm hồ, động Puông, thăm thác Đầu Đẳng, ao Tiên, thác Roọm, Phya Khao. Đi chơi chợ phiên Nam Cường, Quảng Khê…
Theo Bưu Điện Việt Nam
Những hồ tiên... chết thảm
Trong khi các con số thống thiết đã và đang được đưa ra, các phương án nạo vét cứu hồ cũng đang được xúc tiến, thì chúng tôi nhận được nhiều đơn thư kêu cứu của bà con các dân tộc ở Bắc Cạn, của những người thiết tha với Vườn quốc gia Ba Bể - Vườn di sản ASEAN, một trong 20 hồ nước ngọt thiên tạo lộng lẫy và có tầm quan trọng nhất thế giới này. Rằng, người ta đang cấp phép khai mỏ đá, mỏ quặng khiến cho bùn đất theo sông suối ùn ùn đổ về, hồ tiên đang gánh phận cá nằm trên thớt...
Nổ mìn phá đá trong vùng lõi của VQG Ba Bể.
2 hồ đẹp nhất của Ba Bể đã bị xoá sổ!
Quả thật, thông tin trên đã làm cho chúng tôi rùng mình vì bất bình. Ngay lập tức, nhà thơ Dương Thuấn - Tổng thư ký Câu lạc bộ Những người yêu Ba Bể - cùng 3 chuyên gia tâm huyết là GS Phạm Vĩnh Cư, GS Chu Hảo và GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường) và PV Lao Động đi ôtô từ Hà Nội lên thị sát. GS Phạm Vĩnh Cư bảo: "Tôi đi nhiều nước trên thế giới, không thấy ở đâu có cả hệ thống hồ kỳ lạ, trong xanh, treo trên núi đá vôi cao vợi, vách đá vừa đủ cao lại vừa đủ thấp để quyến say lòng người, hồ dài tới 11km, nhưng nó vẫn vành vạnh là cái ao tiên cổ tích".
GS Đặng Hùng Võ (giữa) cùng đoàni khảo sát tại đỉnh núi "tan hoang" ở mỏ sắt Pù Ổ. Nước thải của khai trường, đặc biệt là khi mưa lũ, bùn đất sẽ chảy vào gây ra bồi lắng đáng sợ cho hồ Ba Bể.
Đó cũng là lý do để từ năm 1997, Nhà nước ta đã làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hồ Ba Bể là di sản thiên nhiên thế giới. Năm 2004, Ba Bể "trúng cử" là Vườn di sản ASEAN; tháng 6.2011 này, cả nước lại làm lễ đón nhận danh hiệu Ramsa, khu đất ngập nước có tầm quan trọng toàn cầu cho Ba Bể.
Vậy nhưng, chúng ta đã có thời kỳ hết sức sai lầm, là mặc cho nạn phá rừng, đốt nương rẫy tràn lan, khiến cho núi rừng mênh mông ở thượng nguồn 3 con sông suối tiếp nước cho hồ Ba Bể sền sệt bùn đất, hệ thống hồ Ba Bể bị bồi lắng tang thương! Dương Thuấn sinh năm 1959, lớn lên, trưởng thành ngay trên miền đất ven bờ hồ Ba Bể, bây giờ tóc chưa bạc, mà anh đã phải thổn thức chứng kiến những cái hồ tuyệt đẹp bị xoá sổ. Anh đưa 3 vị giáo sư và tôi đi khắp các hồ đang thoi thóp vì bãi bồi "xẻ thịt".
Bãi bồi này đã "ăn thịt" mất 4 km lòng hồ Ba Bể ở khu vực bản Pác Ngòi.
Bản Pác Ngòi chỉ ít năm trước vẫn còn nằm sát mép nước, thế mà giờ bãi bồi kéo từ nhà sàn ra tít phía giữa hồ đã dài tới 4km! Chúng tôi đi ôtô từ bản Pác Ngòi ra phía trung tâm hành chính của VQG Ba Bể, khoảng 8km ven triền núi cao, lúc nào nhìn xuống cũng thấy ruộng nương bạt ngàn. Giữa hai dãy núi có một dòng nước bé tẹo uốn lượn như sợi dây thừng xanh lơ. Đấy là dấu tích của 4km hồ Ba Bể đã biến mất.
Cả ba con suối, sông tiếp nước cho hồ Ba Bể là Chợ Lèng, Tả Han, Bó Lù, sau khi rừng bị cạo trọc, nạn xây dựng bừa bãi, việc cấp phép khai mỏ tràn lan rồi buông lỏng quản lý..., đã khiến cho các dòng sông suối quay lại giết chết chính hệ thống hồ mà nó hằng tôn vinh. Đáng sợ hơn, Chủ tịch CLB Những người yêu Ba Bể - GS Phạm Vĩnh Cư - còn cùng tôi đi thăm "lăng mộ" của hai trong số ngũ hồ tuyệt đẹp của Ba Bể. Trong dân gian, trong sự tích, cả trong các văn bản đáng tin cậy nhất, hồ Ba Bể thật ra là "ngũ hồ". Ba hồ đang thoi thóp tồn tại gồm Pé Lù (tiếng Tày: Pé là hồ), Pé Lèng và Pé Lầm.
Việc đào bới, "khuấy" bùn đất thế này, nước theo suối Pó Lù chảy về hồ Ba Bể, ai dám nói là sẽ không ảnh hưởng?
Còn hai hồ thông với sông Năng, thông với 3 cái hồ kể trên nữa, đó là Pé Nàn và Pé Vài. Chừng 30 năm trước, "ngũ hồ" còn nguyên. Tôm cá ở Pé Vài, Pé Nàn nổi tiếng nhiều và thơm ngon, cái nghề làm tép chua của huyện Ba Bể vẫn phát tài đến ngày nay, chỉ tiếc là cả hai di sản hồ quý báu đó thì đã vĩnh viễn biến mất. Tôi và GS Phạm Vĩnh Cư đi hỏi từng người dân, lật lại cả sách nhà văn Tô Hoài viết, thì mới dám tin cái vùng mình đang đứng xưa kia vốn là hai cái hồ khổng lồ liên thông với nhau.Nhà văn Tô Hoài hiện đang sống ở Hà Nội, sách của ông viết về những ngày ông đi kháng chiến, tắm ở Pé Vài, đùa với sơn nữ Tày thơ ngộ ra sao vẫn còn đó. Chỉ có các tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hoá Pé Vài, Pé Nàn là biến mất.
Chưa đầy 30 năm trôi qua, hai trong hệ thống 5 cái hồ (ngũ hồ) nổi tiếng của Ba Bể (là các hồ Pé Nàn, Pé Vài) đã bị bồi lắng đến biến mất - thay vào đó là cột điện, ruộng cấy, bản làng và đường đi... xe máy.
Đột nhập "hang ổ chọc tiết di sản"Có lẽ, đáng sợ hơn, vẫn là cái cách người ta đã vô cảm, vô trách nhiệm, khai quặng, phá đá ở gần khu vực hồ, để bùn đất được mưa lũ theo các con suối tống ào ào về đòi xoá sổ kỳ quan hồ Ba Bể một cách chóng vánh hơn. Điều đáng nói là các "thủ phạm" lớn đều được cấp phép "làm liều". Như ở mỏ sắt Pù Ổ, Bộ TNMT cấp phép cho họ hẳn hoi, hằng ngày hằng giờ, nước từ "nhà máy" này đổ ra suối Bó Lù, trôi xuống hồ Ba Bể. Những người nặng lòng với Ba Bể chúng tôi đã nhận được cả ôm đơn từ kiện cáo của bà con, tố cáo cái mỏ sắt làm ô nhiễm môi trường, bùn đất lấp mất ruộng khiến người nghèo không thể cày cấy nổi và tràn ra hồ Ba Bể, gây nạn bồi lắng tai hại.
Chuyện nóng tới mức, cuộc họp Hội đồng hương Bắc Cạn ở Hà Nội ngày 26.2 vừa rồi, có cả nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn về dự, những lá đơn này, chuyện bồi lắng này đã được khẩn thiết đưa ra bàn thảo. Sau đó, trả lời PV Lao Động, ông Hoàng Ngọc Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn - cũng thừa nhận, suối Bó Lù từ chỗ mỏ sắt chảy về hồ Ba Bể, nếu không chảy về hồ thì nước chảy đi đâu được. Và, "...sẽ phải kiểm tra xem họ (mỏ sắt Pù Ổ) đã thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường nghiêm túc chưa, nếu chưa thì phải xử lý" - ông Đường nói.
Ông Nông Thế Diễn - Giám đốc VQG Ba Bể - thì thẳng thắn: "Người ta cấp phép khai mỏ ở vùng đệm của VQG, nhưng cũng không trao đổi gì với chúng tôi, việc khai mỏ hiện nay đã xâm phạm nghiêm trọng vùng đệm của vườn. Khi mưa lớn, đất đá sẽ theo lũ dồn cả về hồ Ba Bể, rất đáng lo ngại. Chưa hết, ngay trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của vườn còn có Cty thản nhiên nổ mìn, khai thác đá thạch anh ở xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Nghe nói, sắp tới còn 2 Cty nữa được cấp phép làm việc "bạo nghịch" kiểu này".
Bà con đi theo đoàn "thị sát" từng bước, chỉ cho từng điều tai hại của khu khai thác mỏ, quặng. Đến Pù Ổ, nhìn núi quặng đen sì như than đá, lại nhìn các ngọn núi chất ngất bị xẻ thịt đỏ au, vàng khè, máy móc la liệt từ chân lên đến đỉnh, các vị GS vô cùng kinh ngạc. Bể lắng, bể chứa nước bé tẹo, bờ đập đắp bằng đất đỏ bé xíu, thấp tè, mưa nhỏ cũng đủ để bùn đất đổ ra suối Bó Lù về hồ Ba Bể - chứ chưa nói gì đến lũ. Họ đào bới, làm đường ôtô lên gần đỉnh núi, các vành đai máy móc la liệt, hệ thống ống dẫn nước và quặng từ đỉnh núi vắt ngang lưng trời về sát nhà dân. Máy móc gào thét đêm ngày.
Dẫu ông Đường - Chủ tịch tỉnh Bắc Cạn - nói với tôi rằng, mỏ sắt Pù Ổ được Bộ TNMT cấp phép (đã khai thác mới hơn 1 năm nay) thì tôi vẫn thật sự sợ hãi, rằng người ta tính toán thế nào mà lại để cho cái công trường khổng lồ như vậy, lở lói như vậy ở ngay đầu nguồn ven con suối lớn chảy về hồ Ba Bể. Bà con bảo, sắp tới họ tiếp tục "đào bới tan hoang" nốt mấy ngọn núi gần tâm điểm khai thác mỏ sắt Pù Ổ hiện nay, thử hỏi thảm hoạ nào đang chờ hồ Ba Bể trong nay mai?
Thời gian vừa qua, cái việc lúng túng, bất cập đến nực cười trong nỗ lực chống nạn bồi lắng, cứu hồ Ba Bể của chúng ta đã đáng sợ lắm rồi. Tỉ như, vụ người ta huy động đông đảo máy móc, "khuấy" tơi bời ở cửa "cống" chỗ Nam Cường để chuẩn bị cho việc đục lỗ khổng lồ xuyên qua dãy núi cho suối Bó Lù chảy tuột vào Ba Bể - nhằm... chống ngập úng cho mấy cánh đồng. Nước hồ lập tức đục ngầu, Cục Kiểm lâm, các nhà khoa học, Ban GĐ VQG Ba Bể phải cực lực phản đối, lại thêm vụ lũ về ngập hết máy móc, thì đơn vị trúng thầu mới rút quân. Hệ sinh thái Ba Bể thoát chết trong gang tấc, hú vía.
Người ta chợt nhận ra, các "nàng tiên" trong hệ thống ngũ hồ đẹp nhất Việt Nam này không chỉ bị xâm hại, giết chết bằng nạn bồi lắng, mà các "nàng" còn hoàn toàn có thể lìa trần vì những quyết định ngớ ngẩn nhất. Và, bây giờ lại đến nỗi lo cấp phép khai mỏ, ngào đất đá, khuấy bùn bẩn, tống cả vào "lấp" hồ với tốc độ khủng khiếp. Đường về, các vị GS tiếp tục lên kế hoạch "thị sát", điều tra, sớm báo cáo những chuyện đáng bất bình này lên Thủ tướng Chính phủ. "Làm như thế, may ra mới cứu được hồ tiên" - anh Dương Thuấn ngậm ngùi.
Theo Lao Động Online
Hồ Ba Bể có thể biến mất sau vài chục năm Việc nước rửa quặng chưa qua xử lý được thải thẳng ra các sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước, khiến các chuyên gia cảnh báo hồ Ba Bể có thể sẽ biến mất trong vài chục năm nữa. Chiều qua, hội những người yêu Ba Bể đã tổ chức một buổi tọa đàm trao đổi về nguy cơ ô nhiễm, bồi lấp...