Hoang sơ đỉnh Mã Pì Lèng của hơn một thập kỷ trước
Mã Pì Lèng là một Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn. Những hình ảnh hoang sơ được ghi lại vào năm 2009 – 2010 khi nơi đây chưa bị ảnh hưởng bởi mặt trái của du lịch.
Mã Pì Lèng theo tiếng Mông có nghĩa là sống mũi con ngựa, ám chỉ vùng địa hình núi đá hiểm trở nơi đây. Khu vực này bao gồm các xã Pải Lủng; Pả Vi của huyện Mèo Vạc.
Đèo Mã Pì Lèng dài khoảng 20 km nằm trên đường Hạnh Phúc nối TP Hà Giang đến huyện Mèo Vạc xa xôi nơi biên viễn. Độ cao trung bình đường đèo từ 1.200 m – 1.400 m.
Đèo Mã Pì Lèng nằm trên Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, có cảnh sắc ngoạn mục, cung đường vừa là thách thức nhưng cũng thôi thúc một trải nghiệm khám phá hấp dẫn.
Giữa cảnh sắc thiên nhiên đó, con người nơi đây có bản sắc văn hóa cũng hết sức độc đáo, ấn tượng như văn hóa của dân tộc Mông, dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Dao. Trong ảnh là các thế hệ người Mông trên con đường Hạnh Phúc.
Dưới khe sâu Mã Pì Lèng là dòng sông Nho Quế huyền thoại. Sông bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam – Trung Quốc) chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn – Hà Giang) sau đó đổ vào sông Gâm tại xã Lý Bôn (Bảo Lâm – Cao Bằng). Tổng chiều dài sông là 192 km, đoạn chảy trên địa phận nước ta là 46 km.
Những người Mông mộc mạc bên dòng sông Nho Quế.
Video đang HOT
Trai gái Mông chia nhau bát rượu ngô men lá thơm nồng trên đèo Mã Pì Lèng trong ngày chợ phiên. Hình ảnh này thời điểm hiện tại không còn nữa khi các hoạt động sinh hoạt bản sắc nơi đây thường bị ảnh hưởng bởi du lịch.
Cảnh sắc hùng vĩ trên đường đèo treo leo, bên vách núi, bên vực sâu không một bóng người.
Trong ảnh là điểm dừng nghỉ ngắm toàn cảnh đỉnh đèo (phía trên, bên trái), được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam.
Một em bé người Mông tại điểm dừng nghỉ ngắm cảnh trên đèo Mã Pì Lèng. Tại vị trí này giờ đây trở nên đông đúc, rất nhiều gian hàng, quán xá và có cả một khu “Sky Garden” với xích đu, bậc thang lên trời… để phục vụ nhu cầu của du khách.
Em bé người Mông được mẹ dẫn tập đi những bước đi đầu đời trên đường Hạnh Phúc.
Hẻm vực Tu Sản kỳ vĩ. Đây là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, điểm sâu nhất đạt 900 m. Hẻm vực Tu Sản nằm trong thung lũng có kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Thời điểm này, các công ty du lịch chưa khai thác dịch vụ đi thuyền ngắm hẻm vực dưới lòng sông Nho Quế.
Hẻm vực Tu Sản hoang sơ được quan sát ở một vị trí khác, khi chưa có công trình Panorama án ngữ trên con đèo hùng vĩ này.
Người Mông nơi đây thường bọc răng vàng để làm đẹp, nhu cầu có cả nam và nữ. Các dân tộc sinh sống đa dạng, có Dao, Pu Péo, Lô Lô… nhưng chiếm phần lớn là người dân tộc Mông.
Các đỉnh núi tầng tầng lớp lớp ở khu vực Mã Pì Lèng.
Trước đây sông Nho Quế không nhiều nước, được ví như sợi chỉ mảnh uốn lượn quanh co chảy dưới chân núi Mã Pì Lèng. Thời điểm hiện tại dòng sông đang dần bị biến đổi, 5 đập thủy điện đã được xây dựng trên chiều dài chỉ 46 km.
Cảnh sinh hoạt của đồng bào Mông trên dòng Nho Quế trong vắt tại xã Xín Cái (Mèo Vạc).
Vùng cao nguyên đá Đồng Văn thiếu nước quanh năm, để giải quyết tình trạng này, các hồ treo tích nước trên núi đá đã được triển khai xây dựng ở nhiều nơi để trữ nước sinh hoạt cho bà con. Trong ảnh là hồ treo tại xã Pải Lủng.
Đèo Mã Pì Lèng nhìn từ dưới dòng sông Nho Quế.
Sườn núi đá ngoạn mục ở địa phận xã Pải Lủng.
Việt Nam hiện có bao nhiêu công viên địa chất toàn cầu?
Việt Nam có 3 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Đó là: Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Đắk Nông.
Theo trang thông tin giới thiệu, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trên địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, có diện tích hơn 2.350 km2. Nơi đây có độ cao trung bình 1.400-1.600 m so với mực nước biển, nổi bật với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu, hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, các vườn đá độc đáo... Đây cũng là địa bàn sinh sống của 17 dân tộc anh em với văn hóa đặc sắc.
Việt Nam hiện có 3 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Theo thứ tự thời gian công nhận, đó là: Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn ở tỉnh Hà Giang (2010 - đầu tiên ở Việt Nam, thứ 2 ở Đông Nam Á), Công viên địa chất Non nước Cao Bằng ở tỉnh Cao Bằng (2018), Công viên địa chất Đắk Nông ở tỉnh Đắk Nông (2020).
Theo trang thông tin giới thiệu, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có khoảng 160 điểm di sản địa chất thuộc 30 cụm di sản địa chất đã được xác định, phân bố trên các huyện thuộc phạm vi công viên. Ngoài ra, hiện còn nhiều di sản hang động, di sản hóa thạch trong các tầng đá trầm tích ở đây chưa có điều kiện nghiên cứu, đánh giá. Các địa điểm như hẻm vực Khe Lía, điểm quan sát toàn cảnh Mã Pì Lèng, dốc Thẩm Mã, cổng trời Quản Bạ... thu hút đông du khách khám phá.
Tuyến khám phá Phia Oắc - "Vùng núi của những đổi thay" đưa du khách theo hành trình hướng tây của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Các điểm dừng chân trên tuyến có di chỉ đại dương cổ, đồn Khai Phắt, hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, đồn điền chè Kolia, khu rừng Trần Hưng Đạo, nhất là vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, với đỉnh Phia Oắc cao khoảng 1.935 m, mùa đông băng tuyết có thể phủ trắng.
Động Ngườm Ngao là một trong những điểm di sản ấn tượng, thu hút du khách khám phá ở Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Theo trang thông tin giới thiệu, động Ngườm Ngao tiếng Tày có nghĩa là động Hổ, do một dòng suối ngầm ở đây chảy rì rầm ngày đêm, phát ra âm thanh vọng vào vách hang nghe như tiếng hổ gầm. Theo kết quả khảo sát gần đây, động Ngườm Ngao dài gần 2.770 m, hiện mới khai thác du lịch một đoạn hang dài gần 950 m.
Theo trang thông tin giới thiệu, Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích khoảng 4.760 km2, trên địa bàn các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông. Lịch sử địa chất nơi đây có từ 200-165 triệu năm cách ngày nay. Hoạt động núi lửa đã tạo ra những miệng núi lửa ngoạn mục, những thác nước hùng vĩ, hệ thống hang động núi lửa đồ sộ, độc đáo...
Theo trang thông tin Công viên địa chất Đắk Nông, Đắk Nông vốn là nơi sinh sống của 3 dân tộc bản địa là MNông, Mạ và Ê Đê, với những nét văn hóa độc đáo về trang phục, ẩm thực, làng nghề, lễ hội, sử thi... Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều dân tộc phía Bắc đã di cư đến Đắk Nông lập nghiệp, nên nơi đây trở thành vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc anh em.
Mùa ngô xanh mướt trên cao nguyên đá Đồng Văn Không còn sắc xám đen lạnh lẽo của đá tai mèo, dưới cơn mưa rào tháng 6, Đồng Văn được phủ xanh nhờ những ruộng ngô trồng khắp nơi. Với diện tích đa phần là đá tai mèo, cây ngô là cây lương thực chính của bốn huyện vùng cao Hà Giang, nơi đá chen đá, hiếm đất trồng trọt và khô hạn...