Hoang sơ Cổ Thạch (Bình Thuận)
Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung hiện đang được hầu hết du khách trong và ngoài nước biết đến và yêu thích nhờ hàng loạt khu nghỉ dưỡng từ bình dân cho đến cao cấp.
Dịch vụ đa dạng, phong phú, cảnh quan đẹp thu hút. Nếu tính từ thành phố HCM trở ra, lần lượt các bãi biển sẽ là Lagi, Kê Gà, Phan Thiết, Mũi Né, Hòn Rơm… Và xa hơn nữa, đi về hướng bắc, gần giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận, nơi huyện Tuy Phong, vẫn còn 1 bãi biển thưa dấu chân người: Cổ Thạch.
Có nhiều du khách nước ngoài từng đặt chân đến Cổ Thạch và nói rằng, khí hậu và cảnh quan nơi đây giống với vùng Địa Trung Hải – nơi nổi tiếng thu hút du khách khắp nơi tìm đến để tận hưởng thiên nhiên trong lành của biển, cảnh sắc tuyệt vời của đá núi, biển xanh… rất yên tĩnh, hầu như đêm ngày chỉ có tiếng sóng vỗ bờ, hay vỗ vào ghềnh đá, rồi tiếng chim biển thi thoảng bay vút ngang qua trời…
Nhắc đến Cổ Thạch thì nơi này gắn liền với một địa điểm mà du khách gần xa thường xuyên ghé đến nhiều hơn đến với biển, đó là Cổ Thạch Tự.
Video đang HOT
Cổ Thạch Tự – một ngôi chùa cổ hơn 100 năm tuổi, ở ngay trên ghềnh đá mênh mông của Cổ Thạch. Hàng ngàn hàng vạn tảng đá lớn nhỏ, chen chúc nhau trải dài từ triền núi ra đến biển. Màu sắc đá cũng rất phong phú. Vào mùa mưa, nước từ trên triền núi theo những con suối lát đầy đá lại róc rách chảy ra biển… Cảnh vật thiên nhiên vô cùng thanh tịnh. Và vào đầu thế kỷ 19, Cổ Thạch Tự đã được xây dựng, len lỏi giữa các tảng và hốc đá, cũng trải dọc theo triền núi.
Cả quần thể Cổ Thạch Tự gồm hàng chục công trình lớn nhỏ, trải rộng trên diện tích 4ha, ẩn hiện trong cây rừng, lựng tựa vào triền núi, mặt hướng ra biển cả bao la… Mỗi sáng sớm, sương giăng bao phủ, chùa thấp thoáng ẩn hiện giữa bao quanh là đá, vừa huyền bí vừa thơ mộng.
Cổ Thạch vẫn còn hoang sơ, thưa dấu chân người hóa ra cũng là điều rất hay. Không gian hoang sơ và yên ắng này dễ khiến cho du khách mỗi khi đến đây, có thể viếng chùa trong thanh tịnh, lắng nghe hồi chuông vang đi trong thinh không, dội vào vách đá… và dường như từng tiếng chuông vang sâu vào tâm hồn, giúp gột rửa mọi muộn phiền, giúp cho tinh thần thư thái, bình lặng hơn…
Vãn cảnh Cổ Thạch (Bình Thuận)
Khám phá Cổ Thạch, du khách sẽ chìm đắm trong không gian hoang sơ với trời biển xanh thẳm, thanh tân đến lạ kỳ Khu du lịch (KDL) Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách TP Phan Thiết khoảng 105 km về hướng bắc, là một quần thể cảnh quan thiên nhiên núi đá trùng điệp với bờ biển vòng cung tuyệt đẹp.
Ven bờ là những bãi sỏi bảy màu tuyệt đẹp trải dài như vô tận.
Khác với Mũi Né của Phan Thiết, KDL Cổ Thạch còn khá mới mẻ với du khách nhưng nơi này khung cảnh thiên nhiên vô cùng hữu tình. Nét đẹp của Cổ Thạch còn đậm chất hoang sơ với biển xanh, ngôi chùa Cổ Thạch tôn nghiêm, tĩnh lặng hơn trăm năm qua vẫn vững vàng bền trụ trên triền núi đá thi gan cùng tuế nguyệt.
Những thế đá kỳ vĩ
Cổ Thạch là một vùng núi đá rộng ngút ngàn, gồm hàng triệu khối đá lớn nhỏ với hình dạng kỳ thú riêng biệt. Có những tảng đá lớn như bàn thạch, úp chồng lên nhau tạo nên muôn vàn thế đá kỳ vĩ. Hàng triệu khối đá nơi đây đều là nguyên sinh và thô mộc, không hề có sự sắp đặt của con người.
Cổ Thạch là nơi du khách sẽ được chiêm ngưỡng những kiệt tác của bàn tay tạo hóa thể hiện trên những hình thù độc đáo. Đá xen đá, đá nối tiếp đá, đá ăn vào núi tạo thành vô vàn các hang động nguyên sinh luồn sâu vào trong lòng đất. Đá ở Cổ Thạch mọc giữa biển khơi, đêm đêm tiếng sóng biển vỗ xạc xào ru giấc ngủ sỏi đá nghìn thu.
Tại bãi biển Cổ Thạch, du khách sẽ có những ngày thỏa thích vui đùa trên bãi biển đẹp hoang sơ, nước biển trong xanh không đục màu phù sa như ở Mũi Né. Đặc biệt chỉ có nơi đây, du khách sẽ thích thú khám phá cảm giác của đôi chân trần trên hàng triệu viên sỏi đủ màu sắc, từ trắng ngà, đen tuyền, nâu sẫm, tím than, xám chì, đến vàng nhạt, xanh lục...Hiếm nơi nào có sỏi nhiều màu như thế nhất là khi bãi sỏi Cổ Thạch lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời buổi sớm mai. Thế nên người dân Tuy Phong, Bình Thuận gọi nơi này là bãi đá bảy màu.
Khám phá chùa hang
Buổi sáng tắm biển thỏa thích nô đùa. Buổi chiều tịnh tâm, du khách hãy thong dong vãn cảnh chùa Cổ Thạch. Chùa nằm trên ngọn núi cao 64m, kề bên bãi biển Cà Được. Lúc đầu, đó chỉ là một am nhỏ do thiền sư Bảo Tạng dựng nên vào khoảng giữa thế kỷ XIX, đặt tên là chùa Hang. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, chùa Hang ngày càng trở nên khang trang và thu hút nhiều sự thăm viếng của du khách thập phương.
Chùa Cổ Thạch còn là một quần thể kiến trúc bao gồm rất nhiều hang thờ khác nhau được dựng lên dựa vào những tảng đá lớn trên núi. Để thăm cho hết các bàn thờ của nơi đây cũng như ngoạn cảnh chùa bạn phải cần ít nhất hai tiếng đồng hồ. Đường lên các hang thờ quanh co, khúc khuỷu, vòng vèo, hết hang thờ này đến hang thờ khác, nếu không quen đường, bạn có thể bị lạc giữa các lối vào ra. Để thuận tiện, chỉ cần du khách đồng ý là sẽ có một em nhỏ kiêm "hướng dẫn viên" cực kỳ nhiệt tình dẫn đường lên núi thắp hương. Đến đây, du khách đừng quên thắp vài nén hương cho vong hồn các liệt sĩ cách mạng tại bàn thờ riêng mà chùa Hang đã dựng nên dành để thờ phụng các anh.
Đứng trên chùa Hang, phóng tầm mắt ra xa, cả một vùng non nước hữu tình hiện ra choáng ngợp kỳ vĩ. Thấp thoáng phía mũi La Gàn, các đồi cát nhấp nhô trải dài theo bãi biển rất nên thơ. Màu xanh của trời, của biển, của cây cỏ trộn hòa, tâm hồn du khách trở nên thư thái lạ kỳ.
Bãi đá cổ ở "vương quốc" Thanh Long, Bình Thuận Được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vieetbook) công nhận là "Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam", bãi đá Cổ Thạch là niềm kiêu hãnh của người dân Bình Thuận. Giữa trùng dương trùng điệp và vùng cát trắng mênh mông, sự xuất hiện của bãi đá như điểm hồng tâm đã kéo chân ngày càng nhiều...