Hoàng Sa nơi đầu sóng – Kỳ 1: Người giữ cờ
Nhiều ngày liền cùng ăn ở, sinh hoạt tại các tàu kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc, những câu chuyện nhỏ về Tổ quốc luôn ám ảnh PV Thanh Niên Online. Đấy, cũng chỉ khắc họa được phần nào những gian lao, vất vả của những người giữ biển Hoàng Sa.
Cờ Tổ quốc trên nóc đài chỉ huy tàu KN-767
Đặng Văn Hà là nhân viên vô tuyến điện trên tàu KN-767 thuộc Biên đội tàu Vùng Kiểm ngư 4, Cục Kiểm ngư Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa KN-767 với các tàu khác và Sở Chỉ huy, Hà còn được giao chăm sóc, đảm bảo cho lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên cột cờ cao vút, ngay nóc đài chỉ huy, giữa Hoàng Sa gió lộng.
May cờ chuyên dụng cho Hoàng Sa
Sinh năm 1989, quê gốc vùng chiếu Nga Sơn, Thanh Hóa, nhưng Hà đã là chủ gia đình nhỏ ngay thị trấn Mỹ Ca (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa). Vợ Hà tên Nguyễn Thục Hạnh, cả hai quen nhau khi Hà học chuyên môn ngoài Vĩnh Phúc. Cưới nhau tháng 1.2013, hai vợ chồng đưa nhau vào Cam Ranh sinh sống, khi Hà nhận nhiệm vụ tại Biên đội tàu Kiểm ngư.
“Để khẳng định chủ quyền Tổ quốc, tiền bạc nào nào đo đếm được, anh nhỉ?” – Đặng Văn Hà, kiểm ngư viên Vùng Kiểm ngư 4
Vừa kịp quen với vùng đất mới, thì tháng 10.2013, vợ chồng Hà có bé gái Đặng Nguyễn Bảo Hân. “Vợ trẻ, con thơ, nhà thuê, cơm tập thể” là câu cửa miệng anh em trên tàu thường đùa vui để chia sẻ hoàn cảnh với Hà. Dẫu vậy, nhưng Hà chưa bao giờ kêu ca – phàn nàn, miệng lúc nào cũng tươi rói: “Vẫn còn đỡ hơn bao nhiêu anh em, vợ con ngoài Bắc trong Nam, mỗi năm gặp nhau một lần”.
Ngày 2.5.2014, cũng như nhiều kiểm ngư viên khác, đang ở thị trấn Mỹ Ca (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) tranh thủ chăm sóc vợ con dịp lễ, thì Hà nhận lệnh đi làm nhiệm vụ khẩn cấp ngoài Hoàng Sa.
Video đang HOT
Vốn quen nghề biển, đã có mặt ở mọi vùng biển xa gần, nên việc đầu tiên Hà lo lắng là độ bền của lá cờ Tổ quốc: “Vùng biển Hoàng Sa biển động bất thường, gió mạnh và quẩn nên cờ vải lụa bình thường không chịu nổi”, Hà nói với tôi vậy và kể: Gấp rút chuẩn bị tư trang cá nhân trong vài phút, chia tay vợ con và ra chợ, mua vải đỏ – vàng (loại dày), mang ra tiệm may quen, ngồi chờ bà chủ cấp tốc may xong 5 lá cờ chuyên dụng.
“Tính ra, mỗi lá cờ này, đắt gấp 4 lần cờ lụa bình thường, nhưng bền gấp chục lần” – Hà thật thà nói vậy với tôi và cười hiền: “Để khẳng định chủ quyền Tổ quốc, tiền bạc nào nào đo đếm được, anh nhỉ?”.
Ngồi tỉ mẩn trò chuyện, tôi mới biết: cũng như rất nhiều anh em kiểm ngư trong Biên đội khác, khi tập trung nghe phổ biến nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa, Hà xác định đó là nguy hiểm, kề cận sống chết nên tất cả cùng… giấu gia đình.
Chỉ đến khi ra ngoài biển, đến vùng sắp sửa hết sóng điện thoại di động, Hà mới gọi điện về bờ, vắn tắt: “Đi biển dài ngày!” cho vợ yên tâm.
Dây treo cờ bị vòi rồng tàu Trung Quốc bắn đứt, lấy dây thép uốn thành cán và dây cước làm dây giữ cờ
Kiểm ngư viên Đặng Văn Hà treo cờ Tổ quốc trên vùng biển Hoàng Sa
Dây cước giữ cờ
Hơn nửa tháng trên biển Hoàng Sa, Hà cùng các đồng đội dồn sức ngăn chặn, đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 trái phép và phi lý mà Trung Quốc đưa sang khu vực đảo Tri Tôn (Hoàng Sa, Đà Nẵng). Không chỉ vậy, Hà và các anh em phải luồn lách đối phó với những cú đâm va, cản phá, các trận phun nước biển bằng vòi rồng công suất cực mạnh của tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần Trung Quốc. Khi ấy, lá cờ đỏ sao vàng trên nóc đài chỉ huy đã bạc màu, sờn rách.
Thuyền trưởng Đinh Hữu Đoan bảo: “Ngày 6.5, tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng làm hỏng hệ thống thông tin liên lạc, đứt luôn dây treo cờ, anh em phải lấy dây cước làm dây và thanh sắt làm cán, giữ đúng vị trí cờ”.
Đầu giờ chiều trên biển Hoàng Sa, trước khi tiếp cận giàn khoan lần thứ 2 trong ngày, kiểm ngư viên Đặng Văn Hà nghiêm nghị trong trang phục kiểm ngư, kiên nhẫn níu tay, chắc chắn đặt từng bước chân bậc thang leo lên cột cờ đang rung lắc theo độ nghiêng đến 30 độ theo con tàu KN-767.
Phải đến 15 phút, Hà mới gỡ xong cuộn dây cước cuốn vào thanh sắt uốn vội làm cán cờ và thay lá cờ bạc màu bằng lá cờ mới, đỏ rực niềm tin và tươi vàng hy vọng, bay phần phật kiêu hùng trong gió biển.
Hoàn tất nghi thức thay Quốc kỳ, tàu KN-767 kéo hồi còi dài, nhập vào đội hình Biên đội, dẫn đầu 5 con tàu mang ánh lửa màu cam, hướng về phía giàn khoan xám xịt, xung quanh lúc nhúc tàu bè tua tủa súng ống bu quanh.
Hoàng Sa mênh mông, thăm thẳm màu xanh biếc hòa lẫn sắc đỏ bừng bừng trên những con tàu Việt Nam.
Màu đỏ cờ trên biển, đỏ như màu máu, chắt chiu dành dụm trong tim con người giữ biển bao năm (còn tiếp).
Theo TNO
Vạch trần âm mưu của Trung Quốc
Nếu đạt được ý đồ trong vụ đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, Trung Quốc sẽ coi đây là hình mẫu để tiến chiếm các vùng tranh chấp.
Tàu chiến 789 của Trung Quốc ngang ngược hiện diện phi pháp trong vùng biển Việt Nam - Ảnh: Hoàng Sơn
Đó là cảnh báo của chuyên gia Michael Auslin tại Viện Doanh nghiệp Mỹ trong bài bình luận đăng trên tờ The Wall Street Journal khi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và lực lượng hộ tống của Trung Quốc vẫn ngoan cố hoạt động phi pháp ở vùng biển Việt Nam. Ông Auslin khẳng định giàn khoan Hải Dương-981 nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khu vực này đã bị Trung Quốc ngang nhiên cho vào trong bản đồ yêu sách đường lưỡi bò phi lý của họ. Theo ông Auslin, ngoài các ý đồ về chính trị và yêu sách chủ quyền, riêng trong lĩnh vực khai thác dầu khí thì đây cũng là bước leo thang mới của Trung Quốc sau khi nước này từng gây sức ép lên các công ty dầu khí nước ngoài hợp tác thăm dò, khai thác một cách hợp pháp với Việt Nam. Đồng thời, khi mà giới chức Bắc Kinh từng tuyên bố xem giàn khoan "là lãnh thổ quốc gia di động" thì hành động hạ đặt trái phép Hải Dương-981 cũng là chiến thuật mới của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương. Theo đó, nếu quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền không kiên quyết đến cùng và quốc tế không lên án đủ mạnh thì dần dần sự có mặt của giàn khoan sẽ thành "chuyện đã rồi" và Trung Quốc "sẽ đạt được các mục tiêu chiến lược mà không cần hành động quân sự". Ông Auslin còn cho rằng "chiến lược giàn khoan dầu" có thể dẫn tới căng thẳng dâng cao hơn nữa trong tương lai do Trung Quốc có kế hoạch đóng thêm nhiều giàn khoan.
Chữ ký gió bay
Quan sát những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, luật sư Ryan Santicola thuộc bộ phận pháp chế của hải quân Mỹ khẳng định Bắc Kinh đã vi phạm các cam kết song phương, đa phương và thường xuyên hành động đơn phương ở biển Đông. Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The Dilopmat (Nhật) hôm qua, ông Santicola chỉ ra vụ giàn khoan là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không thật tâm tuân thủ Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo về giải quyết các vấn đề trên biển đã ký hồi năm 2011 với Việt Nam. Thỏa thuận có ghi rõ hai bên nhất trí giải quyết tranh chấp liên quan đến biển thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện, nhưng theo giới quan sát, có vẻ như chỉ mình Việt Nam là luôn nỗ lực thực hiện đúng cam kết này.
Luật sư Santicola nêu thêm một bằng chứng khác, Trung Quốc cũng từng không tuân thủ kết quả đàm phán với Philippines là hai bên cùng rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough trong vụ căng thẳng hồi tháng 4.2012. Liên tục đến nay, Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu trở lại Scarborough và mới đây, theo tờ Business Mirror, hải quân Mỹ đã phát hiện 2 tàu hộ tống của Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn này.
Với các thỏa thuận với những bên trực tiếp tham gia tranh chấp mà còn vậy nên cũng không lạ khi Trung Quốc vẫn đưa ra tuyên bố chủ quyền gần trọn biển Đông, vi phạm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) dù đã tham gia công ước từ năm 1996. Tương tự, Trung Quốc ký Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) với ASEAN hồi năm 2002 nhưng thường xuyên có hành động đi ngược tinh thần của tuyên bố. Mới đây, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cáo buộc Trung Quốc vi phạm DOC sau khi Manila công bố bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang tiến hành xây công trình được cho là đường băng ở bãi đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Vì thường xuyên hành xử theo kiểu "chữ ký gió bay" nên Trung Quốc cứ dền dứ trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Nhiều nhà ngoại giao Đông Nam Á hồi tuần rồi cáo buộc Trung Quốc vừa trì hoãn đàm phán COC vừa ra sức tăng cường kiểm soát ở những khu vực tranh chấp, theo AP.
Bóng ma ADIZ ở biển Đông
Trước những diễn biến đã và đang xảy ra trên biển Đông, có thêm nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý và tăng cường sức mạnh ở vùng biển này. Cụ thể, chuyên gia Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cảnh báo dù Trung Quốc tuyên bố sẽ đặt giàn khoan Hải Dương-981 phi pháp ở vùng biển Việt Nam tới ngày 15.8 nhưng sau đó họ vẫn sẽ tiếp tục khiến căng thẳng dâng cao. AP dẫn lời ông Storey dự đoán Trung Quốc chắc chắn sẽ lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Đông và đó chỉ là "vấn đề thời gian". Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez cảnh báo rằng việc Trung Quốc xây dựng công trình được cho là đường băng trên bãi đá Gạc Ma có thể là bước đầu tiên trong kế hoạch lập ADIZ, theo Đài TV5. Còn chuyên gia Ernie Bower tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) từng cho AFP hay ông không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc tiến tới lập ADIZ ở biển Đông và đó sẽ "không phải là hành động khiêu khích cuối cùng". Có lẽ vì vậy mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hồi tuần rồi kêu gọi các nước Đông Nam Á nên hợp sức và cùng Mỹ lên tiếng chống lại tình trạng Trung Quốc ngày càng hung hăng ở khu vực, theo báo mạng The Huffington Post.
Theo TNO
Sẵn sàng đối phó với mọi hành vi gây hấn trong quan hệ kinh tế Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển nước ta từ đầu tháng 5 vừa qua đã đặt đời sống cả nước vào một tình thế vừa lạ vừa quen. Đó là tình thế sẵn sàng ứng biến với mọi bất trắc có thể xảy ra như mấy chục năm...