Hoàng Phúc: ‘Người ta chạy nước rút, tôi chạy marathon’
Gần 35 năm đóng phim với hàng trăm vai diễn lớn nhỏ, thế nhưng đến nay phong thái diễn xuất của Hoàng Phúc vẫn được nhiều đạo diễn cho là tươi mới, sinh động.
Vai chính diện của Hoàng Phúc trong Để Hội tính là người cha khổ tâm khi ép con gái mình lấy một người chồng vì muốn có tiền chữa bệnh, để khi nhận ra sai trái, liệu đã muộn? Còn vai phản diện trong Chung cư là ông chủ biến thái, chủ xị của các trò ma quái.
Đạo diễn Charlie Nguyễn kể rằng sau khi xem vai ông trùm Hắc Long của Hoàng Phúc (trong phim Bẫy rồng), anh đã muốn cộng tác dài lâu với nghệ sĩ này. Anh đã mời Hoàng Phúc đóng Cưới ngay kẻo lỡ, Bụi đời Chợ Lớn, Để Hội tính… và một vài dự án đang chuẩn bị.
- Được biết từ năm 12 – 13 tuổi (khoảng 1979-1980) anh đã được mời đóng vai Lê Văn Tám trong Ngọn lửa thần đồng của Lê Mộng Hoàng. Từ năm 1984 đến 1988 đi bộ đội, vậy anh trở lại với công việc phim ảnh ra sao?
- Đi bộ đội về, mọi thứ gần như bắt đầu lại, vì những năm này Việt Nam đổi mới, nên nhiều thứ thay đổi nhanh lắm. Tôi mê đóng phim, nhưng ngay lúc ấy không nghĩ mình sẽ có cơ hội, nên xin vào làm chạy việc tại đoàn phim, rồi các tổ sản xuất, đạo cụ, ánh sáng… Tôi mở thêm tiệm chụp hình để kiếm sống và tiếp cận công việc. Đây cũng là giai đoạn thú vị, khi tôi có dịp quan sát Châu Nhuận Phát làm việc, hình như năm 1990, tài tử này đến TP.HCM quay Bản sắc anh hùng. Như lịch trình, đúng 7h sáng anh ấy có mặt, hiện trường bị cúp điện, nhưng vẫn mang súng trung liên lên người chạy tới chạy lui để tập luyện cho quen bối cảnh. Sau khi thuần thục thì vào trong nghỉ ngơi, đến khi có điện chỉ quay 2-3 lần là xong, tôi luôn ghi nhớ tác phong làm việc này để noi theo.
Hoàng Phúc trong phim Chung cư sắp ra rạp. Ảnh: ĐPCC
Video đang HOT
Nung nấu, tập luyện chờ cơ hội, một dịp tình cờ gặp lại Lê Mộng Hoàng, anh mời tôi đóng vai thứ chính trong Tình khúc 68 (năm 1988), cùng với anh Thương Tín, chị Mộng Vân… Phim được yêu thích lúc đó nên giúp tôi có nhiều cơ hội hơn. Năm 1991, anh Hồ Quang Minh mời tôi đóng Về trong sương mù, cùng Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh…, rồi sau đó anh mời đóng Bụi hồng cùng với Phương Dung, Lê Anh Tuấn… Trong thập niên đó, khoảng 7 – 8 năm, tôi đã đóng hơn 20 phim, có ngày quay 2-3 phim, nhiều khán giả vẫn còn nhắc tới Đảo hải tặc, Lệnh truy nã, Tây Sơn hiệp khách, Lẽ nào em không nhận ra anh, Khoảng vỡ…
- Đây cũng là giai đoạn anh đóng “Xích lô” của Trần Anh Hùng, vì sao anh không nhắc lại phim này?
- Xích lô thay đổi đời tôi nhiều lắm, không phải vì các giải thưởng danh giá mà nó nhận được, mà vì lề lối làm phim của Trần Anh Hùng, và kinh nghiệm diễn xuất chung với Lương Triều Vỹ. Trần Anh Hùng không bao giờ gò ép diễn viên vào vai diễn, mà dùng các cuộc trò chuyện trong giai đoạn tiền sản xuất (cả tháng trời) để diễn viên cảm nhân vật và tìm cách tiếp cận của mình. Rồi cách diễn nữa, nó nhẹ như không nếu như nhìn từ bên ngoài, nhưng khá ám ảnh nếu nhìn từ nội tâm nhân vật. Lương Triều Vỹ đã là ngôi sao vững vàng của Hong Kong lúc ấy, anh không hiểu tiếng Việt nhưng lại đóng vai một nhà thơ, nhìn cách anh kiên nhẫn học thuộc lòng những câu thơ tự do không dễ nhớ, nhưng đầy cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Trung Bình, tôi rất nể phục. Luôn đến phim trường đúng giờ, trong 90 ngày quay, anh chỉ đến trễ 1 lần, chừng 15 phút, nhưng đã đi xin lỗi toàn bộ đoàn phim. “Xin lỗi”, “cảm ơn” là hai từ tiếng Việt mà Lương Triều Vỹ muốn học đầu tiên, anh luôn sử dụng nó. Cũng như Châu Nhuận Phát, họ không tỏ ra mình là ngôi sao, chỉ luôn cố gắng diễn và sửa sai (nếu có) để vai của mình tốt hơn, tôi cố gắng học điều này, nhưng không phải lúc nào cũng làm được.
Với kinh nghiệm mấy chục phim trước đó, nhưng khi đóng Xích lô, tôi chỉ như cậu bé ở quê lần đầu lên phố, cái gì cũng lớ ngớ. Trần Anh Hùng quay một đúp (take) tiếng Việt, một đúp tiếng Pháp, nên tôi cố gắng tập từng lời thoại, nhưng không khó bằng Lương Triều Vỹ, anh ấy phải học thơ. Khoảng 10 năm sau tôi mới được xem Xích lô một cách đầy đủ, vai của tôi còn lại trên phim nhỏ thôi, nhưng đó là một dấu ấn và cơ duyên khó lặp lại.
Lương Triều Vỹ, Hoàng Phúc và đạo diễn Trần Anh Hùng thời làm phim Xích lô.
- Sau Xích lô thì điện ảnh “mì ăn liền” trong nước cũng thoái trào, mãi tới Gái nhảy (2003) mới hồi sinh nhẹ. Đây cũng là năm anh lập gia đình với một người hâm mộ, sau 5 năm quen biết, để rồi khi cô ấy muốn đi định cư nước ngoài, anh ở lại nên phải chia tay. Nhiều ý kiến cho rằng anh mê phim mà rời xa tình riêng, nhưng có lẽ không đúng như vậy, khi mà giai đoạn này anh cũng rất ít đóng phim?
- Chuyện riêng thật khó nói trên báo, nhưng tôi không đi nước ngoài chẳng phải vì phim là tất cả, mà vì mẹ bị bệnh tai biến liệt nửa người, không nói được, tôi cần ở nhà chăm sóc. Từ lúc mẹ gặp tai biến cho khi qua đời năm 2007 là 18 năm, anh chị ở xa, tôi đã không còn đầu óc và động lực để nghĩ ngợi hay hy sinh cho những việc khác. Khi ấy tôi đã xin trời phật cho mẹ sống thêm 2 năm, tôi nguyện mất đi 2 năm tuổi thọ của mình. Mẹ hưởng thọ 83 tuổi, nếu mẹ được sống thêm, tôi vẫn nguyện làm vậy, phim chỉ còn là yếu tố phụ.
- Thanh, sắc, vóc đầy đủ, lại được nhiều vai diễn hay, tham gia nhiều phim quan trọng, vậy mà anh chưa từng trở thành ngôi sao, anh có buồn không?
- Lúc trẻ nghĩ sao người ta nhung lụa, còn mình lặng lẽ, buồn chứ. Nhưng sau biến cố của mẹ, tự nhiên thấy mọi thứ cũng tạm bợ, phù du thôi. Hơn 10 năm nay tôi không vội vàng nữa, khi thấy thất vọng thì tự an ủi: người ta chạy nước rút, còn mình chạy marathon. Thế hệ của tôi nhiều ngôi sao, phần đông đã rời xa màn ảnh, vì còn yêu mà tôi vẫn còn theo, nên vẫn còn hy vọng về các vai diễn mình chưa từng gặp.Mấy chục năm kể từ thời điện ảnh mì ăn liền, thời của đạo diễn Việt kiều, thời của hệ thống rạp chiếu tư nhân, thời của Internet…, gu của khán giả thay đổi nhanh lắm. Trong cương vị diễn viên đi qua các thời kỳ này, làm sao để mình không lạc hậu, để diễn cho ra chất, cho hợp thời… thì chỉ có may mắn mới làm được. Đời tôi nhiều lận đận, giờ vẫn sống một mình, nhưng nghiệm lại, cũng có nhiều may mắn, vậy là đủ rồi.
- Ngoài đóng phim và “chờ tình duyên mới” (như anh tâm sự), mỗi ngày của anh hiện nay thế nào?
- Tôi vẫn luôn xem phim để học hỏi, rồi tự tập luyện các tình huống diễn xuất, với hy vọng mình còn hữu dụng với khán giả, để biết đâu có được vai diễn hay hơn nữa. Tôi cũng hy vọng lòng mình sẽ được thuận duyên mà sống, nên trong tâm tưởng luôn muốn tu sửa để nhẹ nhàng hơn, bình thản hơn.
Theo Như Ha/TTVH
'Chung cư' - Hoàng Phúc tiếp tục với vai phản diện
"Chung cư" sẽ ra mắt vào dịp Noel sắp tới thu hút được rất nhiều sự chú ý của khán giả yêu thích phim kinh dị.
Ngay từ khi bấm máy, bộ phim kinh dị "Chung cư" đã gây chú ý với khán giả bởi tên tuổi của đạo diễn Văn M.Phạm cũng như những hứa hẹn của nhà sản xuất về một bộ phim được đầu tư có chất lượng cao. Trong số các diễn viên tên tuổi xuất hiện trong phim, đáng chú ý có nhân vật Xung do Hoàng Phúc thủ vai.
Chắc nhiều khán giả còn chưa quên vai diễn gần đây nhất của Hoàng Phúc: bác sĩ Sinh đầy ám ảnh trong phim"Mất Xác". Và trong "Chung cư", một lần nữa anh lại hoàn thành xuất sắc vai diễn phản diện của mình với hình ảnh một chàng đại gia lắm tiền, hào hoa và sở khanh. Xung chính là nút thắt quan trọng nhất đằng sau những hiện tượng kì lạ và bí ẩn diễn ra trong khắp tòa chung cư mà các nhân vật chính đang sinh sống.
Khi được hỏi về sự hấp dẫn của bộ phim, Hoàng Phúc cho biết: "Sự hấp dẫn nằm ở câu chuyện rất gần gũi với mọi người, xoay quanh những số phận của từng nhân vật trong phim. Mỗi nhân vật là một màu sắc khác nhau, nhưng khi đặt bên cạnh nhau lại liên kết tạo nên một sự logic cho từng tình tiết diễn tiến từ đầu cho đến cuối phim".
Theo Ngoisao.vn
Hoàng Phúc vào vai bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường Nam diễn viên tái hiện lại vụ án vị bác sĩ gây chết người rồi ném xác bệnh nhân xuống sông trong phim mới. Sau vai diễn đại ca giang hồ Tài Nhớt trong phim Bụi đời Chợ Lớn, Hoàng Phúc khá im hơi lặng tiếng, gần như không có hoạt động nghệ thuật gì. Nam diễn viên vừa có dịp trở lại...