Hoàng My làm “méo mó” văn hóa Việt?
Hoàng My để lộ lỗi nặng về phong cách ăn mặc của người Việt trong bộ ảnh Người tình Langbiang.
Theo quan niệm của phần đông người yêu văn hóa Việt, việc lưu truyền và phát huy tốt vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian là điều đáng khích lệ. Nhưng việc làm sai lệch đi những giá trị lâu đời trong trong tập quán sinh hoạt của người Việt xưa là điều cần cân nhắc kỹ. Á hậu Hoàng My cùng ekip đang nhiệt thành khai thác vốn văn hóa cổ truyền. Theo nhận định của nhiều độc giả cách làm của cô bao hàm cả cái được và cái còn thiếu sót.
Điểm cộng cho Hoàng My
Trong khi nhiều người đẹp, người mẫu chọn phong cách tây âu, phong cách gợi cảm, cá tính để xây dựng hình ảnh. Á hậu Hoàng My cùng ekip mong muốn lại hướng về những hình ảnh mang dáng dấp truyền thống. Bên cạnh thời trang, yếu tố văn hóa dân tộc được cô khai thác tối đa. Nhiều độc giả khá đồng tình và hoan nghênh sự sáng tạo của Hoàng My trong cách xây dựng hình ảnh. Trong dịp xuân Nhâm Thìn, đông đảo độc giả đã được thưởng thức bộ ảnh nấu bánh chưng ngày tết được đầu tư khá công phu của Hoàng My. Bộ ảnh với những tạo hình đẹp, cách xử lý ánh sáng khéo léo, nhiều khung hình mang đậm ngôn ngữ điện ảnh, ấn tượng mạnh mẽ và giàu tính nghệ thuật.
Hoàng My gây được sự thu hút trong bộ ảnh này chính nhờ sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật nhiếp ảnh thời trang đan lồng trong những giá trị văn hóa Việt. Tập tục và thói quen của người Việt trong ngày tết được khai thác khá sắc nét. Cùng với “dòng” ảnh người đẹp nô nức đi chợ hoa, đi sắm tết, cách khai thác ý tưởng của Hoàng My đem đến sự độc lập và không trùng lắp trong chuỗi ảnh mừng xuân.
Video đang HOT
Á hậu Hoàng My tạo ấn tượng đẹp trong bộ ảnh mừng xuân Nhâm Thìn.
Bộ ảnh tái dựng khung cảnh ngày cận tết của xứ Bắc. Bức ảnh với bố cục cân đối, ánh sáng đẹp, ngôn ngữ hình thể của người mẫu tốt.
Và có cả điểm trừ…
Sau khi nhận được lời khen ngợi qua bộ ảnh nấu bánh chưng, bánh téc ngày tết; Hoàng My cùng ekip của mình tiếp tục phát huy và mang khai thác mạnh tay hơn nữa kho tàng văn hóa Việt. Nhưng giá trị văn hóa lại nằm ở trạng thái bị “bóp méo” và bị xây dựng theo lối suy nghĩ hời hợt. Ví dụ điển hình là bộ ảnh Chuyện tình Lang biang.
Bộ ảnh Chuyện tình Langbiang dựa trên truyền thuyết của người K”ho. Cốt chuyện và cách xây dựng khá hợp lý. Nhiều khung hình cho thấy đại cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, lột tả được bản tính, sắc thái riêng của con người vùng đất nơi đây. Điều không hề phù hợp là trang phục mà Hoàng My chọn mặc. Trong quá trình thực hiện, cô không ngại ngần mặc một bộ bikini 2 mảnh và được “bản địa hóa” bằng việc gắn những mẩu lông thú!?
Thực tế, ở thời điểm mà Chuyện tình Lang biang diễn ra, vải thun là một “vật thể lạ” trong đời sống sinh hoạt của người K’ho. Ngay cả chất liệu lông thú cũng ít được sử dụng, bởi người K’ho nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm lâu đời. Hoàng My và cả ekip đã đầu tư khá kỹ cho bộ ảnh, nhưng họ lại làm xấu hình ảnh của nàng Hơ biang trong bộ trang phục được biến tấu không đúng tính chất.
Á hậu Hoàng My hóa thân thành nàng Hơ biang.
Trang phục của nàng Hơ Biang – Hoàng My được chắp ghép từ bikini hai mảnh trên chất liệu thun kẻ sọc và chất liệu lông thú.
Câu chuyện tình của nàng Hơ Biang được xây dựng theo truyền thuyết của người K”ho, đáng tiếc lỗi nặng về trang phục khiến giá trị bộ ảnh bị mất điểm.
Thay lời kết
Việc đầu tư công sức cho những bộ ảnh giàu tính nhân văn và khai thác nét đẹp trong phong tục tập quán của người Việt là việc làm đáng hoan nghênh. Hoàng Mỹ đã đón nhận được không ít tình cảm từ độc giả sau bộ ảnh chúc xuân Nhâm Thìn. Tình cảm ấy sẽ được nhân rộng hơn nữa nếu cô cùng ekip ngoài việc đầu tư tiền của cũng cần lưu tâm đến yếu tố chắt lọc và tôn trọng vốn văn hóa cổ truyền. Chỉ cần một cách thể hiện hời hợt cũng dễ dàng làm “méo mó” sự việc và dẫn đến cách hiểu sai lệch về văn hóa dân tộc dân gian đối với giới trẻ. Theo một số chuyên gia về văn hóa học: “Khi phục dựng, tái hiện lại văn hóa cổ truyền, chỉ cần tôn trọng sự thật là bạn đã thành công”.
Theo infonet