Hoàng Mập: “Tôi mất trắng căn biệt thự 10 tỉ”
“Cuộc sống ai cũng có thăng trầm. Gặp vấn đề, tôi tự giải quyết chứ không đăng lên facebook than thở, khóc lóc. Để làm gì, để người ta cười vào mặt mình à”, Hoàng Mập nói.
Biệt thự cổ của Hoàng Mập được làm bằng gỗ quý hiếm và được thiết kế giống ngôi nhà hơn 100 năm tuổi ở Nam Định. Toàn bộ đồ dùng cũng như trưng bày trong nhà đều là đồ cổ được anh sưu tầm khắp nơi trên thế giới và đều có “tuổi thọ” trên 100 năm.
Biệt thự toạ lạc trên mảnh đất 1.600 mét vuông tại Đồng Nai, gồm 3 ngôi nhà lớn quay mặt vào nhau, phía trước là gian nhà chính thiết kế theo kiến trúc tứ hợp viện. Ngôi biệt thự này từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thành là 5 năm.
Bên cạnh đó, Hoàng Mập còn sở hữu một ngôi nhà cổ ở Cần Thơ được làm toàn bằng gỗ soan đắt giá và nhà ở Sài Gòn. Chính bởi khối tài sản quá khủng nên người ta đồn rằng, Hoàng Mập làm phim thắng lắm.
Dĩ nhiên, nghe người ta đồn thổi, nghi ngờ, Hoàng Mập chỉ cười. Và đây là lần đầu tiên anh lên tiếng về chuyện mình “quá giàu”.
Hoàng Mập và căn biệt thự cổ trên diện tích 1.600 mét vuông mới xây ở Đồng Nai.
Mỗi lần làm phim, già đi 10 tuổi
Phim truyền hình đang chết lên chết xuống nhưng có vẻ Hoàng Mập vẫn “tươi tỉnh”, không chỉ làm phim nào bán được phim đó mà còn lời lãi không ít, đúng không anh?
Nói chính xác là “khéo co thì ấm” thôi. Năm 2012, tôi bắt đầu mở công ty Hoàng Thần Tài để làm phim. Tới nay là 6 năm. 3 năm đầu, chi phí thấp mà giá phim mỗi tập khoảng 200 triệu nên nhà sản xuất còn sống được.
3 năm gần đây, giá phim bị tụt xuống phân nữa, mỗi tập chỉ bán được 100 triệu hoặc hơn chút ít trong khi các chi phí đều đội lên.
Tôi lấy ví dụ. Thời điểm tôi làm “Chàng mập nghĩa tình”, một suất cơm cho diễn viên chỉ 12.000 đồng, bây giờ 25.000, 30.000 đồng, người ta cũng không mặn mà làm. Riêng tiền cơm đã gấp đôi ngày xưa rồi.
Hồi đó, tiền thuê xe để đoàn phim đi làm, một tháng 16 triệu nhưng giờ 30 triệu cũng không ai muốn cho thuê. Lý do là vì tính bình quân, 1 triệu/ ngày mà họ phải chi tiền xăng, tiền tài xế thì còn không được bao nhiêu.
Diễn viên ngày xưa, 250.000 đến 300.000/phân đoạn cũng có người đóng. Giờ trả 500.000/ phân đoạn, tôi bị xấu hổ với họ. Tôi trả bằng giá cũ thì tội cho họ mà lên lương thì tội cho tôi. Xuống lại càng không được.
Để có tiền bù cho các chi phí đội giá khác khi làm phim, Hoàng Mập vừa đạo diễn, vừa đóng phim, tìm bối cảnh, lo giấy phép… còn vợ anh thì kiêm chủ nhiệm đoàn.
Dĩ nhiên, để tiết kiệm chi phí thì hầu hết các nhà sản xuất hiện nay đều trả diễn viên theo tập, theo vai nhưng ít quá thì mình cũng ngại, phải cân nhắc hợp lý để diễn viên còn sống.
Ví dụ, vai của họ có khoảng 100 phân đoạn thì ít nhất cũng phải trả 50 triệu. Diễn viên cầm 50 triệu đó nhưng đi quay cả tháng trời, làm việc đêm hôm cực khổ, đi tới đi lui cũng chẳng còn bao nhiêu.
Với tình hình thế, dĩ nhiên các nhà sản xuất phải bù lỗ. Rất nhiều người bị phá sản, bán nhà bán đất vì làm phim. Đó là điều ai cũng thấy.
Vậy tại sao trong tình hình làm phim như thế, anh vẫn lao đầu vào? Anh giải quyết bài toán kinh phí đó như thế nào để tồn tại, phim bán được mà vẫn có lời?
Chi phí lên mà giá phim xuống thì tôi lấy tiền đâu ra. Dĩ nhiên, tôi phải cắt bớt lương đạo diễn, lương chủ nhiệm.
Nhiều người nói, “Hoàng Mập là nhà sản xuất mà còn ham làm đạo diễn”. Thực sự tôi không thích làm đạo diễn. Tôi cũng không muốn phải đóng vai nào trong phim mình làm nhưng tôi buộc phải làm để giảm chi phí.
Lương đạo diễn 6-10 triệu/tập. Tôi tự làm đạo diễn thì sẽ dư ra được số tiền đó. Khoản dư đó, tôi bù vào các khoản chi khác. Vai trò chủ nhiệm phim cũng vậy, vợ tôi làm. Tôi không phải bỏ tiền ra thuê chủ nhiệm thì sẽ có tiền bù cho các khoản khác.
Hoàng Mập trên phim trường.
Công việc tìm bối cảnh, xin giấy phép vợ chồng tôi cũng làm luôn. Vì nếu thuê thì chắc chắn lỗ. Với 4, 5 đầu việc đó, tôi giảm được từ 15 đến 20 triệu/tập. Phim 30 tập thì tôi cũng bớt được vài trăm triệu. Nhờ thế mà tôi sống được tới giờ.
Video đang HOT
Bạn tới phim trường rồi, bạn biết. Mọi người hỏi tôi, “sao đi phim người ta, mặt mũi anh tươi thế mà làm phim mình, lúc nào mặt cũng nhăn, cũng chửi”.
Bởi vì đi phim người ta thì tôi chỉ việc xách giỏ đi làm rồi lấy tiền về. Còn đi phim mình sản xuất, tôi phải lo đủ thứ, đèn đuốc, âm thanh ánh sáng, cơm nước, diễn viên có đúng giờ không. Chỉ cần trong đoàn có một người không vừa lòng, mặt mũi chằm dằm là mình đã khó chịu rồi.
Đóng phim cho người ta, mình có tâm lý làm nhận tiền còn phim mình làm thì không có tiền. Đã thế, sáng ra mình phải cầm kịch bản đi ra đi vô, coi hôm nay làm gì. Tôi nói thật, mỗi lần làm xong phim, tôi có cảm giác mình già đi 10 tuổi.
“Đi đứt” một căn biệt thự vì phim “Va-li tình yêu”
Rất nhiều người cũng tính toán được như anh nhưng họ vẫn lỗ, vẫn bán nhà, bán cửa, bán xe. Tôi hỏi thật, anh đã bao giờ rơi vào tình huống tương tự chưa?
Làm phim bây giờ một là lỗ, hai là hoà vốn. May mắn lắm mới có được phim thắng. Mọi người cứ nghĩ tôi làm phim lời lắm nhưng đó là vì họ không biết tôi bị những gì.
Hoàng Mập trong căn biệt thự cổ ở Đồng Nai.
Thời điểm tôi phát hành “Va-li tình yêu” cũng chính là giai đoạn tôi đang làm nhà ở Đồng Nai. Người ta đồn, phát hành phim đó tôi lời 40, 50 tỉ nên mới có tiền xây nhà. Lời đồn đó khiến một số anh em lấy tôi ra làm động lực, tiêu chí phấn đấu và đi cầm nhà cầm cửa làm phim nhựa.
Phim nào lời tôi không nói, còn “Va-li tình yêu” tôi lỗ sặc máu. Ban đầu, tôi dự định phát hành sớm 1 tuần nhưng trục trặc nhà cửa nên tôi phải rời lại đúng dịp King-Kong ra rạp. Phim tôi bị đè chết queo.
Tôi phải bán một căn nhà ở Vạn Phúc trên đường Phạm Văn Đồng thì ai biết, chỉ có vợ chồng tôi biết. Phim đó, tôi không lấy lại được 1 đồng, đi đứt luôn căn biệt thự rất đẹp 10 tỉ.
Phim rạp, 10 phim thắng được 1 là quá mừng. Lời được 10 tỉ thì cũng phải chia lại cho các nhà đầu tư. Cầm được 1 tỉ trong tay đã là hên lắm.
Vậy mà tôi khuyên, không ai nghe. Họ lao vào cầm nhà, bán đất rồi thua hết. Làm phim xong không đơn vị nào chịu phát hành lại điện thoại khóc lóc với tôi. Tôi cứu làm sao được. Họ nói bắt chước tôi là bậy. Tôi nói thật, nhiều khi tôi bớt giàu vì làm phim.
Cuộc sống ai cũng có thăng trầm nhưng không phải người ta không than thở thì có nghĩa là họ đang sung sướng. Gặp vấn đề, tôi tự giải quyết chứ không lên facebook than thở, khóc lóc. Để người ta cười vào mặt mình à? Không.
Mọi đồ dùng, đồ trưng bày trong căn biệt thự cổ này đều có tuổi thọ trên 100 năm mà anh kỳ công đem về từ nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua.
Xin phép anh cho tôi tò mò một chút. Câu hỏi này chắc chắn nhiều người cũng đang thắc mắc giống tôi. Nếu không phải giàu nhờ làm phim thì ở đâu mà anh nhiều tiền đến vậy?
Hơn 20 năm làm nghề, tôi tích cóp lại hết. Thời điểm tấu hài thịnh, mỗi show diễn tôi được 15.000 đồng. Thứ bảy, chủ nhật ít cũng phải 10 show. Thời điểm đó, vàng chỉ có 130.000 đồng/chỉ, vậy có lý do gì mà tôi không mua vàng trữ trong khi đêm nào mình cũng có thể kiếm được một chỉ.
Đấy là diễn trong thành phố. Đi tỉnh còn nhiều hơn nữa. Một show tỉnh là 500.000 đồng, chia đôi thì mỗi đứa cũng được hai chỉ vàng. Từ trẻ tôi đã không ăn chơi. Làm được bao nhiêu, tôi đem về nhà hết.
Ông Tổ rất thương nghệ sĩ và cho nghệ sĩ nhiều lắm. Có những người đương thời, một ngày làm ra không biết bao nhiêu tiền nhưng lại không biết giữ. Họ làm 10 triệu mà xài 100 triệu vào đánh bài, cá độ đá banh, uýnh đề thì không cách nào còn.
Tôi xác định mình không phải là người nổi tiếng, mình không kiếm tiền giỏi như người ta nên phải tích luỹ, dành dụm. Hơn 20 năm, dĩ nhiên đó là số tiền không hề nhỏ.
Tôi thấy rất nhiều nhà sản xuất gặp vấn đề với diễn viên như bị thưa kiện vì hợp đồng, cát xê không sòng phẳng. Còn anh thì sao?
Tôi rất thích làm việc với người quen. Mọi người biết tính, biết giá nhau hết rồi, có phim là vô làm, xong nhận tiền. Thậm chí, ai muốn ứng trước, tôi cũng sẵn sàng ứng mà chưa bao giờ phải ký hợp đồng với một diễn viên nào.
Hoàng Mập chia sẻ, Huy Khánh là diễn viên mà anh quý nhất từ trước tới nay.
Khi phim ra mắt, nhà đài cần hợp đồng để tránh rắc rối khi phim đang lên sóng có người kiện tụng, thì tôi mới gọi diễn viên ra ký. Dù vậy, tôi cũng chưa bao giờ dính phải rắc rối nào về vấn đề này.
Trong tất cả các diễn viên từng làm việc với tôi cho tới thời điểm này, tôi quý Huy Khánh nhất. Khánh đi cine tour với tôi suốt nên biết, phim “Va-li tình yêu” tôi chết thảm.
Cứ nhìn vào lịch chiếu là biết. Nay 10 suất, mai còn 3, 4 suất mà cũng không có khán giả xem. Thế nhưng Khánh vẫn vô tư, hồn nhiên đi mà không kêu ca tiếng nào.
Nhưng ngược lại, cũng có những diễn viên, làm việc xong, tôi không muốn gặp lại. Trước khi bấm máy thì đêm nào họ cũng điện thoại nhắn tin xin vai. Phim ra rạp bị thua, thì nhắn tin trách móc “Phim dở quá. Anh làm vậy là chết tên em rồi”. Tôi trả lời “ủa, em có tên để mất hả”?
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Theo Trí Thức Trẻ
Hoàng Mập: Sau lưng Hoài Linh, người ta nói "thằng đó mà coi cái gì"!
"Nghe tôi khoe được diễn với anh Hoài Linh, người đó trề môi, nguýt dài bảo thằng đó mà coi cái gì. Vậy mà hôm sau, tôi lại thấy họ ôm Hoài Linh "anh em" ngọt sớt", Hoàng Mập kể.
"Nghệ sĩ đang nổi, ai cũng cung phụng nhưng hết thời rồi biết, không ai nhìn mặt luôn. Hoặc lúc chưa có tên tuổi, đi đâu cũng ngồi ghẻ lạnh, không ai săn đón. Tôi chứng kiến nhiều lắm"!
Đó là những chia sẻ đầy chua chát của Hoàng Mập về nghệ sĩ, về giới showbiz mà nhiều người vẫn tưởng đầy hào nhoáng và đẹp đẽ.
Thật ra những điều anh nói, tôi không thấy mới bởi bản thân đã được nghe nghệ sĩ chia sẻ nhiều và cũng vài lần chứng kiến sự bạc bẽo của một "kiếp tằm"... nhưng tôi vẫn thực hiện bài viết này, với mong muốn - câu chuyện Hoàng Mập kể là bài học cảnh tỉnh cho những ai hay diễn, diễn bất chấp cả trên sân khấu cũng như ngoài đời.
Hãy sống một cách chân tình và chân thật!
Nghệ sĩ Hoàng Mập.
Tao diễn với Hữu Nghĩa chứ không diễn với mày!
"Hoàng Mập tôi được như ngày hôm nay là nhờ ơn của nhiều người nhưng có lẽ người tôi chịu ơn nhiều nhất là anh Hữu Nghĩa.
Bây giờ, người ta có thể mời Hoàng Mập nhưng lúc tôi chưa có tên tuổi, chưa là gì thì cực vô cùng. Thậm chí anh Hữu Nghĩa phải giành giật, đấu tranh để cho tôi được đóng một vai quần chúng nhỏ xíu, chỉ việc đi ra "dạ" một tiếng rồi đi vô. Vậy mà có diễn viên kia chỉ thẳng mặt tôi bảo, "tao diễn với Hữu Nghĩa chứ không diễn với mày".
Họ không chịu cho tôi đứng ngang hàng trên sân khấu vì nghĩ tôi chỉ là một thằng xách giỏ, xách dép, ở đợ, phụ việc anh Hữu Nghĩa.
Hồi mới vô nghề còn ngây thơ, trong sáng nên mỗi lần có chuyện là tôi đau đáu trong người. Lần đó, tôi được mời diễn một vở kịch truyền hình cho Đài Bình Dương. Suốt thời gian tập luyện, diễn viên ngôi sao không lên, phải nhờ người đứng ra thoại dùm cho anh em tập.
Đến khi mọi người tập đâu vào đấy thì diễn viên ngôi sao mới tới, phá nát đường dây và công sức tập luyện của tập thể bao nhiêu ngày trước. Tới khi phúc khảo, ông ta đòi đổi vai, đóng vai của tôi.
Tác giả, đạo diễn cũng nổi tiếng nhưng ngại người đó là diễn viên ngôi sao. Nửa đêm, đạo diễn điện thoại cho tôi bảo đổi vai. Tôi sốc lắm vì mình vốn rất ngưỡng mộ người ta, xem người ta như thần tượng trong nghề.
Tôi sốc đến nỗi bỏ ra khách sạn ở Vũng Tàu ngồi uống rượu một mình, khóc tức tưởi rồi gọi điện cho anh Hữu Nghĩa đòi chết.
Tôi nói "em đang ở lầu 5 khách sạn. Em mở cửa ra, bước xuống là em chết". Anh Hữu Nghĩa chửi: "Mày điên hả? Ngày xưa tao còn chịu nhiều hơn mày, đủ thứ chuyện, có gì đâu mà phải chết. Mày đang ở đâu ngoài Vũng Tàu, tao kêu anh em ra đón mày...".
Tôi cứ khóc, khóc rồi ngủ quên lúc nào không hay. Tỉnh dậy nước mắt nước mũi chảy tem lèm cả mặt.
Bị giám đốc hãng phim đề nghị mua vai diễn
Đỉnh điểm chuyện khiến tôi chán nản liên quan tới một cậu diễn viên học khoá sau, cũng mập giống tôi. Cậu ta làm xong không ưa lấy tiền.
Hôm đó, tôi và cậu ta đều quay chương trình cho một đài truyền hình. Khi tôi ra lãnh lương, biên tập chương trình bảo "thằng M không lấy, sao mày lấy tiền". Biên tập muốn ăn chặn tiền lương của diễn viên.
Lúc đó, lương có 700,000, 800.000 đồng thôi. Tôi bảo "nó không lấy là chuyện của nó. Tôi phải lấy chứ, đó là công sức làm việc của tôi". Vì chuyện đó mà sau tôi đi làm mấy chỗ khác đều bị người ta cô lập.
Rồi một lần, có vị giám đốc hãng phim lớn kêu tôi đi uống cà phê. Anh ta bảo: "Có bộ phim này 5 tập, thằng mập giống em đã trả anh 4 triệu để được đóng vai này. Giờ em trả nhiều hơn 4 triệu đi, anh giao vai cho em".
Lẽ ra, tôi đi đóng phim thì người ta phải trả lương cho tôi, đằng này họ đề nghị tôi trả tiền ngược cho họ để mua vai. Tôi nói "xin lỗi anh nha" rồi đứng lên trả tiền đúng ly cà phê của mình.
Cuộc đời tôi, chưa bao giờ biết ăn chặn một đồng của ai. Khi mở hãng phim, làm phim lời hay lỗ không cần biết nhưng khi đã mời diễn viên dù nổi tiếng hay không nổi tiếng, vai lớn hay vai nhỏ, tôi đều trả sòng phẳng đúng công sức lao động của họ.
Tôi cũng chưa bao giờ lợi dụng ai trong cuộc chơi này.
Chứng kiến nhiều chuyện nên tôi buồn quá, nghỉ diễn. Nhưng khi tôi muốn bỏ nghề thì có nhân tố mới xuất hiện và giữ lại. Có lẽ Tổ nghiệp còn thương, còn nhìn tới tôi!
Nghệ sĩ sống 4 mặt chứ không phải 2 mặt
Cỡ năm 2003, tôi có nhóm hài riêng và thường xuyên đi tỉnh diễn. Bạn diễn trong nhóm hài với tôi cũng là bạn cùng lớp tên Lý Trung Hậu.
Lần đó, Hậu cùng bạn đi thăm một người bác của bạn ở Bình Phước. Trên đường về Hậu bị đụng xe. Người tông xe Hậu là một quan chức rất lớn ở Bình Dương cho nên vụ đó bị chìm xuồng. Không đăng báo cũng không xét xử gì hết.
Gia đình Hậu đem xác con về Cà Mau. Vợ con người tông xe xuống Cà Mau chịu hết chi phi tang lễ, mua đền xe mới và bồi thường tính mạng với số tiền lớn để vụ việc yên luôn.
Sau chuyện đó, tôi chán. Tôi chán khủng khiếp. Tôi không còn thấy vui vẻ nữa nên quyết định nghỉ diễn và đổi số điện thoại. Không ai kiếm được tôi.
Tôi về Bình Thới quận 11 ở và làm công việc buôn bán. Được khoảng 3 năm thì tình cờ tôi gặp một anh bạn học lớp đạo diễn do thầy Trần Ngọc Giàu chủ nhiệm. Thầy Giàu lúc đó cũng là Giám đốc Nhà hát Kịch thành phố.
Bạn đó nhờ tôi diễn dùm hai tiểu phẩm dự thi trong trường cùng Đức Thịnh, Hòa Hiệp và một người tên Tài. Tôi vào vai ông cảnh sát đi bắt gái điếm trong đêm giao thừa.
Không ngờ, sau đêm thi đó, thầy Trần Ngọc Giàu chọn ra 6 tiểu phẩm hay nhất dựng thành chùm hài kịch cười và đưa về Nhà hát Kịch thành phố công diễn bán vé. 2 trong 6 tiểu phẩm đó có tôi tham gia.
Thời điểm đó, Hoài Linh mới về Việt Nam. Anh Hoài Linh vô nhà hát xem và chọn tiểu phẩm "Quả đào lửa" mà tôi đóng vai cảnh sát đi diễn. Hoài Linh thế vai của Đức Thịnh còn 3 vai kia giữ nguyên.
Nghe mọi người nói tôi nghỉ nghề từ 3 năm trước, Hoài Linh bảo "Anh thấy em còn duyên quá mà Hoàng, sao lại nghỉ nghề".
Tôi cũng chia sẻ thật, Hoài Linh động viên tôi đi diễn lại. Tôi theo Hoài Linh đi diễn từ Nam chí Bắc. Sau đó, tôi diễn luôn và quay lại làm nghề cho tới bây giờ.
Trên phim trường cũng như trong cuộc sống, Hoàng Mập là người rất thân thiện, luôn tươi vui và sống hết lòng với anh em bạn bè.
Bao nhiêu năm trong nghề, tôi chứng kiến nhiều người xạo vô cùng. Hồi được diễn với anh Hoài Linh, tôi vui lắm. Tôi khoe với một diễn viên cũng khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Tôi bảo "tối nay em diễn với anh Hoài Linh nè, kịch vui lắm".
Người đó trề môi, nguýt dài một tiếng bảo "thằng đó mà coi cái gì" rồi quay đi.
Hôm sau, cũng chính tôi thấy người đó gặp Hoài Linh ôm ôm ấp ấp, cười nói vui vẻ "anh anh em em". Tôi hoang mang lắm. Tôi bị sốc. Tôi nghĩ "cái gì vậy trời"?
Để nói về nghề này, người ta sống 4 mặt chứ không phải 2 mặt. Tôi chứng kiến nhiều lắm, nghệ sĩ đang nổi, ai cũng cung phụng nhưng hết thời rồi biết, không ai nhìn mặt luôn. Hoặc lúc chưa có tên tuổi, đi đâu cũng ngồi ghẻ lạnh, không ai săn đón..."
* Ghi theo lời kể của nghệ sĩ Hoàng Mập
Theo Trí Thức Trẻ
"Biết em là con nghệ sĩ Hoàng Mập, một số người đã không ưa ra mặt" "Vì là con nghệ sĩ nên mọi người mặc nhiên gắn cho em cái mác chảnh và ghét em", Khánh Trinh - con gái Hoàng Mập chia sẻ. Khánh Trinh tên thật là Bùi Lê Đoan Trinh, con gái lớn của danh hài Hoàng Mập. Khánh Trinh đang là sinh viên năm nhất trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, lớp diễn viên...