Hoang mang về tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên
Các chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng đã có một số bước tiến thực chất trong chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Ông Kim Jong Un tuyên bố Bình Nhưỡng sắp tiến tới giai đoạn thử ICBM đủ sức bắn tới Mỹ – Ảnh: KCNA/Reuters
Về tuyên bố của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un trong bài diễn văn mừng năm mới rằng nước này đang tiến gần đến giai đoạn phóng thử nghiệm ICBM, thế giới đang có những phản ứng khác nhau.
Giới chuyên gia quốc tế cho rằng điều này là có căn cứ, trong khi đó, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tuyên bố ngắn gọn “Không thể có được!”. Ông Trump cũng không quên chỉ trích Trung Quốc “ăn của cải của Mỹ” nhưng không chịu giúp đỡ khắc chế Bình Nhưỡng.
“Đe dọa nước Mỹ”
Dẫn ý kiến các chuyên gia, hãng tin Reuters cho biết Triều Tiên đã và đang tiến hành thử nghiệm động cơ và lá chắn nhiệt cho ICBM. Song song đó, họ đang phát triển công nghệ dẫn đường cho tên lửa trong chu kỳ trở lại bầu khí quyển sau khi bắn.
“Tin tốt” là Bình Nhưỡng tuy đã tiến gần đến giai đoạn phóng thử ICBM, họ sẽ mất thêm vài năm nữa để hoàn thiện nó. Còn “tin dữ” là một khi đã hoàn thiện, ICBM của Triều Tiên có thể đe dọa tận nước Mỹ – vốn nằm cách xa đến 9.000 km.
Tên lửa ICBM nói chung có tầm bắn tối thiểu 5.500 km, nhưng một số được thiết kế bắn xa tới 10.000 km hoặc hơn. Truyền thông nhà nước Triều Tiên thường xuyên dọa sẽ tấn công Mỹ bằng hạt nhân, nhưng trước năm 2016 người ta đánh giá Bình Nhưỡng chưa đủ khả năng làm chuyện đó.
“Chốt lại là chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng tiến xa hơn những gì hầu hết mọi người nghĩ” – bà Melissa Hanham, chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (California, Mỹ), kết luận.
Bà Hanham nhận xét vụ thử động cơ nhiên liệu lỏng hồi tháng 4-2016 của Triều Tiên là một bước tiến đột phá. “Lần thử động cơ đó quả thật xuất sắc. Trong nhiều năm, chúng tôi biết Triều Tiên sở hữu mẫu thiết kế tên lửa R-27 của Liên xô. Họ đã cải tiến nó để tăng gấp đôi lực đẩy” – nữ chuyên gia Mỹ nhận định.
Triều Tiên từng tuyên bố có khả năng lắp đầu đạn hạt nhân lên ICBM, nhưng khả năng thu nhỏ phần đầu đạn hạt nhân của họ chưa được xác minh theo nguồn độc lập.
Theo đánh giá, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên lệ thuộc vào công nghệ và các mẫu thiết kế thời Liên xô. Họ có thể sản xuất các linh kiện tên lửa trong nước và năm ngoái đã đầu tư rất nhiều cho hạ tầng phát triển loại vũ khí này. Bình Nhưỡng được cho là có đủ lượng uranium để sản xuất 6 quả bom nguyên tử mỗi năm.
Ông Trump phản đối ý tưởng Triều Tiên có thể đe dọa Mỹ – Ảnh: Reuters
Tên lửa Triều Tiên sẽ bay trong năm 2017?
Trong năm vừa qua, truyền thông nhà nước Triều Tiên nhiều lần đăng hình ảnh các vụ thử liên quan tên lửa ICBM, lúc là động cơ, khi thì lá chắn nhiệt bảo vệ tên lửa. Dù bằng cách “khoe hàng” này, Bình Nhưỡng có thể làm lộ một số bí mật quân sự nhưng giới quan sát nhận xét họ muốn “bịt miệng” các chuyên gia quốc tế, những người hay nghi ngờ về chương trình tên lửa Triều Tiên.
Video đang HOT
“Họ đang đáp trả chê bai của các chuyên gia Mỹ. Rất nhiều người nghi ngờ làm gì mà Triều Tiên sở hữu được tấm chắn nhiệt ICBM. Và thế là họ cho chúng ta thấy” – ông Joshua Pollack, biên tập viên tạp chí Nonproliferation Review, nhận xét.
Triều Tiên từng phóng tên lửa tầm xa trong quá khứ nhưng họ tuyên bố nó chỉ mang tính chất hòa bình và mục đích là đưa vật thể vào không gian. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tin rằng tên lửa Kwangmyongsong Bình Nhưỡng dùng để đưa một vệ tinh lên không gian hồi tháng 2-2016 có tầm bắn có thể lên tới 12.000 km nếu nó được cải tiến lại.
“Triều Tiên đang làm việc cật lực để phát triển công nghệ khởi động lạnh và đưa tên lửa trở lại bầu khí quyển. Hàn Quốc và Mỹ sẽ phải đánh giá thêm họ đang ở giai đoạn phát triển nào” – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Roh Jae Cheon thông báo hôm 2-1.
Ông Roh cho biết Triều Tiên bắt đầu leo thang chương trình tên lửa từ tháng 3-2016 nhưng chưa có “dấu hiệu bất thường” nào liên quan đến việc phóng thử.
Tháng 3-2016 cũng là thời điểm truyền thông Triều Tiên đăng bức hình ông Kim Jong Un đứng bên cạnh một vật thể nhỏ giống quả banh. Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên gọi đó là một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ – mảnh ghép cuối cùng Bình Nhưỡng cần để hoàn thiện “mối đe dọa ICBM”.
“2016 đánh dấu năm Triều Tiên thật sự đẩy mạnh chương trình WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt). Tôi cho rằng chúng ta sẽ chứng kiến một vụ phóng thử trong năm 2017″ – chuyên gia Hanham dự báo.
“Không thể có được”
Phản ứng trước tuyên bố sắp thử nghiệm ICBM của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Tổng thống đắc cử Donald Trump viết trên trang Twitter: “Triều Tiên mới nói họ đang trong giai đoạn cuối phát triển vũ khí hạt nhân đủ sức bay tới Mỹ. Điều đó sẽ không xảy ra!”.
Sau đó, ông Trump tiếp tục chỉ trích Trung Quốc – đồng minh chính của Triều Tiên: “Trung Quốc đã lấy hàng đống tiền bạc và của cải từ Mỹ trong một mối quan hệ giao thương bất bình đẳng nhưng lại không chịu giúp chuyện Triều Tiên. Hay lắm!”.
(Theo Tuổi Trẻ)
Đường một chiều, bất tiện nhưng phải đổi?
Trước thông tin nhiều tuyến đường đổi thành một chiều, người dân và các chuyên gia giao thông cho rằng chắc chắn sẽ có nhiều bất tiện để đổi lấy việc giao thông thông thoáng nhưng phải đổi.
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to) - Sơ đồ: Việt Thái
Tại cuộc họp mới đây với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về tình hình ùn tắc giao thông, ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết Sở hiện đang nghiên cứu tổ chức các cặp đường một chiều là đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ; đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định; đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch và cặp đường Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn.
Việc đổi các tuyến đường này thành đường một chiều được cơ quan chức năng hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết nạn kẹt xe thông qua việc làm giảm giao cắt, tăng khả năng thông hành của tuyến đường so với việc tổ chức lưu thông hai chiều.
Tuy nhiên nhiều người dân, đặc biệt là các hộ sống ở hai bên đường, lại lo ngại việc đổi đường một chiều sẽ gây bất tiện trong đi lại cũng như mua bán hàng hóa. Đáng chú ý là hai tuyến đường Cộng Hòa và Trường Chinh không song song với nhau, cũng không có nhiều tuyến đường cắt ngang thông hành. Như vậy việc đổi hai tuyến đường này thành đường một chiều hướng ngược nhau có giúp giảm ùn tắc như mong muốn hay chỉ chuyển kẹt xe từ nơi này sang nơi khác?
Lo ngại đi xa, buôn bán ế ẩm
Chị Minh Tân - chủ hộ buôn bán nằm trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) - cho biết chị rất lo lắng vì cửa hàng của gia đình nằm ở bên trái tuyến đường, khi đổi thành một chiều sợ rằng xe không sang đường được, công việc làm ăn không còn thuận lợi như trước.
"Tôi nghĩ chính quyền nên xem xét việc giảm thuế cho những hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng như gia đình chúng tôi trong thời gian đầu nếu thay đổi đường thành một chiều", chị Tân đề nghị.
Anh Đinh Hồng Nhật (Q.Tân Phú) cho hay anh thường xuyên đi đường Cộng Hòa hướng đi Lăng Cha Cả để đi làm, khi đường chỉ cho đi một chiều ngược lại thì anh buộc phải thay đổi sang tuyến Trường Chinh.
"Không biết khi đổi thành một chiều rồi thì con đường này có lại quá tải và kẹt nữa không? Trước mắt tôi thấy mình đã phải đi xa hơn trước, ngã tư Bảy Hiền lưu lượng xe cũng rất lớn, không biết đường Hoàng Văn Thụ có sức chứa nổi không?" - anh Nhật lo lắng.
"Tôi sẵn sàng đi xa hơn nếu thực sự nó giải quyết được bệnh kẹt xe. Chỉ sợ đâu lại vào đấy kẹt vẫn kẹt mà phải chạy xa hơn thôi", bạn đọc Chương Dương khẳng định.
Nhiều ý kiến ủng hộ giải pháp đổi thành đường một chiều, tuy nhiên cũng góp ý rằng nên xây dựng nhiều tuyến đường nối giữa hai đường song song, tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Giải pháp cuối cùng để giảm ùn tắc
Xe cộ kẹt cứng
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị - cho rằng việc chuyển đường từ hai chiều thành một chiều là một trong những cách giảm ùn tắc cuối cùng khi các phương án khác không còn hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển TP.HCM, cho rằng việc chuyển đường từ hai chiều thành một chiều nên được cân nhắc thật kỹ. Có thể giải pháp này sẽ giúp giao thông trên trục đường đó thuận lợi hơn nhưng lại khiến những tuyến đường thay thế xung quanh trở nên quá tải.
"Đường hai chiều có thể ách tắc nhưng ngược lại người tham gia giao thông có thể lưu thông với hướng đích rõ ràng, còn đường một chiều tuy thông thoáng nhưng lại khiến người dân phải tìm đường ngang ngõ tắt chạy rất xa để tìm một con đường khác giải quyết công việc. Do đó, vấn đề này không đơn giản, nếu không tính toán kỹ sẽ gây thiệt hại rất nhiều cho người dân", ông Hòa nhận định.
Tuy nhiên theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), bài toán giao thông đô thị là một bài toán khó vì nó gắn liền với rất nhiều vấn đề như dân sinh, phát triển cộng đồng, kinh tế xã hội, du lịch, quy hoạch... Vì thế, không có giải pháp nào là tối ưu cho tất cả mọi người.
"Nếu chúng ta đã xác định đặt ưu tiên hàng đầu là giải quyết nạn ùn tắc thì những vấn đề còn lại sẽ không được chú trọng bằng. Giải pháp nào cũng vậy, được cái này thì mất cái kia, người dân sẽ có người thiệt nhiều, người thiệt ít, quan trọng là cần đặt lên bàn cân xem giải pháp nào có lợi nhiều hơn.
Đây thực sự là một bài toán khó cần phải cân nhắc nhiều và cần phải tham khảo ý kiến người dân cũng như các chuyên gia nhiều hơn nữa ", ông Đức Hải nói.
Tiêu chuẩn nào cho đường một chiều?
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, không phải con đường nào cũng dễ dàng chuyển đổi từ một chiều thành hai chiều.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết muốn xây dựng tuyến đường một chiều thì thứ nhất phải có đường thay thế song song có mặt cắt hợp lý và nằm không quá xa so với đường cũ. Thứ hai, phải có hệ thống đường nối ngang giữa hai tuyến đường trên để tiện cho việc đi lại của người dân.
Theo ông Nguyễn Minh Hòa, xét trên những tiêu chuẩn này thì những con đường gần nhau và hoàn toàn song song như Hai Bà Trưng và Phạm Ngọc Thạch hay Lê Quý Đôn và Trần Quốc Thảo hoàn toàn có thể xây dựng đường một chiều ngược hướng lưu thông. Hơn nữa giữa hai cặp đường này có rất nhiều đường thông nhau.
Còn đường Cộng Hòa - Trường Trinh - Hoàng Văn Thụ thì nên suy nghĩ lại. Thứ nhất vì hai con đường này nằm quá xa nhau. Thứ hai, những tuyến đường đấu nối giữa hai con đường này lại khá rắc rối và hiện cũng đang gặp phải tình trạng kẹt xe.
Khi biến Cộng Hòa -Trường Chinh thành đường một chiều thì lượng lưu thông sẽ đổ dồn lên các đường ngang, từ đó lại gây kẹt xe trên các tuyến này. Muốn mở đường một chiều trên tuyến Cộng Hòa - Trường Chinh thì nên mở thêm những con đường nối rộng hơn để "gánh" bớt lượng lưu thông quá lớn của hai tuyến đường - ông Minh Hòa cho biết.
Ông Hòa cũng đề xuất riêng đối với đường Cộng Hòa, có thể nghĩ đến các giải pháp giảm kẹt xe tối ưu hơn như xây dựng tuyến đường trên cao, có thể sẽ tốn kém nhưng người dân sẽ được lợi nhiều hơn.
"Đối với con đường này tôi nghĩ phương án xây dựng lưu thông một chiều chỉ nên áp dụng trong một thời gian tạm thời, khi đã có giải pháp khác thì nên trả lại cho người dân những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng", ông Hòa đề xuất.
Đồng tình với ý kiến trên, KTS Trương Nam Thuận (Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN) cho rằng giải pháp đổi đường hai chiều thành một chiều không phải là biện pháp chống kẹt xe lâu dài.
Nếu làm không khéo thì kẹt xe chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác vì về cơ bản phương án này không làm thay đổi lưu lượng giao thông trong tổng thể hệ thống.
"Vấn đề là mật độ sử dụng giao thông TP.HCM lúc nào cũng đông. Kẹt là điều chắc chắn, vấn đề là điều tiết luồng giao thông thế nào cho hiệu quả, chờ cho đến khi TP.HCM đẩy nhanh phát triển tuyến tàu metro và phát triển dự án vùng ven nhằm giãn mật độ dân số", KTS Trương Nam Thuận cho biết thêm.
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to) - Sơ đồ: Việt Thái
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to) - Sơ đồ: Việt Thái
Dự kiến hướng lưu thông một chiều của đường Lê Quí Đôn và đường Trần Quốc Thảo - (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to) - Sơ đồ: T.Thiên
(Theo Tuổi Trẻ)
Tấn công bằng lựu đạn ở Phnom Pênh, ít nhất 3 người bị thương Nguồn tin cảnh sát cho biết, trong số những người bị thương có một người đàn ông quốc tịch Việt Nam song không nói rõ danh tính. Cảnh sát Campuchia bảo vệ hiện trường sau vụ tấn công tối ngày 6-9 - Ảnh: Twitter Khmer Times dẫn nguồn tin cảnh sát quận Chamkamorn cho biết vụ tấn công xảy ra vào khoảng 19g40...