Hoang lạnh tượng đài 30 tỉ xây 6 năm chưa xong
Dự kiến sau 1 năm xây dựng, tượng đài nhà yêu nước Phan Đình Phùng ( Vũ Quang – Hà Tĩnh) sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua, nhiều hạng mục tại công trình 30 tỷ này vẫn bỏ dở. Đặc biệt, nơi đây được các con nghiện biến thành “bãi đáp” để tiêm chích.
Quần thể tượng đài nhà yêu nước Phan Đình Phùng được khởi công xây dựng năm 2009 trên diện tích 3,8 ha, tọa lạc tại đồi thông của dãy Động Voi (thị trấn Vũ Quang) – nằm ngay cạnh đường mòn Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Công trình do UBND huyện Vũ Quang làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần xây dựng 26/3 thi công. Theo dự kiến, sau 1 năm xây dựng (năm 2010), công trình này sẽ hoàn thành…
Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua, mới chỉ hoàn thành được phần tượng, phần móng; còn nhiều hạng mục như điện chiếu sáng, lát sân, cầu thang lên xuống vẫn còn dang dở.
Theo quan sát của PV, ngay vị trí bể nước nằm ở phần sân phía dưới tượng đài, có ít nhất 5 bơm, kim tiêm mà các con nghiện đã sử dụng. Thông tin từ Công an huyện Vũ Quang cung cấp, trước đó, đã bắt giữ một số đối tượng sử dụng ma túy tại khu vực tượng đài.
Hệ thống bậc thang dẫn lên khu vực tượng Phan Đình Phùng chưa được lát đá, lộ rõ hình những viên gạch đỏ. Số đá để lát bậc thang lại bị chất đống ngổn ngang hai bên bờ tường, nhiều viên bị gãy, vụn vỡ.
Video đang HOT
Cỏ dại mọc um tùm; do không có người trông coi, dọn dẹp nên trông rất nhếch nhác.
Ngoài ra, phần tường bao quanh của quần thể tượng đài đã xuất hiện các vết rạn và vết nứt lớn, dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Một số chỗ được trám lại nhưng không thể che giấu được sự xuống cấp.
“Người dân thị trấn Vũ Quang ai cũng mong công trình hoàn thiện để thể hiện lòng thành kính đối với người đứng đầu của phong trào Cần Vương. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh tượng đài thi công dang dở, nhiều hạng mục xuống cấp, ai cũng cảm thấy rất xót” – ông Trần Thành (68 tuổi, trú thị trấn Vũ Quang) chia sẻ.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phan Xuân Nam, Trưởng ban xây dựng cơ bản huyện Vũ Quang cho hay, kinh phí đã bỏ ra để xây dựng tượng đài khoảng 25 tỷ đồng, còn thiếu 5 tỷ để xây lắp. Trong nhiều năm qua, do không huy động được số tiền còn lại nên chỉ xây dựng “cầm chừng”.
Cũng theo ông Nam, hiện giám đốc đơn vị thi công vừa mất, công trình tạm ngưng lại. Còn một điểm bị rạn nứt, đá lát sân gãy, vỡ thì không thể gọi xuống cấp. Bởi trước khi bàn giao, nhà thầu sẽ sửa chữa lại, lát gạch toàn bộ.
“Thấy công trình tâm linh mà để mãi như vậy, chúng tôi cũng thấy nóng ruột. Huyện sẽ xin các cơ quan ban ngành từ 500 triệu – 1 tỷ cùng đơn vị thi công tiếp tục việc xây dựng”- ông Nam nói.
Nói về thời gian hoàn thành công trình tâm linh này, vị Trưởng ban xây dựng cho hay, hiện huyện đang cố gắng xin vốn để làm cho xong. Tuy nhiên, vừa chưa có tiền, sắp tới lại đến mùa mưa nên trong năm 2015, chưa chắc đã làm được.
Văn Đức
Theo VNN
Cầu treo hơn 3 tỷ đồng phục vụ vài hộ dân
Cầu treo Khe Tây (xóm 6, xã Sơn Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) được đầu tư 3,5 tỷ đồng, nhưng rất ít người qua lại. Bà con chủ yếu lưu thông trên cây cầu cũ cách đó khoảng 500 m.
Cầu treo dân sinh Khe Tây được khởi công vào tháng 1/2015, hoàn thành vào tháng 6 với kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng, do UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) là chủ đầu tư. Cầu nằm trong đề án xây hơn 4.000 cầu treo dân sinh trên toàn quốc.
Cầu dài khoảng 200 m, rộng 1,9 m, tải trọng 0,5 tấn, bắc qua Khe Trươi chảy qua xóm 6, xã Sơn Thọ. Thiết kế toàn bộ cầu là sắt thép được neo bằng dây văng.
Mục đích khi xây cầu treo Khe Tây là để 26 hộ dân thuộc xóm 6 xã Sơn Thọ lưu thông qua các xóm 1, 2, 3, 4 và đi sang các huyện lân cận như Hương Sơn, Đức Thọ.
Trên thực tế, điểm đặt cầu từ ngoài đường liên thôn thuộc xóm 5 (xã Sơn Thọ) vào bên trong khu vực thuộc xóm 6 chỉ có hai hộ dân sinh sống. Trong hai hộ dân này có nhà của chủ tịch xã.
Ông Nguyễn Khắc Hội, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ cho biết, toàn bộ diện tích xóm 6 xã Sơn Thọ là 4.500 ha, tách ra hai nửa. Hai hộ dân thường đi qua cầu, sinh sống bên này suối có diện tích khoảng 500 ha. Theo ông Hội, xây cầu là để đáp ứng nhu cầu người dân qua lại làm việc, bởi khi mùa mưa lũ về, di chuyển bằng những quãng đường khác sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên, 24 hộ dân bên kia suối lại không chọn con đường này. Họ đã quen đi lại qua cầu Gãy, nằm song song và cách cầu Khe Tây khoảng 500 m. Cầu Gãy được xây từ năm 2006, dài khoảng 50 m, rộng 3,5 m, đang còn mới. Đây là trục chính giao thông của xã Sơn Thọ sang các huyện khác.
Một số người dân xóm 6 ở phía bên kia suối cho rằng việc xây cầu chỉ để phục vụ 2 hộ dân là lãng phí.
Chiều 10/8, ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, đề án này là từ đề xuất của Hà Tĩnh. Tỉnh đã quy hoạch một khu dân cư mới ở xóm 6 xã Sơn Thọ với 42 hộ dân, hiện tại mới được 26 hộ.
Theo ông Vinh, Tổng cục Đường bộ đã cho người về khảo sát và thấy việc xây cầu Khe Tây là đúng với thực tế. "Đề án này chưa hoàn chỉnh, sau này quy hoạch xong khu dân cư mới sẽ xây thêm một con đường ở phía dưới suối để người dân qua cầu Khe Tây được thuận lợi. Vấn đề này đang được quy hoạch, khoảng 5-10 năm nữa mới có thể triển khai", ông Vinh nói và cho hay mọi cái phải làm từ từ, không thể vội vàng.
Trước dư luận cho rằng cầu Khe Tây chỉ phục vụ gia đình Chủ tịch xã, ông Nguyễn Khắc Hội cho rằng "đó là dự án được tỉnh và Bộ phê duyệt, nếu ông chủ tịch không ở đó thì cầu cũng được xây".
Đức Hùng
Theo VNE
Bến xe 130 tỷ đồng thu về 130 triệu sau 3 năm Bến xe phía Nam Đà Nẵng được đầu tư 130 tỷ đồng nhưng sau 3 năm chỉ thu về 130 triệu đồng trước thuế, vì lý do phân chia luồng tuyến không đúng với "thỏa thuận" ban đầu. Bến xe này đang được "xẻ" ra để xây nhà máy sản xuất linh kiện điện tử. Bến xe khách liên tỉnh phía Nam Đà...