Hoàng Kiều: Tỷ phú thế giới muộn màng tuổi 70
Nổi lên muộn màng ở Mỹ, khi đã bước sang tuổi 70 mới vào danh sách tỷ phú thế giới, nhưng tốc độ tăng thứ hạng của ông Hoàng Kiều lại nổi bật.
Kiếm tỷ USD trong vài tháng
Danh sách cập nhập các tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes vẫn chứng kiến sự áp đảo về số lượng người giàu có của nước Mỹ với gần 500 tỷ phú, trong đó, nhóm các tỷ phú nhập cư tiếp tục tăng và cải thiện mạnh mẽ vị trí của mình.
Hoàng Kiều là một cái tên trong số đó. Tỷ phú gốc Việt này đứng thứ 4 trong số các tỷ phú nhập cư vào Mỹ mới nổi với khối tài sản bất ngờ tăng mạnh từ mức 1,6 tỷ USD trong bảng xếp hạng hồi tháng 3 lên 2,8 tỷ USD.
Báo chí Mỹ nhắc khá nhiều tới doanh nhân 70 tuổi bởi tốc độ tăng hạng chóng mặt và vượt qua rất nhiều tỷ phú Mỹ khác.
Tính tới ngày 19/9, ông Hoàng Kiều đứng ở vị trí thứ 633 trên thế giới và thứ 222 tại Mỹ, cao hơn rất nhiều so với các vị trí tương ứng 1.078 và 360 trong danh sách những người giàu nhất thế giới và Mỹ do Forbes công bố cách đây 6 tháng.
Tên tuổi và giá trị tài sản của tỷ phú Hoàng Kiều trong bảng xếp hạng của Forbes
Cái tên khá lạ lẫm đối với nước Mỹ – Hoàng Kiều – nhanh chóng được biết đến và được đánh giá cao bởi tốc độ tăng trưởng tài sản cũng như tiềm năng của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế của vị đại gia gốc Việt.
Vị tỷ phú hiện đang sống tại Los Angeles của Mỹ nhưng sở hữu công ty chuyên về huyết tương có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc này chứng kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên 28 triệu USD, trong khi doanh thu cũng tăng hơn 80% lên 88 triệu USD.
Ông sở hữu 183,6 triệu cổ phiếu, tương đương 37% vốn của Shanghai RAAS và bắt đầu có tên trong danh sách các tỷ phú của thế giới sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi giữa tháng 1/2014. Khi đó, ông Hoàng Kiều có lượng cổ phiếu trị giá khoảng 1,4 tỷ USD.
Theo Bloomberg, giá cổ phiếu RAAS cũng đã tăng gấp 3 lần trong năm 2013 trước khi IPO. Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ suất lợi nhuận của RAAS thấp và cổ phiếu đang được giao dịch với P/E (giá/lợi nhuận) lên đến cả trăm lần. Tuy nhiên, giới đầu tư lạc quan đối với lĩnh vực y tế và đánh cược vào khả năng tăng trưởng đột biến của cổ phiếu của ông Hoàng Kiều, nhất là sau khi RAAS thâu tóm một số DN địa phương nhằm mở rộng khả năng cung cấp các sản phẩm y tế.
Video đang HOT
Tỷ phú Hoàng Kiều hay tham gia tổ chức các cuộc thi sắc đẹp thế giới
Dấu ấn đậm nét nơi xứ người
Nổi lên muộn màng ở Mỹ, khi đã bước sang tuổi 70 mới vào danh sách tỷ phú thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng thứ hạng của ông Hoàng Kiều là một hiện tượng nổi bật trong danh sách cả nghìn tỷ phú USD của thế giới.
Trên thực tế, trước khi IPO để trở thành công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn, RAAS đã là một DN nổi tiếng, từng lọt top 200 doanh nghiệp vốn hóa dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm 2012. Ông Hoàng Kiều cũng từng 3 lần được nhận danh hiệu doanh nhân tiêu biểu của Mỹ và là “công dân danh dự” của chính quyền Thượng Hải.
Thành công của ông Hoàng Kiều là kết quả của quá trình làm việc cật lực hơn 20 năm tại Mỹ và cũng chừng ấy thời gian vận hành Shanghai RAAS tại Trung Quốc. Đúng 40 năm rời xa Việt Nam, ông Hoàng Kiều đã trở thành Việt kiều giàu nhất trên phạm toàn thế giới nhờ nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi của mình.
Trong một khoảng thời gian rất ngắn, xấp xỉ nửa năm, ông Hoàng Kiều đã vượt qua 138 tỷ phú nước Mỹ và đứng trên 22 trong số 24 tỷ phú có cùng số tài sản là 2,8 tỷ USD khác nhờ vào tốc độ tăng trưởng ấn tượng và triển vọng của DN của ông tại thị trường rộng lớn Trung Quốc.
Cũng như nhiều người gốc Việt giàu có khác, ông Hoàng Kiều trở thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng, từ một thời làm thuê cho phòng thí nghiệm của Abbott, cho tới khi gom góp tiền mở DN kinh doanh sản xuất huyết tương tại Mỹ và rồi tấn công vào thị trường Trung Quốc.
Giờ đây, ông là một trong số khoảng gần chục doanh nhân gốc Việt có tiếng tăm tại Mỹ và đứng đầu trong số này.
Trước đó, giới đầu tư khá quen thuộc cái tên Trần Đình Trường, nguyên là ông chủ của nhiều khách sạn tại New York.
Trong lĩnh vực công nghệ, nhiều doanh nhân gốc Việt cũng rất thành đạt và giàu có, như trường hợp ông Đoàn Trí Trung, Bill Nguyễn, Trung Dung…
Cách đây hơn chục năm, giới đầu tư đã biết tiếng một đại gia công nghệ gốc Việt là Trung Dung, với thương vụ bán cổ phần trị giá 1,8 tỷ tại OnDisplay cho Vignette Corporation.
Còn ông Đoàn Trí Trung là một trong những người sáng lập và hiện là chủ tịch kiêm CEO của nhiều công ty, trong đó có SemiLEDs (Mỹ). Cổ phiếu của DN này hiện đang được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ với mã LEDS. Ông Trung là chủ hoặc đồng chủ sở hữu hàng trăm bằng sáng chế có giá trị trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử tại Mỹ.
Mảng tài chính ngân hàng cũng chứng kiến khá nhiều doanh nhân gốc Việt nổi tiếng như trường hợp tỷ phú Chính Chu (em rể ca sỹ Cẩm Ly), giám đốc điều hành cao cấp của tập đoàn quản lý quỹ hàng đầu thế giới Blackstone (hiện quản lý hơn 200 tỷ USD)…
Theo Huấn Tú
VEF
Dư âm sự kiện tỷ phú thế giới đến Đà Nẵng: "Khơi nguồn cảm hứng" cho ngành du lịch
Sự kiện hàng chục chuyên cơ "khủng" của các chính khách, tỷ phú thế giới đến Đà Nẵng để tham gia hội nghị tài chính quốc tế (họp kín) tại khu nghỉ dưỡng cao cấp hàng đầu Việt Nam - InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (trên bán đảo Sơn Trà) đến nay dư âm vẫn còn... râm ran. Sự kiện trên liệu có "khơi nguồn cảm hứng" cho du lịch Đà Nẵng nói riêng và cả Việt Nam?
Bà Nà - một điểm đến hấp dẫn tại Đà Nẵng
Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao các nhà tổ chức sự kiện lại chọn Đà Nẵng làm điểm đến, và InterContinental Danang Sun Peninsula Resort làm nơi tổ chức sự kiện tài chính hàng đầu thế giới, trong khi đó hội nghị này trước đó tổ chức tại thành phố nổi danh New York (Mỹ).
Điều này cũng dễ hiểu, vì khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã vượt qua các tên tuổi lớn trong khu vực để vinh dự được chọn là người chiến thắng và nhận cùng lúc hai giải thưởng danh giá: Asia's Leading New Resort (Khu nghỉ dưỡng mới hàng đầu châu Á) và Vietnam's Leading Resort (Khu nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam) do World Travel Awards trao tại Dubai ngày 1-10-2013. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để khu nghỉ dưỡng này gây tiếng vang trên toàn cầu và được các nhà tổ chức sự kiện tài chính quốc tế trên nhắm đến.
Khách quốc tế đến Đà Nẵng, ngoài công việc còn dành nhiều thời gian thưởng lãm thắng cảnh Đà Nẵng và các địa phương lân cận
"Đà Nẵng cũng rất vinh dự và tự hào qua sự kiện trên", ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.Đà Nẵng, nói. Theo ông Cường, trong những năm qua Đà Nẵng đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và có bước phát triển tốt, đặc biệt hướng đến chiến lược du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị, hội thảo...
Thời gian gần đây, Đà Nẵng đón nhiều hoạt động mang tầm quốc tế. Đà Nẵng đứng thứ ba sau Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh về cơ sở lưu trú cao cấp (10 khách sạn, resort 5 sao; 6 khách sạn 4 sao, 25 khách sạn 3 sao, với khoảng 7 ngàn phòng đẳng cấp). Các dịch vụ hỗ trợ cũng có bước phát triển vượt bậc. Hiệp hội golf thế giới từng đánh giá sân golf Đà Nẵng tốt nhất Việt Nam. Hệ thống dịch vụ ven biển được tăng cường, nhà hàng, dịch vụ ăn uống đảm bảo. Đà Nẵng có kết quả tốt về môi trường, an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội..., vừa được Smart Travel Asia - tạp chí du lịch trực tuyến uy tín hàng đầu châu Á với hơn 1 triệu độc giả trên toàn thế giới, bình chọn là một trong mười điểm đến hấp dẫn nhất châu Á năm 2013.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội lữ hành TP.Đà Nẵng, cho rằng sự kiện vừa rồi nâng tầm cho Đà Nẵng và có giá trị "PR" rất lớn. Tuy nhiên, Đà Nẵng có được sự kiện trên, công lao lớn nhất thuộc về Tập đoàn quản lý khách sạn IHG (quản lý InterContinental). Với mối quan hệ rộng lớn trên thị trường, khách hàng tổ chức sự kiện và sự kết nối tốt với dịch vụ điểm đến, IHG đã thuyết phục thành công các nhà tổ chức đưa sự kiện về Đà Nẵng.
Khi chúng tôi đặt vấn đề, sự kiện vừa rồi, việc họ chỉ tổ chức hội họp và nghỉ dưỡng tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort chứ chưa thăm thú nhiều nơi, phải chăng mục đích của họ chỉ có thế hay cơ sở dịch vụ du lịch của mình chưa đáp ứng? Ông Dũng cho rằng: "Các sự kiện như thế này chỉ cần tham gia một chương trình tại điểm đến đã rất thành công rồi. Nhưng hơi tiếc là thời gian đoàn ở Đà Nẵng thời tiết không thuận lợi nên đã không tổ chức được chương trình tham quan và Gala dinner tại Hội An".
"Điểm đến có phát triển nhanh chóng, bền vững hay không cần thu hút được các nhà đầu tư lớn, các thương hiệu lớn. Đà Nẵng đã làm rất tốt điều này với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư như Sun Group, Vingroup, Indochina Capital... và các thương hiệu IHG, Accor, Hilton...", ông Dũng nhìn nhận.
Sự kiện vừa rồi thêm một lần nữa khẳng định Đà Nẵng tổ chức được những sự kiện lớn mang tầm quốc tế, thế giới định vị thêm điểm đến Đà Nẵng. Thế nhưng theo ông Cường, Đà Nẵng mới đạt được một số kết quả bước đầu chứ đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo thành phố thì... chưa. Đà Nẵng xác định dịch vụ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn đạt được còn phải làm nhiều, nhất là đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hiện khu vui chơi còn yếu, khu mua sắm, ẩm thực tập trung còn thiếu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng...
"Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế, bởi vậy, phải đầu tư vào chất lượng, cơ sở vật chất, sản phẩm và cả năng lực. Hiện nay, cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng về cơ bản tạm ổn, thành phố đang thúc đẩy các dự án vui chơi giải trí, du lịch tầm cỡ như khu vui chơi giải trí gần khu vực Tượng đài Liệt sĩ TP.Đà Nẵng, Công viên đại dương ở Sơn Trà, khu du lịch tâm linh ở Ngũ Hành Sơn... Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh các khu ẩm thực, nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, mở nhiều đường bay, khai thác thế mạnh con đường di sản miền Trung... Điều đáng nói, du lịch Đà Nẵng muốn có bước đột phá rất cần các nhà đầu tư tâm huyết (như Tập đoàn Sun Group) và không chỉ ngành du lịch mà các ngành, các cấp, địa phương cần chung tay hợp lực", ông Cường cho biết hoạch định du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á (đóng tại Đà Nẵng), đơn vị đào tạo hàng ngàn lượt sinh viên chuyên ngành du lịch, rất ấn tượng với sự kiện các tỷ phú tụ họp tại Đà Nẵng. Theo bà Đào, muốn thu hút những sự kiện như trên, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng thì nguồn nhân lực, phong cách phục vụ chuyên nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
"Với mục đích góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, trường Đại học Đông Á những năm qua liên kết với Thụy Sỹ và Singapore đào tạo, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chuyên nghiệp, khi các đơn vị du lịch tiếp nhận vào làm việc, đánh giá rất cao", bà Đào cho hay.
Rõ ràng, sự kiện hàng loạt chính khách, tỷ phú đi chuyên cơ "khủng" đến Đà Nẵng không chỉ "khơi nguồn cảm hứng" du lịch cho Đà Nẵng. Vấn đề là ngành du lịch biết vận dụng thế và lực lẫn thời cơ như thế nào!
Theo Công An TPHCM