Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ báo lỗ, tổng nợ phải trả hơn 32.000 tỉ đồng
Kết quả lỗ gần 600 tỉ đồng quý IV đã kéo lợi nhuận sau thuế năm 2015 của HAGL sụt giảm mạnh, còn chưa bằng phân nửa năm 2014. Trong khi đó, áp lực nợ gia tăng với tổng nợ phải trả tăng hơn 11.500 tỉ đồng so với 1 năm trước.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai
Sau hai lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc nhở, cuối ngày 14/3/2016, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (mã chứng khoán HAG) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2015.
Đáng chú ý là trong quý IV/2015, HAGL bất ngờ báo lỗ 589 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2014 có lãi 42,4 tỉ đồng). Trong đó, mức lỗ sau thuế của công ty mẹ là hơn 566 tỉ đồng.
Con số này đã kéo sụt lợi nhuận cả năm của HAGL xuống còn 678,6 tỉ đồng, chỉ bằng 46,6% so với kết quả đạt được năm 2014.
Thể hiện trên báo cáo kết quả kinh doanh, có thể thấy hai nguyên nhân lớn khiến HAGL giảm lãi mạnh trong năm, đó là do giá vốn hàng bán tăng mạnh gấp 2,3 lần lên 4.278 tỉ đồng và chi phí tài chính tăng 1,8 lần so với năm trước, lên 1.303,5 tỉ đồng.
Video đang HOT
Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ phải trả của HAGL ở mức 32.641 tỉ đồng, tăng hơn 11.500 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Đây chính là mối lo ngại lớn của cổ đông cũng như nhà đầu tư đối với HAGL trong bối cảnh hiện tại.
Nợ ngắn hạn cuối năm xấp xỉ 12.800 tỉ đồng, tăng 35% so đầu năm, trong khi tài sản ngắn hạn là 13.153 tỉ đồng (tăng 36%). Hàng tồn kho tăng mạnh gần 1.600 tỉ đồng sau 1 năm, ở mức 3.650 tỉ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính còn cho thấy, cuối năm 2015, tập đoàn này có hơn 8.000 tỉ đồng tiền đi vay, tăng 17% so với một năm trước đó. Riêng khoản vay ngắn hạn ngân hàng tăng gần gấp ba, lên xấp xỉ 3.200 tỉ đồng. Ngoài ra, năm vừa rồi HAGL phát sinh thêm khoản vay ngắn hạn thông qua trái phiếu chuyển đổi là 1.130 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2015, chi phí xây dựng dở dang của HAGL tăng rất mạnh, gần gấp đôi so với năm 2014, lên xấp xỉ 12.300 tỉ đồng. Trong đó, tập đoàn của bầu Đức dành tới hơn 10.600 tỉ đồng cho việc trồng và chăm sóc cây cao su và cây cọ dầu (hơn gấp rưỡi năm 2014).
Chi phí dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar cũng bị đẩy lên gấp đôi gần 5.500 tỉ đồng. Chi phí cho nhà máy thủy điện cũng tăng hơn gấp đôi lên 3.300 tỉ đồng. HAGL hiện có 35 công ty con và 5 công ty liên kết.
Bích Diệp
Theo Dantri
Vốn 60 tỷ đồng, 2 đại gia lấy đâu ngàn tỷ chơi với bầu Đức?
Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh có tổng vốn điều lệ 60 tỷ đồng nhưng đã thực hiện thương vụ mua 59 triệu cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai-HAGL Agrico do bầu Đức làm Chủ tịch với giá trị lên tới 1.650 tỷ đồng.
Ông Đoàn Nguyên Đức (hay bầu Đức).
Theo báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ của HNG gửi UBCK và HOSE ngày 23/2 thì HAGL Agrico đã hoàn tất việc chào bán riêng lẻ 59 triệu cổ phiếu cho 2 đối tác chiến lược là Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh.
Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh mua 31,5 triệu cổ phiếu HNG, tương đương tỉ lệ 4,11%; Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh mua 27,5 triệu cổ phiếu HNG, tương đương tỷ lệ sở hữu 3,58%.
Mức giá phát hành của HNG là 28.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền HAGL Agrico thu về là hơn 1.650 tỷ đồng.
Sau khi những thông tin trên được công bố đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Theo lý giải của nhiều nhà đầu tư, đây có thể xem là thương vụ "khủng" đối với hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thị trường càng "sốc" hơn khi tên tuổi của 2 đối tác của bầu Đức trong thương vụ này lộ diện.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh (An Thịnh) và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh (Cường Thịnh) đều được thành lập vào tháng 3/2014. Địa chỉ hoạt động của cả 2 Công ty cùng đặt tại L14-08B, lầu 14, tòa nhà 72 Lê Thánh Tôn, quận 1, Tp Hồ Chí Minh. Đặc biệt, vốn điều lệ của cả 2 Công ty này đều là...30 tỷ đồng.
Như vậy, Cao Su An Thịnh và Cao su Cường Thịnh đều có tuổi đời rất non trẻ, vốn điều lệ của cả 2 Công ty cũng rất khiêm tốn so với giá trị thương vụ đầu tư vào cổ phiếu của bầu Đức.
Điều này đã dấy lên câu hỏi, An Thịnh và Cường Thịnh lấy đâu ngàn tỷ để chơi với bầu Đức trong thương vụ mua 59 triệu cổ phiếu HNG?
Câu trả lời cho câu hỏi này dần sáng tỏ khi mới đây, thông tin về việc Cường Thịnh đang có khoản dư nợ khoảng 450 tỷ đồng (tương đương 15 lần vốn điều lệ Công ty) ở Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được báo chí phản ánh. Khoản vay này cũng được xác định là đã duy trì từ 1 năm trước.
Trong khi đó, cũng giống như Cường Thịnh, An Thịnh cũng đang có dư nợ ở VPBank là 473 tỷ đồng (tương đương hơn 15 lần vốn điều lệ).
Như vậy, tổng dư nợ của An Thịnh và Cường Thịnh đã lên tới gần 920 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần vốn điều lệ của cả 2 Công ty.
Vậy An Thịnh và Cường Thịnh có gì trong tay để thế chấp và vay số tiền lớn như vậy. Câu hỏi này vẫn đang trong vòng bí hiểm và chắc rằng, chỉ có những người trong cuộc mới đưa ra được câu trả lời chính xác nhất.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Rớt top 4, bầu Đức thua chị em vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng Chỉ một thời gian ngắn sau khi rớt khỏi tốp 3, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức đã tiếp tục rớt hạng trong những ngày đầu năm mới. Vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán ngày càng xa vời với đại gia bất động sản và nông nghiệp này. Trong phiên giao dịch sáng...