Hoãn xử vụ bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT
Vụ án “bị đánh chết sau khi cãi với CSGT” được đưa ra xét xử nhưng phải hoãn lại vì cáo trạng còn nhiều điều chưa được làm rõ như: mối quan hệ giữa 2 người gây án với CSGT, không thu giữ vật chứng là chiếc điện thoại với nhiều cuộc gọi bất thường…
Ngày 18/12, TAND quận Tân Phú đã đưa ra xét xử hai bị cáo Lê Thanh Bằng (36 tuổi, ngụ Bến Tre) và bị cáo Võ Văn Tòng (18 tuổi, ngụ Tiền Giang) về tội “Cố ý gây thương tích”. Hai bị cáo này là người trực tiếp đánh anh Trần Văn Hiền (42 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đến tử vong. Vụ án gây chấn động dư luận vì có liên quan đến một số CSGT Công an quận Tân Phú, xảy ra vào tối 9/4/2013 trên đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú.
Theo cáo trạng, tối 9/4, anh Trần Văn Hiền cùng với Trần Văn Hậu, Ngô Quang Ý ra về sau khi uống được vài chai ở một quán nhậu trên đường Lê Trọng Tấn. Anh Hiền chạy xe đến bãi xe Thanh Bằng, địa chỉ 512 Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú thì bị tổ Cảnh sát giao thông Công an quận Tân Phú ra tín hiệu dừng xe và lập biên bản tạm giữ xe do trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định. Anh Hiền bực tức, cự cãi với CSGT đồng thời đập bể điện thoại di động của mình.
Cùng lúc này, Bằng chạy xe máy về nhà thì thấy anh Hiền la ó, chửi mắng. Bằng vào nhà hỏi con: “mẹ về chưa?”. Các con nói mẹ chưa về và khóc thế là Bằng chạy xe đi tìm vợ. Khi ra tới cổng gặp Tòng đang đứng gần tổ CSGT làm nhiệm vụ ở đây, Bằng hỏi là có chuyện gì? Tòng nói người đàn ông đó say rượu bị CSGT giữ xe nên chửi bới.
Do bức xúc, khi thấy anh Hiền bắt xe ôm về hướng ngã tư Gò Mây, Bằng rủ Tòng đuổi theo đánh và Tòng đồng ý. Đến trước cổng một công ty trên đường Lê Trọng Tấn, thuộc phường Tây Thạnh, cách chốt kiểm tra chừng chưa đầy 500m, Bằng chặn đầu xe Hiền rồi xuống xe. Tay trái nắm cổ áo anh Hiền, bị cáo Bằng hỏi, “Lúc nãy mày chửi dữ hả”, rồi dùng tay phải đánh vào mặt. Anh Hiền bỏ chạy vào phía trong, bị cáo Bằng tiếp tục lao tới đánh vào mặt anh Hiền 2 cái nữa.
Hai bị cáo đánh chết anh Hiền tại tòa
Lúc này, anh Hiền van xin: “Đại ca ơi, tha cho em đi”. Tuy vậy, bị cáo Bằng tiếp tục đánh, tay trái nắm dây quai mũ bảo hiểm của anh Hiền đang đội, tay phải đánh cùi chỏ vào mặt làm anh Hiền ngã ngửa xuống đất. Tòng đến xem thì thấy anh Hiền bất tỉnh, rồi leo lên xe bị cáo Bằng chở về bãi xe.
Anh Hiền được mọi người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Khu công nghiệp Tân Bình nhưng nhưng đã tử vong ngay sau đó. Theo kết quả dám định pháp y của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TPHCM thì anh Trần Văn Hiền chết vì chấn thương sọ não. Ngày 15/4, Bằng và Tòng đến Công an quận Tân Phú đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Tại phiên tòa ngày 18/12, phía đại diện người bị hại có chị Nguyễn Thị Thêm và bà Mã Thị Sáng là vợ và mẹ ruột của anh Trần Văn Hiền. Người mẹ già mái tóc bạc phơ, đôi mắt nhăn nheo, tai nghe tiếng được tiếng mất, không giấu nổi sự phẫn nộ trước hành động ngông cuồng, coi thường pháp luật, tước đi mạng sống của con trai mình của 2 bị cáo.
Biện minh cho hành vi phạm tội của mình trước HĐXX, bị cáo Bằng cho rằng vì đang buồn chuyện gia đình, vợ thì bỏ đi đâu không biết, con cái thì khóc, nhìn thấy cảnh anh Hiền quơ tay, quơ chân, cầm điện thoại la lối CSGT nên bức xúc dẫn tới hành vi trên chứ không có chuyện gì khác. Bản thân Bằng cũng khai rằng mình không quen biết hay có mâu thuẫn gì với anh Hiền, không ai xúi giục.
Dù đã làm các thủ tục cần thiết để bắt đầu vào phiên tòa, tuy nhiên, HĐXX xét thấy còn quá nhiều tình tiết mà Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú chưa làm sáng tỏ và cáo trạng của VKSND quận Tân Phú cũng chưa thỏa đáng.
Video đang HOT
Cụ thể, trong quá trình điều tra, cơ quan công an không thu giữ vật chứng là chiếc ĐTDĐ mà bị cáo Bằng và Tòng sử dụng vào tối gây án. Chiếc ĐTDĐ của bị hại Trần Văn Hiền sử dụng vào lúc bị đánh chết nay không biết ở đâu; có chăng vì sợ anh Hiền quay phim, chụp hình CSGT đang làm nhiệm vụ nên mới bị đánh?
Cơ quan điều tra Công an quận Tân Phú chưa làm rõ mối quan hệ giữa các bị cáo Bằng và Tòng như thế nào với tổ CSGT Công an quận Tân Phú vào thời điểm xảy ra mâu thuẫn, chưa làm rõ cơ chế gây chấn thương sọ não khiến nạn nhân Hiền tử vong trong lúc vẫn đội mũ bảo hiểm.
Do có quá nhiều tình tiết cần phải làm sáng tỏ, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án về Cơ quan CSĐT điều tra lại từ đầu.
Công Quang – Quốc Anh
Theo Dantri
Vụ bị đánh chết sau khi cãi với CSGT: Quá nhiều uẩn khúc
Nhậu say, bị lập biên bản nên anh Hiền tức giận, cự cãi với tổ CSGT. Tuy nhiên, khi đón xe ôm đi được 300m để về nhà thì anh Hiền bị hai thanh niên lạ mặt đuổi theo đánh đến tử vong.
Vô cớ bị đánh chết sau khi cãi với CSGT
VKSND Q.Tân Phú (TPHCM) vừa hoàn tất cáo trạng để chuyển TAND cùng cấp đưa ra xét xử vụ án "bỗng dưng bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT" từng gây xôn xao dư luận. Cáo trạng truy tố bị cáo Lê Thanh Bằng (47 tuổi, quê huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) và Võ Văn Tòng (18 tuổi, quê huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cùng ngụ quận Tân Phú) về tội: "Cố ý gây thương tích". Đây là 2 đối tượng trực tiếp đánh anh Trần Văn Hiền (42 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đến tử vong.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 18h ngày 9/4, 3 anh: Trần Văn Hiền và Trần Văn Hậu, Ngô Quang Ý rủ nhau đi nhậu tại quán Phương Cát trên đường Lê Trọng Tấn. Mỗi người uống khoảng hơn 5 chai bia thì tính tiền đi về lúc 21h.
Lúc này, đối diện quán nhậu có một chốt CSGT đang làm nhiệm vụ. Khi xe của 3 người rẽ trái qua bên kia đường thì bị CSGT chặn lại kiểm tra 2 xe của anh Hiền và anh Ý. Sau khi bị chặn lại kiểm tra, anh Ý và anh Hiền bị kiểm tra nồng độ cồn. Sau đó, xe của anh Ý và anh Hiền bị lập biên bản tạm giữ. Anh Hiền có hành vi đưa tiền hối lộ cho CSGT xin "bỏ qua", nhưng bị lực lượng làm nhiệm vụ từ chối.
Do uống nhiều bia nên anh Hiền và anh Ý có cự cãi với CSGT. Anh Hiền có dọa chụp hình CSGT bằng điện thoại dù điện thoại của anh Hiền là loại không có chức năng chụp hình.
Cái chết oan ức của anh Hiền khiến nhiền người bàng hoàng (Ảnh: T.Trần)
Lúc này anh Hậu về nhà thì nghe điện thoại của anh Hiền báo là bị CSGT bắt xe, nên nhờ một người tên là Bé Ba chở bằng xe máy ra hiện trường. Đến nơi, thấy anh Ý và Hiền đang cãi nhau với CSGT nên khuyên 2 người đi về vì đã lập biên bản vi phạm rồi.
Do nhà ở quận Gò Vấp nên anh Ý kêu xe ôm gần đó về nhà. Anh Hậu được Bé Ba chở về nhà bằng xe máy của Bé Ba. Anh Hiền cũng kêu xe ôm gần đó chở về nhà.
Tuy nhiên, khi xe ôm chở anh Hiền đi khoảng chừng 300 mét (tính từ chỗ bị bắt xe) thì có 2 thanh niên mặc thường phục đi trên một chiếc xe SH từ đằng sau đuổi theo.
Khi đuổi theo kịp xe ôm đang chở anh Hiền thì 2 thanh niên liền dùng tay đánh làm anh Hiền ngã xuống đường. Thấy vậy, anh xe ôm sợ quá nên bỏ chạy luôn. Hai thanh niên kia tiếp tục đánh anh Hiền. Bị đánh đau, anh Hiền kêu "Đại ca ơi, tha cho em đi". Sau khi đánh nạn nhân xong thì 2 thanh niên lên xe SH rời khỏi hiện trường. Anh Hiền tử vong sau đó.
Ngày 16/4, hai đối tượng đánh anh Hiền vỡ sọ não xin ra đầu thú là Lê Thanh Bằng và Lê Văn Tòng. Ngày 22/4, Cơ quan CSĐT- Công an quận Tân Phú, TPHCM tống đạt quyết định khởi tố điều tra vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Bằng và Tòng. Theo lời khai của Bằng và Tòng thì thấy anh Hiền đã say, vi phạm giao thông mà còn cãi với CSGT nên đuổi theo để đánh "dằn mặt" nhưng không ngờ nạn nhân tử vong.
Quá nhiều uẩn khúc
Sau khi có kết luận điều tra của công an, VKSND Q.Tân Phú cũng đã hoàn tất cáo trạng truy tố Bằng, Tòng về tội: "Cố ý gây thương tích". Vụ án đang được TAND Q.Tân Phú chuẩn bị đưa ra xét xử. Tuy nhiên, những người đại diện hợp pháp của bị hại Trần Văn Hiền trong vụ án này là bà Nguyễn Thị Thêm, Mã Thị Sáng và Trần Văn Thoại cho biết, vụ án còn quá nhiều khuất tất cần được làm rõ để anh Hiền "thanh thản nơi chín suối".
Hiện trường nơi anh Hiền bị đánh dẫn đến tử vong (Ảnh: T.Trần)
Theo cáo trạng, động cơ gây án của Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng là do bức xúc khi nghe anh Hiền cự cãi với CSGT, nên mới đuổi theo đánh gây ra cái chết cho anh Hiền là quá mờ nhạt. Trong khi đó, hồ sơ vụ án thể hiện Bằng không có quen biết hay mâu thuẫn gì với nạn nhân, còn Tòng thì có quen anh Hải - CSGT trong ca trực hôm đó. CSGT dùng bãi xe của Bằng để lập chốt. Bằng và vợ của Bằng cũng thừa nhận là có quen biết với một số CSGT này.
Việc Tòng bất ngờ đến xem CSGT xử lý vi phạm lúc gần 10h đêm, việc anh Bằng đang đi nhậu, nhưng nhận được tin nhắn của vợ liền vội về nhà và tình cờ gặp anh Hiền đang cự cãi. Sẵn có Tòng ngồi ở đó, nên Bằng rủ Tòng đuổi theo đánh anh Hiền, mặc dù Tòng mới quen Bằng có 3 ngày là những tình tiết chưa được kiểm chứng, không đáng tin cậy. Liệu có hay không việc có đồng phạm trong vụ án này?.
Một điều "kỳ lạ" nữa là chiếc xe gắn máy biển số 54K2-6655 là phương tiện gây án do Bằng sử dụng nhưng Cơ quan CSĐT quyết định trả lại cho bà Phan Thị Thùy Trang (vợ Bằng) dù không có chứng cứ xác định chiếc xe gắn máy là tài sản riêng của bà Trang.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TPHCM, vụ án còn nhiều điều phải được làm rõ như: có hay không việc cự cãi, cự cãi với ai; bị đánh bằng tay, không gây chấn thương sọ não mà dẫn đến cái chết là không có cơ sở y học; Không thể vô cớ đánh người dẫn đến cái chết oan ức cho anh Hiền...
Luật sư Hưng phân tích, kết luận điều tra vụ án cho biết, bản tường trình của các CSGT thì không ai thừa nhận có cự cãi trực tiếp với Hiền, trong đó có 3 CSGT (Lê Cao Thanh Hoàng, Nguyễn Minh Hải và Nguyễn Thành Công) chỉ nghe anh Hiền cự cãi ở cổng 512 Lê Trọng Tấn, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú (nhưng không nghe rõ nói gì, và cự cãi với ai). Số CSGT còn lại thì không hề nghe thấy việc cự cãi này. Lúc xảy ra vụ án, có rất nhiều người dân vi phạm giao thông chứng kiến nhưng không có ai được mời làm nhân chứng.
Cho rằng cáo trạng và kết luận điều tra chưa làm rõ bản chất sự việc,
gia đình nạn nhân kiến nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để đảm bảo tính khách quan
Theo kết luận giám định pháp y thì anh Hiền chết do chấn thương sọ não: "Vùng đầu: bầm tụ máu dưới vùng chẩm - thái dương- trái, kích thước 7x4cm...". Theo lời khai của nhân chứng chứng kiến việc đánh nhau và lời khai của cán bộ công an khu vực (Bút lục 156) thì khi anh Hiền bị đánh nằm bất tỉnh, đầu vẫn còn đội mũ bảo hiểm. Theo báo cáo khám nghiệm hiện trường ngày 10/4/2013 nhận định: "đối tượng dùng tay đánh vào đầu nạn nhân gây chấn thương sọ não". Theo biên bản khám nghiệm tử thi (Bút lục 65) thì xương hộp sọ, xương mặt, tứ chi của nạn nhân không có tổn thương.
"Như vậy, 4 cú đánh bằng tay không (3 đấm và 1 cùi chỏ) đánh vào vùng mặt của nạn nhân (theo kết quả điều tra) và không gây tổn thương bên ngoài (theo kết quả khám nghiệm tử thi) nhưng gây chấn thương sọ não (chảy máu trong) và dẫn đến cái chết cho nạn nhân là không cơ sở y học. Rất cần dựng lại hiện trường vụ án", luật sư Hưng nói.
Chính vì những "uẩn khúc" trên, người nhà của nạn nhân Hiền đã có đơn kiến nghị đến tòa án xem xét trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhằm xác định sự thật khách quan vì vụ việc có liên quan đến một số cán bộ CSGT- Công an quận Tân Phú.
Công Quang - Quốc Anh
Theo Dantri
Ca tử hình bằng tiêm thuốc độc đầu tiên tại TPHCM Sáng 16-12, TAND TP HCM phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thi hành án tử hình đối với phạm nhân Trần Quốc Tuấn (SN 1977, ngụ quận 8, TP HCM) về 2 tội giết người, cướp tài sản. Đây là phạm nhân đầu tiên tại TP HCM bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Hội đồng thi...