Hoãn thông qua luật Đất đai sửa đổi
Với quá nửa số đại biểu đề nghị lùi thời diểm thông qua dự thảo luật Đất đai sửa đổi, Quốc hội đã thống nhất hoãn việc biểu quyết thông qua luật này tới kỳ họp cuối năm nay (tháng 10/2013).
Chiều 20/6, UB Thường vụ Quốc hội gửi tới các đại biểu tờ trình về thời gian thông qua dự án luật Đất đai sửa đổi. Tờ trình nêu rõ, kết quả xin ý kiến các đại biểu Quốc hội cho thấy, có 292/348 vị đại biểu đề nghị thông qua luật tại kỳ họp sau vào tháng 10 năm nay, để luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.
Lý do đưa ra, dự thảo luật Đất đai sửa đổi là một đạo luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và người dân. Một số nội dung của dự thảo luật có liên quan dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trong khi đó, dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn đang được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Một nội dung trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa thuyết phục được Quốc hội là quy định về thu hồi đất.
Video đang HOT
Vì vậy, UBThường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép thông qua dự án luật Đất đai sửa đổi sau khi thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay, và lùi thời điểm xác định hiệu lực thi hành của luật nửa năm (theo dự kiến, nếu luật được thông qua tại kỳ họp này thì sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2014), như ý kiến của đa số đại biểu.
UB Thường vụ Quốc hội nhận định, từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới, các cơ quan có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo luật tốt hơn và chuẩn bị các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính khả thi của luật.
Một vấn đề khác, đa số đại biểu cũng đề nghị Quốc hội có nghị quyết về việc kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân.
Theo đó, để thay vào nội dung phiên biểu quyết thông qua luật Đất đai sửa đổi diễn ra vào chiều nay, 21/6, như dự kiến, đoàn thư ký kỳ họp bố trí chương trình để Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân theo đề xuất của đại biểu.
Nhiều nội dung trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi cho đến phiên thảo luận đầu tuần này vẫn thể hiện những ý kiến rất khác nhau mà nhiều đại biểu cho rằng ban soạn thảo chưa giải trình thuyết phục. Phiếu xin ý kiến các đại biểu được thiết kế sau đó cũng nêu 12 nội dung thăm dò sự tán thành về vấn đề sở hữu, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Theo Dantri
Muốn đá bóng, đừng thổi còi!
Hôm qua, 17-6, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Các ý kiến tập trung vào những vấn đề gây nhiều bức xúc hiện nay như giá bồi thường còn thấp; thu hồi đất thực hiện dự án kinh tế; doanh nghiệp "ôm" đất rồi bỏ hoang...
Cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho người dân tại bộ phận một cửa quận Ba Đình, Hà Nội
Thu hồi hay thỏa thuận?
Bàn về thu hồi đất, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nói, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh được các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Còn những dự án kinh tế đơn thuần, vì lợi ích của nhà đầu tư thì để nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) có góc nhìn ngược lại: "Thực tế, các dự án phát triển kinh tế - xã hội để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân về giá sẽ không thực hiện được. Do vậy, để thuận lợi trong việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội và tạo được sự đồng thuận của người dân, tôi thống nhất, giá đất bồi thường phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường."
Tiếp tục tranh luận về vấn đề thu hồi đất, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) năm 1992 quy định "quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ". Ông lập luận: "Khi Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất cần được bảo hộ. Vì lý do phát triển kinh tế, Nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đó. Đây là trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải là trưng mua đất."
Đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc... ĐB Trần Ngọc Vinh cho rằng, không thể "đánh đồng với thu hồi đất". "Tại sao chúng ta không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này?" - ông Trần Ngọc Vinh nêu vấn đề. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đồng tình: "Về tài sản, phải bồi thường thiệt hại thoả đáng cho người dân theo nguyên tắc thoả thuận bằng một quyết định hành chính riêng."
Điểm nghẽn giá đất
Một mặt kiến nghị nâng mức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, ĐB Trần Ngọc Vinh đánh giá, nội dung về giá đất trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này vẫn là một... điểm nghẽn, không có bước đột phá căn bản. Ông nói thẳng: "Giá đất phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Không thể để tình trạng giá đền bù cho dân thấp, còn các nhà đầu tư được lợi rất lớn, có khi cao gấp hàng trăm lần nếu bán cho người khác."
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) có cùng mối quan tâm: "Người dân hiện quan tâm nhất đến vấn đề giá đất. Để gỡ nút thắt này, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần xác định được giá đất theo cơ chế thị trường. Hiện nay, việc định giá đất chưa hợp lý, cần giao cho một cơ quan độc lập chuyên nghiệp bảo đảm công bằng, thỏa đáng." ĐB Trần Ngọc Vinh cùng quan điểm: "Cần xây dựng một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai, tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng, vừa thổi còi."
Cũng liên quan tới tài chính đất đai, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm của các tổ chức bỏ đất đai hoang hóa, gây lãng phí lớn. Bà đề xuất: "Nhà đầu tư bỏ hoang đất phải nộp thuế lũy tiến. Sau 24 tháng nộp thuế, nếu vẫn không đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi mà không bồi thường gì." ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà còn đề nghị, trước khi được giao đất, cho thuê đất, chủ đầu tư phải ký quỹ. Đây có thể xem như điều kiện để chứng minh năng lực tài chính, nhằm đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án.
Nhấn mạnh "cấp "sổ đỏ" hiện nay còn quá nhiều sai sót và chủ yếu do lỗi của các cơ quan Nhà nước, ĐB Nguyễn Thanh Thụy cho rằng, Nhà nước phải có trách nhiệm khắc phục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bà nói: "Phải quy định một điều về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc sửa chữa, đính chính, khắc phục các sai sót khi cấp "sổ đỏ" cho người sử dụng đất..."
Giải đáp băn khoăn cho hàng triệu nông dân, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đồng tình kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm để người nông dân gắn bó với đồng ruộng, yên tâm đầu tư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Cũng về vấn đề này, ĐB Ngô Văn Minh kiến nghị, Quốc hội xem xét thông qua dự luật theo chương trình đã định (trong kỳ họp này - PV), bởi "nếu để chậm trễ thêm nữa sẽ không kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn". Trong đó, có việc phải xử lý thời hạn 20 năm giao quyền sử dụng đất cho hàng chục triệu người, sẽ hết vào tháng 10 năm 2013.
Theo ANTD
Đắng lòng cưỡng chế... án ly hôn Những tưởng để giành quyền nuôi con chung, vợ chồng chỉ khó "phân chia" ở Tòa án. Nhưng sự thật thì sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, nhiều vụ con không thể trở về với cha hoặc mẹ - những người được quyền nuôi dưỡng vì nhiều lý do... (Ảnh minh họa) Cưỡng chế thi hành án khi trẻ không...