Hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường
Đồng Nai hiện có mạng lưới quan trắc môi trường các thành phần: nước (nước mặt, nước ngầm), đất, không khí. Mạng lưới này sẽ không hoàn thiện nếu thiếu quan trắc đa dạng sinh học (ĐDSH).
Cao cát bụng trắng, loài chim quý ở rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai. Ảnh: LamJiang
Năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt đề án Quy hoạch tổng thể mạng lưới ĐDSH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Việc triển khai đề án còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đây là nỗ lực của tỉnh trong xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường; là cơ sở cho ngành chức năng xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững ĐDSH.
* Hệ thống cảnh báo sớm
Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, đề án quy hoạch tổng thể ĐDSH đã có, tuy nhiên để triển khai thực hiện và lắp đặt quan trắc ĐDSH còn nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Thứ nhất, nguồn ngân sách chi cho công tác bảo vệ môi trường hằng năm phải ưu tiên các dự án cấp thiết hơn như: lắp quan trắc môi trường nước thải tại các khu công nghiệp, sông hồ; lắp đặt quan trắc môi trường không khí ở khu vực sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, nơi có mật độ giao thông cao; đầu tư hệ thống thoát nước chống ngập, xử lý nước thải đô thị; thu gom, xử lý chất thải các loại và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Thứ hai, Luật ĐDSH quy định các địa phương phải xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH và điều tra, đánh giá bổ sung, cập nhật hiện trạng ĐDSH thường xuyên, tuy nhiên đến nay, các ngành chức năng chưa có hướng dẫn về quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ quan trắc phải lắp đặt. Thứ ba, chi phí đầu tư điểm quan trắc tốn kém.
“Hệ thống quan trắc ĐDSH vừa bổ trợ cho công tác điều tra, giám sát vừa có thể đưa ra các dự báo, cảnh báo về mối nguy cơ đối với môi trường” – bà Dương cho hay.
Cùng với các phương pháp quan sát khác, các điểm quan trắc ĐDSH tự động liên tục hoặc theo cho kỳ sẽ giúp việc ghi nhận âm thanh, hình ảnh, số lượng các loài, diễn biến sinh trưởng tốt hơn. Đây là cơ sở để đưa ra các cảnh báo sớm về hiện tượng suy thoái hệ sinh thái; xây dựng các biện pháp bảo tồn, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
* Bảo tồn và phát triển hệ sinh thái
Theo Sở TN-MT, mặc dù công tác bảo tồn và phát triển hệ sinh thái ngày càng được quan tâm, nhưng hiểu biết về đặc tính của từng loài còn hạn chế, nghiên cứu xác nhận sự hiện diện của một số loài đặc thù mất nhiều thời gian và kinh phí nên cần thiết phải thiết lập mạng lưới quan trắc ĐDSH tại các khu vực có hệ sinh thái đa dạng, cập nhật dữ liệu tài nguyên thiên nhiên thường xuyên.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2028, Sở TN-MT sẽ thực hiện kiểm kê, cập nhật tài nguyên ĐDSH trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm kê được thực hiện thông qua quan sát thực tế và điểm quan trắc ĐDSH. Nội dung bao gồm lập danh mục hiện trạng, phân bố, diễn biến của các hệ sinh thái và từng loài động, thực vật; đánh giá tác động của con người, quản lý đất đai đến ĐDSH.
Ông Lê Thuần Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho rằng, mỗi năm, diện tích cây xanh của khu vực rừng ngập mặn đều tăng thêm; cùng với đó là sự xuất hiện nhiều loài động, thực vật mới. Nếu có hệ thống quan trắc ĐDSH tự động, có cơ sở dữ liệu của các loài, đặc tính sinh trưởng, thì đơn vị sẽ không mất nhiều thời gian thử nghiệm các giống cây trồng dưới nước, dễ dàng lựa chọn phát triển một số loài động vật phù hợp với môi trường tự nhiên, phát triển ĐDSH và du lịch sinh thái.
Gian nan bảo vệ môi trường vùng khai thác khoáng sản
Đồng Nai có gần 50 mỏ khai thác khoáng sản. Thời gian qua, nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác hại của hoạt động khai thác khoáng sản đến môi trường đã được triển khai nhưng ô nhiễm không khí và mất an toàn giao thông ở vùng khai thác và vận chuyển khoáng sản vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Xe tải ben vận chuyển đất, đá tại đường chuyên dùng ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa)
* Ảnh hưởng đời sống người dân
Ở P.Phước Tân, TP.Biên Hòa, một trong những nơi tập trung nhiều mỏ khai thác khoáng sản, phần lớn người dân đều bức xúc vì bụi và mất an toàn giao thông ở các cung đường vận chuyển đất đá.
Ông Nguyễn Văn Sáng, hộ dân sinh sống nhiều năm ở KP.Miễu, P.Phước Tân cho biết, quá trình khai thác, nghiền và vận chuyển đá của các mỏ khoáng sản trong vùng phát sinh rất nhiều bụi. Nhiều hộ gia đình ở hai bên đường chuyên dùng, quốc lộ 51 đoạn từ chợ Phước Tân đến Dốc 47 phải đóng cửa kín mít vì bụi, có kinh doanh cũng ế ẩm.
Chị Lê Thị Thu Ngân, giáo viên một trường học trên địa bàn P.Phước Tân chia sẻ, mỗi ngày chị đi làm đều phải qua ngả đường chuyên dùng. Lúc nào cũng thấy xe chở đá chạy trên đường, nhiều khi đèn đỏ nhưng xe ben vẫn rẽ phải gây tắc đường và nguy hiểm cho các phương tiện đi thẳng. Nguy hiểm nhất là khu vực ngã ba Sân golf Long Thành (giao giữa quốc lộ 51 với đường Nam Cao), đường xuống cấp, nắng bụi, mưa đọng nước, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, mặc dù các chủ cơ sở khai thác khoáng sản đã áp dụng nhiều biện pháp như: phun xịt nước ở khu vực khai thác, đường chuyên chở; làm đường chuyên dùng, vệ sinh các tuyến đường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng bụi do nghiền và sàng đá, xe vận chuyển làm rơi vãi vật liệu xuống đường vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Có thể nói, ô nhiễm môi trường không khí, mất an toàn giao thông là tình trạng chung ở các khu vực có nhiều mỏ khai thác khoáng sản. Mong muốn của người dân quanh các khu vực này là cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác và vận chuyển khoáng sản để giảm bớt bụi, giảm tai nạn giao thông.
* Nhiều giải pháp đang được triển khai
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng được coi trọng. Cụ thể, tỉnh đã ban hành quyết định về khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản, quy định cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản, thành lập hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu phí, thuế và yêu cầu ký quỹ phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản.
Ông Lê Văn Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho hay, quá trình khai thác khoáng sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Chẳng hạn khi bóc tầng phủ khai thác đá, chủ đầu tư phải kết hợp với việc đắp bờ bao, trồng cây xanh. Khu vực nghiền, sàng đá phải được phun xịt nước thường xuyên. Xe vận chuyển khoáng sản ra khỏi mỏ phải được xịt rửa bánh xe để hạn chế phát tán bụi. Khu vực xịt rửa phải lắp đặt camera giám sát và truyền tải dữ liệu về Trung tâm Công nghệ thông tin và môi trường (Sở TN-MT) để giám sát thường xuyên. Chủ đầu tư phải làm đường bê tông kết nối với đường chuyên dùng và các tuyến đường chung để vận chuyển khoáng sản.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến nhưng còn phức tạp, đặc biệt 2 cụm mỏ lớn ở TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu. Do đó, thời gian tới, Sở TN-MT và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện chuyên đề bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, hoàn thiện đề án đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản làm cơ sở đánh giá tổng thể tình trạng ô nhiễm môi trường của các đơn vị khai thác khoáng sản và đề xuất giải pháp xử lý triệt để. Sở TN-MT chủ trì yêu cầu các chủ đầu tư lắp đặt camera giám sát tại khu vực vệ sinh phương tiện vận chuyển; tăng cường thanh tra, giám sát việc cải tạo môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản; đề xuất quy trình khai thác vật liệu san lấp, quy hoạch khai thác khoáng sản giai đoạn 2020-2030.
Khó khăn trong phân loại rác tại nguồn Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tại Đồng Nai, đề án phân loại rác tại nguồn (PLRTN) được thí điểm lần đầu năm 2008, đến năm...